Phép tắc chữa bệnh-Thiên 8

1) Tà khí sở dĩ xâm nhập được nhất định là do chính khí đã hư, không trị chỗ hư còn hỏi gì cái khác.

Trong thân thể người ta, âm thăng bằng dương kín đáo thì tinh thần yên ổn, bệnh đâu có chỗ len vào, cho nên nói trăm bệnh vốn do hư mà đưa tới, tuy có ngoại tà xúc phạm cũng chẳng qua là một mối phát bệnh đó thôi. Phàm thấy tật bệnh hữu dư, đều do chính khí suy kém, người trị bệnh không tìm ngay căn bệnh mà chữa chỗ hư, còn hỏi gì đến các chứng khác.
Xem thêm:  Phép tắc chữa bệnh (Nội kinh)
                            Phép chữa bệnh (Y gia quan miện)

2) Đừng chữa phong, đừng chữa táo, chữa được hỏa thời phong táo khỏi.

Hỏa sinh nhiệt, nhiệt sinh phong, lại còn hỏa thịnh thời tổn tâm, âm kiệt thời táo; phàm chứng bệnh thấy phong, thấy táo chỉ nên làm mạnh thủy để chế hỏa, hoặc bổ âm để phối dương; hỏa thanh thời phong tự yên mà táo tự nhuận; nếu không biết thế chỉ lấy thuốc phong chữa phong, thuốc mát chữa táo thời huyết hao mà hỏa càng mạnh, phong càng sinh, táo càng sắt lại. Vì thuốc phong hay làm hao huyết, thuốc hàn hay làm ngưng huyết. Lời nói ấy của người xưa, nếu mà hiểu được, thời thông suốt lẽ âm dương thủy hỏa, suy ra mà chữa bệnh thì bệnh gì chẳng chữa được, đó là ý tứ rất sâu xa.

3) Biết được ngọn mà chỉ chữa gốc, chữa ngàn người không sai một.

Khí huyết là gốc của người, ngoại chứng là ngọn của bệnh, có ở trong thời thể hiện ra ngoài. Người chữa bệnh chỉ nên nhìn nhận cái ngọn để biết đầu mối phát bệnh, dò tìm gốc là điều chủ yếu để chữa khỏi bệnh, thời trong muôn người sợ gì sai một. Vì ngọn là những triệu chứng của trăm bệnh, gốc là chân khí của khí nhất nguyên (Nguyên khí). Sách nói: “Chữa một thời trăm bệnh khỏi, chữa các chứng linh tinh thời đầu mối rối loạn, há không đáng xét đó ư?”.

4) Thổ vượng thời kim sinh, chớ khư khư về bổ phế. Thủy mạnh thì hỏa dịu, chớ bo bo ở thanh âm.

Một lời nói trong sách Di sinh thực là ý tứ màu nhiệm về cách chữa chứng hư lao, phương pháp xưa nay chưa có phương gì hơn được; vì hư lao là do tinh huyết hư hỏng gây nên, chân thủy khô cạn, riêng có tướng hỏa bốc cháy một mình mà sinh ra âm nhiệt; chân hỏa bị hư không thể sinh được tỳ thổ, thổ không sinh được kim thế là khí không có sức quy nguyên mà làm ra chứng ho, cho nên phép chữa không ngoài bốn chữ: tráng thủy, bổ thổ (bồi bổ tỳ thận) mà thôi. Người lắm điều có chia ra năm chứng lao, sáu chứng cực [106], thậm chí có chỗ nói đến 72 loại, với chia phương đặt mục bàn tán rườm rà, chỉ làm rối tai mắt người sau, nhà làm thuốc thấy thế tặc lưỡi rùng mình, người bệnh thấy thế nấn ná chờ ngày, phó mặc cho mệnh trời, thực là đáng giận.

5) Ho về buổi sáng là trong vị có hỏa, ho về buổi chiều phần nhiều là âm hư; ho về chập tối là hỏa bốc lên phế, không nên dùng thuốc hàn lương, nên thu liễm mà giáng hỏa.

Từ giờ Mão đến giờ Tỵ [107] là dương ở trong dương, và vị chủ khí là dương khí của hậu thiên, lúc ấy ho tức là phục hỏa ở trong vị, nên thanh đi (Thanh vị thang). Từ giờ Ngọ đến giờ Thân [108] là âm ở trong dương, mặt trời đi ở đường bạch đạo [109] tuy ngày đã thuộc dương mà lúc ấy ho phần nhiều thuộc âm hư, nên tư âm mà hỏa tự giáng. Mặt trời lặn ở giờ Dậu, mặt trời vàng vàng trở về tối, cho nên gọi là hoàng hôn, từ lúc ấy đến giờ Hợi [110] là âm ở trong phần âm, lúc ấy ho là âm hỏa tràn lên mà khắc phế kim không phải là hỏa hữu hình, nhất thiết không được dùng lầm thuốc hàn lương khắc phạt hỏa ấy, gặp thủy càng cháy, gặp thấp càng bốc, chỉ nên dùng thuốc tư âm tráng thủy gia Ngũ vị mà thu liễm mà giáng xuống.

6) Chữa phong trước tiên phải chữa huyết, huyết lưu hành thời phong tự diệt.

Hễ tinh huyết suy kém thời âm hư; âm hư sinh nóng trong, nóng cực độ thì sinh phong, hoặc ngoại phong nhân đó mà gây nên bệnh. Cho nên bệnh phong thường bị ở lúc âm huyết hư, đến khi đã phát, phong có thể khởi động hỏa mà càng nóng lên, thời âm càng hư mà phong càng động. Phong làm ra bệnh tay chân co quắp, co giật, ấy không phải phong. Có sách nói: “Trong khí không có huyết thời làm co giật”, cách chữa nhẹ thì tư âm bổ huyết để cho nhu nhuận, nặng thời bổ thủy cho có chất sinh huyết, để tưới thấm thời không có bệnh nào không khỏi liền tay. Nếu bằng chỉ dùng phong dược chữa phong, đó là làm thêm bệnh chứ không phải chữa bệnh.

7) Không thấy kinh, trước phải tả tâm hỏa thời tự thấy kinh, vì tâm chủ huyết, tâm bị bệnh thời huyết không lưu thông.

Phàm không thấy kinh, đã nói bệnh ở tâm mà lại nói tả tâm, há không phải là gây cái họa hỏa hư đó sao? Vì tính đàn bà phần nhiều thiên về uất, vì lo uất mà thương tổn tâm, tâm đã bị thương tổn thời hỏa càng uất. Hỏa tức là khí, khí uất thời huyết ngưng, chữa nên tả tâm, ấy là tâm hỏa, không phải tả tâm huyết; khí vận hành thời kinh nguyệt cũng xuống. Nội kinh nói: “Bệnh kinh nguyệt, duy có chứng huyết hư, huyết trệ, huyết khô thời bổ mà thôi”, trệ thời tất nhiên phải cho thông; những người không biết chỉ dùng thuốc cay thơm để hành khí thời chỉ tổ hại tới phần âm. Tôi chỉ dùng thuốc thanh tâm mà huyết tự lưu thông, không riêng gì tả uất mà thôi. Vì tâm thống huyết, nhiệt thời sinh bệnh, hàn cũng sinh bệnh, phải tìm cho ra nguyên nhân mà chữa. Đại để học phải biết rộng mới có thể hay hoàn toàn mà không khư khư một mực cố chấp.

8) Chữa bằng thuốc hàn mà còn cứ nhiệt thời tìm chữa vào chân âm, chữa bằng thuốc nhiệt mà còn cứ hàn thời chữa vào chân dương, cho nên nói phải tìm vào thuộc loại của bệnh mà suy xét.

Lấy thuốc hàn để chữa bệnh nhiệt mà còn cứ nhiệt, thời phải coi là âm hư, nên bổ huyết để tư âm hoặc bổ mạnh chân thủy để chế hỏa. Lấy thuốc nhiệt để chữa bệnh hàn mà còn cứ hàn, thời phải coi là dương hư, nên bổ thổ để giữ kín dương, hoặc bổ hỏa để tiêu âm ế. Ấy là chữa theo phép nghịch trị không được thì phải chữa theo phép tòng trị, phải theo loại của nó thì thuốc uống mới có thể vào được.

9) Chữa chứng nhiệt dùng thuốc hàn, uống ấm để cho dễ xuống. Chữa chứng hàn dùng thuốc nhiệt, uống nguội để cho dễ xuống.

Thủy khắc hỏa, hỏa ghét thủy, cho nên hàn hay ngăn nhiệt, nhiệt hay kỵ hàn. Hễ dùng thuốc hàn chữa chứng nhiệt phải uống nóng mới dễ nuốt xuống được. Ấy là cùng một loại thời nó theo nhau, cùng một khí thời nó tìm nhau, cũng là ý của phép tòng trị.

10) Không có dương thời âm không sinh được, cho nên khí dược cũng có công năng sinh huyết, huyết dược không có tác dụng bổ khí.

Kinh nói: “Không có dương thời âm không sinh được, không có âm thời dương không hóa được”. Thử nghĩ hai chữ “sinh hóa” đều có ý tứ nặng với nhẹ không thể không biện rõ. Vì sinh là từ không mà thành có, hóa là nhân chỗ đã có rồi mới có thể biến hóa được; ví bằng không sinh thời lấy đâu mà hóa, cho nên dương có công năng sinh âm. Sâm, Kỳ, Linh, Truật là khí dược, trong bổ khí lại làm cho thêm huyết. Sinh địa, Quy, Thược là huyết dược, bổ huyết thừa sức lại làm trệ khí, cho nên dùng thuốc bổ huyết nên gia khí dược để dương sinh âm. Còn dùng thuốc bổ khí, không nên dùng lẫn âm dược vào làm cho trệ khí, thường thấy phần nhiều hay dùng lẫn lộn. Tôi đã bàn kỹ về việc dùng lẫn lộn thang Bát trân ở quyển Đạo lưu dư vận.

11) Người bệnh hư vì vong huyết, nhất thiết cấm hạ. Cũng có bệnh nên hạ là nên hạ ở lúc đầu huyết mới ứ lại và chạy lung tung. Cấm hạ ở sau khi đã băng huyết và nục huyết.

