Phép chữa bệnh

Bệnh thuộc hư phải nên chữa thong thả: Hư là tinh khí bị hao; dù bệnh cố tật lâu ngày cũng phải chữa thong thả. Cho nên nói: “Chữa bệnh hư không có phép chữa nhanh, cũng không có phép gì hay hơn được, bệnh thuộc thực phải nên chữa nhanh vì thực tức là tà khí nhiều hơn, tà mà không đuổi ra nhanh thì nó sẽ làm hại tràn lan”. Cho nên nói: “Chữa bệnh thực không nên chữa chậm, cũng không nên chữa theo lối thong thả”.

Xem thêm: Phép tắc chữa bệnh (Nội kinh) |
Phép tắc chữa bệnh (Y hải cầu nguyên)



Phép chữa bệnh có khi bệnh ở trên lại phải chữa ở dưới, bệnh ở dưới lại phải chữa ở trên, cùng một bệnh mà thuốc lại khác nhau. Bệnh khác nhau mà thuốc lại giống nhau, chứng bệnh hiện ra rối ren phức tạp mà gỡ ra mối manh rành mạch, biến hóa và cũng nắm vững vàng không hề bối rối, đó mới là bậc lương y.

Nếu chưa quán triệt được ý nghĩa đó chỉ biết lần mò, theo đuôi bệnh, đã chữa trên lại công phạt dưới, đã chữa đằng sau lại ngó đằng trước, không suy tìm được căn nguyên bệnh, thuốc chữa thì không nhất định vào một mặt nào, tránh sao được tiếng chê cười của những người hiểu biết là “gặp đâu chữa đấy”.

Cần phải biết rằng tà khí xâm phạm vào người phát sinh ra rất nhiều thứ bệnh, nhưng nguồn gốc của nó chỉ ở một chỗ mà thôi, trị được một chỗ thì trăm bệnh đều khỏi hết, nếu chữa vào ngọn của nó thì đầu mối càng nhiều càng rối loạn. Bởi vì trăm ngàn thứ bệnh làm hại người ta tuy khác nhau, nhưng phép chữa thì không ngoài vòng khí huyết hư thực.

Thăng và giáng là cốt yếu của cơ chế bệnh:

Thăng là khí mùa xuân, là phong hóa, là mộc tượng, cho nên phong có nghĩa là sơ tán.

Giáng là khí mùa thu, là táo hóa, là kim tượng, cho nên giáng có nghĩa là thu liễm.

Ví dụ 1: người ăn uống không điều độ, nhọc mệt quá mức, dương khí giảm xuống thì nên thăng dương bổ ích cho khí. Người ỉa chảy kiết lỵ không ngớt thì nên thăng dương bổ ích cho vị, vì uất hỏa ẩn náu ở trong thì nên thăng dương tán hỏa, vì thấp làm thành bệnh đi tả thì nên thăng dương trừ thấp. Đó là ý nghĩa các loại bệnh nên cho thăng.

Ví dụ 2: Người âm hư thì thủy kém không đủ chế hỏa, hỏa không có sự ức chế thì bốc lên thành ho nhiều đờm, thổ huyết, chảy máu mũi, nhức đầu, đau răng, đắng miệng, khô lưỡi, nóng trong xương, phát nóng lạnh, đó là chứng trên nhiệt dưới hư nên dùng những loại Mạch môn, Bối mẫu, Tỳ bà diệp, Bạch thược, Ngưu tất, Ngũ vị để giáng xuống, khí giáng thì hỏa cũng tự giáng và sẽ trở về nguồn của nó. Lại gia thêm loại thuốc tư thủy thêm tinh để chữa từ gốc thì các chứng bệnh tự khỏi. Đó là ý nghĩa các loại bệnh nên giáng.

Âm dương của con người cần phải hòa hợp với nhau mà không thể tách rời, thế mới gìn giữ được tuổi thọ. Cho nên dương muốn thoát lên trên thì âm hút xuống không thể thoát được. Âm muốn thoát xuống dưới thì dương hút lên trên không thể thoát được, chừng như quy luật âm dương thăng giáng trong vòng trời đất. Song địa khí dưới đất thường giao lên trên cho nên gọi là địa thiên thái (thái hòa), khí trên trời không giao xuống dưới thì là thiên địa bĩ.

Bậc Thánh nhân hiểu thấu lẽ tạo hóa, có phương pháp chuyển bĩ thành thái. Như dương khí hãm xuống, thì dùng chất thuốc có vị nhạt, khí nhẹ như những loại: Thăng ma, Sài hồ để đưa cho khí lên, làm cho khí ở dưới đưa được lên trên theo quy luật tả toàn của trái đất. Dương khí không giáng xuống được thì dùng các loại thuốc đã từng hấp thụ được cái khí heo hắt của mùa thu, như những vị Cù mạch, Biển súc để nén cho giáng xuống, làm cho khí ở trên đưa được xuống dưới theo quy luật hữu toàn  của bầu trời.

