Mạch kinh

Mạch có mạch âm mạch dương, hễ biết được cái gì là mạch dương thì sẽ biết được cái gì là mạch âm; biết được cái gì là mạch âm thì sẽ biết được cái gì là mạch dương. (Biết rõ mạch âm dương thì biết được sự biến đổi của mạch).

Mạch dương có 5 loại, tức là xuân huyền, hạ câu, trưởng hạ hoãn, thu mao, đông thạch, vì thế 5 mùa đều có dương mạch của 5 tạng, cho nên 5 mùa phối hợp với 5 tạng trở thành 25 thứ mạch dương. (Nói kinh dương có 5 câu, chính là lấy mạch của một phủ mà bao hàm mạch của 5 phủ, cho nên 55 thành 25 dương mạch. Từ đấy suy ra, thì trong một tạng bao hàm có mạch của 2 tạng, cũng là 25 mạch âm).

Nói mạch âm là chỉ mạch đến không kiêm thấy vị khí, gọi là mạch “chân tạng”, mạch chân tạng là dấu hiệu vị khí đã bị bại hoại, dấu hiệu vị khí bại hoại đã thể hiện thì có thể quyết đoán rằng bệnh sẽ chết. (Nói mạch âm là nói đến chân mạch của ngũ tạng, mạch của chân tạng thể hiện thì biết tạng đó đã bại hoại, bại hoại thì phải chết, cho nên nói mạch chân tạng hiện ra là chết).

Nói mạch dương, tức là chỉ mạch có vị khí. (Dương mạch của vị quản là khí của nhân nghinh, xét khí của mạch Dương minh động hay tĩnh, to hay nhỏ, có ứng với mạch khí khẩu hay không. Mạch Nhân nghinh ở hai bên yết hầu, mạch động thì ứng ở tay, mạch Nhân nghinh mà động thì thường thường bên tả nhỏ, bên hữu to. Mạch bên tả nhỏ là biểu hiện của tạng, mạch bên hữu to là biểu hiện của phủ, bởi vì vị là ông chủ của 6 phủ 5 tạng, tuy trong đó có 25 mạch khác nhau mà thực ra đều không ngoài sự biểu hiện của mạch vị quản, chứng lành là có vị khí, chứng không lành là không có vị khí).

Phân biệt được mạch dương mà biết được bộ vị của bệnh, phân biệt được mạch âm mà biết được kỳ hạn sống chết. (Dương bảo vệ ở ngoài, gìn giữ cho âm, nhưng ngoại tà xâm phạm vào chỉ thấy ở dương phận thì biết được bộ vị của bệnh. m tàng thần mà giữ ở trong, nếu biết rõ được sự thành hay bại ở âm phận thì biết được kỳ hạn sống chết).

Bộ vị quan sát của ba kinh mạch dương ở huyệt Nhân nghinh, chỗ hai bên yết hầu [68]. Bộ vị quan sát của ba kinh mạch âm ở giữa mạch thốn khẩu sau trấy tay (ngư tế); nói chung trong trạng thái khỏe mạnh, mạch Nhân nghinh và thốn khẩu là nhất trí. (Ở vùng đầu là nói về mạch Nhân nghinh, ở vùng tay là nói về mạch khí khẩu, hai mạch ấy ứng với nhau nhịp nhàng như kéo sợi dây là mạch người bình thường, cho nên gọi là nhất trí. Mạch khí khẩu ở sau chỗ trấy tay một thốn, mạch nhân nghinh ở hai bên yết hầu một thốn 5 phân đều có biểu hiện khí của ngũ tạng).

Cái gọi âm dương, thì mạch đi là âm, mạch đến là dương. Mạch tĩnh là âm, mạch động là dương, mạch trì là âm, mạch sác là dương. (Đó là nói về mạch thể của con người có chia ra âm dương, mạch có đi có lại, tức là trong sự đi lại có chia ra âm dương, mạch có động có tĩnh, tức là trong lúc động lúc tĩnh có chia ra âm dương, mạch có trì có sác, tức là trong lúc đi nhanh đi chậm có chia ra âm dương).

