Nhiệt làm hại khí, nhiệt làm hại huyết

Nội kinh nói: Dương tà hóa nhiệt, nhiệt thì hại khí. Cho nên chữa cảm nắng đều dùng thuốc bổ khí. Đó là mùa hè hỏa vượng, hỏa khắc kim nên phải bảo vệ khí, chữa bằng cách thanh thử, cho uống bài Sinh mạch ẩm làm cho khí lực tăng lên, như thế đã rõ là nhiệt làm hại khí.

Nội kinh nói: Nhiệt thắng thì âm tất có bệnh, cho nên chữa nhiệt phải dùng huyết dược. Đó là nhiệt hay làm cho huyết trào lên, chạy càn, không chịu về kinh. Đan Khê dùng bài Tứ vật gia thêm Tri mẫu, Hoàng bá, Huyền sâm làm phạt hỏa để dưỡng âm, khiến cho âm được yên tĩnh mà huyết sinh ra. Như thế đúng là nhiệt làm hại huyết. Ôi! Ý nghĩa của Nội kinh! Lật đi lật lại người học khó mà tránh khỏi nhiều nẻo lầm lẫn. Sao Nội kinh không nói: Nhiệt thì khí huyết đều bị hại. Nếu nói nhiệt làm hại huyết rồi nghiêng lệch dùng khí dược để chữa thì cái nguy cơ diệt dương sẽ đến ngay.


Không phải thế. Cảnh Nhạc nói: “Không phải sách của Thánh hiền thì không nên đọc; không phải lời nói của Thánh hiền thì không nên theo”. Nhà Y có Nội kinh cũng như nhà Nho có Ngũ kinh. Đó là các bậc thần thánh như Hoàng Đế, Kỳ Bá lập ra phép tắc để truyền dạy về sau thì một li cũng không dám trái. Nhưng đọc sách cần phải hiểu rõ nghĩa lý của sách. Phàm chứng nhiệt làm hại khí là do bạo nhiệt ở ngoài đưa đến. Như Nội kinh nói: “Dương tà hóa nhiệt” thì chữ “tà” đó không phải là chỉ vào tà ở ngoài đem lại đó sao? Vì Phế chủ lông da thì không riêng gì thử tà mà các tà khí lục dâm phạm vào thân thể khi mới cảm vào da lông tất phế chịu hại trước. Cho nên thấy có chứng ho, hoặc sợ lạnh, phát sốt, thở ngắn hơi, mệt lả. Nhiệt thương huyết là chứng lâu ngày làm tổn thương ở trong, như Nội kinh nói: Nhiệt thắng thì âm nhất định bị bệnh. Vậy cái ý nghĩa của chữ “thắng” chẳng phải là sự gian khổ chiến đấu lâu ngày rồi sau mới thắng được đó sao?

Vì Tâm có tác dụng thống huyết và tàng thần, nhiệt có thể làm cho huyết sôi lên, huyết tán thì tinh thần mê man, nên bề ngoài thấy con mắt như say rượu, như ngây dại hoặc nói sảng.

Vả lại Nội kinh nói: Thình lình bị bệnh không phải là âm chứng, bệnh lâu ngày không phải là dương chứng. Như nói: Nhiệt thời hại khí, chắc hẳn không phải là âm chứng. Đó là bạo nhiệt; nhiệt thời hại huyết, chắc hẳn không phải là dương chứng. Đó là cửu nhiệt (nóng lâu ngày).

Nội Kinh lại nói: Nhiệt lâu hại âm, càng nhiệt càng hại, càng hại càng nhiệt. Như thế càng hiểu rõ không chỉ có một mình thử tà; mà tất cả các loại nhiệt mới bắt đầu đều làm hại khí, cái nhiệt dây dưa lâu ngày đều làm hại huyết. Cho nên sự khát trong bệnh nhiệt có chia ra: khát uống nước nóng và khát uống nước lạnh. Còn khác nhau ở chỗ uống nhấp giọng và uống nhiều. Y lý rất mênh mông, cần phải thấy rộng ngoài lý lẽ mới phân tích rõ được từng điều, từng mối. Tự nhiên có thể thông suốt đến nơi đến chốn.

Tôi tự đặt ra câu chủ yếu như sau: Bạo nhiệt thì hại dương; cửu nhiệt thì hại âm. Các phép nhuận trạch điều hòa nên thuộc kỹ. Biết được như thế là hiểu biết Y đạo vậy.