Bát vị hoàn - Bài thuốc chính chữa chứng thủy hỏa tiên thiên

Thục địa: 8 lạng, khí bạc mà hàn, vị đậm mà ngọt, là dương ở trong âm.

Hoài sơn: 4 lạng, khí ngọt vị bình

Sơn thù: 4 lạng, tính bình hòa mà ôn, vị mặn mà sáp.

Đan bì: 3 lạng, tính hàn vị cay, trong âm hơi có dương.

Bạch linh: 3 lạng,

Trạch tả: 3 lạng

Nhục quế: 1 lạng

Phụ tử: 1 lạng


Bào chế, viên với mật bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 60, 70 viên lúc đói bụng, nấu nước muối làm thang mà uống, uống xong một lúc thì ăn đồ ngon chận lên.

Trị các chứng


Phàm mệnh môn hỏa suy, tướng hỏa không đủ không sinh được thổ, đến nỗi tỳ vị hư hàn, gầy guộc khí kém, không thiết ăn uống, đại tiện phân không cứng, rốn bụng nhức đau, đêm đi đái nhiều, hoặc mạch hư nhược, thổ yếu thủy thắng, thiếu hỏa hao kém; hoặc mạch sờ vào hữu lực, hoặc hỏa hư đờm thịnh.


(Đan Khê nói bệnh lâu thì hư hỏa bốc lên, tân dịch sinh đờm không sinh huyết, thuốc này để ức chế tướng hỏa thì đờm tự tiêu), cùng với các chứng âm thịnh cách dương, trong thực hàn mà ngoài giả nhiệt, nên nói rằng bổ ích cho nguồn chân hỏa để tiêu tan mây mù trong phần âm là thế.


(Thận có hai quả đều thuộc thủy, tuy có chia ra tả hữu mà không phân biệt thủy hỏa. Tiên kinh nói: “Hai quả thận như nhau không khác gì, một điểm ở giữa là chân tinh”. Tinh nghĩa là sáng, tức là mệnh môn tướng hỏa, con người mà không có thứ hỏa ấy thì nguồn sinh hóa sẽ ngừng mất, nếu không có vị Phụ tử mạnh mẽ thì lấy gì để nhóm lại phần dương đã hao, để tiêu tan mây mù trong phần âm được)


Sách Tinh yếu nói: “Uống bài Bát vị lâu ngày khiến cho người ta béo khỏe mà sinh nhiều con” để thấy được sự hiệu nghiệm về bổ mạnh tinh huyết.


Trọng Cảnh nói: “Bài này là thuốc thánh để chữa chứng thủy tràn lên thành đờm”.


Sách Dịch lão nói: “Thuốc chữa mạch hư nhược, là bài thuốc của hai phương Tây Bắc (Kim, thủy). Kim yếu thủy thắng, thủy ít hỏa nhiều hoặc mạch ấn vào hữu lực thì uống bài này có hiệu nghiệm.


Công năng



Bệnh nặng nhất trong các thứ bệnh của đời người không nệnh nào nặng hơn các bệnh Phong, Lao, Cổ, Cách. Thuốc này uống lâu chân hỏa vững chắc ở đan điền thì hư phong còn từ đâu mà phát lên được, không phải lo sợ bị trúng phong nữa.

Vị cam ôn thì trừ được nóng dữ, vị bổ dưỡng thì tinh huyết dễ sinh, chứng cốt chưng, phục nhiệt còn chỗ nào để ẩn náu được, chứng lao đã thành cũng khó mà dằng dai được.


Chân hỏa ở dưới đã đầy đủ, nguyên khí ở giữa tự nhiên lớn mạnh, sự tiêu hóa bình thường thì chứng đầy bụng còn làm sao mà sinh được, chứng cổ trướng cũng không lo nữa.


