Âm dương - luận trị

245. Giỏi bổ Dương, phải từ trong Âm cầu Dương thì Dương được Âm giúp mà sinh hoá vô cùng. Giỏi bổ   Âm, phải từ trong Dương cầu Âm thì Âm được Dương thăng mà suối nguồn không kiệt. 

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư- Tân phương bát (trận) lộ - Bổ lược" 

Câu này căn cứ vào lý luận "Âm dương hỗ căn", "Âm dương tương tế" nêu ra những kiến giải tinh vi trong điều trị âm dương hư tổn có ảnh hưởng sâu sắc cho đời sau. Đông y cho rằng âm dương hỗ căn, âm tổn có thể liên luỵ đến dương, dương tổn có thể liên luỵ đến âm, bổ âm có thể giúp cho dương, bổ dương có thể ích âm. Âm là cơ sở của dương, dương là tác dụng của âm, cho nên khi bổ dương nên dành phần tư âm thích đáng, khi tư âm cũng dành phần thích đáng trợ dương, từ đó mà đạt được mục đích trong âm tìm dương, trong dương cầu âm, âm dương giúp lẫn nhau, âm dương thăng bằng.

Cần chỉ rõ: "trong âm tìm dương" và "trong dương tìm âm" đều không phải là việc áp dụng thuốc âm đối phó với thuốc dương, tám lạng đối với nửa cân, mà phải có chủ và thứ, có trọng điểm nổi bật. Ví dụ: họ Trương sáng tạo ra thang thuốc bổ Âm "Tả qui hoàn" tức là có cái ý "trong Dương tìm Âm", lấy những vị thuốc tư âm hùng hậu như Thục địa, Sơn dược, Sơn thù du, Câu kỷ, Quy bản giao, Ngưu tất v.v. kèm theo hai vị thuốc bổ dương như Lộc giác giao, Thỏ ty tử, "khiến cho âm được dương thăng mà suối nguồn không kiệt" trái lại "trong Âm cầu Dương" cũng như thế.


246. Trong thuốc hồi dương, phải kèm theo thuốc Âm. Trong thuốc nhiếp âm, cần chiếu cố dương khí.

Thanh - Diệp Thiên Sĩ 
“Lâm chứng chỉ nam y án - Thoát" 

dẫn lời của Hoa Tụ Vân

Ý nghĩa câu này với câu trên gần giống nhau có thể tham khảo những điều phân tích trên. Chỗ khác nhau là ở câu này trình bày điều trị chứng Âm, Dương thoát.

Điều trị chứng Thoát điều chủ yếu là đừng để cho âm dương ly tuyệt, cho nên trong khi hồi dương phải kèm theo thuốc âm, trong khi nhiếp âm phải kèm theo thuốc Dương, từ đó mà đạt được mục đích trong âm cầu dương, trong dương cầu âm, âm dương giúp đỡ lẫn nhau.


247. Dương hư nặng, trước phải hồi dương, sau đó dần dần cho thuốc bổ âm, đó là vì không có âm thì dương không hoá được. Âm hư nặng, trước phải bổ âm, sau đó dần dần cho thuốc bổ dương, đó là vì không có dương thì âm không sinh được.

Thanh - Vương Tam Tôn 
"Y quyền sơ biên" 

Điều này với hai câu 245 - 246 ý nghĩa gẩn giống nhau, có thể tham khảo chung. Khi dương hư nặng, kíp phải hồi dương trước, không gia âm dược để khỏi thọc sườn. Khi âm hư nặng, kíp phải bổ âm trước, không gia dương được, để tránh làm hại âm thêm. Rồi sau căn cứ vào lý luận "âm dương hỗ căn" lại dần dà thêm âm dược hoặc dương dược để đạt mục đích âm dương bình hành.

Tóm lại, tiêu bản trước sau lớp lang trật tự thực là biện pháp tốt.


248. Dương hư nhiều hàn, nên bổ bằng cam ôn mà không nên dùng các thuốc thanh nhuận. Âm hư nhiều nhiệt, nên bổ bằng cam lương mà các vị cay ráo thi không được dùng.

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư- Tân phương bát lộ - Bổ lược" 

Trình bày nguyên tắc dùng thuốc khác nhau giữa hai chứng hư hàn, hư nhiệt phải có nề nếp qui củ. Dương hư phần nhiều có hàn chứng, dùng thuốc bổ cam ôn là chính trị, nếu dùng các loại thanh nhuận thì sợ thuốc ôn níu kéo không lợi cho chứng hư hàn, cho nên mới không nên dùng. Âm hư phần nhiều có nhiệt chứng, dùng thuốc bổ cam lương là chính trị, nếu dùng các loại cay ráo thì khó tránh thương âm cho nên không được dùng. Câu này với câu "trong âm tìm dương" "trong dương tìm âm" của họ Trương về tư tưởng học thuật hoàn toàn không mâu thuẫn. Cảnh Nhạc chỉ rõ: "lấy tinh khí chia âm dương thì âm dương không thể phân chia. Lấy hàn nhiệt để chia âm dương thì âm dương không được lẫn lộn". Câu này tức là chỉ chứng hư hàn hư nhiệt, phép chữa không được lẫn lộn, mà lý luận "trong âm tìm dương", "trong dương tìm âm" thì áp dụng trong chứng âm hư dương hư chưa thấy biến động hàn nhiệt, điều trị nên chiếu cố đôi bên.


