Bài thuốc chính chữa hậu thiên khí huyết

BỔ TRUNG ÍCH KHÍ THANG
Lý Đông Viên chế ra bài này, vốn do bài Chỉ truật hoàn của Khiết Cổ lão nhân mà biến hóa ra. Các phép gia giảm đều có ý nghĩa rất tinh vi và quy tắc rất nghiêm. Nếu bệnh biểu hư, sợ phong hàn, nên tăng phân lượng vị Hoàng kỳ.
Nộn Hoàng kỳ (tẩm mật, nướng) 1 đồng 5 phân
Nhân sâm (dùng Bố chính sâm) 1 đồng cân
Trần bì (để xơ trắng, sao giòn) 7 phân
Kê cước truật 1 đồng 5 phân
Quy thân (rửa rượu, tẩm mật đồ) 1 đồng cân
Thăng ma (chọn thứ xanh, chất nhẹ) 1 đồng cân
Sài hồ (chọn thứ nhỏ, chất nhẹ) 5 phân
Cam thảo (tẩm mật nướng) 5 phân
Sinh khương 3 nhát
Giao táo 2 quả
Bấy nhiêu vị hợp làm một thang, sắc uống nóng


  • Chữa các chứng nội thương phát sinh bởi nhọc mệt, bảy tình và uống ăn (Tạng, Phủ, Chi, Thể đều nhờ khí của Tỳ, Vị. Làm lụng nhọc mệt và uống ăn quá độ làm thương đến Tỳ Vị, thời các cơ quan khác mất khí bồi dưỡng mà sinh ra tật bệnh); mình nóng, tay chân mỏi mệt mà nóng (Tỳ chủ tứ chi, nóng tức là chứng “Ngũ Tâm phiền nhiệt”)
  • Tính của hỏa dẫn trở lên; nếu bị uất không đạt lên được thời cháy ráo chân âm, do đó da, thịt, gân xương đều phát nóng. Nếu các thứ ăn uống nén lấp bộ phận chí âm, thời khí thanh dương không dẫn lên được, nên không phát triển được nhiệm vụ truyền hóa
  • Kinh nói: “... hỏa uất thời làm cho nó phát ra...”. Bởi cái tính của hỏa, khêu lên thời sáng, nén xuống thời tắt, giờ bị thức ăn chèn nén, thời cái cơ năng sinh hóa hầu như không còn nữa. Nếu làm cho khí thanh dương được tiết lên khiếu trên, khí trọc âm sẽ tự nhiên giáng xuống khiếu dưới, thời sự tiêu hóa không bị chèn ép nữa
  • Lý Đông Viên hiểu rõ cái nhiệm vụ của Tỳ Vị, nên lập ra phương pháp chữa nhằm đúng hướng “thăng dương”. Các ông lang băm chỉ biết làm cho giáng mà không biết làm cho thăng, như vậy là vô tình dập tắt bỏ Thiếu hỏa, còn mong sống sao được?



Hoặc bì phu không chịu được phong hàn mà phát sinh chứng hàn nhiệt, trong tâm bực dọc không yên (dương khí giáng xuống thời âm hỏa lấn lên, cho nên nhiệt và bực dọc, nhưng không phải là thực nhiệt đâu); nhức đầu (đầu là nơi tụ hội của các khí dương, khí thanh dương không thăng lên được thời khí trọc âm sẽ dồn ngược, nên mới nhức đầu; chứng nhức đầu này lúc nhức lúc không, khác với chứng nhức đầu ngoại cảm, nhức liên miên không dứt), 
  • Sợ lạnh, đổ mồ hôi (dương hư không vệ ngoài được nên mới có hiện tượng đó), biếng nói (do khí hư), cử động thì mệt, thở, sợ ăn (Tỳ hư); mạch hồng, đại mà hư hoặc vi, tế, nhuyễn, nhược; hơi thở mạnh, suyễn (vì Tỳ hư, hỏa phạm lên Phế cho nên suyễn), hoặc khát nước không ngừng (kim bị hỏa đốt không sinh ra thủy được, cho nên khát nước); hoặc nội nhiệt (nóng bụng) và mình đau; hoặc dương hư biểu nhiệt nên uống bài này gia Ma hoàng căn, Phù tiểu mạch; Thăng, Sài đều tẩm mật sao qua, ý muốn cho nó dẫn Sâm, Kỳ tới bộ phận Biểu).