Dưới nồi có lửa thì cơm trong nồi tự nhiên chín, tinh khí dào dạt, tinh ba lan khắp bốn bên thì những chứng táo sáp, ợ nghẹn còn lo gì nữa. Chứng nặng đã có thể tiêu tan thì chứng nhẹ dứt khoát khó mà trầm trọng được, thật là môn thuốc quý báu nhất, bài thuốc hay nhất để bảo toàn sinh mạng.


Trương tiên sinh xem tượng quẻ Khảm mà biết trong thận một hào dương ở khoảng giữa hai hào âm làm thành quẻ Khảm, đầy đủ cả thủy hỏa cho nên dùng phương này để kiêm bổ cả Thủy hỏa, các vị Đơn, Trạch, Linh, Dược theo các vị Thục, Thù nhu nhuận để làm mạnh được chân thủy, Quế, Phụ cay nhuận bổ hỏa ở trong thủy để bổ ích nguồn chân hỏa kiêm bổ ích cả tỳ, vị mà bồi dưỡng cho mẹ của muôn vật, lợi ích rất rộng rãi. Thận ghét táo, tỳ ghét thấp, trong thuốc bổ âm phần nhiều là thuốc thấp, duy bài này là được cả hai phía.


Tất cả bệnh tật của con người, chưa có bệnh nào là không có âm dương mất điều hòa, thủy hỏa thiên lệch, cho nên hư tổn là bệnh do khí huyết trong tạng phủ gây ra, người chữa nó càng nên đem âm dương thủy hỏa phân tích ra từng manh mối để điều hòa cho thích hợp, đến chỗ thăng bằng thì mới thôi...


Phương thuốc Bát vị cũng như Bát trận đồ của nhà binh, lập pháp chu đáo không thể vượt ngoài khuôn khổ. Vì bên bổ bên tả thì thế bổ sẽ đắc lực, sự biến hóa trong linh hoạt mà làm sáng tỏ thêm, khó mà nói cho biết được.


Tiên triết có nói: “Nhà y mà không hiểu rõ chân tướng của tiên thiên thái cực, không nghiên cứu tác dụng thần diệu của thủy hỏa vô hình mà không thể trọng dụng được những bài thuốc hay như Lục vị, Bát vị thì làm thuốc còn thiếu sót đến hơn một nửa”, thật là lời vàng ngọc.


Xét trăm bệnh gây ra, không bệnh nào là không vì hỏa, mà hỏa phát ra không khi nào là không do hư, mà gốc của chứng hư không khi nào là không do thận. Vì thủy là nguồn của muôn vật, hỏa là cha của muôn vật, nguồn hay cha đều căn bản ở thận cả. Hễ thận nguyên đầy đủ thì mọi biểu hiện đều yên mà bệnh tật không có nữa.


Người ta có sự sống đều nhờ tác dụng của âm dương thủy hỏa mà thận là cái rễ của âm dương thủy hỏa, nếu âm dương mất điều hòa, thủy hỏa thiên lệch thì trăm bệnh sinh ra ngay mà cách chữa thì cứu âm không gì bằng làm mạnh chân thủy, bổ dương thì không gì bằng bổ ích chân hỏa, mà thận là thủy tạng lại là hỏa tạng, cho nên cứu âm cứu dương mà không tìm chủ của thủy, nguồn của hỏa, bỏ rơi tạng thủy hỏa, bỏ bài Lục Bát vị thì không tìm thấy cửa, tất không có lối vào, cũng như trồng cây mà muốn bỏ rễ đi thì phỏng có trồng cho sống được ư?


Duy tỳ vị hư mà hàn nhanh quá thì ôn bổ, nên từ chỗ trung tiêu mà mới có thuyết dùng những bài Bổ trung, Lý trung, lâu rồi thì cũng trách cứ đến thận.


Lại có thuyết dùng bài Bát vị gia Phá cố chỉ, Ngũ vị, ngoài ra không kể ngoại cảm hay nội thương, mặt, mắt, miệng, răng, thai sản, trai gái trăm bệnh, hễ thuộc các chứng âm dương hư với giả âm giả dương, không ai là chẳng trọng dụng bài thuốc thánh này.