Huyết do hỏa dẫn mà đi lung tung. Hạ là phép giáng hỏa nhanh chóng, duy ở lúc mới phát sức còn khỏe, mạch thực hỏa hư thời nên hạ; Nếu sau khi đã băng huyết, nục huyết rồi âm đã kém thời dương cũng tổn, tuy còn nhiệt cũng là hỏa hư mà thôi, nhất thiết không nên hạ. Lại có phép cho ra mồ hôi để chỉ huyết, hễ người bệnh thực chứng nên tham khảo mà dùng.

12) Khí hữu dư tức là hỏa, huyết theo khí lên, bổ thủy thời hỏa tự xuống, khí thuận thời huyết không lên.

Khí tức là hỏa, nếu được thăng bằng thời là khí nuôi sống, mất thăng bằng thời là hỏa hại người; đó là khí hữu dư là hỏa. Huyết theo khí lên, khí do hỏa đưa lên, hỏa chịu thủy ức chế, bổ thủy thời hỏa sụt xuống, hỏa xuống thời khí tự nhiên thuận, khí thuận thời huyết không đi càn, cho nên nói: “Chữa huyết trước phải điều hòa khí”.

13) Chữa bệnh khát trước phải bổ huyết, vì huyết là tân dịch hóa ra cho nên bệnh khát thường do huyết hư.

Huyết là do tân dịch hóa ra, cho nên huyết hư là nguyên do sinh bệnh khát. Xét như Nội kinh nói: “Vị mặn làm cho tan huyết, ăn nhiều mặn khiến cho người ta hay khát”. Lại nói: “người âm hư gày đen hay uống nước nhiều”, ấy là vì huyết hư gây nên. Tôi thường chữa chứng mất huyết, sau phát khát nước, bệnh nhẹ thường dùng Tứ vật khử Xuyên khung gia Sinh mạch ẩm. Bệnh nặng thời dùng đại tễ Lục vị khử Trạch tả gia Sinh mạch ẩm, cho uống nhiều; uống hết thuốc đều khỏi ngay, ấy là thêm thủy để bổ âm, thời huyết thấm nhuận mà khát tự khỏi.

14) Đờm vốn không thể sinh bệnh, vì bệnh sinh ra đờm đó thôi. Nếu chỉ biết chữa đờm mà không biết vì đâu sinh ra, đờm ắt càng thêm mãi.

Đờm là tân dịch trong người hóa ra, cũng là một chất dinh dưỡng. Vì khí huyết hư mà sinh bệnh, bệnh thì tân dịch không lưu hành mà sinh ra đờm, ấy là vì bệnh mà sinh đờm, chứ không phải vì đờm mà sinh bệnh. Giỏi chữa bệnh nên tìm nguyên nhân của nó mà chữa thời không chữa đờm mà đờm tự hóa đi, nếu không biết mà chỉ khư khư trị đờm, dùng thuốc táo mà thấm tiết thời thương âm, thuốc tân hương thời hao khí, thuốc trọng trọc thời phạt dương, âm dương mất công năng hóa sinh, tỳ vị không còn sức kiện vận, tân dịch không sinh ra huyết mà sinh ra đờm, thời đờm càng nhiều thêm.

15) Chứng dương thịnh âm hư mà phát hãn tất chết, hạ thời khỏi. Chứng âm thịnh dương hư cho phát hãn thời khỏi, hạ thời chết.

Âm hư dương thịnh sinh ra nóng ở trong, nên hạ để cứu phần âm thời khỏi. Mồ hôi là tên riêng của huyết, âm đã hư mà lại phát hãn, thời âm vong mà chết. Dương hư âm thịnh sinh ra hàn ở ngoài, nên phát hãn để tán hàn thời khỏi. Hễ hạ thời tổn thương vị khí, dương đã hư mà lại hạ, thời dương hư thoát mà chết.

Cho nên lời răn thận trọng dùng bài Quế chi, Thừa khí là gốc từ đấy. Bài Quế chi nuốt khỏi cổ, nếu dương thịnh thời chết, bài Thừa khí vào tới dạ dày nếu âm thịnh thời chết.

16) Dùng phép phát biểu không rời thuốc nhiệt, dùng phép công lý không rời thuốc hàn.

Hàn tà ở ngoài tới, nếu không có thuốc cay thơm và nóng thì không thể phát tán được. Nhiệt tà vào phần lý, nếu không có thuốc hàn đắng lạnh để bài tiết thì không thể hạ được. Sách nói: “thương hàn mình nóng không thể cho uống thuốc mát”, lại nói: “Hạ cho nhanh để cứu chân thủy”, cái lẽ cần giữ vững tân dịch rất là mầu nhiệm.

17) Chứng âm hư phát sốt, chữa nên làm mạnh chân thủy. Chứng dương hư phát sốt, chữa nên bổ cứu chân hỏa.

Phàm nhiệt làm ra bệnh, có khi là tà nhiệt ở ngoài tới, có khi là uất nhiệt của thất tình, có khi vì thổ hư không chứa được dương mà phát sốt, có khi vì huyết hư hỏa thịnh mà phát sốt, đó đều là bệnh ở khoảng khí huyết hậu thiên. Còn như âm hư, dương hư mà phát sốt là chỉ thẳng vào chân âm, chân dương ở trong thận; âm hư mà phát sốt tức là chân thủy suy, tướng hỏa cháy một mình, phép chữa nên làm mạnh chủ lực của thủy để chế bớt cái chói sáng (hỏa) tức là Lục vị hoàn. Dương hư phát sốt là long hỏa sợ hàn mà bốc lên, phép chữa nên bổ ích nguồn hỏa để tiêu bớt mây mù (thủy) tức là Bát vị hoàn. Tôi đã bàn kỹ về long hỏa sợ hàn mà bay lên, sợ nhiệt mà tan hết ở quyển Đạo lưu dư vận rất đầy đủ.

18) Dương khí ở thượng tiêu bất túc thì hãm xuống đến thận, cần đưa nó từ chỗ chí âm (thận) lên. Chân âm ở hạ tiêu bất túc thì hư hỏa bay bốc lên trên, cần dẫn nó về nguyên chỗ.

Dương khí ở thượng tiêu tức là vị khí của hậu thiên, dương vốn đi lên, hễ dương hư tất đi xuống mà tụt hẳn xuống chốn cửu địa (thận), cần dùng Bổ trung thang để dẫn dương khí đi theo hướng trái mà đi lên chốn cửu thiên để phân bố khí xuân dương ấm áp nảy nở. Chân âm ở hạ tiêu tức là chân thủy của tiên thiên, hễ chân thủy suy thì tướng hỏa cháy mà bốc lên trên, nên dùng Lục vị hoàn bổ thủy để ức chế hỏa làm cho hỏa về nguyên chỗ để ứng với thời lệnh của mùa đông là bế tàng, ấy là cách diệu dụng của nhà y để điều dẫn sự thăng giáng.

19) Tà nhẹ dùng phép nghịch trị, nặng thời dùng phép tòng trị.

Tà mà nhẹ thời đón thế mà tấn công ngay, lấy thuốc hàn chữa nhiệt, lấy thuốc nhiệt chữa hàn là phép nghịch trị (chính trị); bệnh nặng quá thời thuận theo tính của nó mà chữa là dùng thuốc hàn để chữa hàn, dùng thuốc nhiệt chữa nhiệt, ấy là phép tòng trị.

20) Chức năng của tỳ vị vốn là tiêu hóa thức ăn, nay ăn uống không tiêu là cơ năng ấy bị bệnh, sao lại tự ý khắc phạt để phá hoại cơ năng ấy ư?

Tỳ vị làm nhiệm vụ kho tàng, vị chủ thu nạp, tỳ chủ vận hóa, đều hết sức để làm tròn nhiệm vụ là vận hóa cơm nước, nếu vị hư không thu nạp được, tỳ hư không vận hóa được là chức vụ và cơ năng đã bị bệnh, phép chữa phải nên ôn bổ ngay, hoặc bổ tướng hỏa để sinh âm thổ, hoặc bổ ngoại gia của thổ tức là hỏa để sinh dương thổ khiến cho đều làm tròn nhiệm vụ, há lại tự ý khắc phạt mà chỉ lấy các vị tân hương như Sơn tra, Mạch nha, Thần khúc để làm hại thêm cơ năng của nó ư?

21) Chứng đại thực, không công mạnh thời không đủ sức để đuổi tà. Chứng đại hư, không bổ mạnh thời không đủ sức để chống bệnh.

Người làm thuốc, tâm thì phải thận trọng, đởm thì phải quả quyết, xem xét hình sắc, bằng cứ vào mạch, nếu đúng là chứng đại thực thì phải công ngay chớ hoài nghi, nếu đúng là chứng đại hư thì bổ ngay đừng trì hoãn. Nếu ý kiến không chắc, nắm không vững, sợ nhiệt không dám làm, sợ hàn rồi ngừng lại, chỉ dùng phương thuốc chung chung không công không bổ, cho là vô thưởng vô phạt, thời chứng đại thực lấy gì để đuổi tà, chứng đại hư lấy gì để chống bệnh. Sách nói: “Thuốc đại hàn đại nhiệt mà dùng được đúng, đều bổ ích cho người”, thế mới là người thầy thuốc giỏi.

22) Các chứng bệnh phần nhiều kèm cả uất, phàm chữa bệnh nên chữa kèm cả uất.

Uất là khí huyết không hòa sướng lưu lợi. Lục dâm làm hại người, là khách tà làm uất kết ở ngoài, thất tình làm hại người, là khí huyết uất kết ở trong. Phương Việt cúc hoàn kiêm trị năm chứng uất, không bằng phương Bát vị tiêu dao, thông trị các chứng uất hay hơn.

23) Phép dùng thuốc bổ, thời trước dùng trọng tễ, sau dùng khinh tễ, cốt lấy thành công. Phép dùng thuốc công, trước công dần dần, sau công mạnh, hễ trúng bệnh thời thôi.

Bổ có nhiều phép khác nhau, như tuấn bổ, tư bổ, tiếp bổ, điều bổ. Công có nhiều phương như phát hỏa, thanh hỏa, giáng hỏa, phạt hỏa.