Cái gọi sinh dương tử âm, ví dụ can bệnh truyền sang tâm là “sinh dương”. (Còn dương thì sống, mất dương thì chết, cho nên nói sinh dương tử âm. Từ can truyền sang tâm là hàm nghĩa mộc sinh hỏa thì được sinh khí tức là sinh dương, bệnh không quá 4 ngày thì khỏi).

Từ tâm truyền sang phế là “tử âm”. (Tâm truyền sang phế là hỏa khắc kim, cho nên nói là tử âm, bệnh không quá 3 ngày thì chết).
Từ phế truyền sang thận là “trùng âm”. (Phế kim, thận thủy, tuy mẹ con cùng truyền nhau mà cả kim lẫn thủy đều mắc bệnh, thì là trùng âm mà dương đã tuyệt).

Từ thận truyền sang tỳ gọi là “tịch âm”, là bệnh chết không chữa được. (Thổ vốn chế thủy mà trái lại thủy khinh nhờn thổ là tịch âm. Tịch âm là âm thiên lệch).

Mạch Nhân nghinh một lần thịnh là bệnh ở Thiếu dương, hai lần thịnh là bệnh ở Thái dương, ba lần thịnh là bệnh ở Dương minh, bốn lần thịnh trở lên Cách dương. (Phép xem mạch dương thì Thiếu dương là mạch Đởm, Thái dương là mạch Bàng quang, Dương minh là mạch Vị. Sách Linh Khu nói: “Một lần thịnh mà đập nhanh là bệnh ở Thủ thiếu dương, hai lần thịnh mà đập nhanh là bệnh ở thủ Thái dương, ba lần thịnh mà đập nhanh là bệnh ở thủ Dương minh. Thủ Thiếu dương là mạch Tam tiêu, thủ Thái dương là mạch Tiểu trường, thủ Dương minh là mạch Đại trường. Một lần thịnh là mạch Nhân nghinh to gấp đôi mạch Thốn khẩu, các lần khác cũng như vậy, thịnh gấp 4 lần trở lên là dương thịnh đến cực độ, cho nên đối kháng mà không ăn vào được. Thiên Chính lý luận nói: “cách thì mửa vọt ra”).

Mạch thốn khẩu một lần thịnh là bệnh ở Quyết âm, hai lần thịnh là bệnh ở Thiếu âm, ba lần thịnh là bệnh ở Thái âm, bốn lần thịnh là bệnh ở Quan âm. (Phép xem mạch âm, Quyết âm là mạch Can, Thiếu âm là mạch Thận, Thái âm là mạch Tỳ. Sách Linh khu nói: “Mạch khí khẩu một lần thịnh mà đập nhanh là bệnh thủ Quyết âm, hai lần thịnh mà đập nhanh là bệnh thủ Thiếu âm, ba lần thịnh mà đập nhanh là bệnh thủ Thái âm. Thủ Quyết âm là Tâm bào lạc, thủ Thiếu âm là mạch Tâm, thủ Thái âm là mạch Phế. Phép thịnh về âm mạch cũng giống như về dương mạch, gấp 4 lần trở lên thì âm thịnh đến cực độ, cho nên đường tiết niệu bế tắc mà không đái được. Thiên Chính lý luận nói: “bế tắc thì không đái được”).

Mạch Nhân nghinh và mạch khí khẩu đều thịnh gấp 4 lần trở lên là chứng quan cách. Mạch quan cách thịnh là không thể hưởng hết được tinh khí của trời đất thì chết. (Sách Linh khu nói: “Mạch âm mạch dương đều thịnh không thể dinh dưỡng lẫn nhau được cho nên gọi là quan cách. Quan cách thì không hết kỳ hạn mà chết”).