  • Có thuyết nói: Thăng Sài chỉ nên dùng ít thôi, nên tẩm mật sao thì ngọt và chậm, đạt biểu sao được? Đông Viên nói: lấy tay rờ mà ngoài da nóng là chứng đạt biểu, chỉ dùng nguyên bài này, bệnh nặng uống luôn một ngày hai thang, ra được mồ hôi dâm dấp thì thôi; đó không phải là phương pháp chính làm cho ra mồ hôi, chỉ vì biểu nhiệt, khi âm, Dương được điều hòa thời tự nhiên mồ hôi toát ra. Đó là chủ về sự lao lực hoàn toàn làm thương khí, khiến cho cơ biểu không có mồ hôi thì nên chữa như vậy.
  • Lại một phép: khẽ rờ tay vào thời thấy nóng, ấn tay mạnh xuống thì không thấy nóng, đó là nhiệt ở bộ phận bì mao huyết mạch. 
  • Nếu ấn tay mạnh xuống sát gần xương mới thấy nóng hầm hập, nhấc tay nhẹ lên thời không thấy nóng nữa, như vậy là nóng trong xương tủy. 
  • Nếu khẽ rờ tay vào da thời không thấy nóng, ấn nặng tay xuống thời thấy hơi nóng. Không ấn nặng tay mà thấy nóng, là nhiệt ở phía trên gân xương; phía dưới bì phu huyết nhục, là nóng tại khoảng cơ nhục. (Nóng tại khoảng cơ nhục chính là chứng nhiệt do nội thương nhọc mệt mà phát sinh), 
Hoặc trung khí hư không giữ được huyết thì huyết đi càn, sẽ phát sinh các chứng thổ huyết, tiện huyết, hoặc chứng sốt rét lâu ngày (khí huyết đều hư thời nhiệt không dứt)
Hoặc Tỳ hư sinh ra tả, lỵ lâu ngày (do khí thanh dương hãm xuống); và hết thảy các chứng thanh dương hạ hãm, trung khí không đầy đủ, no đầy khó chịu, bĩ, tích, quan cách và phúc thống, v.v ... (Có thuyết nói: chữa cả đàn bà con gái kinh nguyệt không đều, là một phương pháp lớn “huyết thoát thời ích khí”).

Công năng


  • Kinh nói: “... có trường hợp vì nhọc mệt, khiến cho hình khí kém sút, cốc khí không thịnh, tại thượng tiêu không dẫn tới, tại hạ quản không lưu thông, phát sinh chứng Vỵ khí nóng, khí nóng đó hun lên trong ngực, cho nên thành chứng nội nhiệt...”
  • Thiên Điều khí nói: “... lao thời khí háo”; vì lao thời suyễn và mồ hôi ra; trong ngoài đều vượt ra nên mới thành khí háo, mừng giận không dè dặt, khởi cư không đúng mức, làm lụng quá độ, phạm phải một điềm nào đó đều tổn đến khí. Khí suy thời hỏa vượng, hỏa vượng thì lấn tràn tới tỳ thổ. Tỳ chủ tứ chi, cho nên tứ chi mới mỏi mệt và nóng, không có khí lực để cử động, biếng nói, làm lụng thời mệt và thở suyễn; biểu nhiệt sợ lạnh, đổ mồ hôi, tâm phiền không yên (đó tức là lao dịch thương).
  • Trong khi mắc bệnh, nên tĩnh tâm ngồi lặng, trước hãy nuôi lấy khí, rồi dùng các vị cam hàn để tả nhiệt hỏa, lại dùng các vị chua để thu liễm cái khí đã tan ra, rồi dùng các vị cam ôn để bổ ích cho trung khí. Kinh nói: “... lao thời nên ôn, tổn thời phải ích...” tức là nghĩa đó. (Người thường mạch đại là lao, mạch cực hư cũng là lao. Bệnh lao, mạch phù đại, tay chân phiền nhiệt, Xuân Hạ nặng, Thu Đông bớt. nên điều trị bằng bài Hoàng kỳ kiến trung thang, đó cũng là theo cái nghĩa “làm cho ôn” đó. Bài Bổ trung ích khí thang của Lý Đông Viên, một vị Đương quy cũng làm theo cái nghĩa của bài Kiến trung, một vị Hoàng kỳ là theo cái phép của bài Bổ huyết.
