Biến pháp của bài Bổ trung ích khí

SÂM TRUẬT ÍCH VỊ THANG

  • (Biến pháp thứ nhất của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa nội thương nhọc mệt, táo nhiệt, hơi thở ngắn, miệng khát, ăn không ngon, đại tiện lỏng nát. (Có chỗ chép đại tiện lỏng và vàng).
  • Tức là bài Bổ trung dùng Thương truật nhiều gấp đôi, gia Bán hạ, Hoàng cầm và Ích trí, mỗi vị 3 phân

THĂNG DƯƠNG THUẬN KHÍ THANG

  • (Biến pháp thứ hai của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa chứng do ăn uống và làm lụng quá độ mà phát sinh bụng đầy khó chịu, hơi thở ngắn, không thiết uống ăn, ăn không biết ngon, thỉnh thoảng sợ lạnh.
  • Tức là bài Bổ trung bỏ Bạch truật, gia Thảo đậu khấu và Thần khúc, Bán hạ, Hoàng bá.
  • Ngô thị nói:

  • - Thăng, Sài vị tân cam, làm cho khí thanh thăng lên, dương khí sẽ được thuận
    - Hoàng bá vị khổ hàn, làm cho khí trọc giáng xuống, âm khí sẽ được thuận
    - Sâm, Kỳ, Quy, Thảo để bổ hư, được bổ thời chính khí sẽ được thuận
    - Bán hạ, Trần bì có tác dụng lợi ngực, lợi thời đờm khí sẽ được thuận
    - Đậu khấu, Thần khúc làm cho tiêu thức ăn, tiêu thời cốc khí sẽ được thuận
    - Thăng, Sài vị bạc, tính thuộc dương, làm cho Tỳ Vỵ hướng về dương phận để phát triển khí xuân hòa, đồng thời dẫn Sâm, Kỳ đi lên làm dày đặc tấu lý, khiến cho vệ khí được bền.
    - Phàm những loại thuốc bổ Tỳ Vỵ, thường hay dùng những chữ “thăng dương” và “bổ khí” làm đại danh từ, chính là nghĩa đó


  • Vương thị nói: 


  • Chỉ nói bổ bằng những vị thuốc có khí vị tân, cam, ôn, nhiệt và vị “bạc”, tức là những loại phong dược có tác dụng ích khí thăng phù, như hai mùa Xuân Hạ..., ở trong con người tức là Can và Tâm.
    Chỉ nói tả bằng những vị thuốc có khí vị toan, khổ, hàn, lương và có tính chất “đạm thẩm”, có tác dụng ích khí trầm giáng như hai mùa Thu Đông, ở trong con người tức là Phế và Thận


ÍCH VỊ THĂNG DƯƠNG THANG

  • (Biến pháp thứ ba của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa đàn bà kinh nguyệt không đều, hoặc sau khi bị thoát huyết, ăn ít và ỉa chảy.
  • Tức là bài Bổ trung gia Hoàng cầm (sao) và Thần khúc.
  • Phàm thoát huyết thời ích khí, là phép rất hay của người cho nên bổ Vỵ trước để giúp sự phát triển của Sinh khí.

ĐIỀU TRUNG ÍCH KHÍ THANG

  • (Biến pháp thứ tư của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa Tỳ Vỵ không đều, ngực đầy, tay chân mỏi, ăn ít, hơi thở ngắn, miệng ăn không biết ngon (Tâm hỏa điều hòa thời ăn biết ngon) và chứng ăn vào lại thổ ra.
  • Tức bài Bổ trung bỏ Đương quy, Bạch truật, gia Mộc hương và Thương truật.

ĐIỀU TRUNG BỔ KHÍ THANG

  • (Biến pháp thứ năm của Lý Đông Viên).
  • Bài này chữa chứng khí hư ra nhiều mồ hôi, còn các chứng khác đều giống chứng của bài Điều trung ích khí thang.
  • Tức là bài Bổ trung gia Bạch thược, Ngũ vị (bài Bổ trung dùng toàn vị Cam ôn, tức là theo cái nghĩa: ... Nhọc thời nên ôn, tổn thời nên ích.... Bài này lại gia thêm các vị “toan” là Bạch thược và Ngũ vị để thu hồi cái khí bị hao tán. Có “phát” lại có “thu” đó là Đông Viên lại đặt ra một phép nữa cho rộng con đường phát triển của bài Bổ trung)

BỔ TRUNG GIA HOÀNG BÁ, ĐỊA HOÀNG THANG

  • (Biến pháp của Lưu Thảo Song)
  • Chữa chứng âm hỏa “lấn” lên dương, phát nhiệt, ngày nặng, tự ra mồ hôi, hơi thở ngắn, miệng khát, ăn không biết ngon.
  • Tức là bài Bổ Trung gia Hoàng báSinh địa
  • Lãn Ông tôi xét: chủ yếu của bài này ở hai chữ “âm lấn” và chứng hậu biến hiện “ngày nặng”. Nếu dùng cả bài đó e có hơi ngại, nên bỏ Thăng ma, Sinh địa gia Mẫu đơn và gấp bội Sài hồ, gia Bạch thược tẩm đồng tiện sao. Sở dĩ bỏ vị Thăng ma e nó giúp thêm chứng “lấn lên trên”, sở dĩ lại bỏ Sinh địa là e nó giúp thêm thế lực cho âm, gấp bội Sài hồ vì để cho thăng dương, đồng thời có thể bình được Can, gia Mẫu đơn để mát huyết, dẹp hỏa, gia Bạch thược sao để liễm âm thanh hỏa. Tôi thường dùng như vậy thấy rất ổn đáng.

THUẬN KHÍ HÒA TRUNG THANG

  • (Biến pháp của Bảo Giám).
  • Bài này chữa chứng khí thanh dương không thăng lên, phát sinh nhức đầu, sợ gió, mạch Huyền, Vi, Tế...
  • Tức là bài Bổ trung gia Bạch thược, Tế tân, Xuyên khung, Mạn kinh tử.

ĐIỀU VINH DƯỠNG VỆ THANG

  • (Biến pháp của Đào Tiết Am).
  • Chữa lao lực thương hàn, nhức đầu nóng người, sợ lạnh, hơi khát nước, đổ mồ hôi, đau mình, mạch phù vô lực.
  • Tức bài Bổ trung gia Khương hoạt, Phòng phong, Tế tân, Xuyên khung.