Tại sao mạch khí khẩu lại chủ về ngũ tạng? (Khí khẩu là thốn khẩu, cũng gọi là mạch khẩu, vì mạch thốn khẩu có thể xét được sự thịnh suy của khí, cho nên gọi là khí khẩu, có thể xét được mạch động tĩnh cho nên gọi là mạch khẩu).

Vị là cái bể chứa cơm nước, là nguồn suối của 6 phủ. (Trong con người có 4 cái bể, bể chứa thủy cốc là một, chức năng của nó là thu nhận ngũ cốc để dinh dưỡng toàn thân, vì thế là nguồn gốc của sự vận hóa, cho nên nó là nguồn gốc của 6 phủ).

Ngũ vị vào miệng, tàng trữ ở dạ dày để nuôi khí của ngũ tạng, Khí khẩu cũng là Thái âm. (Động mạch ở khí khẩu là chỗ đi lại của mạch khí của thủ Thái âm, cho nên nói mạch khí khẩu cũng là mạch thái âm).

Bởi thế, khí vị của 5 tạng 6 phủ đều xuất phát từ dạ dày, biểu hiện ở khí khẩu, cho nên 5 khí vào mũi, tàng ở tâm phế, tâm phế có bệnh thì mũi không thông. (Đấy là nói rõ mạch khí khẩu chủ riêng về ngũ tạng, mạch khí khẩu là mạch thốn khẩu ở tay phải, tức là ở huyệt Thái uyên của kinh mạch thủ Thái âm phế.


Sách Linh khu gọi rằng mạch khẩu là vì mạch khí đều hội họp ở đó, gọi là thốn khẩu là lấy ở chỗ huyệt Thái uyên, cách trấy tay vừa vặn một thốn. Còn như mạch thốn khẩu bên tay trái thì các thiên trong Nội kinh đều gọi là Nhân nghinh, mạch động hay tĩnh, khí thịnh hay suy, người sống hay chết, tuy hiện ra ở thốn khẩu, nhưng thực ra là gốc ở tỳ vị.

Vị là Túc Dương minh, tỳ là Túc Thái âm. Túc Dương minh là đầu của 6 phủ, Túc Thái âm là gốc của 5 tạng, vị chủ việc thu nạp, thủy cốc tụ hội ở đấy, vì vị là nguồn lớn của 6 phủ. Ngũ vị vào miệng, chứa ở vị, nhờ có tỳ để vận hóa, cho nên khí của 5 tạng đều phải nhờ đến vị để tu dưỡng. Như vậy, tỳ là túc Thái âm, phế là thủ Thái âm, khí của nó vốn lưu thông với nhau, cơm nước vào vị, khí truyền vào phế mà phế đi qua khí khẩu, cho nên nó biểu hiện ở khí khẩu. 

Thiên Ngọc cơ chân tạng luận nói: “Năm tạng đều bẩm thụ khí ở vị”. Vị là gốc của 5 tạng, tạng khí không tự đưa đến được kinh thủ Thái âm mà phải do vị khí đưa đi mới đến được, vì thế nói vị là phải nói đến tỳ, 5 vị vào miệng rồi vào 6 phủ, 5 khí vào mũi rồi vào 5 tạng, 5 tạng duy có tâm phế là ở ngực, mũi chịu lấy 5 khí, cho nên hễ tâm phế có bệnh thì mũi không thông. Nhưng nếu tỳ có bệnh thì làm sao phân biệt được ngũ vị của nó?).

Tiến hành chẩn mạch, tốt nhất là lúc sáng sớm. Bởi vì lúc ấy chưa có lao động gì, âm khí chưa bị quấy động, dương khí chưa bị hao tán, ăn uống cũng chưa từng có gì, khí của kinh mạch chưa lấn thịnh, khí của lạc mạch cũng điều hòa, khí huyết cũng chưa bị nhiễu loạn quá, hoàn cảnh ấy rất dễ chẩn mạch cho người bệnh. (Khí của dinh vệ, ban ngày đi giữa dương phận, ban đêm đi ở âm phận, đến sáng sớm đều tụ hội nơi thốn khẩu, cho nên chẩn mạch thường chẩn vào lúc ấy, lúc ấy âm khí bình hòa mà chưa giao động, dương khí sắp thịnh mà chưa hao tán, chưa ăn uống gì dễ biết hư thực, kinh mạch chưa thịnh, lạc mạch điều hòa, khí huyết chưa làm việc mà rối loạn, mới có thể xem được mạch có bệnh).