Chân âm không đủ thì cô dương không dựa vào đâu, du hỏa dễ bốc nổi lên, cho nên phải dùng thuốc ngọt ấm yên tĩnh để bổ dưỡng, các vị thu liễm chua mặn để giữ kín lại. Người ta chỉ biết khí có thừa tức là hỏa mà không biết hỏa có thừa tức là khí, hoặc làm suyễn đầy phiền khát, có thừa là bệnh khí, bệnh khí có thừa thì chính khí không đủ, phàm ăn uống khí trệ thì có thể vận hành đi thông lợi đi, thuận đạo đi, điều lý đi.


Nếu dương khí bốc nổi, chỉ nên đạo dẫn xuống, thu nạp lại, liễm lại, bịt lại dùng bổ làm tiêu, khí này là gốc của sinh mạng, không giống với chứng khí trệ vì ăn uống, nếu dùng thuốc thuận đạo, chỉ thành ra khơi ngòi cho nó chảy tháo ra mà dùng thuốc cay ráo lại có cái lo là làm hao tân dịch, tuy rằng các vị Khung, Quy, Trần bì cay nhuận cũng có thể dẫn động cái khí vô căn bốc lên, cái hỏa không giữ được bùng lên mà làm thành bệnh, cho nên đều phải dè dặt.


Ý nghĩa



Phương này chữa chứng tướng hỏa không đủ, hư gày khí kém, cho nên Vương Băng cho rằng “Bổ ích nguồn chân hỏa để làm tiêu tan mây mù trong phần âm”, mạch xích nhược là dùng rất thích hợp.


Xét trong bài Bát vị, kiêm cả công lẫn bổ, đầy đủ cả âm dương, vì không có dương thì âm không thể sinh sôi nảy nở được, cho nên các vị Quế, Phụ là loại thuốc cay nhuận, có thể bổ hỏa ở trong thủy, thủy hỏa được nuôi dưỡng thì thận khí trở về nguyên chỗ, nhưng đầu vị cũng là ở Quế, Phụ, tức là một vạch ngang của hào dương trong quẻ Khảm, không có vạch ngang ấy thì không thành quẻ Khảm, Phụ là thuốc lưu thông các kinh mạch, tính chạy mà không giữ lại, Quế là thuốc của kinh Thiếu âm, tuyên thông huyết mạch, tính cũng thoáng đạt, hai vị ấy đều khó khống chế, cần được 6 vị kia là thứ thuần âm, vị hậu, nhuận hạ, để khơi thông đưa đường rồi mới dẫn xuống thận, tự nhiên sẽ không ngại chấn động lên nữa, người đời nay không hiểu cái nghĩa ấy, chỉ cho Quế, Phụ là thuốc nhất định để chữa thận dương, bỏ hết cách lập pháp, tự ý dùng lẫn lộn, khí khốc liệt xông lên, đốt khô tam âm, gây ra tai họa sâu sắc.


Hoặc có người nói: “Trọng Cảnh chữa chứng Thiếu âm thương hàn, dùng Phụ đến 50%, không phải là chuyên chú bảo ích thận dương đấy ư? Nhưng Trọng Cảnh vì thấy hàn tà trực trúng vào âm kinh, không có thuốc cay nóng thì không thể đuổi cho tan ra được, Phụ tử là thuốc cay nóng của Tam tiêu kinh mệnh môn, cho nên dùng nó để công hàn tà của kinh ấy, ý để làm cho lưu thông chứ không phải để bổ giữ lại, cho nên bài Lý trung của kinh Thái âm, bài Ô mai của kinh Quyết âm với các vị Can khương, Thược dược, Cam thảo, bài Quế chi của kinh Thái dương, bài Tứ nghịch của kinh Dương minh, không chỗ nào là không thông tới, chưa từng một mình chuyên chữa thận kinh, chỉ có bài Bát vị hoàn là chủ dược của kinh Thiếu âm, cho nên cũng có tên là Thận khí xếp ở sách Kim quỹ (Kim quỹ thận khí), không chép ở sách Thương hàn luận chính vì Phụ tử trong bài Bát vị là để bổ thận.


