Những bài thuốc mà "Hậu thiên khí huyết" cần phải dùng

TỨ QUÂN TỬ THANG

Chu Đan Khê chú trọng về dương khí của hậu thiên nên mới lập ra bài này, là một bài bổ Tỳ Vỵ rất có giá trị.

Nhânsâm (bổ trung ích khí) 4 đồng cân
Bạchtruật (giúp vỵ khỏe tỳ) 3 đồng cân
Phục linh (dưỡng tâm lợi thủy) 2 đồng cân
Cam thảo (hòa trung giáng hỏa) 1 đồng cân
Thêm Gừng sống 3 lát, Đại táo 2 quả sắc uống hơi nóng

  • Bài này chữa hết thảy các chứng hậu thiên dương hư, khí yếu, tỳ hư, phế tổn, không thiết uống ăn (Tỳ là mẹ của muôn vật, Phế là mẹ của khí)
  • Một khi Tỳ Vỵ bị hư, Phế sẽ bị sút trước. Vì Tỳ không kiện vận, nên không thiết uống ăn, do đó mình gầy, mặt vàng hoặc trắng bệch. (Đấy là do “vọng” mà biết được khí hư)
  • da nhăn, tóc rụng (vì Phế chủ bì mao), nói năng bợt bạt (Đây là do “văn” mà biết được khí hư)
  • tay chân bủn rủn (đấy là do “vấn” mà biết được khí hư)
  • mạch nhuyễn nhược (do Tỳ Phế đều hư nên mạch như vậy, đấy là do “thiết” mà biết khí hư).
  • Phàm những người hình thể bạc nhược, hơi ngắn, ăn ít, tiểu tiện đỏ và ít, đại tiện lỏng v.v... đều nên giúp Vỵ giáng hỏa (bài này chữa khí hư có nhiệt, lại là yếu dược chữa trẻ em Tỳ Vỵ không điều hòa)


Ý nghĩa


  • Đây là bài thuốc chữa hai kinh Thủ Thái âm Phế và Túc Dương minh Vỵ. Nhân sâm cam ôn, đại bổ nguyên khí làm quân, để bổ nguyên khí của cả năm tạng, khí mạnh thời Vỵ sẽ phát triển, khí hòa thời tỳ sẽ vận hóa. 
  • Bạch truật khổ ôn, ráo tỳ, bổ khí làm thần, để bổ mẫu khí của năm tạng, vừa bổ tỳ, vừa tiêu thực, là một loại thuốc rất hay chữa mọi chứng hư của Tỳ Vỵ.
  • Phục linh khí vị cam đạm, tả nhiệt và thẩm thấp làm tá, để điều hòa thanh khí của năm tạng và giúp Vỵ, khỏe đại tiểu trường, nó lại còn có tác dụng giúp Sâm, Truật để hút bớt khí thấp của Tỳ Phế, dẹp “tà” của Can, Thận, khiến cho Mộc không khắc thổ, Thủy không lấn Thổ. 
  • Cam thảo khí vị cam bình, bổ trung ích thổ làm sứ, để điều hòa những khí không được đúng mức của năm tạng, vừa ôn trung vừa khỏe Tỳ, lại có tác dụng làm cho tính chất của các vị kia êm dịu, cho Tỳ được bổ dưỡng một cách dần dà thấm thía.
  • Bốn vị trong phương này rất hòa bình, có thể giúp ích cho chứng dương hư, lại toàn là những vị cam ôn, có cái khí vị trung hòa như người quân tử, không chút thiên lệch cho nên mới đặt tên là Tứ quân tử.


TỨ VẬT THANG

Chu Đan Khê chú trọng vào âm huyết của Hậu thiên, nên lập ra bài này, thật là “yếu tễ” về lý huyết và dưỡng huyết.

Đương quy 4 đồng cân (quân)
Sinhđịa 3 đồng cân (thần)
Bạchthược 2 đồng cân (tá)
Xuyên khung 1 đồng cân (sứ)Các vị trên, hợp làm một thang, sắc uống hơi nóng.