Mạch là phủ của huyết. (Phủ là nơi chứa chất, ý nói nhiều hay ít đều chứa ở kinh mạch, cho nên nói mạch thực thì huyết thực, mạch hư thì huyết hư).

Mạch Trường thời khí bình thường, mạch Đoản thời khí có bệnh, mạch Sác thời phiền loạn đến tâm, mạch Đại thời tà khí thịnh, bệnh tiến triển. (Mạch trường là khí hòa, cho nên bình thường, mạch đoản là khí bất túc, cho nên có bệnh, mạch sác là nhiệt, cho nên phiền loạn đến tâm, mạch đại là tà khí thịnh, cho nên bệnh tiến triển, mạch sác qua lại thoăn thoắt, mạch đại đi lại đầy tràn).

Trên thịnh thì khí cao, dưới thịnh thì khí trướng, mạch đại thì khí suy, mạch tế thì khí kém, mạch sắc thì tim đau. (Trên là thốn khẩu, dưới là xích trung, thịnh là đầy tràn; mạch đại là mạch động mà đến nửa chừng thì đứng, không trở lại được; mạch tế là mạch động mà mềm mại; mạch sắc là mạch đi lại có lúc không lưu lợi mà sít).

Mạch đi cuồn cuộn như suối tuôn ra là bệnh tăng mà sắc bại; mạch đi phần phật như dây đàn đứt thì chết. (Cuồn cuộn là nói mạch khí đục mà khí loạn; mạch Cách đến là mạch đến huyền mà đại, thực mà trường. Như suối tuôn là nói mạch đổ cuồn cuộn ra mà không trở lại; phần phật là nói có mà tựa như không; như dây đàn đứt là nói mạch bỗng nhiên đứt như dây đàn đứt. Những mạch như thế đều là mạch chết).

Con người khi thở ra mạch động, hít vào mạch lại động. Mỗi hơi thở mạch động 5 lần là tốt, hơi thở đó là hơi thở của người bình thường không có bệnh. (Kinh mạch đi mỗi vòng khắp châu thân dài 16 trượng 2 thước, thở ra hít vào mạch đều động 2 lần, lúc nín thở thì mạch động có 1 lần, thở ra hít vào và ngừng thở mạch động 5 lần. Tính ra cứ 270 lần ngừng thở thì khí đi hết một vòng châu thân, và đi hết 50 vòng thì phải 13.500 lần ngừng lại, và khí đi hết 810 trượng, như thế là ứng với thường độ của thiên nhiên. 


Mạch khí không thái quá không bất cập, khí tượng bình hòa là mạch của người bình thường, cho nên đem hơi thở của người bình thường để đo đạc hơi thở của người có bệnh. Thầy thuốc là người bình thường không có bệnh, đem hơi thở của thầy thuốc để đo đạc hơi thở của bệnh nhân

Như thế mỗi hơi thở mạch đến 5 lần là mạch người không có bệnh. Khi thở ra là “Hô”, hít vào là “Hấp”, hô hấp và lúc ngừng lại là một “tức”, nói là mỗi lần thầy thuốc thở ra thì mạch của bệnh nhân đập 2 lần, mỗi lần hít vào thì mạch của bệnh nhân đập 2 lần, mỗi khi thở ra, hít vào và ngừng lại, mạch đập 5 lần cũng như năm có tháng nhuận. 