Quế gặp thuốc chữa khí thì làm cho phát hãn, phát tán, gặp thuốc chữa huyết thì làm cho ấm để lưu hành, gặp thuốc tiết lợi thì là thấm lợi không quan thiết gì đến thận, Tiết Lập Trai nói: “Chỉ Quế Phụ ở bài Bát vị thì có thể bổ thận, ở bài khác thì làm cho tuyên thông”. Cho nên nói: nên bàn phương không nên bàn thuốc, nên bằng vào phương để bàn thuốc, không nên nệ vào thuốc mà bàn phương. Đấy là Trọng Cảnh dùng bài Lục vị để chế ngự Quế Phụ mà làm bền chặt thận dương, không có âm thì dương không hóa được, cho nên có Địa, Thù, là chất nhu nhuận. Địa để bổ thận, điền tinh, sinh huyết là đầu vị. Thù vị chua vào can thận chủ đóng kín mà tính chua liễm hợp với nó.


Có thuyết nói: “Sơn thù làm ấm can, đuổi phong, cố tinh ích khí”, “Sơn thù là chất nhuần tĩnh, là thuốc thánh để bổ âm”.


Lại nói: “Thục địa gặp thuốc chữa khí thì vận dụng ở trên, gặp thuốc chữa huyết thì chạy thông ra các kinh, không thể dẫn một mảy may vào thận, chân âm chân dương của tiên thiên đã được bổ thì cho thêm Bạch linh, Sơn dược vào để giúp tỳ vị, khiến cho từ chỗ đó mà sinh ra hóa nguyên và làm cho hậu thiên phát triển mãi mãi không cùng.


Linh có thể vào tỳ, thấm được thấp nhiệt ở trong tỳ mà thông với thận, giao với tâm, tác dụng của nó đều chủ về thông lợi, đỡ cho vị Sơn dược có tính trệ, vả lại sắc trắng thuộc kim, có thể bồi dưỡng bộ phận phế lại có ý nghĩa “con hư thì bổ mẹ”. Sơn dược vị ngọt vào tỳ mà bổ tỳ yên được kẻ thù của thủy cho nên dùng làm thần và lại thanh hư nhiệt ở phế lại hay cố tinh bổ thận.


Đơn bì để trừ nhiệt nấp ở phần âm, còn tả được cả hỏa ẩn náu của quân tướng, thanh huyết lui nhiệt, hỏa ẩn náu tức là âm hỏa, người đời hay dùng Hoàng bá chữa tướng hỏa mà không biết công dụng của Mẫu đơn còn gấp bội. Đơn là hỏa ở phương Nam, giống đực không phải cái, thuộc dương, cho nên được vào thận, tả được âm hỏa, dẹp lui được chứng nóng âm ỉ trong xương (cốt chưng), không có mồ hôi.


Một thuyết nói: “Mẫu đơn cũng vào can, tác dụng chủ yếu là tuyên thông để giúp Sơn thù là thuốc cố sáp. Trạch tả để tả hỏa tà, nước đọng của Long Lôi lại cùng Phục linh thấm nhạt, chuyển vận các vị thuốc đi xuống, chủ trị của phương này là hóa nguyên cái tính nhuận hạ để bổ dưới chữa dưới mà phải chế ngự cho mau khiến cho chóng thông xuống dưới.


Thận âm không giữ được bốc cháy lên trên, muốn thu nạp cho về nguyên chỗ mà không mượn cái thế giáng, thế tả thì không thu nhiếp cho yên được, cho nên dùng Phục linh nhạt tiết để đưa dương ở trong âm xuống, dùng vị Trạch tả tính mặn để đưa phần âm trong dương xuống cũng như bài Bổ trung ích khí, dùng Sài hồ để đưa phần âm ở trong dương lên, dùng Thăng ma để đưa phần dương trong âm lên, như bảo rằng dùng Trạch tả cũng chỉ lấy được cái công nuôi trạng, mạnh âm, bổ hư, thế thì hễ có thuốc bổ thận là đều có thể cho phương này dùng thay được ư?