  • Bài này chữa hết thảy các chứng hậu thiên huyết hư, ngày gần tối sốt nóng, hoặc sốt nóng về chiều, hoặc nóng âm hầm hập, lòng bàn chân nóng (âm huyết không đủ thời sinh nhiệt. Kinh nói: “huyết cần phải làm cho thấm nhuần". 
  • Nội dung bài này đều là những vị nhu nhuận, nên mới làm chủ dược của huyết phận). Đàn bà hai mạch Xung, Nhâm bệnh, kinh nguyệt không điều, huyết đen thành cục, bụng và xung quanh rốn đau (Nguyệt kinh hành trước kỳ là do hàn, do hư, do uất, do đàm). 
  • Đan Khê nói: kinh thủy tức là âm huyết, âm tất phải theo dương nên mới sắc đỏ, trên ứng với mặt trăng, bài tiết có thường độ nên gọi là nguyệt tín. Nó sánh với khí, nhờ khí để lưu hành. Nếu thành cục là do khí ngưng (khí không vận hành được bị tụ lại), khi sắp hành kinh mà đau bụng là do khí trệ. Sau khi hành kinh mà lại đau là khí huyết đều hư, sắc huyết nhạt cũng là hư, huyết ra bừa bãi không có kỳ hạn là do khí loạn, sắc huyết đỏ sẫm là do khí nhiệt, sắc đen là nhiệt quá. 
  • Người đời nay mỗi khi thấy huyết sắc đen và thành khối, phần nhiều cho là phong hàn lọt vào, liền cho uống loại thuốc ôn nhiệt, chết dễ như chơi. 
  • Kinh nói: “Lấn lên lắm thời hại, cái thừa tiếp sẽ ức chế lại” nhiệt quá thời háo thủy, vì thế nên nhiệt thời sắc “sẫm”, mà nhiệt quá thời sắc đen. 
  • Hoặc có người nói phong hàn, tất phải do từ ngoài... chứng đó thỉnh thoảng cũng có nhưng rất ít. Hàn thời ngưng lại mà không dẫn thoát được. Đằng này đã dẫn thoát mà sắc lại sẫm mà đen, nên không phải là hàn. Băng huyết, rong huyết, điều lý là không đúng, khiến cho thai động không yên, huyết ra không dứt... và sau khi sinh phong hàn thừa hư lọt vào, máu hôi không ra được, bụng dưới cứng rắn và đau, thỉnh thoảng phát sinh nóng lạnh.
  • Bài này lại là một điều ích vinh vệ và nhuần nuôi khí huyết, đàn ông tinh huyết hư tổn, sinh chứng sốt nóng... cũng đều dùng được (đàn bà lấy huyết làm chủ, mà khí lại là gốc của huyết, vậy khí thuận thời huyết lưu hành không vướng mắc, nếu khí trệ thời huyết bại, cho nên muốn cho huyết lưu hành tốt, trước phải lý khí). Đàn ông lấy tinh làm chủ, mà huyết lại là gốc của tinh, huyết nhiều thời tinh mạnh, huyết kém thời tinh suy, cho nên muốn được ích tinh, trước hết phải bổ huyết. Vì lẽ đó bài này nam nữ đều dùng được.