  • Vỵ là cái bể chứa cơm nước; uống ăn vào Vỵ tinh khí tràn lan, trên thời đưa lên tâm phế, dưới thời dồn xuống Bàng quang. Nếu uống ăn không dè dặt, lạnh nóng không chừng mực, Tỳ, Vị sẽ bị thương. 
  • Mừng giận, lo sợ làm tổn nguyên khí Tỳ, Vỵ, khí đã lui, nguyên khí không đủ, thời hỏa sẽ độc thịnh. Cái hỏa đó là âm hỏa, phát sinh từ hạ tiêu, là kẻ thù của nguyên khí. Tráng hỏa thì tổn hại khí, Thiếu hỏa thì sinh khí. Hỏa với nguyên khí không thể cùng tồn tại, một bên được thời một bên thua.
  • Tỳ, Vỵ hư thời dồn xuống can, thận (dần đi đến các chứng nuy, quyết và khí nghịch) gọi là “Trùng cường”. Âm hỏa lấn được lên thổ vị, do đó mới phát sinh các chứng hậu của tỳ như: hơi thở mạnh mà suyễn, mình nóng mà phiền, mạch hồng đại mà nhức đầu, hoặc khát mãi không dứt, bì phu không chịu được phong hàn mà phát sinh nóng lạnh, ... 
  • Bởi cái khí của Tỳ, Vỵ dồn xuống, khiến cho cốc khí không thăng phù lên được, do đó cái quy luật xuân sinh không phát triển, sẽ không có dương để giữ gìn Vinh vệ, nên mới không chịu nổi phong hàn mà có hiện tượng nóng lạnh. Đó đều là do khí của Tỳ, Vỵ không đầy đủ mà gây nên.
Tuy nhiên, đem mà so sánh với chứng Ngoại cảm thời có vẻ giống nhau mà thực là khác. Chứng nội thương Tỳ, Vỵ là thương ở “khí”, còn chứng ngoại cảm phong hàn là thương tới “hình”. 
Thương vào bộ phận ngoài là “hữu dư”, hữu dư thời nên tả. Thương vào bộ phận trong là “bất túc”, bất túc thời nên bổ. Các phương pháp như hãn, thổ, hạ, v.v.. đều là tả; các phương pháp như ôn, hòa, điều dưỡng, v.v... đều là bổ.
  • Bệnh nội thương bất túc nếu lầm là ngoại cảm hữu dư, dùng phương pháp để tả, thời đã hư lại làm cho hư thêm. Chỉ nên dùng những bài khí vị cay, ngọt, ấm để bổ trung khí, cho dương thăng lên thời sẽ khỏi. Kinh nói: “...Khí vị cam ôn có tác dụng trừ được đại nhiệt”, rất kỵ khổ hàn, vì nó có thể làm tổn Vỵ khí.
  • Bốn tạng có sự nhọc, đều gây nên nội thương, vậy mà bài Bổ trung chỉ chuyên chủ về Tỳ Vỵ, bởi Tỳ Vỵ là cái gốc của hậu thiên nguyên khí (Thận là gốc của Khí, Phế là chủ của Khí, Vỵ là nơi sinh ra khí). Nhưng nếu không nhờ được cái khí của Tiên thiên thời không lưu hành được
  • Bài thuốc này chỉ vì khí đó do nhọc mệt mà hãm xuống, ở bộ phận Can, Thận, thanh khí không lên, trọc khí không xuống, cho nên trong các vị thuốc lấy thăng làm giáng. Thăng rồi giáng, giáng rồi thăng, để bổ ích Tiên thiên ở trong Hậu thiên (Tâm, Phế ở trên; Can, Thận ở dưới, Tỳ, Vỵ ở khoảng giữa làm chủ cho khí của cả bốn tạng. 