Bảo rằng các thuốc đều là thuốc kinh thận, không phải đợi tiếp dẫn rồi mới đến, nói thế thì phải, chứ như Khấu Tôn Thích bảo bài Bát vị hoàn dùng Trạch tả cũng chẳng qua để tiếp dẫn về tới thận kinh chứ không có ý gì khác, há phải như thế đâu? Cho nên các vị Sâm, Kỳ, Truật lại há còn phải đợi Thăng Sài tiếp dẫn rồi mới đến được tỳ phế ư? Lên hay xuống là khí của trời đất giao hội, biết được Trọng Cảnh dùng Phục linh, Trạch tả thì biết được Đông Viên dùng Thăng Sài mới có thể nói chuyện được cái diệu dụng về cách lập phương. Lại nói “Bài Bát vị dùng Trạch tả có ba tác dụng”:
  • Lợi tiểu tiện, để thanh tướng hỏa

  • Thông cái trệ của Thục địa, để dẫn các thuốc mau tới thận

  • Có bổ tả mà không thích công phạt


Họ Khấu cho là để tiếp dẫn các thuốc, Lý Thời Trân nói: “Không phải để tiếp dẫn, dùng Linh Trạch để tả hỏa của Bàng Quang”, cổ nhân dùng thuốc bổ tất kiêm có tả, tả đi rồi thì thuốc bổ mới đắc lực, một bên đóng một bên mở, đó là cách diệu dụng người đời sau không biết lẽ đó, chuyên hẳn một mặt về bổ, tất đến nỗi sinh ra tai hại về thiên thắng, vì một bên bổ một bên tả thì thế bổ mới đắc lực, ví như có vua mà không có tôi, thì sức cô độc đó làm được việc gì. Nếu tự ý gia giảm xằng thì hoặc thuần dùng thuốc bổ là không biết lý lẽ thông biến.


Cách gia giảm



(Thuật lại các phép xưa với kinh nghiệm của mình).

Thận hư, ỉa chảy kiết lỵ kéo dài gia Thăng ma, Phá cố chỉ, Ngũ vị; bội Linh Trạch; khử Mẫu đơn.
Mạch bộ hữu xích vi tế mà phần dương kém quá bội Quế, Phụ.


Mạch bộ tả xích hồng sác mà phần âm không đủ thì bội Thục địa, hoặc chưng thành cao, hoặc nấu trước đi.


Mạch tả quan vô lực là can khí không đủ, bội Sơn thù.


Mạch hữu quan vô lực là tỳ vị kém, bội Linh Trạch, không có thấp trệ thì giảm Linh.


Vị hỏa nhiều quá sinh chứng phát vàng, sốt về chiều, miệng lở hay đói, khát nhiều, giảm Trạch tả, bội Đơn bì.


Can hỏa thịnh, nóng như nấu, ngọc hành đau, tiểu tiện ngắn sẻn, bội Thục địa, Đan bì.


Vị khí yếu, trung khí hư hàn, dễ trướng dễ tiết, khử Mẫu đơn, bội Linh, Trạch, Quế, Phụ.


Đàn bà kinh bế, huyết ít, có nhiệt, bội Mẫu đơn, Thục địa, hư hàn khử Đơn bì, bội Thục Quế.


Táo khô có dương không âm, khử Trạch tả, bội Thục địa, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, hay khát uống nhiều bội Linh Trạch, không khát có nóng như nấu bội Đơn bì, khử Trạch tả, Linh tẩm sữa.


Cô dương bốc nổi lên, vì thận hư không thu nạp đóng kín lại được, gia Ngưu tất, Ngũ vị để giúp sức cho Sơn thù vị chua có tính thu liễm.