Hễ bệnh đã đến lúc hư tổn, không có thuốc trọng tễ bổ mạnh để bổ và tiếp thêm thời nguyên khí sắp tuyệt, làm sao cứu vớt lại được. Nguyên khí đã phục hồi, thời chỉ điều dưỡng thêm, tư nhuận thêm, để giúp cho cơ năng của nó phát sinh thêm nữa thôi. Phép chữa nên dùng trong tễ trước khinh tễ sau.

Nếu bệnh tà thực, trước hãy phát tán, phát tán không được thời thanh giải, thanh giải không được thời nên giáng, quá lắm thời mới công phạt, tất phải trước hãy công dần dần, sau mới công mạnh; Vì thực mà bổ nhầm thời càng thêm bệnh, hư mà lại tả thời chết oan. Người xưa nói: “Bệnh đáng dùng Đại thừa khí thang thời tất trước hãy dùng Tiểu thừa khí đã”, đó là có ý cẩn thận không dám khinh thường dùng bừa.

24) Bệnh phát từ trong, thời trước hãy chữa phần âm, sau mới đến phần dương. Bệnh phát ở phần dương, thời trước hãy chữa bên ngoài, sau mới đến bên trong. Nếu chữa trái thời bệnh càng nặng.

Dương ở ngoài, âm ở trong, bệnh phát ở trong là bệnh âm, bệnh phát ở ngoài là bệnh dương.

Bệnh âm thời trước phải bổ âm rồi sau mới trị dương. Bệnh ở ngoài thời trước phải chế tà rồi sau mới bổ chính. Nếu không biết thế mà chữa trái, thời bệnh càng nặng thêm, đó là chỗ huyền diệu của Nội kinh. Phàm thầy thuốc chữa bệnh, trăm bệnh đều thế. Đúng như lời Cảnh Nhạc nói: “Không phải sách của thánh nhân thời không nên đọc, không phải lời nói của thánh nhân thời đừng bắt trước”, thực là lời bàn chí lý.

25) Âm tinh đã kiệt, không làm mạnh chân thủy thời không lưu hành được. Dương tinh đã hư, không bổ thêm hỏa tất không củng cố được.

Thận là căn bản của mệnh môn, chân thủy chân hỏa chứa ở trong đó. Cảnh Nhạc nói: “Chân thủy ở trong âm hư thời bệnh ở tinh huyết. Chân hỏa ở trong dương hư thời bệnh ở thời khí”. Cho nên chân âm kiệt, chữa nên làm mạnh chân thủy, đó là Lục vị hoàn. Chứng chân dương hư thời nên bổ hỏa, đó là Bát vị hoàn.

26) Chữa chứng hư nhiệt, không bổ thổ để tàng dương thì phải tư âm giáng hỏa.

Nói tàng trữ hỏa là tỳ thổ; hỏa ở trong tỳ thổ ví như lửa trong đống tro, không có ngọn, bỏ củi vào thời có khói, bỏ chất ướt vào thời tắt, nên lấy than vùi lại để cho ấm áp. Cho nên thổ trong tỳ hư hỏa không tàng trữ được, tất phải dùng thuốc ngọt ấm để dưỡng hỏa mà hỏa tự lui, như các phương Bổ trung, Quy tỳ, Tứ quân, Kiến trung, Lý trung. Nội kinh nói: “Thuốc ngọt ấm chữa được chứng đại nhiệt” ấy là bổ thổ để tàng dương. Trong thận có chân thủy, chân hỏa phối hợp nhau; âm hỏa ví như lửa của đèn đuốc, nên lấy dầu mỡ mà bổ dưỡng, không nên đổ lẫn vào dù một giọt nước lạnh, hễ có nước vào là tắt ngay. Nếu thận khô ráo, riêng tướng hỏa thịnh, nên bổ thủy để phối với hỏa thời hỏa tự về nguyên chỗ như bài Lục vị hoàn. Kinh nói: “Làm mạnh chân thủy để chế bớt sự chói sáng” chế ước bớt sự chói sáng đó là cách tư âm giáng hỏa.

27) Chứng dương hư thì trách cứ ở vị, chứng âm hư thì trách cứ ở thận.

Sách nói: “Dương của hậu thiên hư thời bổ vị khí; âm của tiên thiên hư thời bổ thận thủy”. Vì vị là con của nguyên dương, bể của thủy cốc, làm nguồn cho sự sinh hóa, chủ của các kinh dương. Thận ở nơi chí âm; là bể chứa tinh huyết, làm chủ cho 5 chất dịch, căn bản của 12 kinh mạch. Cho nên trong khi dương sắp thoát (xuất) thì bài Bát vị không thể chứa được nữa, duy có Sâm, Truật, Phụ mới có thể cứu vãn lại được. Lại như thấy có cơ âm sắp kiệt, thì bài Tứ vật không thể cứu nổi nữa, chỉ có bài Lục vị sinh mạch tán mới có thế cứu được căn bản. Ấy vị khí tức là nguyên khí, thận khí tức là chân âm, chân thủy.

28) Nạp khí cất để nơi nguồn, mà bỏ không chữa thận còn chữa cái gì.

Phế tuy là chủ khí, mà thận mới thực là căn bản của khí, cho nên phế đưa khí ra, thận chủ nạp khí vào. Con người đêm ngủ thời khí về chứa ở trong thận thủy, phế là mẹ của thận. Đan Khê bảo là mẹ ẩn vào cung của con. Nếu chứng hiện ra khí hư mà nghịch lên, hoặc làm ra chứng suyễn trướng, ho, ói, hoặc chứng nôn mửa, nấc cụt, lúc ấy muốn bổ tỳ thổ để giúp ích cho phế kim, thời cái thế nghịch lên lại càng dữ, mà thanh đi, tả đi thời phế khí ngày càng tiêu hao, càng hư lại càng nghịch. Duy có cách thu liễm mà nạp lại, lấy loại âm dược để bổ thủy (Lục vị), bổ hỏa (Bát vị) gia Ngưu tất, Ngũ vị, khiến cho nó về ở thận thủy mới không lo chạy bức bách lên. Nếu ngoài phép chữa thận ra, thời không có phép gì khác nữa.

29) Bệnh nhẹ tất do khí huyết không điều hòa, bệnh nặng tất do thủy hỏa làm hại, chữa bệnh nhẹ mà không kể đến khí huyết, chữa bệnh nặng mà bỏ lơ thủy hỏa, thực cũng như trèo cây tìm cá, đục thuyền tìm gươm [111].

Phàm chữa bệnh nhẹ cốt trách cứ ở khí của tỳ phế, huyết của tâm can thuộc hậu thiên. Chữa bệnh nặng tất tìm nguồn gốc ở chân thuỷ, chân hỏa của tiên thiên, vì chân thủy sinh ra huyết, chân hỏa sinh ra khí. Sách nói: “Làm đầy đủ chỗ trống rỗng là khí huyết, hóa sinh ra khí huyết là thủy hỏa”. Lại nói: “Ngũ tạng bị thương tổn cuối cùng tất tới thận”. Lại nói: “Trăm bệnh đều gốc ở thận”, cho nên chân âm, chân dương là yếu lĩnh của các bệnh nguy hiểm. Người ta muốn sống sao tách rời được chân âm, chân dương. Thầy thuốc không hiểu lẽ ấy thì có khác gì bọn trèo cây, đục thuyền kia rút cục không được kết quả gì.

30) Phong thời phải tán, hàn thời nên ôn.

Phong là dương tà, hàn là âm tà, phong thương vệ thời phần biểu hư, hàn thương vinh thời huyết ngưng, vệ là biểu, vinh là lý, cho nên phong thời nên tán, hàn thời nên ôn đó là phép thông thường để chữa bệnh tà.

31) Không có con là trách ở tâm hư, tóc bạc là trách ở thận yếu.

Người đời đều nói: “Tâm thống quản huyết, tóc là chất thừa của huyết”, tóc bạc nên trách cứ ở tâm. Mệnh môn ở trong thận, ở đàn ông thời chứa tinh, ở phụ nữ để giữ bào thai, không con nên cho là ở thận, vì sao lại nói: “không có con là vì tâm hư, tóc bạc là vì thận yếu” bởi vì tâm thống quản huyết, huyết sinh tinh, thế là tinh vốn do huyết mà sinh ra, tinh suy kiệt há không phải do huyết đã suy tổn ra? Cho nên không có con thực là trách cứ ở tâm hư.

Trong thận có chân âm, vì chân âm là gốc của huyết, như thế là thủy (chân âm) có vượng thì huyết mới mạnh. Huyết mà bị khô khan, chẳng phải là do chân thủy bị khô kiệt hay sao? Cho nên tóc bạc là do thận yếu.

32) Chữa mọi bệnh lấy thủy hỏa làm căn bản, lấy khí huyết làm công dụng.

Thủy hỏa là cha mẹ của khí huyết, là nguồn gốc của hóa sinh, là tác dụng của thần minh. Cho nên thủy hỏa là thực thể, khí huyết là công dụng; thủy hỏa là cội rễ, khí huyết là cành lá. Vun đắp cho cội rễ là cành lá tốt tươi.

33) Chính khí có lực, tự nó có thể đuổi được hàn tà ra ngoài.

Nội kinh nói: “Tà sở dĩ xâm phạm vào được, nhất định là do chính khí đã hư”. Đó là trăm bệnh đều do hư mà ra. Nhưng tà mới phạm vào, chính khí chưa hư lắm, thì trước hết làm tán tà, rồi sau mới bổ chính khí. Nếu tà phạm vào đã lâu, chính khí đã yếu, thời chỉ nên ôn bổ chính khí, làm cho chính khí vượng lên, thời tà không có chỗ dung thân, đó là cách không công tà mà tà tự phải rút lui.

34) Ngoại cảm ít, nội thương nhiều, chỉ cần điều bổ trung châu, giúp ích chính khí mà tà tự khắc lui, bất tất phải công tà.