249. Dùng thuốc Hàn mà vẫn nhiệt thi lấy ở Âm. Dùng thuốc nhiệt mà vẫn hàn thì lấy ở Dương.

“Tố Vấn - Chí chân yếu đại luận" 

Ý tứ hai câu này là: các loại chứng nhiệt dùng thuốc khổ hàn để chữa mà nhiệt lại nặng thêm, nên chọn biện pháp tư âm mà điều trị. Các loại chứng hàn mà dùng thuốc cay nóng để chữa mà hàn lại nặng thêm, nên chọn biện pháp ôn dương mà điều trị.

Vương Băng chú giải là "Dùng hàn mà không thấy hàn là không có thuỷ. Dùng nhiệt mà không thấy nhiệt là không có Hỏa". Nêu rõ loại trên gốc bệnh là Thận âm bất túc; loại sau gốc bệnh là Thận dương bất túc.

Âm hư nêu tư bổ Thận âm, tức là "làm mạnh cái chủ của Thủy để chế dương quang". Dương hư nên ôn bổ Thận dương, tức là "làm ích cái nguồn của Hỏa làm tiêu tan âm ế".

Các phương pháp dưỡng âm thanh nhiệt và bổ dương khu hàn ấy đối với điều trị thực chứng "chữa nhiệt lấy thuốc hàn", và "chữa hàn lấy thuốc nhiệt" có khác nhau về bản chất, lâm sàng cần chú ý.


250. Ích nguồn của Hỏa để tiêu tan âm ế. Mạnh chủ của Thuỷ để chế dương quang.

Đường - V ương Băng 
“Tố Vấn chí chân yếu đại luận" chú văn 

Câu này là Vương Băng chú thích kinh văn trong Tố Vấn nói ở trên, có nghĩa là: dùng phương pháp ôn bổ Thận dương để đẩy lùi chứng hư hàn do dương khuy; dùng phương pháp tư bổ Thận âm để chế ước chứng hư nhiệt do âm hư dương cang. Lời chú của họ Vương là khai sáng cho con sông đầu tiên về học thuyết bổ Âm cho hậu thế, trở nên nội dung trọng yếu của lý luận Đông y mà bài thuốc đại biểu là Lục vị địa hoàng hoàn, Kim quỹ Thận khí hoàn. Câu này lời gọn mà ý bao quát, văn phong sáng sủa, được đời sau lưu truyền rất rộng, có xu thế vượt qua cả nguyên văn của "Tố Vấn". Có người nói gọn là: "ích Hỏa tiêu âm", "tráng thuỷ chế dương".


251. Âm chứng giống như Dương, dùng thuốc thanh thì chết. Dương chứng giống như âm, dùng thuốc ôn chết ngay. 

Thanh - Cố Tùng Viên 
"Cố Tùng Viên y kính - Cách ngôn vậng toản” 

Câu này lưu ý chúng ta đối với chứng chân giả hàn nhiệt, nhất định phải nhận thức phân biệt chính xác không bị hiện tượng giả mê hoặc, nếu không thì nhận chứng sai lầm, điều trị tất không đúng, tạo nên hậu quả nghiêm trọng không thể không cẩn thận. "Dương chứng giống như Âm" là chỉ chứng chân hàn giả nhiệt, âm hàn nội thịnh, cách dương ra ngoài; nếu lại mê hoặc bởi hiện tượng giả nhiệt mà nhầm dùng phép thanh, chẳng khác gì nước đá lại thêm tuyết, khó tránh khỏi chết vì vong dương. "Dương chứng giống như âm" là chỉ chứng chân nhiệt giả hàn, dương nhiệt quá thịnh cách âm ra ngoài, nếu bị mê hoặc bởi hiện tượng giả hàn mà nhầm dùng thuốc ôn, chẳng khác gì lửa cháy đổ thêm dầu, tất dẫn đến âm tuyệt mà chết.


252. Âm Dương đều bất túc, nếu bổ dương thì âm kiệt, tư âm thi dương thoát, gặp trường hợp này, nên dùng thuốc cam (ngọt).

