Tiên thiên chân thủy

MẠCH, HÌNH CHỨNG VÀ TRỊ LIỆU ĐỐI VỚI SỰ HƯ THỰC CỦA TIÊN THIÊN CHÂN THỦY


Chân thủy, chân âm (tức huyệt đen bên tả, là thủy vô hình)

Thực


Mạch

  • Tả xích hữu lực hơn hữu xích

Hình

  • Béo trắng, nê trệ

Chứng

  • Tà thủy tràn ngập ra kinh lạc làm ra chứng sưng đau, tiết tả, tê dại, đờm lỵ, sang độc. Đó là thủy thịnh hỏa suy, các chứng nổi lên, nên phân ra trên dưới mà tiêu đi


Mạch

  • Sáu bộ đều phù hoặc hồng đại vô lực, tả xích hư nhược vô lực, hoặc hư mà tế sác vô lực, không bằng bộ hữu xích hơi mạnh

Hình

  • Béo bệu, sắc trắng bủng, mặt như bôi son hoặc sắc má hơi hồng, ngoại tựa như có thừa, hoặc tối đen mà gày gò, da dẻ khô khan, thân thể liệt yếu, tinh khô huyết kiệt, da như bong vảy, môi răng khô ráo, râu tóc ngắn vàng, mắt nhiều phần trắng, tính nóng vội, hay cáu gắt, uống nước luôn, tiểu tiện đi luôn, đại tiện hay táo

Chứng 

  • Sốt cơn về chiều, phần âm nóng, nóng âm ỉ trong xương, hoặc phần âm nóng hầm hập, ngũ tâm phiền nhiệt, thượng tiêu nhiều chứng nhiệt, thủy suy không lấy gì chế được hỏa, cho nên hỏa đi lên
  • Kinh nói: “Người dễ cảm sốt thì chân âm ắt hao”. Lại nói: “âm hư phát sốt vì âm hư không chế hỏa”. Phiền táo, phiền khát, đầu nặng, đầu đau, đầu mắt choáng váng, mắt hoa, hai má hồng, nơi Giáp xa sưng phù, khí nghịch xông lên. 
  • Mửa khan, họng khô, cổ đau hoặc trong họng như có hạt gì không khạc ra được, nuốt cũng không xuống, trong ngực bồn chồn, sưng trước ngực và eo lưng đau, hư phù tiết tả, ăn uống không tiêu, ho ra nhiều đờm dãi, bọt trắng, miệng khô, lưỡi có rêu, đổ máu mũi, di tinh, nước tiểu vàng, gắt, ngắn, đỏ; nặng lắm mà thành lâm trọc, thích ăn đồ nóng, ưa ấm ghét lạnh, nhiều mồ hôi, đàn bà kinh bế, huyết ít, hễ thủy suy thì hỏa thịnh mà các chứng nổi lên

Trị liệu

  • Phần âm của tiên thiên hư thì bổ thận thủy, dùng những loại thuốc Địa hoàng, Sơn thù, Mạch môn, Ngũ vị,nhất thiết phải kiêng thuốc thấm lợi vì chân thủy suy thì tướng hỏa bốc bậy lên
  • Kinh nói: “Thủy không đủ thì nhân đó mà thấy hỏa có thừa”. Lại nói: “âm hư thì dương lấn sang”. Lại nói: “Dùng thuốc hàn lương chữa mà không làm mát được là tại vì không có thủy”. (Đó là lấy thuốc hàn để chữa bệnh nhiệt mà nhiệt không lui). Lại nói: “Uống các vị thuốc hàn mà cứ nhiệt thì phải trách ở phần âm”. (Đây là lấy thuốc hàn chữa bệnh nhiệt mà nhiệt không khỏi, không phải là hỏa có thừa mà là âm không đủ, âm không đủ thì hỏa găng thịnh nên trách ở âm, chỉ bổ âm thì dương tự lui cho nên bảo rằng phải tìm xem thuộc về loại bệnh nào)
  • Phương thư nói: “âm hư không có thể thu liễm được dương, nên dưỡng âm để làm cho dương lui”. (Đại để chứng thủy suy hỏa động đều do say đắm sắc dục làm hao tổn chân âm, dương không phụ thuộc vào đâu, vì thế mà bốc vượt lên trán). Ấy là ý nghĩa hỏa không kiềm giữ thì phát lên, lâu thì dương lẻ loi không thể vượng được một mình, hỏa không gốc thì không thể cháy sáng được lâu
  • Cho nên bảo rằng tráng hỏa làm hao mất khí. Khí hư thì dương lấn lên, phải điều bổ mạnh để ngăn ngừa cái thế trống không bốc lên, cho nên nói âm hư quá thì nên bổ âm để sánh kịp với dương, khiến cho âm tha hóa theo dương. Nên uống bài Lục vị hoàn làm mạnh phần thủy để trấn áp phần hỏa (Hỏa có thừa thì thủy không đủ, không dám khử hỏa chút nào, chỉ bổ thủy để sánh với hỏa, nên bảo rằng tư âm giáng hỏa, khiến cho thủy có sức, thì hỏa không thể đi càn bậy, đó tức là bổ thủy mà hỏa tự rút xuống)
  • Nếu trong hư ghét thực, thì gia Tri mẫu, Hoàng bá đem sao để tạm ức chế sức thiêu đốt mạnh của hỏa, nếu thủy hư quá thì gia Mạch môn, Ngũ vị để bồi bồ nguồn thủy, gia Ngưu tất để thu liễm hỏa bốc lại, nếu kèm cả chứng can hỏa cháy tợn thì gia vị Bạch thược, Sài hồ để dẹp nó.