Dương hư tinh tổn gia Lộc nhung, Hà xa (rau thai) đều là vị thuốc tinh huyết hữu tình để giúp công năng bổ mạnh cho loài thảo mộc.


Thận hư không thu nạp được khí về nguyên chỗ làm ra chứng hư trướng, hư suyễn, nôn tức, khí nghịch lên, thượng tiêu phiền nóng, bội Ngưu tất để giúp sức cho Linh Trạch dẫn đi xuống, gia Ngũ vị để giúp sức cho thu liễm lại.


Thận hư không bế tàng được, khí hư dưới dồn chạy ngược lên mà thành chứng ho xốc, bội Linh, gia Ngưu tất, Ngũ vị, có hỏa uất thì bội Đơn bì.


Tỳ thận hư hàn không thể làm ngấu nhừ, đóng kín thành ra chứng thận tả (đi ỉa chảy lúc tờ mờ sáng) gia Bổ cốt chỉ, Thỏ ty để bổ phần dương của tỳ thận, có tác dụng cho cả tiên thiên và hậu thiên.


Âm dương đều hư, nóng rét qua lại, giống sốt rét mà không phải sốt rét thì gia Sài hồ, lạnh nhiều thì bội Quế Phụ, nóng nhiều thì bội Đơn bì, khát thì gia Mạch môn, Ngũ vị, mới mắc bệnh và lúc nguyên khí chưa suy thì tạm gia Hy thiêm để khu tà, tà lui rồi thì bổ ngay là tốt, nóng rét thì âm dương đều hư cả, không nên để lâu, vì đuổi tà cũng là giúp chính khí.


Ỉa mửa lung tung, âm dương kiệt quệ, như mửa nhiều có phù nhiệt bốc lên thì bội Đơn bì, gia Ngũ vị để thu lại, tả nhiều thì bội Linh Trạch để thấm đi, lại bội Ngũ vị, Cố chỉ để thu lại, đóng lại, gia Mạch môn (sao gạo), Ngũ vị (sao mật), vong âm, trung tiện luôn (khí là dương, dưới không có âm đóng kín mà thoát ra, cho nên vong dương, cũng gọi là vong âm) gia Thăng ma để đưa lên, Cố chỉ để đóng kín lại.


Chứng hư bĩ, giả đầy trướng, giả thành khối, khử Mẫu đơn, bội Quế Phụ, gia Ngưu tất, Ngũ vị.


Chứng hư lâu ngày, đau bụng liên miên, gia Ngô thù, Tiểu hồi.


Thận hư đau sán khí (thiên trụy), gia Xuyên luyện, Quất hạch, Ngô thù, Hoàng bá sao đen, khử Phụ tử.


Đờm dãi vít lấp, thủy hư, thì khử Phụ, hỏa hư thì Thục địa sao khô mà dùng.


Các chứng trẻ em phát sốt, khử Quế Phụ, gia Mạch môn, Ngũ vị, có nóng rét gia Sài hồ, Bạch thược, kinh giật (là nhiệt làm hao huyết không nuôi được gân) gia Quy Thược, Tần giao, Câu đằng, hư trướng thì dùng Quế chút ít, các chứng trẻ em hư hàn khử Phụ. Quyết lạnh dương thoát lại nên dùng Phụ. Nếu hỏa hư kèm cả âm huyết hư thì nên dùng Quế khử Phụ.


Trẻ em hư nhiệt phát ban, khử Quế Phụ, giảm Thục địa, sao khô, bội Trạch tả, gia Thăng ma, khát nhiều gia Mạch môn, Ngũ vị.


Trẻ em hư nhiệt phát ban, khử Quế Phụ, bội Đơn bì, gia Quy Thược.


Đàn bà huyết khô kinh bế, người gày đen, tóc ngắn, tính táo cấp, hay đau bụng trước khi hành kinh, khát uống nước luôn, đau lưng, sốt về chiều hầm hập, khử Phụ giảm Quế, Trạch, bội Sơn thù, gia Quy Thược, Đỗ trọng sao rượu.


