Thuyết Thăng-Giáng-Phù-Trầm

Trời lấy khí dương để sinh, khí âm để trưởng (nuôi cho lớn); Đất lấy khí dương để giảm bớt, khí âm để cất chứa.
Khí trời bắt đầu vượng từ giờ Dần – chữ Dần có ý nghĩa như dẫn lên, ngày lập xuân, khí của Thiếu dương bắt đầu phát sinh từ dưới đất, dẫn khí âm cho thăng lên, loài cỏ cây mới bắt đầu nảy mầm.

Ngày lập hạ, Thiếu âm hỏa thịnh, loài cỏ cây rậm tốt... Đó là cái nghĩa “trời lấy khí dương để sinh, khí âm để trưởng” ở trên. Nội kinh nói: “thượng bán niên khí trời làm chủ”, tức là trỏ cái công dụng “thăng, phù” đó.

Khí của đất bắt đầu vượng từ giờ Thân – chữ Thân có ý nghĩa như phát triển thêm ra. Ngày lập Thu, khí của Thái âm mới được hoàn toàn phát triển, từ trên trời giáng thẳng xuống tới đất, các loài vật đều bị giảm sút.

Ngày lập đông khí của Thiếu âm lại phục ở “dưới đất” khiến cho đất nẻ, nước đóng thành băng... đó là cái nghĩa “đất lấy khí Dương để giảm bớt, khí âm để tàng chứa’ ở trên. Nội kinh nói: “hạ bán niên, khí đất làm chủ”, tức là trỏ cái công dụng “giáng, trầm” đó.

Mùa Xuân ấm, mùa Hạ nóng, mùa Thu mát, mùa Đông lạnh... đó là thứ tự của chính khí; thăng rồi giáng, giáng rồi lại thăng; như cái vòng không đầu mối, để vận hóa muôn vật. Cho nên nói: “bắt đầu mối từ đầu, lần lượt không sai...”.

Hơi thở hít thăng giáng của con người cũng không khác chi vận khí của trời đất. Uống ăn vào Vỵ, khí bắt đầu dẫn tới Tỳ, Phế, thi hành cái vòng luật của Xuân Hạ để nuôi nấng khắp thân thể... tức là cái nghĩa “thanh khí là trời” đó. Sau khi thăng rồi, lại dẫn trở xuống Bàng quang thi hành các quy luật của Thu Đông để bài tiết bỏ các chất cặn bã... tức là cái nghĩa “trọc âm là đất” đó.

Nếu làm tổn thương chân khí của Tỳ, dồn xuống hoặc bài tiết xuống mà lâu không thăng lên được, như vậy chỉ có Thu Đông mà không có Xuân Hạ, mọi bệnh sẽ do đó mà phát sinh.

Lại có trường hợp thăng mãi mà không giáng xuống được cũng sẽ thành bệnh. Do đó mà suy thời cái nghĩa “thắt mối từ đầu” sẽ rõ.

Nếu uống ăn không dè dặt, làm tổn đến Vỵ khí, không phát triển được cái công năng “khắc hóa”, “tản lên Can, trở về Tâm, tràn lên Phế” v.v... hễ ăn thời li bì chỉ muốn nằm; khi nằm xuống thời thức ăn sẽ dồn về một bên, khí tạm được dễ chịu (dễ thở, không bị vít lấp), xem vậy thời biết cái khí “thăng phát” không thi hành được là do duyên cớ đó.

Tỳ, Vỵ là cơ quan chủ của cả năm Tạng, các khí phong, hàn, thử, thấp, táo... lỡ gặp khí thiên thắng sẽ bị tổn thương. Như mạch Huyền là do phong thắng, nên dùng các bài như Vỵ phong thang, Hoàng kỳ kiến trung thang, Tam bạch thang.

Nếu mạch Hồng là thử tà nó hãm, nên dùng các bài Tả hoàng tán, hoặc Thanh vỵ tán, Điều vỵ thừa khí thang.
Mạch sác là táo tà nó lấn, nên dùng bài Bát trân thang, Tiền thị Bạch truật tán.

Mạch Trầm tế là bị hàn tà nó lấn, nên dùng các bài Ích nguyên tán, Nhân sâm dưỡng vị thang, hoàn, Phụ tử Lý trung thang, Bổ chân hoàn.

Mạch Hoãn, nhu vô lực, hoặc có lúc ẩn phục, đó là do chính khí hư và tổn, nên dùng các bài Tứ quân tử thang, Sâm linh bạch truật tán.

Mạch Hoãn thái quá là bị thấp tà quá nặng, nên dùng Bình vỵ tán.

Muốn bổ dùng Bổ trung ích khí thang; muốn táo thấp dùng Nhị trần thang, Lục quân tử thang, Sinh vỵ thang và Đan thương truật cao...