Đó là tôn chỉ cốt yếu để chữa người hư bị chứng nội thương kèm ngoại cảm. Nếu ngoại cảm nặng, nội thương nhẹ, thời trước hết có thể tạm làm tán biểu, rồi sau mới cho uống thuốc ôn bổ. Nếu ngoại cảm ít, mà nội thương nhiều, thời chỉ nên lấy bổ chính làm chủ yếu, không cần phải công tà, hễ chính khí vượng lên thì tà tự khắc phải tan đi.

35) Làm hòa huyết thời chứng đại tiện ra máu mủ tự khỏi, làm hành khí thì chứng mót rặn sẽ hết.

Đây là yếu chỉ để chữa bệnh kiết lỵ, vì kiết lỵ là do khí huyết đều hư. Sách nói: “chữ trệ hạ có thể hiểu được ý nghĩa, là do tích trệ thường thường trệ xuống” hễ trệ là không thông, mà có dấu hiệu mót rặn, cho nên phép chữa không vượt ra ngoài 2 cách hòa huyết và hành khí mà thôi.

36) Bệnh ở phía trên, nên nhân đó mà cho vọt (mửa) ra, bệnh ở phía dưới nên nhân đó mà tống hết xuống.

Ấy là đại ý chữa chứng thực tà, vì tà đã ở trên đâu có thể hạ để dẫn nó vào sâu, cho nên nhân đó làm cho vọt lên mà ra ngoài, đó là phép thổ. Tà đã ở dưới, đâu có thể kéo nó lên để làm hại sinh khí ư! Cho nên phải tống xuống cho hết, đó là phép hạ. Tôi xét hạ sớm mà sinh ra chứng hãm hung, nên dùng Hãm hung thang, Cảnh Nhạc bác bỏ điều ấy cho rằng “đã hạ nhầm, mà còn hạ nữa ư!”. Câu bàn ấy lời rất đúng, lẽ rất cứng nhưng tà đã ở dưới, không nhân đó mà hạ hết đi, lại còn kéo lên có được chăng?

37) Bệnh dương thời chữa âm, bệnh âm thời chữa dương, ổn định khí huyết, giữ cho yên chỗ.

Ấy là bệnh do âm hư dương lấn sang. Dương hư thời âm thắng, âm hư thời dương thắng, cho nên bệnh dương thời chữa âm để cứu dương, bệnh âm thời chữa dương để cứu âm, làm cho khí huyết đều yên chỗ, dương kín đáo, âm thăng bằng, thời tinh thần mới yên ổn.

38) Chứng dương thực thời phát tán, chứng âm thực thời tả hạ.

Dương thực là nói tà thực ở phần biểu, nên phát tán; âm thực là nói tà thực ở phần lý, nên tả hạ. Vì thực là tà đọng ở đó không đi, là chứng thực nên mới công được; nếu âm dương đã là thực, tức là thăng bằng kín đáo rồi thì tinh thần sẽ yên ổn, làm gì có bệnh mà phải tả phải tán nữa.

39) m thổ suy sụp nên bổ thổ để đắp lên chỗ lún thấp, sức kiện vận hơi suy nên bổ hỏa để giúp việc chuyển thâu.

Nội kinh nói: “Thổ thái quá gọi là đôn phụ (cao), thổ bình thường gọi là bị hóa (bằng phẳng), bất cập gọi là ty giám (lún thấp)”. Ti giám là thổ hư, nên bổ thổ để bù đắp chỗ không đủ. Sách nói: “Tỳ đủ đức nhu hòa như quẻ Khôn, lại có công vận hóa như quẻ Kiền mạnh mẽ”. Vì tỳ chủ việc vận hóa thủy cốc, nếu sức kiện vận hơi suy thời nên bổ thiếu âm tướng hỏa để giúp cho việc chuyển thâu.

40) Gặp chứng hư, kíp phải giữ gìn bộ thận (Bắc phương) để bồi dưỡng sinh mệnh.

Nội kinh nói: “Phương Bắc sắc đen, thông vào thận nên thận thuộc phương Bắc”. Lại nói: “Thận thuộc phương Bắc có hai quả, mệnh môn ở giữa ấy là 2 hào âm bao 1 hào dương, thành ra quẻ Khảm, bộ vị ở phương Bắc”. Vậy thời Thận là khí thái cực trong thân thể, chủ việc hô hấp, nguồn của tam tiêu, cội rễ của 12 kinh mạch, gốc của sự sống, cơ sở của tính mệnh. Sách nói: “Trăm bệnh đều gốc ở thận”. Lại nói: “Chân âm chân dương là yếu lĩnh của các bệnh nguy”, người ta nhờ nó để sống, há có thể ngoài chân âm chân dương được ư! Cho nên hễ gặp bệnh quá hư, nên kíp bổ chân âm chân dương, để làm con đường cốt yếu cho sự sống.

41) Thực hỏa nên tả, hư hỏa nên bổ, hỏa của chứng lao thì là hư hay là thực, vậy có thể tả được chăng?

Đó là câu khuôn phép của Chu Đan Khê. Phàm thực hỏa là hỏa của phần dương thịnh thời dùng vị đại khổ, đại hàn để công phạt; ấy là thực hỏa thời nên tả. Hư hỏa thời nên bổ. Chứng lao đã gọi là hư lao, thì nhiệt của chứng hư lao tức là hư nhiệt, không phải thực nhiệt, vì sao khi chữa không dò gốc tìm nguồn, để tư nhuận bổ dưỡng mà chỉ đem các loại thuốc khổ hàn như Tri mẫu, Hoàng bá để công phạt cho hao mòn thêm thì khỏi chết sao được, thật đáng tiếc lắm thay!

42) Thường cho phát tán nhiều lần mà mồ hôi không ra thấu suốt, là vì âm hư không đạt ra ngoài được. Người ta chỉ biết mồ hôi thuộc dương, nên thăng dương để giải biểu, mà không biết mồ hôi sinh ra ở phần âm, tư bổ chân âm thời mồ hôi ra.

Nội kinh nói: “Mồ hôi của người ví như nước mưa trên trời” vì mồ hôi tức là thủy. Lại nói: “Mồ hôi là tân dịch của tâm, tên riêng của huyết”, ấy mồ hôi cũng là huyết. Tôi thường thấy người bệnh âm hư, thân thể giống như cây củi khô, âm hỏa đốt ở trong, tạng phủ bị cháy mòn, năm chất dịch bị khô cạn, tuy có ngoại tà chứng biểu thế phải phát hãn, nhưng thường dùng phong dược để phát tán, thời huyết lại càng hao, mà mồ hôi càng sít lại, chỉ có dùng thuốc nhu nhuận để tư âm bổ huyết, thời vinh được hòa, vệ được khoan khoái, không phát hãn mà mồ hôi tự giải được, cho nên nói tìm mồ hôi ở huyết thực là ý kiến sâu sắc. Lại nói: “Mây bốc lên thời hóa mưa”, đó là lẽ vi diệu. Thầy thuốc chữa bệnh, chỉ dùng cách tán biểu cho là nhanh chóng, nếu chỉ biết lẽ này mà không biết lẽ khác thì không làm nên việc gì.

43) Chứng nội nhiệt không khỏi, đã dùng phép thanh giải nhiều lần mà hỏa không lui, là chân âm không đủ. Người ta chỉ biết dùng thuốc hàn lương để trừ nhiệt, mà không biết bổ mạnh chân thủy để chế hỏa.

Phàm chứng bệnh phát sốt hâm hấp bên trong, người không biết chữa dùng thuốc hàn lương để trừ nhiệt, nào thanh giải, nào công phạt mà hỏa vẫn không lui, đó là chứng âm hư. Nội kinh nói: “Dùng thuốc hàn lương mà vẫn nóng, phải chữa về phần âm”, đó là tư dưỡng chân âm mà hỏa tự giáng, chứ không cần phải giáng hỏa. Nội kinh nói: “Dùng thuốc hàn để chữa mà không mát, ấy là không còn thủy”. Phải bổ mạnh thủy là chủ yếu để ức chế hỏa, bất tất phải công nhiệt.

44) Tà mới cảm vào, chưa có chỗ đóng chốt, đẩy đi thì đi, dẫn lên thì lên, chặn đón trước thời bệnh khỏi ngay.

Ấy là phép chủ yếu trong Nội kinh để chữa bệnh tà, vì phong hàn cảm vào người, đầu tiên sốt ở bì mao, từ biểu truyền vào lý, chưa có chỗ nhất định. Sách nói: “Thương hàn mà có ho là nhẹ”, vì tà còn ở biểu, còn ở biểu thời đẩy ra, tức là phép phát hãn, ở trên thời dẫn lên tức là phép thổ, ở lý thời đưa xuống, tức là phép hạ. Cho nên Trọng Cảnh chữa chứng thương hàn có 3 phép: hãn, thổ, hạ là gốc ở đấy.

45) Giữa khoảng đốt xương sống thứ 7 (tính từ dưới lên) một khiếu nhỏ gọi là tiểu tâm, hễ theo nó thời tốt, trái nó thời sấu.

Xương sống người ta có 21 đốt, mệnh môn ở giữa hai quả thận, giáp xương sống, từ chỗ đó đếm lên thời 14 đốt, đếm xuống thời 7 đốt, cho nên nói: giữa khoảng đốt 7 gọi là tiểu tâm.

Thế là tạng tâm là chủ tể của toàn thân, tức là Đại, Mệnh môn, Tể tướng thay quân chủ thi hành mệnh lệnh, ấy là Tiểu quân, cho nên gọi là tiểu tâm (mệnh môn), nếu không được bình hòa thời dấy động lên, đem lôi hỏa đốt cháy tam tiêu, gọi là long lôi hỏa, gặp ướt càng cháy, gặp nước càng đốt dữ hơn, chỉ có dùng Quế, Phụ, thuận theo tính của nó mà dẫn về nguyên chỗ thời tráng hỏa trở lại thành thiếu hỏa, mà muôn vật đều thịnh vui, cho nên nói: “Theo nó thời tốt, trái nó thời xấu”.

46) Ở cao thời đè xuống, ở thấp thời nhấc lên. Thừa thời bớt đi, thiếu thời bổ thêm, giúp cho nó thông lợi, hòa trộn cho nó hợp nhau, cốt làm cho chủ khách yên ổn, nóng lạnh vừa mức, đồng loại thời chữa theo cách nghịch trị, khác loại thời chữa theo cách tòng trị.