Ý nghĩa

  • Tứ vật thang là một bài chữa về Thủ Thiếu âm, Túc Thái âm và Túc Quyết âm (Tâm thống huyết, Tỳ sinh huyết, Can tàng huyết).
  • Đương quy bổ suốt cả Tỳ, Tâm và Can, vị tân, ôn khổ và cam dùng làm quân, nó là chủ dược của các loại thuốc về huyết. Vì cái tính và vị tân, khổ, cam, ôn đó có tác dụng sinh huyết, hòa huyết, làm mấu chốt cho cơ năng nhiếp huyết, có khả năng nhuận trung và trừ chứng đau nhói như dùi dâm. Một củ quy chia làm 3 bộ phận khác nhau, nấu dùng toàn cả củ (Toàn quy) sẽ làm cho hoạt huyết, kinh nào về kinh đó.
  • Sinh địa khí vị cam hàn, vào Tâm, Thận nhuần cho huyết làm thần. Nó có tác dụng thông Thận và suốt vào Tâm kinh; là một yếu dược chữa về huyết. Do khí vị cam hàn làm khỏi chứng đau ở rốn, bổ âm, mát huyết, giội vào tận nguồn của huyết, có thể sinh được chân âm sau khi bị hư. Có thuyết nói: thủy là nguồn của huyết, nên lấy nó làm quân. Nêú muốn bổ mạnh vào tinh huyết nên đổi dùng Thục địa.
  • Bạch thược khí vị toan, hàn, dẫn vào Can, Tỳ, thu liễm khí âm làm tá. Nó là một vị có tác dụng thông vào âm phận của Tâm, Can và Tỳ. Do tính vị toan, hàn, nên chủ về làm dịu các cơ năng bên trong phá huyết khỏi đau bụng, bổ Tỳ âm, liễm Can huyết, điều hòa mọi loại huyết và chữa chứng huyết hư.
  • Xuyên khung khí vị tân, ôn thông suốt trên dưới, để dẫn hành phần khí ở trong huyết, dùng làm sứ, dẫn vào quyết âm Tâm bào và Can kinh. Trên thời lên tới đầu và mắt, dưới thời xuống tới huyết hải. Nó là một vị khí dược ở trong huyết dược, có tác dụng cổ vũ các loại âm dược dẫn trở lên. Do khí vị tân tán, nên mới khỏi được chứng đau ở xung quanh rốn, làm mát khí dương điều hòa mọi loại huyết, và làm cho các huyết trệ ở trong khí lưu hành được dễ dàng.
  • Trên đây chỉ là vì bệnh ở huyết, nên mới tìm những loại huyết dược để điều trị. Nếu khí hư huyết ít, lại nên theo phương pháp “huyết hư lấy Nhân sâm để bổ” của ông Trường sa... Dương đã vượng thời sẽ sinh được âm huyết. Những vị làm phụ tá trong bài này, như huyết trệ thời nên dùng những vị như Đào nhân, Hồng hoa, Tô mộc, Đan bì, Huyết kiệt. Huyết băng thời nên dùng những vị như Bồ hoàng, A giao, Địa du, Bách thảo sương, Tông lư khôi v.v... Huyết hư thời nên dùng những vị như: Thung dung, Tỏa dương, Ngưu tất, Câu kỷ, Quy bản, Hạ khô thảo v.v... Huyết thống thời nên dùng những vị như Nhũ hương, Một dược, Ngũ linh chi, Lăng tiên hoa v.v... Huyết táo thời nên dùng những vị như Sữa, Huyết kiệt, Súc sa v.v... Còn huyết hàn thời dùng Khương, Quế v.v... Huyết nhiệt dùng Khổ sâm, Sinh địa trấp v.v...
  • Trên đây chỉ là nêu cái đại cương, nếu biết suy loại này ra loại khác, sẽ thích ứng được vô cùng.
  • Đan khê chữa chứng âm hư, trong huyết dược như bài Tứ vật cũng chia ra âm dương. Huyết động là thuộc dương, lấy Khung, Quy làm chủ, huyết tĩnh là thuộc âm, lấy Thục, Thược làm chủ. Nếu phần âm của huyết không đầy đủ dù tân ôn như Khung, Quy cũng không dùng, phần dương của huyết không đầy đủ, tuy tân nhiệt như Khương, Quế cũng dùng. Về phương pháp tả hỏa “chính trị” với “tòng trị” cũng giống nhau.
  • Ngô Hạc Cao nói: “Theo quy luật tự nhiên thì dương thường có thừa, âm thường không đủ”, ở con người cũng vậy. Huyết là một vật khó sinh ra mà dễ hao mất. Cỏ cây vốn là loại vô tình sinh huyết sao được? Chỉ vì Địa, Thược có tác dụng nuôi được âm của năm tạng, Khung, Quy có tác dụng điều khí ở trong dinh, âm dương điều hòa thời huyết tự sinh ra, còn như gặp chứng mất huyết quá nhiều chỉ còn thở thoi thóp thì không nên dùng bài đó nữa. Bởi bài Tứ vật thuộc âm, âm là một thứ khí “bế tàng” của trời đất, không phải là loại sinh ra mọi vật. Cần phải trọng dụng Sâm, Kỳ để bảo tồn lấy cái khí sắp tuyệt. Cho nên nói: “huyết thoát cần phải ích khí...”. Nếu không nhận rõ điểm đó mà dùng bừa bài này, thời Xuyên khung là một loại khí vị thơm ngát, rất làm hại khí, nó sẽ làm cho khí và huyết cùng thoát mà chết. Cho nên phàm người mắc thoát chứng hư tổn, Vỵ khí hư yếu, đều không nên dùng.
  • Hoặc có người hỏi: Tứ vật là một bài chuyên dược của phụ khoa có tác dụng gì với Tỳ Vỵ không? Dương Tử đáp: trong bài Tứ vật có ngụ cả phương pháp chữa Tỳ Vỵ, nghĩa đó rất ít người hiểu. Tỳ là một kinh rất ít huyết nhiều khí; Đương quy, Địa hoàng có tác dụng sinh huyết để thấm nhuần cho Tỳ, Tỳ thổ sợ “tặc tà”, tức là mộc tới sẽ khắc thổ. Thược dược có tác dụng tả mộc để bổ Tỳ. Can có tính muốn được sơ tán nên mới dùng vị tân của Xuyên khung để làm cho tán. Như vậy chẳng phải là chế mộc để bổ Tỳ Vỵ đó sao.
  • Hoặc có người hỏi: Thược dược, sau khi sanh, có cần phải kiêng không?
  • Xin trả lời: khi mới sinh, khí huyết còn chưa yên, nếu dùng Bạch thược thời sợ tính vị “toan thâu” của nó gây nên đau bụng. Nhưng Thược dược lại có tác dụng chuyên chữa khí huyết thống... Sau khi sinh chính là lúc khí huyết suy yếu, nếu đem tẩm rượu sao qua thời có hề chi. Lại như chứng huyết kết thành hòn cục ta không nên quá tin thuyết “sau khi sinh đại bổ khí huyết” mà dùng. Chỉ nên cho uống bài "Ngọc trúc tán" theo đúng nghĩa dồn cũ gây mới. Như vậy cũng là một phương pháp bổ. Khá tiếc chỉ vì câu “sau khi sinh đại bổ khí huyết” mà từ xưa đến giờ đã có bao người vì uống nó đến nỗi “kinh huyết đều bại”, rồi thiệt mạng!