Nhuận là lấy mạch thở của người khỏe tức là mỗi hơi thở mạch động 5 lần, như thế gọi là mạch của người bình thường không có bệnh. Bởi vì một hơi thở của thầy thuốc thì bệnh nhân cũng thở ra hít vào cho nên biết rằng mạch động 5 lần là mạch không có bệnh. 

Nên lấy mạch người không có bệnh để đo với mạch của người có bệnh, vì thầy thuốc tự mình không có bệnh cho nên muốn so sánh với người có bệnh thì phải điều hòa hơi thở của mình để xem xét, đó là phương pháp để chẩn mạch. 

Mạch của con người cộng có 16 trượng 2 thước, mỗi lần thở ra mạch đi 3 tấc, mỗi lần hít vào mạch đi 3 tấc, trong 135 hơi thở mạch đi 8 trượng 1 thước, trong 270 hơi thở mạch đi 16 trượng 2 thước là một chu kỳ, một ngày một đêm có 13.500 hơi thở, mạch đi 810 trượng là 50 chu kỳ, tức là cộng thành 16 trượng 2 thước mạch).

Con người mà mỗi lần thở ra mạch chỉ động 1 lần, hít vào mạch chỉ động 1 lần là thiếu khí. (Mạch thở ra hít vào mà đều động 1 lần là giảm đi một nửa đối với mạch người bình thường, thì trong 270 lần ngừng thở, khí đi chỉ có 8 trượng 1 thước, cứ 13.500 lần ngừng thở thì khí chỉ đi có 450 trượng, như thế thì đúng là thiếu khí. Do đó có thể biết được rằng mạch một hơi thở 2 lần động là thiếu khí, đó là nói về mạch bất cập so với mạch bình thường).

Người thở ra mạch động 3 lần, hít vào mạch động 3 lần là mạch sác, bộ xích nhiệt là bệnh ôn, bộ xích không nhiệt, mạch hoạt là bệnh phong, mạch sắc là bệnh tê. (Thở ra hít vào mạch động đều 3 lần, quá với người bình thường, tính ra trong 270 lần ngừng thở khí đi 27 trượng 3 thước, do đó biết rõ là dấu hiệu bệnh sống, bộ vị mạch xích ở phần âm, thốn ở phần dương, nhưng âm dương đều nhiệt là chỉ riêng về âm dương táo thịnh là phong trúng ở phần dương. 


Thiên Mạch yếu tinh vi luận nói: “Trúng phải gió độc thì dương khí bị tà”, mạch hoạt là dương thịnh cho nên bệnh thuộc phong, mạch sắc là huyết kém cho nên sinh tê dại. Đấy là nói về mạch nhất tức lục chí sẽ sinh ra mọi bệnh và nói về mạch thái quá so với mạch người thường).

Khí của người bình thường thì bẩm thụ ở vị, vị khí là nói về khí bình thường của người mạnh khỏe. (Khí bình thường của người mạnh khỏe là từ vị chuyển tới, cho nên nói ngũ cốc vào vị thì đường mạch sẽ lưu hành).

Người không vị khí là nghịch, nghịch thì chết. (Mạch lấy vị khí làm gốc, không vị khí là nghịch, nghịch thì chết).

Mùa xuân, mạch vị khí hơi huyền là bình thường. (Nói hơi giống mạch huyền, không phải mạch vi mà huyền).

Mùa hè mạch vị khí hơi câu là bình thường, tiết trưởng hạ mạch vị khí hơi nhuyễn nhược là bình thường, mùa thu mạch vị khí hơi mao là bình thường, mùa đông mạch vị khí hơi thạch là bình thường. (Theo y văn trên mà nói, ngũ tạng đều lấy vị khí làm gốc).

Mạch thuận với âm dương thì bệnh dễ khỏi, nghịch với âm dương thì bệnh khó khỏi. (Mạch và bệnh tương ứng với nhau là thuận, trái nhau là nghịch. Đó là nói mạch và bệnh phải thuận với nhau).