  • Thứ khí vô hình ở trung tiêu có tác dụng làm ngấu nhừ cơm nước và thăng giáng xuất nhập...nó chính là khí của Tiên thiên, cho nên dùng Thăng ma khiến cho nó từ phía dưới nách bên hữu mà dẫn lên. Nhưng nếu không nhờ cái sức của Sâm, Kỳ thì không đủ sức dẫn lên được. Nên chỉ bài thuốc này mới có công năng bổ Tiên thiên ở trong Hậu thiên).
Trong thân thể con người, lấy Tỳ, Vỵ làm chủ, Vỵ giữ chức năng thu nạp, Tỳ giữ chức năng vận hóa; một bên nạp, một bên vận hóa sinh tinh khí; Tân dịch thăng lên, cặn bã giáng xuống, đều được như vậy sẽ không mắc bệnh.

  • Uống ăn vào vỵ, cũng như cơm nước ở trong nồi, không có lửa thời không chín được; Tỳ tiêu hóa được thức ăn, đều nhờ Thiếu dương Tướng hỏa là vật vô hình ở Hạ tiêu làm ngấu nhừ mới có thể vận hóa được.
  • Gặp chứng hậu như vậy nếu cho uống loại thuốc hàn lương, thời các thức ăn uống kia không tiêu hóa được nữa. Bởi cái hỏa ở trong Tỳ Vỵ tức là cái hỏa ở trong Thổ, ở phương pháp nạp âm, gọi là “lửa ở trong bếp lò”; Lửa trong bếp lò phải năng thêm củi, ủ luôn để giữ lấy than thời lửa mới còn, nếu tưới nước lạnh vào thời lửa sẽ tắt ngay, còn lấy gì để nấu cho nhừ cơm nước; còn lấy gì để gây thành ánh sáng, mở mắt chung quanh khác chi quang cảnh địa ngục. Vậy ta lại không nên chú trọng đến cái nghĩa “ôn dưỡng” đó sao?
Nghĩa chữ “Bổ trung” tức là bổ trung châu, mục đích để bồi đắp thêm vào cái gốc của Hậu thiên nguyên khí. Các chứng hư không đầy đủ, trước phải bồi bổ trung châu đã. Người ta từ năm mươi tuổi về sau, khí giáng thường nhiều, khí thăng thường ít, nếu là người khí bẩm vốn yếu, nội thương nguyên khí, thanh dương bị sụp xuống thời bài này là thánh dược.

  • Ty, Vỵ thuộc Thổ, là bể của thủy cốc; sự sinh thành của năm tạng đều phải nhờ nó, là nhờ cái khí sinh phát của nó để vận chuyển đi lên, cho nên từ Vỵ sang Tỳ, từ Tỳ tới Phế rồi sinh trưởng muôn vật, thấm nhuần toàn thân... dù là thổ của trời đất, khí cũng như vậy. 
  • Phàm thổ ở mùa Xuân, Hạ sở dĩ có tác dụng sinh trưởng, là vì nó nhờ được dương khí mà bốc lên, bốc lên thời sẽ hướng về sự “sinh”. Thổ ở mùa Đông không có tác dụng sinh trưởng, vì nó chịu ảnh hưởng của âm khí mà giáng xuống, giáng xuống thời sẽ hướng về sự “tử”. Cho nên bài Bổ trung dùng hai vị Thăng, Sài là để giúp cho cái khí thăng lên; dùng Sâm, Kỳ, Quy, Truật là để giúp cho Dương khí. Đó là cái dụng ý của Đông Viên, dùng khí vị cam ôn để bổ mạnh cho khí và nâng cái khí bị sa dãn kia lên


  • Vả các tạng có âm dương; âm là huyết, Dương là khí, khí hư không “liễm nạp” được nguyên dương của trung cung tức Tỳ, Vỵ, huyết hư không đè nén được lôi hỏa ở hạ tiêu... đều thuộc về hư nhiệt, nên chỉ cần dùng các vị cam ôn, không nên dùng các vị khổ hàn, sẽ làm hại Vỵ khí.