Như hỏa bốc lên thời giáng xuống; khí hãm xuống dưới thời nâng lên; tà khí thực thời tả đi, chính khí hư thời bổ vào; dùng loại thuốc có tính thúc đẩy làm tá để cho khỏi trệ, dùng loại thuốc đồng khí để hòa trộn khiến cho hợp nhau, cốt cho chủ khách được yên, lạnh ấm được đúng chỗ. Tà đương còn nhẹ thì chữa theo phép nghịch trị, tà đã vào sâu thì chữa theo phép tòng trị, nghịch trị tức là chính trị, lấy thuốc hàn chữa bệnh nhiệt, hoặc lấy thuốc nhiệt chữa bệnh hàn; tòng trị tức là phản trị, dùng thuốc nhiệt để trị cơn sốt, hay dùng thuốc hàn để trừ bệnh hàn.

47) Khí có cao thấp, bệnh có xa gần, chứng có trong ngoài, trị có khinh trọng, hễ phù hợp với nguyên nhân là hay.

Tà khí cảm vào người, hoặc ở phần trên, hoặc ở phần dưới, như Nội kinh nói: “Các loại bệnh thương phong thời phần trên bị trước, thương thấp thời phần dưới bị trước” cho nên nguyên nhân của bệnh đều có xa gần. Chứng bệnh phát ra đều có biểu lý. Đến khi chữa có khi dùng khinh tễ, có khi dùng trọng tễ, hoặc trước khinh tễ rồi sau trọng tễ, hoặc trước trọng tễ sau khinh tễ tùy chỗ tà cảm vào, vì nguyên nhân gì, chữa trúng bệnh thời thôi.

48) Nắm vững cơ chế của bệnh, căn cứ theo quan hệ sở thuộc của các chứng trạng, có tà hay không tà đều phải hết sức tìm kiếm, nghiên cứu bệnh thực hay tại sao mà thực, bệnh hư vì sao mà hư, trước hết phải xét trong ngũ khí, khí nào thiên thắng, trong ngũ tạng tạng nào thụ bệnh, nhiên hậu mới sơ thông khí huyết làm cho điều hòa để khôi phục sự thăng bằng trong cơ thể.

Phàm chữa bệnh phải biết cơ chế của bệnh, tìm xem bệnh thuộc cái gì, hoặc thuộc khí, thuộc huyết, thuộc âm, thuộc dương, hễ có thì cứ nhằm đúng chỗ thuộc loại của bệnh mà chữa, hễ không có thì tìm nguyên nhân mà chữa, tà khí thực thì tả, chính khí hư thì bổ, nhưng phải xét thêm về quy luật sinh khắc trong ngũ thắng [112] mà sơ thông điều đạt đi, thì bệnh tự khỏi.

49) Bổ ở trên, chữa ở trên dùng hoãn phương, bổ ở dưới, chữa ở dưới dùng cấp phương, cấp thì khí vị nồng hậu, hoãn thì khí vị thoảng nhẹ.

Tính của thảo mộc thì khí là dương, vị là âm, khí nhẹ là phần âm trong dương, khí đậm là phần dương trong dương, vị nhẹ là phần dương trong âm, vị đậm là phần âm trong âm, dương thì thăng, âm thì giáng, thăng chủ về thượng bán thân, giáng chủ về hạ bán thân, cho nên chữa bệnh phần thượng bán thân phải dựa vào thuốc dương phận, chữa bệnh ở hạ bán thân phải dựa vào thuốc âm phận.

50) Nhiệt mà không nhiệt lâu, vì tâm hư; hàn mà không hàn lâu, vì thận kém.

Tâm thuộc hỏa chủ nhiệt; thận thuộc thủy chủ hàn, phàm bệnh thấy chợt nhiệt chợt hàn, đó là tâm hư mà nhiệt không phát lâu, chứng chợt thấy chợt hàn chợt ôn, đó là thận hư mà hàn không phát lâu, cách chữa nên bổ tâm thời nhiệt tự dịu yên, bổ thận thời hàn tự hòa giải.

51) Chữa tâm bất tất phải dùng thuốc nhiệt, chữa thận bất tất phải dùng thuốc hàn, chỉ bổ vào tâm dương thời hàn cũng thông hành, bổ mạnh vào thận âm thời nhiệt cũng bớt hẳn.

Tâm vốn nhiệt, thận vốn hàn, thuốc nhiệt ứng vào tâm, thuốc hàn ứng vào thận, phàm dùng thuốc nhiệt cần ứng với thận để chữa nhiệt đó là nghịch trị, nhưng bất tất phải dùng như thế. Chỉ bổ vào tâm dương, dương vượng thời hàn không chữa mà tự khỏi, bổ vào thận âm, âm mạnh thời nhiệt không phải thanh giải cũng tự khỏi, ấy là đường lối tòng trị tại gốc.

52) Cái trọng yếu trong thiếu âm thận là chân dương, dương không trở về vị trí của nó thời tà không lui; chức năng của quyết âm can là tàng trữ huyết, huyết không được vinh dưỡng thời mạch không chạy.

Túc thiếu âm là thận, tác dụng của thận đều ở mệnh môn, trọng yếu là chân dương, nếu hỏa được yên chỗ của nó thì không có bệnh gì, cho nên nói: “dương không trở về vị trí của nó thì tà không lui”. Túc quyết âm là can, can tàng huyết, huyết nuôi gân, là nguồn gốc của các mạch, huyết không đầy đủ thời gân suy mạch yếu, cho nên nói: “huyết không được vinh dưỡng thời mạch không chạy”.

53) Phần dương thắng thời nhiệt, phần âm thắng thời hàn. Nội kinh nói: “Gốc của dương ở âm, gốc của âm ở dương”. Phàm bệnh không thể theo phép nghịch trị mà chữa thì nên theo dương để dẫn âm, theo âm để dẫn dương, đều phải tìm thuộc loại của nó mà dẫn như tìm mồ hôi của huyết, sinh khí ở tinh, là theo dương mà dẫn âm. Lại như dẫn hỏa về nguyên chỗ, nạp khí về thận là theo âm để dẫn dương, đó tức là sự khéo léo tìm hỏa ở trong thủy, tìm thủy ở trong hỏa.

Dương vốn nhiệt, âm vốn hàn, dương thắng thời chỉ thấy nóng, âm thắng thời chỉ thấy rét; trong dương có âm, trong âm có dương; âm dương đều tác dụng nương tựa vào nhau, như lấy thuốc nhiệt chữa hàn, lấy thuốc hàn chữa nhiệt, đó là chữa theo phép chính trị đối với bệnh thuộc thực. Nếu hư mà có giả hàn, giả nhiệt, nên tìm thuốc hợp loại của nó mà dẫn nó, đẩy nó. Mồ hôi với khí là thuộc dương. Tinh với huyết là thuộc âm, hỏa với khí là thuộc dương, thủy với thận là thuộc âm. Thục địa, Sơn thù nhục là quân dược, cho Quế, Phụ làm tá cho Thục địa, Sơn thù là bổ thủy trong hỏa.

54) Trước phải trị chủ đích của bệnh, sau mới trị nguyên nhân của bệnh.

Chủ đích là chứng trạng trước tiên, là mục tiêu của bệnh, nguyên nhân là bản khí, là đầu mối phát ra bệnh. Ấy là phép chủ yếu, trước chữa tiêu sau chữa bản nói trong Nội kinh.

55) Dương đại hư thời bổ dương để sinh âm, để dương theo âm mà lớn lên. m đại hư thời bổ âm để phối dương, khiến cho dương theo âm mà sinh hóa.

Ấy là âm dương nương tựa lẫn nhau, thủy hỏa tác dụng lẫn nhau; không dương thời âm không sinh được, không âm thời dương không hóa được. Nếu dương hư mà dùng lầm âm dược, âm thịnh thời dương càng suy. m hư mà thiên dùng dương dược, dương thịnh thời âm càng hao mòn. Nhưng khí dược có công dụng sinh huyết; huyết dược không có công dụng ích khí; hay là ở chỗ biết dùng xen lẫn cho thích hợp thì mới là đúng.

56) Hư là nguyên do sinh trăm bệnh, chữa hư là chủ chốt để trừ bệnh.

Nội kinh nói: “Tà sở dĩ cảm vào được nhất định là chính khí đã hư”, chính khí có suy vi thời tà khí mới có chỗ hở mà lấn vào. Vì các bệnh không bệnh nào không do hư mà gây ra. Nội kinh nói: “không chữa chỗ hư, còn hỏi gì đến bệnh khác”. Vậy thì chữa chỗ hư, chính là đường lối cốt yếu để trừ bệnh.

57) Phần dương của tiên thiên hư thời bổ mệnh hỏa; phần dương của hậu thiên hư thời bổ vị khí. Phần âm của tiên thiên hư thì bổ thận thủy; phần âm của hậu thiên hư thời bổ tâm can.

Âm dương của tiên thiên, là thủy hỏa vô hình; âm dương của hậu thiên, là khí huyết hữu hình. Khoảng hữu hình vô hình ấy là chỗ cửa ải hiểm yếu nhất. Chữa bệnh không dò được cửa ấy thời không có lối vào. Cho nên nói: “Bổ thận thủy phải chú trọng dùng Thục địa mà không dùng Khung, Quy; bổ mệnh hỏa chú trọng dùng Nhục quế mà không dùng Kỳ, Truật”.

58) Bệnh mới mắc nên phân ra nguyên nhân trong ngoài, bệnh lâu ngày thì tóm lại chỉ là một chứng hư.

Nội kinh nói: “Tà mới cảm vào thời xua đuổi đi, đón đầu mà đánh bật đi”. Bệnh mới từ ngoài tới, thì chỉ có cách cho ra mồ hôi để phát tán; bệnh mới từ trong phát ra, thì cốt yếu là tiêu đi bình đi, như thế là bệnh mới phát nên phân ra nguyên nhân trong ngoài để trị. Ví bằng tà không đi, thời từ biểu vào lý, từ phần dương vào phần âm, tân dịch suy kiệt, khí huyết hao thương, thì tóm lại chỉ là một chứng hư, nên dùng phép bổ mà cứu chữa.

