Về Y và Y lý

Y đạo bắt đầu từ Hiên Viên, Kỳ Bá vấn đạp với nhau để lời dạy cho muôn đời; các sách Bào chế của Lôi công, Thang dịch của Y Doãn, Hồng phạm của Cơ Tử, Vấn nạn của Việt Nhân, Thương hàn của Trọng Cảnh, Giáp ất của Sĩ An, Truyện chú của Khải Huyền Tử, Chẩn mạch của Tiền Trọng Dương, Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, trong đó phát huy hầu hết về thiên địa âm dương của tạo hóa về tật bệnh an nguy của con người. Phàm đạo lý của Y học là Ý với Lý mà thôi.


Cảnh Nhạc nói: “Y tức là Lý vậy, khuếch tán ta thì muôn vẻ khác nhau, tổng hợp lại thì rút vào một Lý”; Nội kinh nói: “Biết được chỗ cốt yếu thì chỉ nói một lời là đủ, không biết chỗ cốt yếu thì lan man vô cùng”. 

Đó là nói về chân âm chân dương mới thực là chỗ cốt yếu của Y đạo, nói như vậy rất là đúng lẽ. Nhưng, ngoài ý ra, lại còn lý nữa, giữ theo thường quy không sai lầm, đó là Lý; gặp việc suy rộng biến thông ra vô cùng vô tận, đó là ý Ý mà được thật hay, thật rõ là nhờ ở Lý.

Hứa Tự Tông là người tinh thông Y học, có kẻ khuyên ông nên viết sách để lại cho đời sau, ông đáp: “Y tức là ý vậy, ý tôi hiểu được nhưng miệng tôi không nói ra được”. Như thế thì ý của Y học không thể hình dung ra hết bằng ngôn ngữ được. 

Cho nên có câu: “Không hiểu về trời, đất, người cũng không thể nói đến chuyện Nho; không thông hiểu về trời đất, người không thể nói đến chuyện làm thuốc”. 

Lại nói: “Học Kinh Dịch trước đã rồi sau mới nói đến chuyện học thuốc”: Vì Lý của Âm Dương tức là Lý của Y học. 

Lại nói: Lấy “Nho học để hiểu Y học” là vì cái “Lý” chung từ xưa đến nay cũng tức là cái Lý của Y học nữa. 

Cao cả thay cái thiên chức bảo vệ sinh mạng của con người, quyết đoán công hay bổ ở trong ngón tay, phán đoán sống hay chết bằng hơi thở, nếu không phải là người quán triệt lẽ Âm Dương, lý luận suốt cùng kim cổ, thăm gốc tìm nguồn, hợp dòng thành bổ, thì không thể cầu may một chút nào.

Bởi vì, thầy thuốc có khả năng xuất nhập kỳ diệu, chuyển biến cơ tạo hóa, cũng chỉ nhờ cái Lý ấy, cái Ý ấy mà thôi. Phương pháp, mực thước không vượt ra ngoài Lý được, mà ứng phó với sự biến đổi không cùng thì không có gì linh diệu hơn Ý. Cho nên mới có câu: “Không có sách nào đọc mà biết hết được, không có phương pháp nào có thể bắt chước được”. Đó chẳng phải là Ý ở ngoài Lý đó sao?