  • Phàm sự uống ăn không dè dặt, khởi cư không giờ giấc, làm lụng không điều độ, dương khí trong Vỵ sẽ bị hư; Vỵ tổn thì không thể thu nạp, Tỳ tổn thì không thể tiêu hóa. Tỳ Vỵ đều tổn, nạp hóa đều khó, nguyên khí sẽ yếu, mọi bệnh dễ sinh... 
  • Chân dương hãm xuống thời hỏa hư sẽ lấn lên. Do đó mới phát sinh chứng nhiệt và phiền, nhưng không phải là thực nhiệt. Như chứng hạ hãm phát nhiệt, đó là do dương hư mà tự sinh ra bệnh, sao người đời lại nhận lầm là ngoại cảm, mà dùng phương pháp phát tán, đã hư lại càng hư thêm? Đó là không nhận rõ phong, hàn, thử ... đối chứng để điều trị. Cứ thấy phát sốt, cho ngay là ngoại cảm, rồi dùng bừa phương pháp biểu hãn... Có biết đâu rằng: “tà đã phạm vào được, tất do chính bị hư”. 
  • Cho nên chứng nội thương nhiều mà ngoại cảm ít. Đôi khi cũng có chứng ngoại cảm, nhưng cũng là tà nó thừa hư mà vào, chỉ cần bổ bộ phận trung châu và ích khí thời tà sẽ lui. Thảng hoặc có chứng ngoại cảm mà nội thương không nặng lắm, thời chỉ cứ bài này mà gia thêm một vài vị đối chứng, tà cũng tự giải.
  • Cho nên Lý Đông Viên lập ra bài này, chuyên bàn về các chứng Tỳ, Vỵ, no đói, làm lụng vất vả mà phát sốt v.v... Dù cho nội thương giống hệt thương hàn, cũng phải kiêng hẳn phương pháp hãn, hạ. 
  • Nếu nội thương nhiều, ngoại cảm ít, chỉ nên ôn bổ, không cần phát tán. 
  • Nếu ngoại cảm nhiều, nội thương ít, thời trong bài bổ chỉ nên thêm ít vị phát tán, lấy bài Bổ trung ích khí làm chủ. 
  • Nếu nội thương kiêm hàn thì gia Ma hoàng; kiêm phong thì gia Quế chi; kiêm thử gia Hoàng liên; kiêm thấp thì gia Khương hoạt... Thật là sự lợi ích vô cùng cho cả muôn đời. Đó là Lý Đông Viên đã phát minh hẳn ra một nền tảng cho chứng “Dương hư phát sốt
  • Nhưng chứng âm hư phát sốt có tới sáu, bảy phần mười, cũng giống với Thương hàn. Người đời nay lầm dùng phát tán mà chết, lại phàn nàn rằng: “.., phương pháp chữa Thương hàn đã hết...” Có biết đâu chứng trạng của âm hư phát sốt, sốt nhiều, mặt đỏ, miệng khát, phiền táo, cho uống một thang Lục vị địa hoàng hoàn thì khỏi ngay. Nếu hạ bộ sợ lạnh, chân lạnh, thượng bộ khát nhiều và cuồng táo, hoặc uống vào mà lại thổ, thời vẫn dùng  bài Lục vị gia thêm Nhục quế, Ngũ vị..., nặng lắm thời gia cả Phụ tử, sắc để nguội cho uống, đều được sống cả.

Ý nghĩa

Nhận xét: Bài Bổ trung thang, chuyên chữa các chứng đói no thất thường, làm lụng quá sức tổn thương đến Tỳ, Vỵ... Hoặc nhân uống ăn không đều; hoặc nhân lao lực quá độ; hoặc sau khi quá đói, quá no lại thêm sự nhọc mệt; hoặc sau khi làm lụng nhọc mệt lại bị quá đói, quá no... đều là chứng nội thương.