59) Vị cam ôn thời chỉ bổ dương khí của ngũ tạng. Vị cam hàn thời có thể bổ được chân âm của chúng.

Cam ôn tức là loại Sâm, Kỳ, cam hàn tức là loại Địa Thù. Nhưng các chữ “chỉ bổ”, “có thể bổ được” phải nên xem xét kỹ, ấy là chữ “chỉ” với chữ “được” về công sức nông sâu khác nhau xa lắm, vì khí dương của ngũ tạng đều là khí dương hữu hình; chân âm của ngũ tạng vốn là khí âm vô hình, vả chăng lẽ âm dương kỳ diệu là chỗ vô hình, từ chỗ không mà thành có, vô cực mà thành thái cực. Sự sinh thành của vạn vật trước từ chỗ vô hình rồi sau mới thành hữu hình. Thầy thuốc mà hiểu được lẽ ấy thời biết hết được huyền cơ của tạo hóa.

60) Phép lợi thủy chớ dùng sau khi mắc bệnh đã lâu, phép thu sáp đừng dùng khi bệnh mới phát. Chứng ỉa chảy, khát, mặt đỏ thì cấm dùng thuốc ấm, chứng ỉa chảy kéo dài mà khát thì không dùng thuốc mát.

Đó là điều cốt yếu để chữa bệnh ỉa chảy. Nội kinh nói: “Các chứng ỉa chảy thì tiểu tiện không thông lợi”. Cho nên chữa bệnh ỉa chảy chỉ lợi tiểu tiện làm cốt yếu. Nếu ỉa chảy sau khi bệnh đã lâu, nhân vì lúc mắc bệnh, tân dịch đều kiệt thì không nên lợi tiểu nữa, vì như thế thì chứng hư càng hư thêm. Nếu chữa bệnh ỉa chảy mới phát mà không có bệnh gì khác thì kiêng dùng thuốc cố sáp vì nó làm cho tà bế lại. Còn như ỉa chảy mới phát, mặt đỏ mà khát ấy là chứng ỉa chảy vì nhiệt nên cấm dùng thuốc ôn bổ. Nếu ỉa chảy lâu ngày mà khát, ấy là chứng thương âm, tân dịch khô kiệt nên kiêng dùng thuốc thanh lương. Nhưng theo tôi thấy, chữa bệnh ỉa chảy lợi tiểu tiện thì khỏi. Lại nói: “Nếu cho thuốc lợi tiểu mà đi từng giọt không thông là vì phế mất chức năng trị tiết, nước không có khí thì không thông đi được”. Lại vì tiểu trường thấm ra, bàng quang thấm vào, nếu mệnh môn hỏa suy thì khí hóa không tới được châu đô [113], lại như ỉa chảy thì mồ hôi bị khô kiệt, không kể hàn hay nhiệt, không có lý gì lại không khát. Hàn mà sinh ỉa chảy có đến 80, 90 %, nhiệt mà ỉa chảy chỉ có 10, 20 %, cho nên chứng ỉa chảy vì nhiệt thì thấy mình ấm, sợ nóng, mặt đỏ, đau bụng ỉa chảy như xối, hoặc đi bắn tóe ra, mạch hồng sác hữu lực, mới thật là chứng ỉa chảy vì nhiệt, vì nhiệt thì chữa theo chứng thực, chỉ nên dùng thuốc mát. Nếu xét nhận không thật đúng, dùng nhầm thuốc hàn lương, ở bệnh mà hỏa đã mất gốc thì giết người như trở bàn tay.

61) Chữa thấp nếu không cho lợi tiểu tiện, là chữa không đúng phép.

Thấp nhân thủy mà sinh ra, tiêu thủy là để cho ráo thấp, lợi tiểu tiện tức là tiêu thủy, cho nên chữa thấp lấy lợi tiểu tiện làm cốt yếu; nhưng đó chỉ là một mặt mà thôi. Vì trong chứng thấp có chia ra hàn nhiệt, theo về phần dương là chứng nhiệt thấp, theo về phần âm là chứng hàn thấp. Thấp nhiệt thời dùng thuốc lợi tiểu là phải, hàn thấp thời chỉ nên ôn bổ tướng hỏa ở hạ tiêu, lệnh của tướng hỏa thi hành, thời phần gạn lọc ở lan môn [114], sự kiện vận ở trung châu đều theo mệnh lệnh mà làm chức vụ. Lại có nghĩa phong thắng được thấp, phương thuốc chế ra để chữa chứng thấp, phần nhiều dùng thuốc phong, ấy là vì chữa được thực tà mà đặt phương; không phải là thuốc chữa chứng hư. Làm thuốc nên biết toàn diện, không phải chỉ biết một khía cạnh mà nắm hết được cả đâu.

62) Chứng tích hư kèm cả hàn, chứng tỳ hư tất phải bổ mẹ nó (hỏa).

Sách nói: “Người khỏe không bao giờ có tích”, tích là vì hư; hư thời tất hàn, không làm ôn bổ là chữa không đúng phép. Tỳ là thái âm thấp thổ, do thiếu dương tướng hỏa sinh ra, hư thời bổ mẹ, để hạ tiêu có hỏa lực làm ngấu nhừ được, mà vận hành mạch.

63) Khí hữu dư bèn trở thành hỏa, cho nên tán hỏa thì phải ức chế khí. Huyết kém thời âm hư, mà bổ âm thì phải thêm thủy.

Khí tức là hỏa, hỏa tức là khí, khí nghịch thời hỏa bốc lên, cho nên tán hỏa tất trước phải ức chế khí; khí thuận thời hỏa tự giáng xuống. Huyết là âm, âm tức là thủy, huyết kém thời âm hư, cho nên phép bổ âm chủ ở việc thêm thủy; thủy đầy đủ thời âm cũng vượng.

64) Hương phụ, Sa nhân là thuốc rất quý của đàn bà. Thung dung, Sơn dược là thuốc rất quý của đàn ông.

Tính đàn bà phần nhiều thiên về uất, phàm chữa bệnh nên kiêm cả chữa uất, dùng Hương phụ để khai uất, Sa nhân để phá trệ, cho nên nói là thuốc rất quý. Đàn ông ít người tiết dục, phần nhiều đa dâm, đa tình, phàm bị bệnh phần nhiều vì trác táng hao tổn. Vị Sơn dược bổ thận, Thung dung bổ tinh, cho nên nói là quý.

65) Phát hãn quá thời tâm hư, công hạ quá thời tỳ tổn.

Tâm thống quản huyết, mồ hôi là tên riêng của huyết. Sách nói: “Phát hãn quá thời mất huyết cho nên phát hãn thời tâm hư”; thường sau khi ra mồ hôi, sợ sệt đánh trống ngực quá lắm thời gân khô phát bệnh co cứng. Ấy là dấu hiệu mất huyết vong âm. Tỳ là cái kho tàng, vị là bể chứa thủy cốc, cho nên công hạ quá thì thủy cốc hết mà kho tàng trống rỗng; thường thấy sau khi công hạ, tay chân quyết lạnh, ấy là dấu hiệu vị bại dương vong.

66) Chữa chứng âm trước hết phải cứu dương, chữa thương hàn chủ yếu phải cứu âm.

Phàm hàn tà trúng thẳng vào âm kinh thời tay chân giá lạnh, hoặc là thổ tả trướng đầy, mặt xanh, móng tay đen, miệng cắn chặt, mắt cứng đờ, ấy là dấu hiệu dương khí sắp mất thình lình, kíp phải ôn bổ để hồi dương thời khỏi. Duy chữa thương hàn lấy cứu âm làm chủ, lời huấn từ đầy ý nghĩa ấy thật là bí pháp bất di bất dịch. Vì hàn thời hại phần vinh, cho nên nói: “Hàn hay làm ngưng huyết”, tổn thời âm tất hư. Lại nói: “Tà khí quấy nhiễu lâu thì chính khí uất kết ở trong mà thành chứng nội nhiệt”; nhiệt thời tổn thương âm, âm càng tổn thương thời càng nhiệt, mà càng nhiệt thời âm càng tổn thương, đến nỗi nhiệt lâu ngày không khỏi, mặt xạm, lưỡi đen, mình tựa củi khô, tinh huyết hao kiệt, âm vong ở dưới, dương thoát ở trên không còn làm gì được nữa. Tôi có một phép cốt yếu để chữa bệnh tà không những chứng thương hàn, phàm các chứng cảm mạo thấy có phát sốt, duy chỉ dùng huyết dược làm quân, thuốc đối chứng làm tá sứ, hoặc cho ra mồ hôi mà tán nhiệt hoặc dùng thuốc mát mà giải nhiệt, không theo lục kinh mà công hiệu như nhổ cỏ vì có thể phòng ngừa ngăn đón từ lúc bệnh chưa xảy ra, thực là ý tứ huyền diệu tâm đắc riêng của tôi, có ai cùng chí ấy mới là tri âm.

67) Huyết hữu hình không sinh ra nhanh, khí vô hình kíp nên giữ vững.

Huyết thuộc âm là hữu hình, khí thuộc dương là vô hình, dương hỏa dễ cứu, âm thủy khó tìm, cho nên trong lúc đang băng huyết, thoát huyết không dùng huyết dược, chỉ uống Độc sâm thang, vì huyết thoát thời bổ khí để vô hình sinh ra hữu hình, vì âm vong thời dương cũng thoát, nên kíp giữ vững lấy dương. Tôi nhận thức được cơ chế hóa sinh này mà hiểu rộng ra, mới nghĩ được một bí pháp, thực là ý tứ cốt yếu trong tâm lĩnh của nhà y. Phép này là hễ chữa chứng nhiệt, nhất thiết không nên lấy nhiệt khỏi hẳn làm chừng; chỉ dựa vào vị khí mạnh hay yếu làm chuẩn đích; Vị mà mạnh thời thanh hết nhiệt không có hại gì; vị mà yếu thời thấy nhiệt đã hơi giảm được một hai phần, nên uống xen dương dược để kịp bổ vị khí, vị khí mạnh dần lên, thời lại dùng âm dược để thanh nhiệt, tùy cơ ứng biến như thế, khiến cho vị khí không suy tổn mảy may mới là bảo toàn không để thiếu sót.