Mạch thuận với bốn mùa thì bệnh không biến chứng, mạch trái với bốn mùa và không tương ứng với tạng thì khó chữa. (Mùa xuân mà thầy mạch mùa thu, mùa hè mà thấy mạch mùa đông, mùa thu mà thấy mạch mùa hè, mùa đông mà thấy mạch tứ quý đều là mạch trái với bốn mùa, khí không tương ứng với tạng. 

Gián tạng là như bệnh can đến lấn thổ, đáng lẽ truyền sang tỳ, mà lại truyền sang tâm là cách tạng nó thắng mà truyền sang tạng nó sinh. Sách Nạn kinh nói: “Mạch gián tạng thì sống” là ý nghĩa như thế. Và mạch không gián tạng thì đều gọi là mạch khó chữa. Đó là nói về mạch phải tùy thời mà thuận theo).

Con người lấy thủy cốc làm gốc, cho nên người hết thủy cốc thì chết, mạch không có vị khí cũng chết. Mạch không có vị khí là chỉ thấy mạch chân tạng. Mạch không có vị khí là mạch can không huyền, mạch thận không thạch. (Không huyền, không thạch là nói không tương tự như mạch huyền, mạch thạch).

Đàn bà mạch Thủ thiếu âm động mạnh là có mang. (Mạch Thủ thiếu âm ở chỗ lõm xương sau bàn tay, ngang với ngón tay động mà ứng với tay, Kỳ Bá nói: “Bị bệnh ở ngoài kinh này mà tạng không bị bệnh, cho nên chỉ lấy kinh này ở đầu xương cao (lồi xương quay) sau bàn tay, tức là nghĩa đó. Động là mạch động, mạch động to như hạt đậu mà động đậy. Mạch âm dương đều suy gọi là mạch động).

Tại sao thấy mạch chân tạng thì chết? Kỳ Bá nói: “Ngũ tạng đều bẩm thụ khí ở vị, vị là gốc của ngũ tạng”. (Vị là cái bể của thủy cốc, cho nên ngũ tạng đều bẩm thụ ở thủy cốc).

Tạng khí không thể tự mình đến kinh Thủ thái âm, phải do vị khí mới đến được kinh Thủ thái âm. (Con người bẩm thụ khí ở vị, tạng khí là khí của người khỏe mạnh bình thường, cho nên tạng khí có vị khí mới đưa đến kinh Thủ thái âm).

Cho nên ngũ tạng đều tự hoạt động có chừng độ mà đến kinh Thủ thái âm. (Tự hoạt động theo trạng thái của nó mà đến kinh Thủ thái âm).

Cho nên tà khí thịnh thì tinh khí suy mà bệnh nặng, thì vị khí không thể cùng đến với kinh Thủ thái âm và chỉ thấy khí của chân tạng, cho nên nói là chết. (Đó là nói về mạch không có vị khí).

Hình và khí tương ứng với nhau thì có thể chữa được. (Khí thịnh hình thịnh, khí hư hình hư là tương ứng).

Sắc trạch tươi tốt mà mỡ màng thì dễ chữa. (Khí sắc hồng hào tươi nhuận, huyết khí dinh dưỡng lẫn nhau cho nên dễ khỏi).

Mạch tương ứng với 4 mùa thì dễ chữa. (Mạch mùa xuân huyền, mùa hè câu, mùa thu phù, mùa đông trầm là thuận. Mạch 4 mùa theo nhau là thuận).

Mạch nhược mà hoạt là có vị khí thì dễ chữa, xét mạch phải xét theo thời tiết. (Xét mạch có phù hợp với bốn mùa không thì chữa đâu khỏi đấy, phải xét xem khí huyết 4 mùa có mắc bệnh chỗ nào mà chữa bệnh).

Hình và khí trái nhau thì khó chữa. (Hình thịnh khí hư, hình hư khí thịnh là trái nhau).