Đàn bà có chứng bạch đới thì khử Phụ, bội Trạch tả, có đau mà trệ xuống gia Thăng ma, không thì gia Phá cố chỉ.


Ấy là cách dùng tá sứ thỏa đáng thì có thể kết hợp chung thành một tễ để giúp cho thành công, kẻ không hiểu phần nhiều tự ý chọn thuốc bổ gia vào khách nhiều gấp bội so với chủ, trách nhiệm không tập trung, công năng của phương này lại bị thụt lùi, có người nghi ngờ vị Thục địa nê trệ mà giảm đi thì đầu vị bị yếu, hoặc ngờ vị Trạch tả hay tả mà khử đi thì sức vị sứ phải kém, làm sao mà nói chuyện thuốc với họ được.


Lãn tôi xét tiên hiền Trương Trọng Cảnh là tổ sư lập ra phương Bát vị này thật là tiên phương chữa thủy hỏa, thánh dược cứu âm dương, tôi tôn làm của báu nhất để bảo vệ sức khỏe, giúp bệnh hiểm, cứu bệnh nguy, nhờ khuôn khổ này mà các bệnh nặng đến đâu cũng chữa được khỏi cả, bởi vì kinh nghiệm đã lâu, ngoài phương pháp có thể không hình dung được, hiểu được càng sâu, biến hóa vô cùng như cái vòng tròn không đầu mối, thực khó nói hết được.


Chỉ cho biết là phép có thể biến mà lý vẫn bình thường, tăng thêm hay giảm bớt chỉ làm cái vật đệm mà thôi. Vì thầy thuốc lập phương cũng như nhà binh bố trận, xuất kỳ ứng biến há chẳng phải trận đánh thắng được địch đó ư? Công chỗ thực, bổ chỗ hư, há chẳng phải là phương thuốc chữa được bệnh đó ư? Giỏi dùng binh thì nhân địa hình mà bài thế thắng, giỏi dùng thuốc thì nhân bệnh tình mà bày phương chữa. Có Thục địa đủ bổ được thủy, có Quế Phụ đủ bổ hỏa, cho uống Thăng Sài thì đưa lên, cho uống Tất Vị thì liễm xuống; Sâm Truật thì bổ trung khí, Quy Thược thì dưỡng âm huyết, lại thêm các vị thuốc có khí vị hợp nhau để tăng thêm lông cánh, hoặc từ dương dẫn âm, từ âm dẫn dương, gặp đâu xử lý đấy thì chữa bệnh gì mà chẳng được, mong các vị có chí nghiên cứu nên suy rộng ra ngoài phương pháp.


Sự cấm kỵ



Hoặc dùng Hà thủ ô làm đầu vị thì một bài thuốc hai đầu vị (quân dược) biết theo bên nào?


Hoặc phối hợp với Sâm Kỳ thì thuốc bổ thận chạy vào âm kinh, thuốc bổ khí chạy về dương phận mà hai bên giằng giữ nhau không yên được chỗ, lại quấy rối kích động hư dương bốc lên không gì dẫn về kinh được.


Hoặc có người dùng Táo, Quy, Truật để kiêm chữa cả tâm tỳ. Nào có biết rằng Thục địa bổ tinh huyết càng phải nhờ Sơn thù vị chua, chát để giữ vững lại. Còn như Quy cay mà chạy vào phần dinh là thuốc của phần huyết mà không phải là thuốc của phần tinh, chua thì thu, cay thì tán rất khác nhau xa, huyết với âm tinh đều nên phân biệt cho rõ. Vả lại trong bài Lục, Bát vị đều có đủ cả âm dương khiến cho thủy hỏa hun nấu gây thành tinh huyết. Bạch truật có công năng làm cho táo chạy riêng vào tỳ vị, gia vào đó thì lại làm cho hao kém mất sức hun nấu, chân âm do đâu mà sinh ra được. Còn như Táo nhân là thuốc phần khí của thượng tiêu tâm tỳ, không phải là thuốc thích hợp với tinh huyết.