Lại có phép chữa dùng phương pháp bí tắc để chữa bệnh bí tắc (tắc nhân tắc). Ví như chứng tỳ hư thì trung tiêu hư, khí bít lấp lại thành đầy trướng. Thận hư thì hạ tiêu suy, khí không về được nguyên chỗ rồi sinh chứng thượng tiêu tức đầy, muốn chữa ở trên thì lại sợ bị hư thận ở dưới, muốn bổ ở dưới thì lại sợ thận đầy ứ ở giữa, người chữa bệnh không hiểu nguồn gốc, thoạt đầu công phạt chứng đầy, khi uống thuốc vào hoặc cũng có bớt, nhưng thuốc qua rồi lại như cũ, khí càng hư thì bệnh sẽ thêm nặng, không hiểu rằng uống thuốc bổ ít thì bít lấp lại, nhưng khi uống bổ nhiều lại dễ khơi thông nên phải dùng phép bổ mạnh ở dưới thì hư ở dưới được bồi đắp đầy đủ mà đầy ở trung tiêu cũng sẽ khỏi hết. Có thuyết nói: Nhân sâm có vị ngọt, để bổ nguyên khí. Ngũ vị có vị chua để thu liễm hư khí thì tỳ vận hóa được khỏe mà trướng đầy cũng tự tiêu, thận khí đã được tàng liễm thì khí sẽ trở về nguyên chỗ, thượng tiêu được trong lặng lưu thông thì chứng đầy xốc lên cũng sẽ rút xuống.

Dùng phép thông lợi để chữa bệnh thông lợi (thông nhân thông) như chứng thương hàn có ghé nhiệt, kiết lỵ và ỉa chảy hàn ngưng lại, hoặc ở trong có phân táo. Chứng nhiệt thì hạ bằng thuốc hàn; chứng hàn thì hạ bằng thuốc nhiệt, chủ chứng sẽ tiêu trừ đó là chữa gốc bệnh. Có thuyết nói: “dùng Điều vị thừa khí thang cho hạ sẽ khỏi. Chứng thương thử cứ mót đi ỉa mãi thì dùng Lục nhất tán để thanh nhiệt trừ tích thì bệnh sẽ khỏi”.

Chữa bệnh hàn bằng thuốc nhiệt, chữa bệnh nhiệt bằng thuốc hàn, như vậy là chữa theo lối chính trị. Như bệnh nhiệt lại dùng thuốc nhiệt để công phạt, bệnh hàn lại dùng thuốc hàn lương, đó là tòng trị, bởi vì nếu nó không cùng loài thì không hợp với nhau. Bệnh đại hàn đại nhiệt thường hay đối kháng với những khí khác với nó, người chữa bệnh giỏi thì mượn những vị đồng loại với nó làm tá dược, để dung hòa tham hợp hàn nhiệt, làm cho lúc ở đầu thì giống nhau, rồi sau mới biến khắc. Ví như nhiệt dưới mà có hàn tà ngăn cách ở trên thì trong thuốc hàn thêm vào một chút thuốc nhiệt để làm tá dược. Nội kinh nói: “Nếu điều hòa được khí xung nghịch của hàn nhiệt thì lạnh hay nóng cũng đều lưu thông được cả, cũng như thuốc nóng uống lạnh, sau khi thuốc qua chẻn dừng thì hàn khí đã tan, tính nóng liền triển khai”. Nếu hàn ở dưới mà trên có hỏa bốc cách trở, thì trong thuốc nhiệt cho thêm ít thuốc hàn vào làm tá dược cũng như dùng thuốc hàn cho uống nóng, sau khi thuốc qua chẻn dừng rồi khí nóng sẽ tan mà hàn tính lại liền triển khai, như thế là đã không trái bệnh tình mà lại có bổ ích lớn, bệnh khí sẽ lần lượt khỏi, chứng nhợn ụa khó chịu đều biến hết, như vậy gọi là mượn hàn để chữa hàn, nhờ nhiệt để chữa nhiệt đem đồng loại để cho cung ứng hợp với nhau mà không còn lo ngại có sự chống đối. Nội kinh nói: “chữa cái chủ bệnh mà dẹp cái nguyên nhân của nó” là nghĩa đó.

Dùng thuốc nhiệt mà phải tránh xa nhiệt. Nghĩa là bệnh hàn phải chữa bằng thuốc nhiệt là đúng phép, nhưng khi cho uống thuốc nhiệt thì chỉ cho uống vừa mức bệnh thì thôi, không nên cho uống quá mức, nếu quá mức thì lại thành bệnh nhiệt.

