Dùng nhầm bài Tứ quân, Tứ vật, Bát chân

Phương Thư nói: Hậu thiên dương hư, làm bổ Tỳ Phế là bài Tứ quân; hậu thiên âm hư, làm bổ tâm can là bài Tứ vật. Mọi người đều cho hai bài thuốc đó là thuốc đầu để chữa các chứng bệnh về khí huyết, không chỗ nào là không thích hợp.

Đó là chưa thông suốt ý nghĩa của việc lập phương.

Theo tôi nghĩ thì trong đó mỗi bài đều có nhiều mối nên dùng và nên kiêng, đâu có thể chữa cả một loạt hay sao? Như chứng Vị hỏa mạnh mà thực làm cho Tỳ âm càng suy yếu, thì Sâm Truật không thể dùng, Nhân sâm tuy gọi là thuốc thánh để làm lui hư hỏa, nhưng nếu gặp người thể hư hỏa bốc lên, nhiệt nhiều hại khí thì việc dùng Nhânsâm cũng nên tạm hoãn. Chích thảo vốn là thuốc làm ấm trung tiêu, có thể giữ lâu các vị thuốc lại khiến cho thổ được bổ ích thêm. Nhưng nếu vì trung tiêu hư, khí không vận hành được thì cũng không nên dùng.

Lại nói bài Tứ quân là thuốc thánh để chữa bệnh Tỳ Vỵ cho trẻ em, nhưng bên cạnh sự bổ ích lại có ngay sự tổn thương kèm theo. Trẻ em sức yếu, chỉ có dương lẻ loi không có âm thì chịu sao nổi được lâu những vị Bạch linh hay thấm, Bạch truật hay táo. Huống nữa Thổ bị khô khan thì tích thành gò đống, tạo thành chứng cam.

Còn như huyết nhân hỏa động mà sinh ra thổ huyết, nục huyết lung tung, thì làm thế nào mà Xuyên khung có thể giữ lại được.

Nếu âm vong dương bại thì các chứng băng thoát rất khó chữa nổi, duy chỉ có dùng Độc sâm thang thì mới giữ được cái sắp đứt.

Nếu huyết vì gặp hàn mà trệ lại, muốn làm ấm lên thì không phải là cái sở trường của Thục địa, Bạch thược. Huyết nhân hư mà khô cạn muốn tư bổ thì lại là điều sở đoản của Xuyên khung.

Lại nói: “Bài Tứ vật là thuốc bổ huyết rất cần thiết”. Câu ấy hình như phải mà hóa ra không phải. Bởi vì đã gọi là âm dược thì chỉ có tính thuần tĩnh, nhu nhuận mới tốt, nếu khéo dùng thì khiến cho âm tĩnh mà sinh ra huyết. Đó là cách nuôi dưỡng cho âm mà huyết tự sinh ra vậy.

Như bài Tứ vật, bảo là dưỡng huyết thì được, nhưng bảo là sinh huyết thì không thể được. Muốn bổ huyết sinh tinh thì cao Nhung hươu, Nhung nai, rau thai nhi, sữa người, đều thuộc loại hữu hình mới có thể kiến hiệu được. Nhưng cái nguồn sinh hóa cũng nhờ vào năm vị mà ta ăn uống hàng ngày để sống, vì thế có câu: Muốn bổ huyết thường chỉ dùng thuốc bổ vị mà thành công. Câu nói ấy thật có ý nghĩa rất sâu sắc.

Lại nói Khí và Huyết cả hai đều hư thì dùng bài Bát trân thang. Nhưng nếu cố chấp dùng bừa thì kiến hiệu làm sao được. Nội kinh nói: “Không có dương thì âm không sinh được; không có âm thì dương không hóa được”. Nếu khí hư nhiều huyết hư ít thì dùng Sâm Truật làm quân, Quy Thục làm thần. Còn Bạch linh thì hại âm vì tính của nó thấm và tiết, Bạch thược thì chua, Xuyên khung thì có chất thơm hay bốc lên và hao khí. Bạch truật thì táo, Bạch linh thì thấm cũng nên tránh bớt.

Nếu khí và huyết cả hai đều hư ngang nhau, thì chỉ bổ khí nhiều hơn mà huyết tự tươi tốt. Bởi vì, khí dược mới có khả năng sinh huyết, còn huyết dược thì không có lý nào có ích cho khí cả. Đó vốn là tác dụng kỳ diệu của âm dương.

Tôi tự chế ra bài Bồi thổ cố trung, dùng để chữa các chứng thuần dương, rất bình hòa, rất ổn thỏa. Bổ vị khí mà không táo, nhuận tỳ âm mà không trệ, thực là một bài Tứ quân tử bổ âm, có thể cho uống mãi cũng được. Vả lại không có cái hại làm cho tăng khí.

Tôi cũng mới chế ra bài tiên thiên Lục vị và bài hậu thiên Bát vị cũng để bổ Tỳ Phế và Tâm Can của Hậu thiên. Cho vào phần khí thì không lo vị thuốc cay thơm hao tán; cho vào phần huyết thì không có tệ vì thuốc hàn lương làm cho khí âm ngừng lại.

Bài thuốc tuy nông cạn mà hiệu quả sâu xa, dùng thuốc giống nhau mà công năng có khác. Mong các đồng nghiệp lựa chọn mà dùng, đừng trách đã tôi khó nhọc đi tìm cái ngoài phương pháp.