Hoặc gia loại Câu kỷ, Phúc bồn, Liên nhục vào, lực lưỡng hoãn quá, hễ thêm vào một vị thì làm hoãn thêm một phần, khó làm khỏi nhanh.
Hoặc dùng thêm vị Tiên mao tuy có sức mạnh, nhưng bản tính không giống nhau thì ở cùng đội ngũ sao được, mỗi bên đều cậy ở sức mình làm rối loạn phép thường.


Hoặc gia Bào khương, Chích thảo làm thuốc chữa trung tiêu không thể xuống dưới được, vả lại Thục địa khí thuận ngọt ấm, là thuốc nhuần bổ chân âm, bỏ lẫn vào thuốc cao nóng ấm trung tiêu thì chẳng những mất hết tính nhu nhuận, mà vị Thục địa cũng không còn chút sức nào nữa. Cho nên bài Địa hoàng hoàn xưa nay không ai gia thêm Khung, Quy, Khương, Thảo là vì thế. Lãn tôi ở ngoài phép cũng có khi dùng thêm như bài Nhân sâm thang thì sắc riêng rồi đổ lẫn vào mà uống, thuốc hoàn thì nấu làm thang tống, như gia Đương quy là có chứng can huyết hư quá, dùng thang thì cho thêm Quy, Thược, như gia Câu kỷ là vì chứng dương suy tinh huyết hư thì Câu kỷ, Thung dung là thuộc đối với bệnh, như gia Liên nhục cũng nấu trước rồi lấy nước mà sắc thuốc.


Phép dùng thang tống



Dùng nước muối nhạt làm thang tống là vì muối nhuận xuống, làm mềm chất rắn, có hư hỏa thì dẫn xuống.


Dùng nước cơm sôi làm thang tống vì nó là chân vị điềm đạm của tỳ, sinh ra tinh rất chóng, có ý nhân bổ thận mà bổ tới cả tỳ.


Dùng nước lã đun sôi làm thang tống là vì nó không nhanh không chậm, không nóng không táo.
Dùng rượu nóng làm thang vì nó dẫn sức thuốc đi rất nhanh, mùa đông có thể ngăn được hàn tà từ bên ngoài.


Dùng rượu Bổ trung làm thang là vì có chứng nguyên khí hãm xuống, đã muốn bổ nguồn gốc lại sợ thuốc chạy xuống thái quá, trên hư dưới thực, nên phải đưa nguyên khí lên, để cho trung khí ở tam tiêu còn mãi.


Dùng bài Lý trung làm thang, tất vì tỳ vị trầm hàn nên trước phải điều lý trung châu rồi mới thông xuống được.


Dùng bài Sinh mạch làm thang là vì kim sinh thủy, làm cho mẹ con nuôi nhau, khí của phế dồn xuống hai tạng kim và thủy để sinh âm.


Dùng bài Quy tỳ làm thang là muốn cho tiên thiên thủy hỏa, hậu thiên khí huyết đều được tư nhuận.


Dùng Nhân sâm, Trần mễ làm thang là để cho dẫn xuống tỳ thận mà sinh dương khí.



Cách dùng thang tống như đã kể trên để chiêu thuốc hoàn đều là vì bệnh cấp không thể dây dưa, tiêu bản đều phải chiếu cố tới cả, cho nên phải mượn khí mạnh của thuốc sắc để làm công trước để mở đường, vận tống thuốc hay của thủy hỏa nạp xuống đan điền, để giữ cho nguyên dương được vững chắc mãi, công dụng của thuốc sắc vừa đi qua thì tính của thuốc hoãn lại nảy nở, khí dương hòa từ căn bản cho đến tam tiêu cứ còn mãi, ý nghĩa rất sâu xa.