Sắc tối mà không bóng thì khó chữa, mạch thực mà cứng thì bệnh tăng, mạch nghịch với 4 mùa thì không chữa được. (Mạch thực mà cứng là tà khí thịnh, cho nên càng nặng, vì khí nghịch lên không thể chữa được).

Tam bộ cửu hầu là: có hạ bộ, trung bộ và thượng bộ, mỗi bộ như vậy có ba hầu: thiên, địa và nhân; Thượng bộ thiên, là động mạch ở hai bên trán. (Động mạch ở hai bên trán ứng dưới tay là chỗ mạch khí của kinh Túc thái dương đi qua).

Thượng bộ địa, là động mạch ở hai bên má. (Động mạch ứng dưới tay ở hai bên má dưới lỗ mũi, gần huyệt cự liêu là chỗ mạch khí của kinh Túc dương minh đi qua).

Thượng bộ nhân, là động mạch ở trước tai. (Động mạch ứng dưới tay trong chỗ lõm của xương trước tai là chỗ mạch khí của kinh Thủ thiếu dương đi qua).

Trung bộ thiên là Thủ thái âm. (Tức là phế mạch ở thốn khẩu sau bàn tay, động mạch ứng dưới tay là huyệt Kinh cừ).

Trung bộ địa là Thủ dương minh. (Tức là mạch đại trường, mạch ứng dưới ngón tay ở khoảng xương kẽ ngón tay cái và trỏ, chỗ hai xương giáp nhau).

Trung bộ nhân là Thủ thiếu âm. (Tức là tâm mạch, ở chỗ lồi xương trụ, sau bàn tay vùng huyệt Thần môn, mạch ứng dưới ngón tay).

Hạ bộ thiên là Túc quyết âm. (Tức là can mạch ở ngoài chòm lông mu, trong chỗ lõm dưới huyệt Dương thỉ một thốn rưỡi, ở về vùng huyệt Ngũ lý, nằm xuống mới lấy được huyệt. Đàn bà thì lấy mạch ở huyệt Thái xung, chỗ lõm hai thốn sau đốt ngón chân cái).

Hạ bộ địa là kinh Túc thiếu âm. (Tức là mạch thận, ở trong chỗ lõm sau gót, bên trên mắt cá sau, vùng huyệt Thái khê, động mạch ứng dưới ngón tay).

Hạ bộ nhân là Túc thái âm. (Tức là mạch tỳ ở trên bụng chân (bắp chuối) qua khoảng gần thẳng xuống dưới huyệt Ngũ lý, ở chỗ huyệt Cơ môn, ấn tay lấy huyệt thì thấy mạch ứng dưới ngón tay, tìm vị khí phải lấy huyệt trên mu bàn chân, huyệt ở trong chỗ Xung dương).

Cho nên hạ bộ thiên là gốc của can. (Mạch Túc quyết âm đi ở trong đấy).

Hạ bộ địa là gốc ở thận. (Mạch Thủ thiếu âm đi ở chỗ này).
Người ta thăm dò khí ở tỳ vị. (Mạch Túc thái âm đi ở trong đấy).

Trung bộ là như thế nào? Cũng có thiên, cũng có địa, cũng có nhân. Thiên bộ để xét về phế, (mạch Thủ thái âm ở chỗ này). Địa bộ chủ khí ở hung trung, (mạch thủ dương minh ở chỗ này). Nội kinh nói: “trường vị cùng một gốc, cho nên lấy gốc ở hung trung”. Nhân bộ chủ tâm. (mạch Thủ thiếu dương ở trong này).


Thượng bộ chủ về gì? Cũng có thiên bộ, địa bộ, nhân bộ. Thiên bộ chủ khí ở góc đầu. (Bộ vị ở góc đầu cho nên chủ khí ở góc đầu). Địa bộ xét khí ở góc răng miệng. (Bộ vị ở gần răng miệng cho nên xét về răng miệng). Nhân bộ xét khí ở tai mắt. (Vì bộ vị của nó ở động mạch ngay trước tai, ngoài đuôi mắt, cho nên xét khí ở tai mắt). 

