Bàn về tư âm giáng hỏa

Vương Tiết Trai nói: “Trong nhân thể phần âm thường không đủ, phần dương thường có thừa, huống chi người ham dâm dục thì nhiều mà người tiết dục thì ít, tinh huyết đã thiếu, tướng hỏa ắt vượng, hỏa vượng thì âm càng hao mòn mà các bệnh ho lao thổ huyết nổi lên”. Cho nên thường phải bổ chân âm, làm cho âm dương thăng bằng thì thủy chế được hỏa, thủy đưa lên, hỏa tỏa xuống thì con người không bệnh, cho nên Đan Khê tiên sinh phát mình thuyết bổ thận là bảo chuyên bổ thận thủy.

Phép tư bổ của cổ phương đều kiêm bổ tướng hỏa, không biết rằng thận thủy vốn hư, tướng hỏa vốn vượng, nếu thận thủy tướng hỏa bình bổ được y như cũ, hỏa thắng được thủy, lại bổ thủy chế hỏa thì thủy hỏa mới thăng bằng. Tướng hỏa vốn không suy kém, nếu thực tướng hỏa suy kém mới dùng phép bổ, nhưng người đời vì hỏa vượng mà sinh bệnh đến 80% - 90%, hỏa suy mà thành bệnh là không tới 10% - 20%. 

Vả chăng lúc tuổi trẻ thận thủy đang mạnh tựa hồ như chả cần phải bổ, nhưng tình dục đang lúc bồng bột, trác táng thái quá, đến tuổi trung niên, tình dục tuy bớt, nhưng vì lúc tuổi trẻ trác táng đã nhiều sao còn được đầy đủ, đến lúc tuổi già chân dương tuyệt dần chỉ còn phần dương lẻ loi, cho nên thuốc bổ âm là từ trẻ đến già đều không thể thiếu được. Lập Trai tiên sinh phát minh ra ý kiến sáng suốt ấy để đính chính cho chỗ sai lầm từ ngàn năm nay công đức thật là to lớn. 

Nhưng người thủy suy thì nhiều mà người hỏa suy cũng không ít, nếu tiên thiên bẩm thụ bạc nhược thì con nít cũng có chứng hỏa suy, có thể đơn thuần bổ thủy được chăng? Huống chi bài Bổ âm hoàn, dùng Tri mẫu, Hoàng bá làm quân, Thiên môn, Mạch môn làm tá, vì Hoàng bá khổ hàn, bài tiết được thủy, Thiên môn hàn lãnh, làm hao tổn vị khí, uống vào không bổ được thủy mà lại làm hao tổn đến hỏa, cho nên thuốc tư âm giáng hỏa là bảo bổ thêm phần âm thì hỏa tự nhiên phải giáng, cần phải thông suốt chứ bất tất phải giáng hỏa, nhưng hai thứ hỏa đều có âm dương thủy hỏa, sinh hóa lẫn nhau, nên ở trong hai tạng đều chia ra âm dương hư thực, phải tìm xem thuộc loại của nó mà làm cho thăng bằng, nếu mạch tả xích hư nhược mà tế sắc ấy là chân âm ở thận không đủ, nên dùng Lục vị hoàn, nếu mạch hữu xích trì, nhuyễn, hoặc trầm tế mà sác, muốn tuyệt, đó là mệnh môn tướng hỏa không đủ, nên dùng Bát vị hoàn. Đến như hai mạch xích vi nhược thì âm dương đều hư, nên uống Thập bổ hoàn, đấy là nuôi dưỡng cho nguồn sinh hóa của tiên thiên, thật là lợi vô cùng cho muôn đời. 

Nhìn thấy đời nay bổ âm đều hay dùng Hoàng bá, Tri mẫu trở lại làm hại vị khí phần nhiều đưa đến không khỏi, không thể không ân hận bực tức cho đời. Tôi đặc biệt nêu ra đây để bổ sung vào chỗ thiếu sót của cổ nhân. Về phần thầy thuốc cũng như người bệnh phải nên lưu ý hơn nữa đến các bài Lục vị, Bát vị. Cũng có người cho rằng đại để thủy là mẹ của huyết, thủy hư quá thì bổ thủy, thủy hư ít thì bổ huyết, phép chữa không ngoài cách ấy. 

Phải chăng thủy là âm của tiên thiên, huyết là âm của hậu thiên, vậy thì huyết cũng là thủy, bất tất phải bàn sâu. Vì sao nói như vậy? Là vì xét ở các sách nói: “Tiên thiên thủy suy thì hỏa bốc lên”. Lại nói: “Hậu thiên âm hư thì hỏa động”, rồi nói chung chung, tư âm giáng hỏa, bổ thủy chế hỏa, hình và chứng lẫn lộn không phân tách, không thể nào cắt ra cho rõ, chỉ dựa vào mạch mà chia ra để chữa thì mới được, như sáu mạch đều phù hồng, hai mạch xích hữu lực, mạch quan thốn bên tả vô thần (hoặc phù đại) là hậu thiên âm hư (tâm can huyết hư) nên uống loại bài Thập bổ. Mạch xích bên tả vô lực là tiên thiên thủy suy, nên uống loại bài Lục vị.