Bổ âm tiếp dương và bổ dương tiếp âm

Phép bổ tiếp thực là một phép rất hay để phò nguy cứu thoái, mà trong các sách chưa từng bàn đến. Phùng tiên sư mới phát sinh được ý nghĩa đó. Người nói: khi mà nguyên dương muốn thoát đi thì phải dùng thuốc bổ ích ngay. Nhưng tính chất của thảo mộc cũng phải dựa vào chính khí của con người, mới có thể phát huy được khả năng của nó. Nguyên khí đã bị hư, dù có được bồi bổ mạnh, cũng vượng lên một chút rồi lại suy đi, suy đi thì lại bổ mạnh vào, cần phải tiếp tục chớ để gián đoạn; dương mạnh cứu âm, âm mạnh cứu dương, không thể thiên lệch một chút hoặc trì hoãn một tí. Cần làm cho được dương sinh trước mà âm lớn sau, chớ để cho khí âm thắng mà khí dương sẽ mất đi. Đó là then chốt huyền bí của việc chữa bệnh, là phép rất tốt để đổi chết lấy sống.

Tôi theo đó mà làm, hiểu được vào lòng mà ứng ra tay, mới đổi thành những phép riêng gọi là Bổ âm tiếp dương và Bổ dương tiếp âm. Tuy không dám tự cho rằng màu xanh do màu chàm mà ra, nhưng bảo là cái thuật để giữ gìn sức khỏe thì cũng không thiếu sót gì nữa.

Vì người ta sinh ra là nhờ bẩm thụ được toàn thể khí âm khí dương thì mới sống được. Nếu âm dương mất thăng bằng thì sinh bệnh, âm dương lìa nhau thì nguy, đoạn tuyệt thì chết. Vả lại, cái lẽ của âm dương là cùng bắt rễ ở nhau, trong dương không thể không có âm, trong âm không thể không có dương.

Như căn bệnh ở dương hư mà âm trọn vẹn, thì bổ dương khiến cho dương thăng bằng với âm. Bệnh ở âm hư mà dương trọn vẹn, thì bổ âm khiến cho âm khăng khít với dương còn là chuyện dễ. Nếu âm dương riêng bị suy tổn, sắp tách rời nhau, dương riêng bị suy thì cứu dương trước, chờ dương vượng thì mới lại tiếp bổ cho âm, vì e rằng không có âm thì không lấy gì để thu hút dương lại; âm bị hại riêng, thì cứu âm trước, chờ âm vượng rồi, mới lại bổ tiếp cho dương, vì e rằng không có dương thì không lấy gì cai quản khí âm. Điều đó nên để tâm xét rõ, lưu ý điều hòa thì mới nên việc được.

Nếu nhằm lúc cả hai hư quá, âm tan rã ở dưới, dương chực thoát ở trên. Tình thế lúc đó rất khó nỗi điều bổ cho một bên nào, dùng thuốc cũng khó nỗi dùng kèm. Muốn bổ dương phải cần đến vị thuốc thơm ráo, thì âm tinh, âm huyết chịu sao nổi được sức thuốc tiêu hao nung đốt ấy; muốn bổ âm phải dùng đến các vị thuốc nhu nhuận, thì nguyên dương, chân hỏa lại càng bị khốn đốn về nỗi âm hàn. Thực là gặp cả hai sự khó khăn: đã khiếp nóng lại sợ lạnh.

Muốn làm tròn kế hoạch thì hoặc dùng mạnh dương dược, nhưng còn phải chiếu cố tới phần âm; hoặc là dùng nhiều thuốc bổ âm, nhưng cũng phải để ý đến phần dương, khiến cho trong âm có dương, trong dương có âm mới trọn cả hai mặt. Nhưng phải chọn thuốc khí vị hợp nhau nhập vào một đội, mới có thể thành công. Tôi mới chế ra bài Bổ dương tiếp âm và Bổ âm tiếp dương có thể chữa kèm cả hai phương diện.

Đại khái giữ gìn dương khí 10 phần, mới có thể tiếp bổ cho âm huyết 7 – 8 phần. Vì không có dương thì âm không thể sinh được. Sách nói: “Một phần dương khí hãy còn thì chưa chết”. Cho nên phương pháp bổ huyết thường dùng thuốc bổ vị mà thu công. Đó là cái đức lớn nhất của dương sinh, lẽ nào lại không quý trọng.

Nếu bổ phần dương trội lên vài ba phần cũng không hại gì, thế mà bổ phần âm trội lên một hai phần là sinh hại lớn. Đó là cái lẽ âm sinh dương sát vậy.

Tôi thường gặp những chứng nguy, chỉ lấy phép cứu dương cứu âm làm chủ, cốt sao cho âm dương không tách rời, không chênh lệch; dương hộ vệ cho âm, âm giữ gìn cho dương, cùng bắt rễ với nhau, cùng tác dụng lẫn nhau; cho thăng bằng, cho kín đáo. Đó là những điều tôi thấu hiểu được lý lẽ ngoài phép tắc. Xin đem công bố cho hết lòng với Y đạo.