  • Tỳ, Vị bị lao thương, tâm hỏa sẽ quá, lấn lên thổ vị, tiếp đến là Phế khí bị tà. Phế là gốc của khí, cho nên dùng Hoàng kỳ để bổ Phế và bền chặt ngoài biểu làm Quân. Tỳ, Vị một khi bị hư, Phế khí sẽ bị tuyệt trước, vị Kỳ sẽ giúp ích bì mao, vít chặt da thửa, không để cho đổ mồ hôi làm tổn thương nguyên khí nữa.
  • Tỳ là gốc của Phế, Tỳ Vị đã hư thời phế kim cũng mắc bệnh, cho nên dùng Sâm, Thảo để bổ Tỳ, ích khí, hòa trung, tả hỏa làm thần; thở suyễn, ngắn hơi, nguyên khí bị tổn dùng Sâm để bổ. Tâm hỏa lấn Tỳ thổ, dùng vị cam ôn của Chích thảo để tả hỏa nhiệt và bổ khí trung châu của Tỳ Vỵ. Sách chép: “vị cam ôn có tác dụng trừ được chứng đại nhiệt”. Bổ thổ cho khí dương có nơi chứa mà chứng sốt tự lui, không dùng vị Cam thảo đạt sao được cái công năng bổ Tỳ và tả hỏa đó? Nếu gặp chứng Tỳ Vỵ đau gấp và đại hư, trong ruột nghe như co dúm lại, càng nên dùng nhiều vị đó, duy có chứng bụng đầy mới nên giảm bớt.
  • Lý Đông Viên nói: “Sâm, Kỳ, Thảo là thứ thánh dược để tả hỏa”. Bởi phiền lao thời hư mà sinh nhiệt, được vị cam ôn để bổ nguyên khí thì chứng hư nhiệt sẽ lui, cho nên cũng gọi là “tả”.
  • Truật có công năng làm ráo khí thấp và khỏe tỳ, Quy có công năng làm nhuận thổ và hòa huyết, dưỡng âm làm tá... Phàm bổ dương bao giờ cũng phải kiêm cả hòa âm, nếu không thời dương sẽ quá găng. Kinh nói: “Cấp thời làm cho hoãn”. Truật vị khổ và cam ôn, trừ được nhiệt ở trong vị, thông lợi được huyết ở giữa khoảng eo lưng và rốn.
  • Tỳ Vỵ khí hư không thăng phù lên được, bị âm hỏa làm hại đến cái khí “phát sinh”. Vinh huyết bị sút nhiều, kinh khí phục ở trong đất, âm hỏa bốc nóng, hàng ngày nung nấu khiến cho khí huyết giảm dần. Xem như tâm chủ huyết, huyết giảm bớt thời tâm không có gì nuôi, phát sinh chứng tâm phiền mà loạn, bệnh danh là “Mỗi”. Mỗi là một trạng thái phiền muộn không yên, cho nên gia các vị tân ôn, cam ôn để sinh dương khí.
  • Huyết hư lấy Nhân sâm để bổ, dương vượng thời sẽ sinh được âm huyết. Lại dùng thêm vị Đương quy để hòa huyết, gia thêm một ít Hoàng bá sao khô để tả âm hỏa... Như vậy mà vẫn còn phiền nhiệt không dứt, thời gia Thục địa để bổ thận thủy thời hỏa sẽ giáng. Đó là một phương pháp dùng vị cam ôn để sinh âm huyết rất hay (Tôi có bài luận về bài “Bổ trung dùng vị Sâm, Quy, v.v...” chép trong tập Đạo lưu dư vận nên tham khảo)
  • Dùng vị Thăng ma để làm cho thanh khí của Dương minh thăng lên (thăng lên bên hữu rồi quay về bản vị); dùng vị Sài hồ để cho thanh khí của Thiếu dương lên (vòng sang bên tả mà thăng lên). Dương thăng thời muôn vật sinh, thanh thăng thời trọc âm giáng... Hai vị đó đều “đắng, bình”, là một loại vị “bạc”, dương ở trong âm, dẫn thanh khí ở trong Vỵ cho lên dương đạo và các kinh, thanh khí của vỵ hãm xuống bộ phận dưới, nhờ Thăng, Sài để dẫn lên; lại dẫn cả khí cam ôn của Kỳ, Thảo lên để bổ cho cái khí rã rời phân tán của Tỳ Vỵ, đồng thời lại làm cho dầy đặc ngoài biểu và làm dịu được sự gò bó của Đới mạch.
