Gia giảm bài Bổ trung

Gia giảm bài Bổ trung ích khí theo sách cổ
  • Huyết không đủ, bội Đương quy
  • Tinh thần kém sút, bội Nhân sâm, gia Ngũ vị
  • Buốt trong óc, gia Cảo bản, Tế tân
  • Nhức đầu, gia Mạn kinh tử, đau lắm thời lại gia Xuyên khung.
  • Bụng trướng, gia Chỉ thực, Sa Nhân, Hậu phác, Mộc hương
  • Dạ dày lạnh, khí trệ, gia Thảo khấu, Mộc hương, Ích trí
  • Mùa đông sợ lạnh, phát sốt không có mồ hôi, mạch Phù khẩn, gia Ma hoàng, Quế chi; Nếu có mồ hôi, mạch Phù hoãn, gia Quế chi, Thược dược
  • Ho nóng phổi, bỏ Nhân sâm, gia Tang bạch bì
  • Họng khô, gia Cát căn (phong dược phần nhiều táo, Cát căn có tác dụng dẫn thanh khí trong Vỵ lên Tỳ để sinh âm)
  • Mùa đông sợ lạnh, phát sốt, mạch Phù khẩn, không có mồ hôi, gia Ma hoàng 5 phân, Sâm, Kỳ mỗi vị 1 đồng cân
  • Hai khí phong thấp cùng chèn ép lẫn nhau, khắp mình đều đau gia Khương hoạt, Phòng phong, Cảo bản sắc riêng lấy một nước để uống, nếu bệnh đã giảm, thời thôi không uống tiếp nữa vì e phong dược làm tổn mất nguyên khí. Nếu có đờm, gia Bán hạ, Sinh khương
  • Nhức đầu và có đờm, mình mẩy nặng nề, là chứng “Thái âm đàm quyết” gia Bán hạ, Thiên ma
  • Bụng đau, dùng Cam thảo nhiều gấp đôi và gia Bạch thược. Nếu sợ lạnh, đau lạnh, gia Quế tâm; sợ nóng, ưa uống nước mát thuộc về nhiệt chứng, bỏ Quế, gia Hoàng liên
  • Bụng đau sợ lạnh mà mạch huyền, là do mộc khắc thổ, dùng bài Tiểu kiến trung thang mà chữa. Bởi Thược dược vị chua có tác dụng tả mộc ở trong thổ, nên dùng làm quân. Nếu mạch trầm tế mà bụng đau, thời dùng bài Lý trung thang, lấy vị Can khương tính nhiệt, có tác dụng tả thủy trong thổ làm chủ
  • Đau ở phía dưới rốn, gia Thục địa. Nếu vẫn không phải là do hỏa bị hàn, gia thêm Nhục quế

    Phàm đau ở bụng dưới, phần nhiều thuộc về chứng “thận tích bôn đồn”, nên mới gia vị như vậy

    Tôi xét: bài này là Tỳ dược mà muốn kiêm chữa cả thận e không hợp, “táo” với “nhuận” có thể nào lại chung vào cùng một bọn, mà “thăng” với “giáng” tránh sao khỏi giằng co lẫn nhau? Huống đã nói là: “thận tích bôn đồn”, mà lại dùng dược làm cho “thăng đề”, thời sao khỏi tăng thêm thế dồn ngược

    Nếu đã lấy bụng dưới thuộc Thận, mà chuyên dùng Thục, Quế, sao không lấy ngay chính phương của Thận, như bài Bát vị, rồi gia thêm các vị “liễm nạp”, như vậy thời hạ tiêu sẽ được ấm mà khí tự trở về

    Đến như bài Bổ trung mà dùng xen Thục địa, có lẽ còn có hàm nghĩa gì khác chăng? Xin cứ chép vào đây để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu

    Có thuyết nói: bài Nhất khí thang dùng Bạch truật hợp với Thục địa thì sao? Có biết đâu rằng Nhân sâm hợp với Đại phụ đã có tác dụng ở phần dương, lại có tác dụng ở cả phần âm; Mạch môn, Ngưu tất vốn có tác dụng thấm nhuần phần âm, nhưng lại có tác dụng trở về phần dương... Như vậy thời dùng chung làm một thang để dìu dắt lẫn nhau, còn lo gì không hợp?


  • Đau ở sườn, hoặc đau rát ở dưới xương sườn cụt, đều nên giảm Thăng, Sài gia Bạch thược
  • Đau ở cuống họng, gia Quế, có hàn gia Phụ tử
  • Chứng ho hắng, mùa Xuân thì gia Toàn phúc hoa, Khoản đông hoa, mùa Hạ thì gia Mạch môn, Ngũ vị, mùa Thu thì gia Ma hoàng và Hoàng cầm, mùa Đông thì gia Ma hoàng để cả mắt
  • Thấp khí nhiều hơn, thì gia Thương truật
  • Có âm hỏa, gia Hoàng bá, Tri mẫu
  • Đại tiện bí, gia Đại hoàng (tẩm rượu sao)
  • Tiết tả, bỏ Đương quy, gia Phục linh, Thương truật, Ích trí
  • Sợ lạnh và lạnh nhiều, gia Can khương, Phụ tử (có ý làm cho ấm Vỵ khí, rồi Vệ khí nhờ đó cũng ấm)