Tiên thiên chân hỏa

MẠCH, HÌNH, CHỨNG, TRỊ LIỆU ĐỐI VỚI SỰ HƯ THỰC CỦA TIÊN THIÊN CHÂN HỎA.

Chân hỏa, chân dương (tức huyệt trắng bên hữu, là hỏa vô hình).

a) Thực: Mạch : Hai bộ xích quân bình, sáu bộ có thần.

Hình : Xương thịt cân đối, gân xương cứng cáp, tiếng nói du dương, nhan sắc đen sáng.

Chứng : Miệng khô hoặc khát, cổ đau, gân xương cứng cáp, tiếng nói du dương của mệnh môn là căn bản của sinh mệnh của con người, hỏa đã đầy đủ thì âm thăng bằng dương kín đáo, tinh thần mới yên ổn, thì bệnh còn vào đâu được, không cần phải dùng thuốc.

b) Hư: Mạch : 6 mạch vi nhược, hữu xích vô lực, hoặc trì nhuyễn hoặc trầm tế mà muốn tuyệt, không bằng mạch tả xích hơi mạnh hơn.

Hình : Thần khí kém, sắc da đen sạm như khói hoặc thân thể gày còm, trắng bệch, hoặc xanh bợt, tay chân rã rời, tóc râu ngắn vàng, da nhăn nheo lông rụng, thần khí trong con người khô khan, răng khô, lung lay, cử động chậm chạp, hơi thở đoản, tiếng nói khẽ nhỏ, không chịu được gió lạnh, trong bụng thì khiếp sợ đồ sống lạnh, dễ phát đầy, dễ phát tả, hoặc cứ sáng sớm là đi tả, vậy mà còn ham mê sắc dục, chân hỏa hư, can hỏa vượng, nguyên cớ vì can chủ việc sơ tiết cho nên thế.

Chứng : Hầm hập nóng lâu, rất sợ gió lạnh. Kinh nói: “Dễ cảm hàn thì chân dương rất hư”, từ đầu gối trở xuống lạnh hoặc đau nhức, gân cốt không có sức, vùng đan điền không có ấm, ăn không tiêu hóa, hoặc ăn được mà không đói, ỉa chảy không điều độ, mộng di hoạt tinh, choáng váng tự đổ mồ hôi, ngang lưng đau, tai điếc, tiểu tiện bí sáp, nói chung thượng bán thân nhiều chứng giả nhiệt, hạ bán thân nhiều chứng chân hàn, khát mà không thể uống nước được, hoặc không khát, đều rõ là hỏa suy mà thủy thịnh cho nên các chứng phát ra.

c) Trị liệu:

Phần dương của tiên thiên hư thì bổ mệnh môn, dùng loại Quế, Phụ, vì chân hỏa suy thì tráng hỏa đi bậy, Kinh nói: tráng hỏa tiêu hao khí, khí yếu mà dương cũng rất hư, nếu bổ dương để sinh âm khiến cho âm theo dương mà lớn lên. Lại nói: “Uống thuốc nóng mà không thấy nóng là vì không có hỏa”. (Đây là dùng thuốc nóng để chữa hàn mà hàn không hết vì không có hỏa).

 Lại nói: “Dùng thuốc nóng mà cứ hàn thì dương kém” (Đây là dùng thuốc nóng để trị bệnh hàn mà hàn không lui là không phải hàn có thừa mà vì dương không đủ, dương khí hư , cho nên bổ phần dương lại, chỉ bổ hỏa ở trong thủy thì âm tự tiêu, cho nên bảo tìm xem thuộc về loại nào, một thủy một hỏa đều tìm ở trong thận), nên dùng Bát vị hoàn thêm nguồn của hỏa để tiêu bớt mây mù trong phần âm (hỏa không đủ vì vậy mà thấy thủy có thừa, cho nên không cần phải tả thủy mà cứ bổ hỏa ở trong thủy). 


Nếu như mệnh môn hỏa hư, hư hỏa bốc bậy lên là do chân thủy cũng hư, chứng thể hiện trên thực dưới hư, như thượng bán thân thì phiền khát mặt đỏ, hạ bán thân thì ỉa chảy kéo dài, chân lạnh từ đầu gối trở xuống, cũng nên dùng Bát vị hoàn. Hoặc có người hỏi chứng trước là chân thủy suy, lôi hỏa bốc lên, chứng này là chân hỏa hư mà hư hỏa bồng lên, đều là một chứng giả nhiệt mà một đường thì dùng Lục vị hoàn để mạnh thủy ức chế hỏa, một đường lại dùng Bát vị hoàn để bổ hỏa dẫn hỏa, xử phương khác nhau như vậy là tại sao? Xin trả lời: “Đó là phép tìm thủy trong hỏa, tìm hoả trong thủy”.