  • Tỳ là Khôn thổ để ứng với địa khí. Nếu địa khí thăng lên thời cái khí hậu “phát trần” sẽ tung ra, địa khí giáng xuống thời cái khí hậu “khắc nghiệt” sẽ thi hành. Nhọc mệt thương tỳ, thổ hư hạ hãm... Kinh nói: “...Giao thông không lợi, cây cối sẽ chết, mưa móc không xuống, khô héo không tươi”, đó là nói về cái khí hậu “khắc nghiệt” gây nên hiện tượng “bĩ”. Con người ứng theo khí đó, biến chứng cũng sẽ phát sinh rất nhiều. Đông Viên hiểu thấu lẽ đó, nên mới lập ra bài thuốc khí vị ôn hòa, ôn hòa thời hợp cái khí của mùa Xuân và là đạo dưỡng sinh. Chỉ dùng vị Thăng ma nâng lên cái khí hãm xuống ở bên hữu của Tỳ, lại do bên hữu mà thăng, khí đất đã thăng, khí trời tất giáng. Hai khí giao thông thành ra mưa móc, đó là bổ khí mà sinh khí không bị kiệt nữa.
  • Trong bài dùng Thăng, Sài chính là để thăng phát cái khí Tiên thiên ở trong Tỳ thổ, xem trong bài “Tỳ Vỵ luận” cũng nói “lấy tiên thiên vô hình làm chủ” ví như con người nhờ cái khí thủy cốc mà sống. Như những tên Thanh khí, Doanh khí, Vệ khí, Nguyên khí, Cốc khí và Khí xuân thăng v.v... đều là cái biệt danh của Vỵ khí... thời đủ rõ cái tính chất quan trọng của Tỳ Vỵ.
  • Trong bài Bổ trung mà có vị Thăng, Sài cũng như trong bài Bát vị có Linh, Trạch. Theo như nghĩa “âm dương thăng giáng” để lập phương, ý nghĩa rất sâu, ít người hiểu thấu. 
  • Gia Trần bì cho tháo bớt khí... Trần bì dùng chung với các vị thuốc bổ thời bổ, dùng một mình thời tả. Phàm những người Tỳ khí rối loạn ở trong hông ngực là do khí trong với khí đục làm xáo lộn, cho nên dùng Trần bì không cạo bỏ xơ trắng ở bên trong để cho nó điều chỉnh lại; hơn nữa, nó còn có tác dụng giúp thanh khí dẫn lên để làm cho thăng tán bỏ khí trệ, giúp các vị tân, cam cũng làm việc. Do đó, khí trong thăng lên, khí đục sẽ giáng xuống. 
  • Khương vị tân ôn, Táo vị cam ôn, dùng để hòa vinh vệ, mở tấu lý và gây thêm tân dịch. Khương, Táo là chính dược của Tỳ Vỵ, Táo lại có tên là quả, cho nên trong những bài thuốc chữa về Tỳ Vỵ, tất phải dùng tới Khương, Táo... Các bài thuốc cổ phần nhiều dùng Khương, Táo là có ý giúp Vỵ để dẫn hành dược lực.
  • Nghĩ như Tiên thiên với Hậu thiên, không thể chia rẽ làm hai đường. Nguyên khí ở thượng tiêu mà bất túc là do hãm xuống ở trong thận; cần phải dẫn nó lên từ dưới bộ phận Chí âm, Hạ tiêu chân âm bất túc là do nó bay bổng lên bộ phận trên, lại không dẫn cho nó trở về nguồn được sao? Vì cớ đó, bài Bổ trung thang với Thận khí hoàn rất nên sử dụng, sớm uống để bổ dương, tối uống để bổ âm, cùng nương tựa để cùng bồi dưỡng

Gia giảm

Những phép gia giảm ở các sách, có điểm nào trái với ý nghĩa của bài Bổ trung và khí vị không hợp thời lược bỏ. Cuối cùng sẽ phụ thêm “kinh nghiệm” của tôi.