Bàn về thủy hỏa thần đan

Xét bài Lục vị, Bát vị, người đời đều cho là thuốc chính để chữa thận mà chỉ một mình tôi thì cho là chữa được tất cả các bệnh, vì sao? Con người lúc mới tượng hình, trước hết sinh hai quả thận, một điểm chân dương trong quả thận tức là bầu thái cực trong nhân thể, là căn bản của sinh mệnh, là gốc của 12 kinh, là nguồn của 5 tạng.

Phàm sự sáng suốt của tâm, điều tiết của phế, quyết đoán của can đởm, vận hóa của tỳ vị, truyền tống của đại tiểu trường, đều là nhờ một điểm khí động của mệnh môn mới làm tròn được chức năng của nó. Sách Y quán ví nó như cái đén kéo quân, lúc bay, lúc liệng, lúc đi, lúc múa, toàn là nhờ ở ngọn đèn dầu, đèn cháy to thì đi nhanh, cháy nhỏ thì đi chậm, đèn tắt thì các máy đều tự ngưng. Cho nên Phương thư nói: “Trăm bệnh đều gốc ở thận”.

Lại nói: “Năm tạng bị bệnh rốt cục tất dồn về thận”. Lại nói: “Bệnh nhẹ là do khí huyết thiên lệch, bệnh nặng là do thủy hỏa tác hại”. Lại nói: “Lấp đầy chỗ trống rỗng là khí huyết, hóa sinh ra khí huyết là thủy hỏa. Lấy đó mà xem, mọi bệnh sinh ra vốn do hư đưa tới, mà hư đưa tới là vốn từ thận”. Kinh nói: “Gặp chứng hư thì gìn giữ ngay thận tạng để bồi dưỡng sinh mạng”. 

Cho nên chữa bệnh lâu, bệnh nặng nên chú ý đến thận hơn. Lại như kinh nói: “Biết được cái cốt yếu thì nói một lời là hiểu hết”. Chân âm chân dương thực là yếu lĩnh của trăm bệnh. Tiên sư nói: “Đem phép chữa một bệnh suy rộng ra có thể chữa được trăm bệnh, phép chữa trăm bệnh rút cục căn bản cũng như chữa một bệnh, vì nét mặt của muôn người tuy có khác nhau mà tạng phủ âm dương thì y như một, danh mục của trăm bệnh tuy có khác nhau, nhưng không vượt ngoài khí huyết hư thực”

Tôi chữa bệnh hơn hai mươi năm nay, từng trải qua kinh nghiệm đã lâu, sở đắc càng nhiều, phàm khi chữa ngay được bệnh nguy hiểm khó khăn, chỗ khác mọi người là chỉ bằng ở tác dụng khéo léo về hai khiếu âm dương, hai phương thủy hỏa mà trọng dụng được bài Lục, Bát vị. Phương thư nói: “Thầy thuốc không hiểu chân tướng của Thái cực, không nghiên cứu sự diệu dụng của thủy hỏa vô hình mà không trọng dụng được hai bài Lục, Bát vị thì nghề thuốc còn thiếu hơn một nửa”. Hơn một nửa chỉ còn là lời quở phạt, chứ theo ý tôi làm thuốc chỉ biết chăm chú về khí huyết, lấp chỗ rỗng, bổ chỗ hao, khư khư ở bài Tứ vật, Tứ quân, tuyệt nhiên không biết thủy hỏa ở chỗ nào, sợ Thục địa nê trệ, Nhục quế nóng, Đại Phụ tử mạnh mà không dám bạo gan dùng nhiều, đó là hàng thầy thuốc tầm thường, đừng hòng nói đến nghề thuốc nữa.