Dùng thuốc hàn mà phải tránh xa hàn. Nghĩa là bệnh nhiệt phải chữa bằng thuốc hàn là đúng phép, nhưng khi cho uống thuốc hàn thì chỉ uống vừa mức bệnh thì thôi, không nên cho uống quá mức. Nếu quá mức thì lại sinh ra bệnh hàn. Cho nên khi bổ ích chân âm nên tránh xa các vị khổ hàn, sợ làm tổn hại vị khí. Bổ ích chân dương phải tránh các vị tân tán, sợ làm tiết hết nguyên khí. Thuốc khu phong không nên dùng quá nhiều các vị táo. Thanh giải thử tà chớ nên khinh thường uống thuốc hạ, đàn bà nằm chỗ nên kiêng kỵ thuốc hàn lương. Chứng kiết lỵ mót rặn nên kiêng các vị chát sít, thu liễm.

7. Mùa xuân ấm, mùa hạ nóng nực, nguyên khí tiết ra ngoài, âm tinh giảm sút, nên dùng những thuốc dưỡng âm, mùa thu mát, mùa đông lạnh, dương khí náu kín, chớ nên khinh thường mà khai thông, nên dùng thuốc dưỡng dương. Đó là thuốc phải tùy theo từng mùa mà chế dùng để bồi đắp cho chỗ thiếu thốn và điều hòa khí. Song đã thường nhắc nhở không nên công phạt vào chính khí hòa bình, nhưng lại phải nên đề phòng sự sử dụng thái quá. Vậy mà người không thông đạt lý lẽ lại bỏ bản theo tiêu, đem thuốc tân lương dùng trong mùa xuân làm tổn hại mộc, đem thuốc hàm hàn dùng trong mùa hạ để làm hại hỏa, đem thuốc khổ ôn dùng trong mùa thu để làm hao kim, đem thuốc tân nhiệt dùng trong mùa đông để làm cho khô thủy, cho đó là thuốc hợp với mùa mà không biết là trái với lẽ thuận nghịch của Nội kinh, mùa hạ thì âm phục, mùa đông thì dương phục, suy đó cũng đủ hiểu. Nhưng trong một thì khí lúc đầu giống nhau mà sau lại khác nhau, trong một ngày lạnh và nóng cũng khác nhau vả lại có thời tiết trái thường, trong mùa nắng to lại mắc chứng hàn, trong thời tiết rét lại mắc bệnh nhiệt. Chứng nặng hơn mùa thì bỏ mùa theo chứng, mùa nặng hơn chứng thì bỏ chứng theo mùa. Song bẩm tính người ta có người thiên về âm, có người thiên về dương, lại còn phải chữa vượt ra phép tắc thông thường. Ví dụ: tính người thiên về âm hư, đương lúc mùa đông âm tinh bị suy kiệt, thủy không đủ chế được hỏa, dương không có nơi nương tựa, bốc ra ngoài làm nhiệt hoặc ra mồ hôi thì nên dùng thuốc tư âm. Nếu cứ dựa vào thời tiết mà cho uống thuốc tân ôn thì nguy. Nếu người bệnh thiên về dương hư, tuy gặp vào mùa nắng dữ, mà dương khí suy yếu không đủ sức bảo vệ ngoài phần biểu, biểu hư không chịu đựng được phong hàn, gai gai rét, muốn ăn thức nóng và mặc áo ấm, tuy là mùa nóng cũng không đủ để chống đỡ với cái chân dương bị hư, bệnh thuộc về hư hàn thì nên ôn bổ, nếu cứ theo thời tiết mà dùng nhầm thuốc khổ hàn thì cũng sẽ chết.

8. Phàm những bệnh đáng dùng thuốc nhiệt thì trước cũng nên dùng thuốc ôn đã, bệnh đáng dùng thuốc hàn thì trước cũng nên dùng thuốc lương đã, nếu chứng có tích trệ đáng tiêu cũng phải nên bồi dưỡng vị khí trước rồi sau mơi tiêu.

9. Tỳ thổ bị hư, nên làm cho ấm áp để bổ ích cho nguồn gốc của hỏa. Can mộc bị hư, phải nên dùng thuốc nhu nhuận để thêm mạnh cho chân thủy là chính. Phế kim bị hư, nên dùng vị ngọt ấm để bồi bổ vào cơ bản cho thổ. Tâm hỏa bị hư, nên dùng chất toan thu để tư dưỡng cho mộc. Thận thủy bị hư, nên dùng chất tân nhuận để giữ gìn cho tôn khí của kim. Đó là những phép căn bản để chữa chứng hư. Nếu mộc sắp thực thì bồi dưỡng cho kim, hỏa sắp thực thì bồi dưỡng cho thủy, thủy sắp thực thì bồi dưỡng cho thổ, kim sắp thực thì bồi dưỡng cho hỏa. Đó là phép căn bản để chữa bệnh thực. Kim bị hỏa chế thì nên tả tâm trước giữ gìn để bảo vệ cho phế, mộc bị kim làm hại thì nên bình phế trước để bảo vệ cho can, thổ bị mộc làm hại thì nên chế can trước để bảo vệ cho tỳ, thủy bị thổ lấn thì nên thanh tỳ trước để bảo vệ cho thận, hỏa bị thủy chế thì nên ức chế thận trước để bảo vệ cho tâm. Đó là phép căn bản để chữa bệnh tà.