Âm dương (Y nghiệp thần chương)

Nói về âm dương giống nhau và khác nhau: Trời xoay về bên trái cho nên người ta lấy tai, mắt, chân, tay bên trái là dương. Đất xoay về bên phải cho nên người ta lấy tai, mắt, chân, tay bên phải là âm.

Dương khí trong nên tai, mắt, chân, tay bên trái nhỏ hơn bên phải. Âm khí đục cho nên tai, mắt, chân, tay bên phải to hơn bên trái. Dương khí trong mà vững nên tai mắt bên trái sáng hơn bên phải mà chân tay yếu làm lụng được ít. Âm đục mà kém nên tai mắt bên phải không sáng bằng bên trái mà chân tay mạnh vận động được nhiều.

Đàn ông nhiều khí dương, khí thịnh đến cực điểm thì khí dương từ trên đi xuống, phối hợp với khí âm nên có râu mà ngọc hành thõng dài, mạch bên trái mạnh bên phải yếu, bộ thốn mạnh bộ xích yếu là thuận.

Đàn bà nhiều khí âm, khí thịnh đến cực điểm thì khí âm từ dưới đi lên, phối hợp với khí dương cho nên âm hộ thụt vào mà vú nổi cao, tiếng nói nhỏ mà không có râu, mạch bên phải mạnh mà bên trái yếu, bộ xích mạnh, bộ thốn yếu là thuận.

Nếu đàn ông mạch bên phải mạnh hơn bên trái, bộ xích mạnh hơn bộ thốn, là đàn ông mà có mạch đàn bà, là bất túc.

Nếu đàn bà mạch bên trái mạnh hơn bên phải, bộ thốn mạnh hơn bộ xích, là đàn bà có mạch đàn ông, là thái quá.


Người làm thuốc xem xét để liệu mà thêm bớt. Dẫu rằng bên trái là dương, bên phải là âm, đạo trời là như thế. Song huyết là âm mà thuộc về bên trái, khí là dương mà thuộc về bên phải, đó là lẽ huyền diệu của âm dương cùng ở lẫn với nhau.


Thận thuỷ bên trái sinh can mộc, can mộc sinh tâm hoả đều là phần huyết, nên bên trái là đường ngầm của huyết. Thận hoả bên phải sinh tỳ thổ, tỳ thổ sinh phế kim đều thuộc phần khí, nên bên phải là đường ngầm của khí.


Còn như kinh Túc Thái dương đi phía sau lưng cho nên khi cảm lạnh vào bàng quang thì mặt và lưng thấy lạnh nhiều. Kinh Túc Dương minh đi phía trước thân thể, ở bộ mặt có vị khí lưu hành cho nên đến mùa đông mặt không thấy rét, mà chứng nề mặt thì chữa phong ở vị. Kinh Túc Thiếu dương đi ở phía cạnh cơ thể nên tai điếc, sườn đau thường là dùng bài Tiểu sài hồ để chữa đởm.


Lời chú:

Chỗ này dù nam hay nữ đều như nhau, muôn đời không thay đổi. Chỉ có chỗ khác nhau là: về đàn ông phía sau thân thể là dương, phía trước là âm chủ về kinh Túc Thái dương. Về đàn bà phía trước thân thể là dương, phía sau thân thể là âm chủ về kinh Túc Dương minh.

Cho nên đàn bà khi có mang con trai, mặt nó hướng vào mẹ, lưng nó hướng ra ngoài, bụng người mẹ lồi mà rắn.

Khi có mang con gái, lưng của nó hướng vào mẹ, mặt của nó hướng ra ngoài, bụng của người mẹ phẳng mà mềm. Vậy trước khi đẻ cứ nghiệm xem bụng rắn hay mềm thì biết là con trai hay con gái.

Khi đẻ con trai nằm sấp mà lưng hướng lên trên, con gái thì nằm ngửa mà mặt trở lên trên. Lúc vừa đẻ thì trông đã biết là trai hay gái rồi.

Vả lại những kẻ chết đuối nổi lên đàn ông tất nhiên nằm sấp, đàn bà tất nhiên nằm ngửa. Đàn bà theo âm, đàn ông theo dương là lẽ tự nhiên.


Lại nói đến hai mạch Đốc và Nhâm. Đốc có nghĩa là hội lại, là nói các dương mạch đều hội lại. Đàn ông chủ mạch Đốc đi giữa lưng thuộc dương, từ huyệt Trường cường (chỗ lõm ở dưới đốt xương cùng) theo xương sống đến huyệt Ngân giao (chỗ khe răng hàm trên, bên trong môi).

Nhâm nghĩa là đảm nhiệm là nói cái nguồn sinh dưỡng, đàn bà chủ về mạch Nhâm đi ở giữa bụng thuộc âm, từ huyệt Hội âm (giữa khoảng lỗ đít và âm môn) lần theo bụng đi lên đến huyệt Thừa tương (chỗ lõm dưới môi và trên cằm) thì ngừng. Dưới chỗ phía trong khe răng hàm trên và trên huyệt Thừa tương, ngay đúng giữa là chỗ gặp nhau của hai đường mạch Nhâm và mạch Đốc.


Nói đến mạch có thai: kinh từ một đã tắt một vài kỳ, ấn vào hai bộ xích thấy mạch Sác mà Hoạt tới luôn không dứt đó là mạch có thai. Mạch Sác là nhiệt, mạch Hoạt là huyết ngưng kết. Nên lấy mạch Hoạt để nghiệm có thai. Bộ tả xích Sác mà Hoạt là con trai, bộ hữu xích Sác mà Hoạt là con gái. Trên đây là phân tách chỗ khác nhau và giống nhau của âm dương.