Bàn về thủy hỏa cần nhờ nhau


Thủy hỏa là gốc sinh ra người, tác dụng của thần minh, thủy là nguồn của hỏa, hỏa là chủ của thủy, nguyên không tách rời nhau được cho nên nói thủy hỏa phải cân bằng mà không nên chênh lệch, nên giao hợp mà không nên phân chia, tính hỏa bốc lên, nên bắt cho đi xuống, tính thủy thấm xuống nên khiến cho đi lên, thủy lên hỏa xuống gọi là giao nhau, hỏa tức là dương khí, thủy tức là âm tinh, hai thứ ấy sánh đôi gọi là âm dương hòa bình, cũng gọi là thiếu hỏa sinh khí, thăng bằng thì thủy hỏa giúp nhau.
Hỏa tức là khí chân dương, khi chênh lệch thì dương khí bị kích thích mà thành ra hỏa, thủy với nguyên khí không cùng sánh đôi được mà sinh ra hiện tượng ngang trái. Nhưng trong thủy không có hỏa thì lạnh tới cực độ, lạnh cực độ thì vong dương. Ví bằng không khéo điều nhiếp, tình dục bừa bãi đến nỗi âm thủy suy kiệt thì hỏa thiên thắng, nên nói âm không đủ thì dương tất dồn lại, cốt phải bổ chân âm, nhưng người ta bẩm tính không giống nhau, người dương thịnh thì vẫn nên bổ âm, người âm thịnh thì càng nên chú ý bổ dương. Huống chi âm theo dương mà lớn lên, chỉ đơn thuần nuôi thêm phần âm thì chỉ làm hại vị khí, trở lại tuyệt nguồn sinh hóa của hậu thiên. Người đời thường chú trọng về dưỡng âm, thường bảo: Trong nhân thể thủy có một phần (thận) mà hỏa thì có hai (quân và tướng), dương thường có thừa, âm thường không đủ, từ trẻ đến già tật bệnh sinh ra không bệnh nào là không do chân âm kém. Lại như Đan Khê nói: “một thủy không thắng nổi năm hỏa” (Ngũ tạng đều có tướng hỏa. Nội kinh nói: “Dương đạo thực, âm đạo hư”, đó là số tổng quát của trời đất, chứng minh ở nhân thể mà nói rằng dương thường có thừa, âm thường không đủ, một thủy không thắng nổi năm hỏa thì không đúng) cho nên mọi bệnh tật phát sốt. Lại nói: “Trời bao lấy đất, phần dương thống nhiếp phần âm”. Cho nên thuốc bổ âm không thể gián được mà thuốc bổ dương thì khuyên nhủ dè dặt luôn, nhưng không biết được thuốc nhuần âm chỉ làm cho hao mòn khí bế tàng, nào có công năng gì đến khí dương hòa nuôi sống vạn vật. Hỏa có thừa là hỏa tà, nếu là chân hỏa thì hộ vệ hình hài, tưới nhuần tạng phủ hễ giữ được nó thì sống, làm mất nó thì chết, nó suy thì sinh bệnh, chân dương đâu có thừa. thủy không đủ, duy đàn ông đến 64 tuổi, đàn bà đến 49 tuổi, lúc ấy chân âm thường không đủ, như thủy với hỏa là do tác dụng lẫn nhau trong nhân thể, sao lại nói: “thường không đủ” được, vì mất sự điều nhiếp thì tinh khí khô kiệt, sốt cơn về chiều, gày yếu mà thành ra bệnh, chân thủy không đủ, tâm hỏa bốc cháy một mình đó thôi.