"Linh Khu - Chung thủy thiên" 

Nêu lên đại pháp dùng thuốc đối với chứng Âm Dương đều hư có ý nghĩa mở lối cho đời sau. Chứng Âm Dương đều hư, điều trị khó cho cả đôi bên. Nếu đơn thuần bổ dương, thuốc phần nhiều ôn nhiệt sợ làm hao âm dịch, bất lợi cho chứng Âm hư Nếu đơn thuần tư âm, thuốc phần nhiều âm mát dễ dẫn đến hư dương thoát ra ngoài. Vì thế nêu ra việc điều trị bằng thuốc có vị ngọt, đều không tổn thương trở ngại gì đến chứng Âm Dương đều hư. Thuốc chủ yếu là bổ Tỳ, có thể bù đắp nguồn sinh hoá, nuôi dưỡng khí huyết, khiến cho âm dương trở về thăng bằng. Những lý luận được Diệp Thiên Sĩ đời Thanh qui nạp như "Trên dưới đều tổn thì nên chữa giữa”, "vị ngọt bù đắp ở giữa" đều lấy đó làm cội nguồn mà Tiểu kiến trung thang là bài thuốc đại biểu.


253. Xuân Hạ dưỡng dương. Thu Đông dưỡng âm

“Tố Vấn - Tứ khí điều thần đại luận” 

Người với trời đất liên hệ với nhau. Con người với âm dương tiêu tưởng cũng phải thích ứng với quy luật biến hoá của âm dương bốn mùa. Mùa Xuân Hạ dương khí phát tán, âm tinh cũng dễ theo đó mà tiết mất, cho nên phải thuận theo khí sinh phát mà dưỡng dương, củng cố giữ gìn âm tinh, cất chứa đừng để tiết mất. Mùa Thu Đông âm tinh cất giữ càng phải thuận theo thời tiết, tích chứa nuôi dưỡng âm tinh để làm chỗ nương tựa cho mùa Xuân Hạ sinh phát. Y văn này thể hiện đặc điểm độc đáo về lý luận của Đông y. Hiện đại chữa Viêm chi khí quản mạn tính chọn dùng phương pháp "bệnh mùa Đông chữa mùa Hạ", cội nguồn lý luận là ở đó. Viêm chi khí quản mạn tính phần nhiều phát cơn vào mùa Đông, ngay lúc đó chỉ có thể chữa tiêu bệnh chỉ khái bình suyễn, mà giai đoạn dịu cơn ở mùa Hạ thì điều trị theo phép phù chính cố bản, cũng tức là "dưỡng dương" có thể thu được hiệu quả chữa Bản.

(Xem thêm: Cơ chế hóa sinh)

254. Chữa Âm, không có phép Bổ vội vàng, không uống thuốc lâu thì không hiệu quả.

Minh - Mậu Trọng Thuần 
“Tiên Tình Trai y học quảng bút ký - Thổ huyết" 


255. Cứu Âm, đừng lập công nhanh chóng.
Thanh - Diệp Thiên Sĩ 
"Lâm chứng chỉ nam y án - Hư lao" 

Ý nghĩa hai y văn này gần giống nhau, đều nói lên đặc điểm là biện pháp bổ âm phải từ từ mới lập công, kinh nghiệm thật chính xác. Dương hoá khí, âm thành hình, loại hữu hình khó mà sinh được nhanh, không tích cóp dần dà thì không lập công được. Vả lại thuốc bổ Âm đều thuộc loại cam lương tư nhuận, tính nhu mà vận hành chậm khó mà trông đợi hiệu quả nhanh.


256. Chữa Tâm không cần thiết đều dùng thuốc nhiệt; chữa Thận không cần thiết đều dùng thuốc hàn. Nhưng làm ích phần Dương của Tâm, thuốc hàn cũng dùng được; làm mạnh phần Âm của Thận, thuốc nhiệt cũng có thể dùng.

Đường - Vương Băng 
“Tố Vấn - Chí chân yếu đại luận" chú văn 

Đây là câu chú giải của Vương Băng trong kinh văn: "Các thuốc hàn mà vẫn nhiệt thì lấy ở Âm, các thuốc nhiệt mà vẫn hàn thì lấy ở Dương đó là tìm từ thuộc tính" nhằm trình bày thêm một bước đối với câu: ích nguồn của Hỏa làm tan âm ế, mạnh chủ của Thuỷ để chế dương cang". Tâm chủ Hỏa thuộc Dương. Thận chủ thuỷ thuộc Âm. Điều trị Tâm dương bất túc không nhất thiết dùng thuốc ôn nhiệt. Điều trị Thận thuỷ bất túc không nhất thiết đều đùng thuốc hàn lương. Chỉ cần phù trợ Tâm Dương, hư hàn có thể rút lui. Tư bổ Thận âm, hư nhiệt cũng có thể chế phục.