Âm hư phát sốt, dương hư hạ hãm

Âm Dương là chữ hư danh (vì có tên, mà không có hình), còn Hàn Nhiệt là dấu hiệu của m Dương. Dương vốn có tính thuộc nhiệt và hay thăng lên. âm vốn tính thuộc hàn và hay giáng xuống.
Khi có bệnh thì âm mất tính vốn hàn mà phát nhiệt; Dương mất cái tính vốn thăng mà giáng xuống. Như vậy há chẳng phải vì sự thiếu thốn mà mất đi cái tính thường vốn có đi hay sao? Bởi vì nếu trong thân thể con người mà âm thăng bằng, dương kín đáo thì tinh thần yên ổn, bệnh tật không do đâu mà sinh ra được; nếu có sự thiên lệch tí chút, thì cái này mạnh cái kia yếu mà sinh ra âm dương lấn nhau.

Âm tính vốn hàn, cớ sao lại làm cho chứng nhiệt? – Là vì âm đã suy yếu thì dương đến lấn ngay, Dương muốn đốt âm mà hóa ra nhiệt cả. Dương vốn tính hay thăng, lại chịu ép ở dưới sao? – Là vì dương không được vững chắc thì âm đến lấn ngay, muốn kèm dương cùng quay xuống dưới.

Nội kinh nói: “Trọc khí ở trên thì sinh đầy trướng, Thanh dương ở dưới thì sinh ỉa sống phân”. Những câu những chữ ấy đều có ý nghĩa sâu xa. Nên ngẫm nghĩ thật kỹ thì tự khắc hiểu được cái nghĩa: Dương lấn âm và âm hãm Dương.

Bởi vì, một khi trọc âm bị dương đến lấn, mà Dương vốn thuộc nhiệt, thuộc hỏa. Nhiệt thì bị khí uất lên sinh ra đầy trướng. Còn thanh khí bị hãm xuống mà âm thuộc hàn thuộc thủy, vì hàn thì không có hỏa mà sinh ra ỉa sống phân. Chu Đan Khê chữa chứng âm hư nội nhiệt, hoặc sinh đầy trướng dùng bài Tứ vật để tư âm, dưỡng huyết, lại sợ nhiệt lâu thì thương tổn đến âm, nên gia Hoàng bá để giáng hỏa, Huyền sâm để phạt hỏa, khiến cho nhiệt lui, âm mạnh lên, đầy trướng tự khắc tiêu hết.

Lý Đông Viên chữa chứng khí hư hạ hãm, dùng Sâm Truật để bồi bổ trung châu (Tỳ Vỵ), lại e rằng dương mà ở dưới hay sinh ra ỉa sống phân, nên dùng Thăng ma và Sài hồ để phát động và cổ vũ cho hợp với thời lệnh của mùa Xuân, làm cho Tỳ khí phân tán được chất tinh ba, Phế khí điều tiết được thủy đạo mà chứng ỉa sống phân tự khỏi.

Nếu không biết như vậy, hễ thấy âm hư phát nhiệt, đầy trướng là dùng ngay thuốc tiêu đạo hành khí, không hiểu rằng loại thuốc ráo hay làm cho hao huyết, mà âm càng bị hao tổn thì đầy trướng càng nặng thêm. Vì thế nói: lấy huyết dược mà chữa đầy trướng thì ít người biết được, cũng như chứng âm hư nội nhiệt mà công hạ nhầm thì âm mất đi, càng chóng chết.

Khi thấy chứng dương hư sinh ra ỉa sống phân mà chuyên dùng loại thuốc thấm lợi là không hiểu rằng thủy không có khí thì không vận hành được, nếu cứ dùng thấm lợi mãi, thì việc điều tiết càng yếu đi, thủy đạo càng bế tắc lại. Cần phải làm thế nào cho địa khí thăng lên, thiên khí giáng xuống thì không chữa mà hóa ra chữa vậy.

Lại như chứng dương hư sợ lạnh dùng nhầm thuốc phát tán thì dương càng hư, âm càng thoát đi. Đến nỗi gây thành âm dương đều mất cả.

Quan hệ thay cái lẽ huyền diệu của âm dương lẫn nhau và cái hình tượng chân giả lẫn lộn của hàn nhiệt! Nếu làm thuốc không tìm ra nguyên nhân thì khó lòng tránh khỏi sự câu chấp, phiến diện và cục bộ.