Tôi đã bàn kỹ về chứng âm hư khó bổ ở quyển Đạo lưu dư vận nên xét sâu.

68) Chữa chứng hư lấy nhân sâm làm quân, cũng như người ta lấy cốc khí làm chủ.

Nhân sâm trên ứng với sao Giao [115], hình dạng tựa như hình người. Bản thảo khen công dụng của nó đứng đầu các vị thuốc, có thể hồi được nguyên khí trong lúc không còn có gì, cho nên các chứng hư được ăn uống, trong thuốc bổ hư xứng đáng là vị quân, ví như người ta sống được chỉ nhờ cốc khí để hóa sinh tinh ba.

69) Hỏa nhờ khí ở ngũ tạng, đờm nhờ tân dịch ở ngũ vị. Khí hữu dư thời là hỏa, tân dịch hữu dư thời là đờm. Khí có thể phát sinh hỏa, hỏa có thể sai khiến đờm, chữa đờm phải giáng hỏa, chữa hỏa phải thuận khí.

Sách nói: “Thấy đờm đừng chữa đờm, mới là người thầy thuốc giỏi”, vì chữa đờm không gì bằng giáng hỏa, giáng hỏa không gì bằng điều khí, khí thuận thời hỏa tự giáng mà đờm tự tiêu đi. Thế là đờm vốn không thể sinh bệnh, vì bệnh sinh đờm đó thôi, tội gì mà cứ chữa đờm.

70) Người già yếu không nên vội giáng hỏa, người hư nhược không nên trừ hết đờm.

Hỏa tức là dương khí, người già thời dương khí suy kém, tuy thấy chứng hỏa mà tuyệt đối không nên thanh hỏa, huống chi là giáng hỏa, hỏa mất thời khí cũng tuyệt. Người hư nhược thời tân dịch đã đến lúc suy kiệt, đờm tức là do tân dịch sinh ra. Sách nói: “Tân dịch kết lại thời sinh bệnh, tân dịch hết thời chết”. Trừ đờm tức là cho kiệt hết tân dịch. Nhà đạo dẫn nói: “Nhổ nhiều không bằng nhổ ít, nhổ ít không bằng đừng nhổ”. Vì tân dịch cũng là chất nuôi sống, phải tự nên coi trọng.

71) Chân âm là chân thủy, không phải huyết ở tâm can. Chân dương là chân hỏa, không phải khí ở tỳ phế, cho nên tư dưỡng thận thủy thì nên dùng Thục địa mà không dùng Khung, Quy; Bổ mệnh hỏa thì nên dùng thuốc Nhục quế mà không dùng Kỳ, Truật.

Người không hiểu đều cho khí huyết là âm dương, không biết khí huyết còn có gốc của khí huyết, như tâm can là huyết hữu hình của hậu thiên, gốc nó ở chân âm trong thận của tiên thiên. Tỳ phế là khí hữu hình của hậu thiên, gốc của nó ở mệnh môn trong thận của tiên thiên. Cho nên Khung, Quy cay bốc chỉ có thể điều vinh, Kỳ, Truật cam ôn chỉ có thể ích vệ, nói điều vinh, nói ích vệ đều là dùng chữa cho khí huyết của hậu thiên. Còn như tư dưỡng thận thủy thời phải là Thục địa thuần tĩnh; Bổ mệnh hỏa thời phải là Nhục quế ngọt thơm, chứ các vị cay bốc cam ôn không được dùng tới, há nên dùng lẫn lộn.

72) Khí hư ở trong còn thấu ra biểu sao được, nếu không bổ khí, thời sao hòa giải được da thịt? Huyết hư ở lý, còn hóa ra tân dịch sao được, nếu không bổ tinh huyết thời sao cho có mồ hôi.

Người có mồ hôi cũng như trời có mưa, không có khí dương của trời giáng xuống thời không có mưa. Phàm khí hư thời hãm xuống, cho nên làm thăng dương mới có thể giải biểu. Lại nữa huyết vốn thuộc âm thủy, mồ hôi là tên riêng của huyết, cho nên tư âm mới có thể phát hãn được, mà phát hãn bằng cách bổ huyết là lẽ huyền diệu như mây bốc lên thì mưa đổ xuống.

73) Tà còn ở phần biểu, không được công phần lý, hoặc dùng cách phát biểu, hoặc hơi giải ra hoặc dùng ấm mà phát tán, hoặc dùng mát mà phát tán, hoặc làm ấm ở trong mà đẩy độc tà ra, thành thử không tán mà tán, hoặc bổ trợ chân âm mà làm cách tán như mây bốc lên thời hóa mưa.

Đây là phép trục tà rất hay của Cảnh Nhạc, vì ngoại tà cảm vào thân người, chưa có chỗ nhất định, nên kíp đưa đi, đẩy đi, không nên ngăn cản lại để đến nỗi nó từ biểu truyền vào lý tất hại đến phần âm, cũng như đóng cửa nhốt giặc; mà trong phương pháp đó đã có cách không tán mà tán, dùng bổ làm công, thật là Vương đạo, ôn trung tức là từ dương mà dẫn âm, trợ âm tức là từ âm mà dẫn dương.

74) Bổ âm thì đừng dùng thuốc đắng lạnh để tránh tổn thương vị, bổ dương thì đừng dùng thuốc cay tán để tránh tiết mất khí.

Phàm thuốc có thanh lương (mát) mới có thể tư âm; mùi vị có cay ấm mới có thể bổ dương, nhưng đắng lạnh thời tổn thương vị khí, cay ấm thời hao tiết nguyên dương, được đằng này thì mất đằng nọ, chỗ đó phải nên châm trước.

75) Khu phong chớ quá dùng thuốc táo, thanh thử chớ khinh thường mà công hạ, sản hậu kiêng dùng thuốc hàn lương, trệ hạ kiêng dùng thuốc liễm sáp.

Trị phong trước phải trị huyết, phong dược đều là những vị tân tán, hay làm hao huyết, cho nên khu phong chớ quá dùng thuốc táo. Thử là khí thấp nhiệt, tuy chứng phần nhiều đầy trướng tiết tả, song nhiệt thời thương khí, cho nên chớ khinh thường mà công hạ để làm tổn thương vị khí. Sản hậu là lúc âm dương đều hư, hư thời tất hàn, phép chữa nên ôn bổ, nhất thiết phải kiêng các vị hàn lương. Chứng lỵ vì tích mà gây nên, Nội kinh nói: “vì trệ xuống, cho nên hiện ra chứng đau bụng mót rặn”, phép chữa nên hòa huyết hành khí, rất kiêng dùng thuốc liễm sáp vì làm cho tà bế lại.

76) Dương hữu dư mà lại chữa bằng dương dược thời dương càng mạnh mà âm càng hao mòn. Dương bất túc mà lại dùng âm dược, thời âm càng thịnh mà dương phải mất.

Đây là nói thầy thuốc kém, nông nổi, nhận xét không đúng, đoán lầm hư thực, bổ tả lộn xộn sẽ có cái họa làm hư thêm hư, làm thực thêm thực. Vì lẽ âm dương nên thăng bằng, không nên thiên lệch, dương thịnh vượng thời âm hao mòn, âm thịnh vượng thời dương cũng mất.

77) Bệnh do đờm hay là đờm do bệnh? Há không phải đờm do hư mà ra hay sao? Thấy trong thiên hạ không mấy người có bệnh thực đờm, mà cũng mấy khi nên công phạt đờm. Cho nên chữa bệnh đờm là phải làm cho ấm tỳ, khỏe thận, để chữa tận gốc của đờm, làm cho căn bản được đầy đủ dần dần rồi bệnh đờm không cần chữa mà tự khỏi.

Vì bệnh mà sinh đờm chứ đờm không thể sinh ra bệnh. Phàm bệnh đờm tất do hư đưa đến. Vì thận chủ năm chất dịch; thận hư thủy không sinh ra huyết mà sinh ra đờm, vì gốc đờm là ở thận. Tỳ chủ vận hóa, tỳ hư không thể vận hóa được mà sinh đờm, đờm không hóa được là tại tỳ, cho nên nói: “chữa gốc của đờm cốt ở hai tạng tỳ và thận mà thôi”. Nếu kiện vận đắc lực, tinh huyết đầy đủ, tuy không chữa đờm mà đờm tự hóa hết.

78) Nhiệt thắng thời âm nhất định bị bệnh, cho nên trị nhiệt phải theo từ phần huyết. hàn thắng thời dương nhất định bị bệnh, cho nên trị hàn phải theo từ phần khí.

Phần dương thịnh thời phần âm tiêu hao, cho nên nhiệt nhất định tổn thương phần âm, nhiệt làm sôi máu lên, chữa bệnh nhiệt nên dùng thuốc nhu nhuận để bổ huyết, đó là tư dưỡng phần âm để phối hợp với phần dương. Thủy hay khắc hỏa cho nên hàn nhất định thương tổn đến phần dương, dương hư sợ lạnh, phàm trị hàn nên dùng thuốc cay ấm để bổ khí, đó là bổ dương để chế bớt âm. Nhưng đó đều là khí huyết hữu hình của hậu thiên thời dùng Tứ vật điều vinh, Tứ quân bổ vệ là đủ rồi. Nếu thương tổn đến căn bản, thời không dùng Lục vị để làm mạnh chân thủy, Bát vị để bổ chân hỏa thời không xong.

79) Bệnh hữu hình mà khó chữa hết, nhất định phải tìm đúng thuốc chữa về thủy hỏa vô hình, thời các tật bệnh sẽ khỏi.

Phàm các chứng bệnh đại hư, phần nhiều có hình trạng lạ lùng biến hóa đa đoan, sách khó chép ra, thầy không biết hết, bất tất phải hỏi han tỉ mỉ, chỉ dùng Lục vị, Bát vị hoàn bồi bổ hẳn vào chỗ căn bản của sinh mệnh thời nguyên khí vô hình sẽ được vững vàng ở trong mà tật bệnh hữu hình ở ngoài không còn nơi dung thân nữa. Sách nói: “Trăm bệnh đều gốc ở thận” chính là nói thế.

80) Bệnh hữu hình không đau là loại dương, bệnh vô hình mà đau là loại âm, vô hình mà đau là dương toàn vẹn mà âm thương tổn, hữu hình mà đau là âm đầy đủ mà dương thương tổn, nên kịp chữa phần dương, đừng chữa phần âm.

Đấy là phép chữa bệnh ung nhọt [116], Nội kinh nói: “Dương chủ hình, âm chủ đau”, cho nên phàm bệnh ung nhọt hữu hình đều là dương chứng, có đau là âm chứng. m đau thì cứu âm, chớ phạm đến phần dương, dương bị tổn thương thời cứu dương, chớ phạm đến phần âm.

81) Chứng đầy tức thuộc thực thì nên tán nên tiêu, chứng đầy tức thuộc hư không ôn bổ mạnh thời không được.

Thực thì tả, hư thì bổ là phép chữa thông thường, nhưng tạm dùng với chứng đầy tức mà công trục thì cũng được. Sách nói: “Người khỏe mạnh không có chứng tích, người hư thì lại có”. Lại nói: “Bệnh mới phát nên phân ra nội thương hay ngoại cảm, bệnh lâu ngày thì đều quy về một chứng hư”. Chứng đầy tức phần nhiều đều do hư mà gây nên.

82) Chỉ thấy nguyên dương kém thời khí đã hư ở trong, tuy có ngoại nhiệt tức là giả nhiệt đó thôi, nhất thiết không nên dùng thuốc mát, vì trung khí càng bại thì tà khí càng mạnh thêm.

Dùng thuốc hàn chữa bệnh nhiệt là chữa theo phép nghịch trị, dùng thuốc nhiệt chữa bệnh nhiệt là chữa theo phép tòng trị, nhưng chứng bệnh phần nhiều là giả tạo, giả tạo thời mù mờ khó thấy. Sách nói: “Nên lấy nguyên khí làm chủ, ngoại chứng không đủ làm bằng”, thực là bí pháp, há không nên lấy đó làm gương?

83) Dùng thuốc nhiệt nên tránh quá nhiệt, dùng thuốc hàn nên tránh quá hàn, nghĩa là không nên dùng quá.

Đó là Nội kinh nói: “Bệnh nên dùng thuốc nhiệt chớ làm quá nhiệt, nên dùng thuốc hàn chớ làm quá hàn, vì không dè dặt thuốc nhiệt thời nhiệt sinh, không dè dặt thuốc hàn thời hàn tới”. Lại nói: “Mùa hè tránh dùng Quế, Phụ, mùa đông chớ dùng Cầm, Liên, chớ làm hại khí thiên hòa”, ấy cũng là lẽ tránh nhiệt tránh hàn.

84) Phàm muốn xét bệnh tất nên xét vị khí trước, muốn chữa bệnh tất nên chiếu cố đến vị khí trước. Vị khí không tổn thương, thời không lo ngại gì.

Người ta sống được cốt lấy vị khí làm chủ. Mạch kinh nói: “Có vị khí thời sống, không có vị khí thời chết”. Lại nói: “Vị khí một khi đã bại hoại, thời trăm thứ thuốc khó chữa nổi”. Vì ngũ tạng lục phủ đều bẩm thụ khí ở vị, vị là nguồn suối sinh hóa của hậu thiên, vị bị bệnh thời 12 kinh đều bệnh. Khi tôi thăm bệnh, tuy thấy âm nhiệt bốc ngùn ngụt, mà ăn kém hụt hơi, thời kíp dùng dương dược để cứu vị khí, vì khí còn ít cho nên phải kíp giữ cho vững. Tôi thường bàn: “Có lúc bổ thận không bằng bổ tỳ” ở trong quyển Đạo lưu dư vận rất kỹ.

85) Phàm chứng đại thũng đại độc, không dò tìm ở chỗ chân âm, chân dương thuộc tiên thiên thời không chữa được. Các chứng sang lở mụn nhọt, không tìm ở trong huyết khí của tỳ vị thuộc hậu thiên cũng không ích gì.

Đây là đại ý chữa bệnh không riêng gì người bị lở nhọt mà các chứng khác cũng giống như thế. Sách nói: “Đại bệnh ắt do thủy hỏa làm hại, tiểu bệnh ắt do khí huyết thiên thắng”, chữa đại bệnh mà bỏ thủy hỏa, chữa tiểu bệnh mà bỏ khí huyết cũng như trèo cây tìm cá, rút cuộc chẳng làm được gì.



86) Chứng thổ tả kèm nhiệt không nên dùng thuốc táo, chứng thương hàn mình nóng không nên dùng thuốc mát.

Nội kinh nói: “Các chứng nôn ói xông lên đều thuộc hỏa”. Lại nói: “Tính hỏa cấp tốc, chứng đau bụng đi ỉa, là hỏa mạnh”, hễ thổ tả mà thấy mình nóng, mạch Hồng thực thì không nên dùng thuốc táo sáp, là sợ đem hỏa giúp cho hỏa. Bệnh thương hàn mình nóng là ngoài bị hàn tà bó lại, nguyên khí tự uất kết ở trong mà làm thành mình nóng, tức là nội hỏa, không phải là ngoại hỏa cho nên không thể thấy nóng mà dùng thuốc mát, vì sợ rằng đem hàn thêm cho hàn.

87) Lẽ của trời đất là dương thống âm, huyết theo khí, cho nên trị huyết ắt phải trị khí trước, huyết thoát thời bổ khí trước.

Dương sinh thời âm trưởng, cho nên khí dược có công năng sinh huyết, huyết dược không có tác dụng bổ khí. Phàm chứng huyết thoát chỉ dùng Độc sâm thang, ấy là chú trọng cứu khí sắp hết.

88) Xét nguyên nhân bệnh, tìm thuộc bệnh, tránh lúc bệnh đương thịnh, nhân lúc bệnh đương suy giúp yên chính khí, tán hóa tà khí, dẫn nguyên khí lại (hoàn nguyên), bổ nguyên khí cũ mạnh lên (thắng cựu).

Đây là Nội kinh nói đại ý chữa bệnh, tìm xét nguyên nhân là xét nguyên do sinh bệnh, tìm thuộc loại là xét xem bệnh thuộc khí hay huyết, tránh lúc đương thịnh là tránh khi bệnh đương phát mạnh không thể cản trở được, nhân lúc bệnh suy là nhân khi tà khí suy mà tán đi, yên chính khí là giúp cho chính khí được yên, hóa tà khí là làm cho tà khí tiêu tán đi, hoàn nguyên là bổ hư đem vật cũ trở lại, thắng cựu là sau khi bệnh khỏi làm cho nguyên khí càng mạnh thêm.

89) Nhiệt thắng thời sinh thũng, hàn thắng thời sinh phù.

Thũng là chứng thực, phù là chứng hư, nhiệt làm tổn thương phế, phế chủ khí khớp xương không thông mà sinh thũng; hàn làm tổn thương huyết, hàn làm ngưng huyết, da thịt như sít lại mà sinh phù.

90) Hư thực là cơ chế bệnh, bổ tả là phương pháp chữa.

Tà khí thịnh thời thực, chính khí bị đoạt thời hư, tật bệnh không ngoài hư thực. Bổ tả là ý nghĩa phù chính khu tà.

91) Tìm mồ hôi ở huyết, sinh khí ở tinh, là theo từ dương mà dẫn âm, không phải là ý nghĩa tìm hỏa trong thủy đó ư?

Nội kinh nói: “bổ huyết có thể làm cho đổ mồ hôi” nhưng không làm thăng dương thì cũng không thể đổ mồ hôi được. Tinh vốn hữu hình, sinh ra từ vô hình, nên nói tinh sinh ở huyết, không phải là hàn và thủy, mà là loại âm huyết. Khí vô hình là dương, tinh hữu hình là âm, không bổ khí thời tinh không sinh. Cho nên nói: “từ dương mà dẫn âm”. Khí vốn sinh từ hỏa, thử xem người với mọi vật không nóng thời không có khí. Lại như dẫn hỏa về nguyên chỗ, nạp khí về thận, đó là từ âm mà dẫn dương, không phải ý nghĩa lấy thủy từ trong hỏa đó ư!

92) Nóng thời hại khí, nếu ghét hỏa làm ra nóng mà đem trừ đi, thời hỏa thiên chân đã tắt mà khí cũng tuyệt, vì khí tức là hỏa, hỏa có nên trừ hẳn đi không?

Hỏa hư vốn là không có thủy, nên bổ thủy để sánh với hỏa, hai thứ thăng bằng thời bệnh khỏi. Muốn trừ hỏa để phục hồi thủy thời thứ thủy đã thiếu sẵn đó khó mà trở lại được rồi mất luôn theo hỏa, nên bồi dưỡng chỗ thiếu (bổ thủy), không nên công phạt (tả hỏa). Nếu xuống tay là thanh hỏa, giáng hỏa, tả hỏa, phạt hỏa lại bảo ức chế dương để phù âm; thời dương là cơ chế để sống, dương khí hết không có lý nào không chết, há không đáng sợ ư!

93) Phần dương của tiên thiên hư thời bổ mệnh môn; phần âm của tiên thiên hư thời bổ thận thủy.

Chân dương hỏa suy, thời thiếu hỏa biến thành tráng hỏa, chống với nguyên khí, nên dùng Quế, Phụ bổ dương để dẫn về nguồn gốc. Chân âm hư thời thủy suy mà hỏa bốc cho nên nói: “Làm mạnh thủy để chế ước bớt cái chói sáng” là thế đấy.

94) Bốn mùa lấy vị khí làm căn bản, bệnh thương hàn ở chứng trạng nguy thì nên xem mạch Xung dương [117] để xét vị khí còn hay mất.

Chẩn mạch có mạch Xung dương ứng dưới tay, thời nói là sống. Lại nói: “Mạch Xung dương không ứng dưới tay, thời ngồi đợi chết”, Xung dương tức là mạch của vị.