Ba bộ đều có thiên bộ, đều có địa bộ, đều có nhân bộ. Ba bộ thành thiên bộ. (Nói rõ ba bộ hợp thành thiên bộ, hợp thành ngũ tạng). Ba bộ thành địa bộ, ba bộ thành nhân bộ, ba lần ba thành chín tức là chín khí, ở mặt đất chia làm chín khu vực, ở nhân thể chia làm chín tạng. (Vì thế cho nên ứng với chí số của thiên địa). Đấy là hình tạng 4, thần tạng 5, hợp thành 9 tạng. (Nói thần tạng là can tàng hồn, tâm tàng thần, tỳ tàng ý, phế tàng phách, thận tàng chí vì nó đều có thần khí ở đó. Hình tạng là nhờ đồ vật để nghiêng rỗng, mà úp xuống. Hợp tàng ở vật cho nên gọi là hình tạng. Một là góc đầu, hai là tai mắt, ba là răng miệng, bốn là giữa ngực).

Ngũ tạng đã bại hoại thì sắc phải yểu, sắc yểu thì chết. (Yểu là sắc chết, là dấu hiệu khác thường, sắc như ngọn cờ của thần, tạng là chỗ trú của thần, cho nên thần mất thì tạng bại hoại, tạng bại hoại thì sắc thấy dị thường, chứng hậu thì chết vậy).

Hình thịnh mà mạch tế, khí ít không đủ để thở thì nguy. (Hình và khí phù hợp với nhau thì có thể chữa được, nay mạch khí không đủ mà hình thịnh có thừa không phù hợp với chứng, cho nên nguy).

Hình gầy mà mạch đại, trong ngực nhiều khí thì chết. (Đó là hình khí bất túc mà mạch khí hữu dư. Hình gầy mạch đại, trong ngực nhiều khí, hình tạng đã tổn thương như thế là hình và khí không phù hợp với nhau).


Hình và khí phù hợp với nhau thì sống, chênh lệch không điều hòa thì sinh bệnh. Tám bộ cửu hầu trái nhau thì chết. (Trái nhau là khí hậu không cùng loại với nhau, hậu cùng trái nhau phép chẩn có 7. Hình trạng thất chẩn như đoạn y văn dưới đây: Mạch trên dưới tả hữu như gõ nhịp thì bệnh nặng, một hơi thở 10 chí [69] trở lên không đếm được thì chết). Tuy có một mình trung bộ điều hòa mà trái với các tạng thì chết, trung bộ mà giảm sút thì chết. (Tả hữu của trung bộ gồm có 6 chỗ để nhận xét, nhưng thượng bộ hạ bộ không tương ứng, chỉ riêng ở trung bộ điều hòa thì không phải suy giảm ở trên dưới là khí suy cho nên chết).

Lòng mắt lõm xuống thì chết. (Kinh mạch Thái dương bắt đầu ở đầu mắt, lòng mắt lõm xuống là kinh Thái dương tuyệt cho nên chết. Nói đến kinh Thái dương vì kinh Thái dương chủ mọi khí dương cho nên chỉ nói riêng kinh ấy).
Bắp thịt teo róc hết, chín hầu mạch tuy điều hòa cũng chết. (Cũng là nói hình khí không cân đối nhau. Nội kinh nói: mạch khí hữu dư, hình khí bất túc thì sống, bất túc ở đây là chưa thoát. Thoát là những bắp thịt lớn đều teo hết. Tỳ chủ cơ nhục, cơ nhục thoát là tỳ đã tuyệt, phải chết, cho nên tuy chín hầu mạch điều hòa cũng chết).

Xét chín hầu mạch mà chỉ thấy riêng nhỏ hoặc to, hoặc nhanh hoặc chậm, hoặc nhiệt hoặc hàn, hoặc hạ hãm thì đều là bệnh cả. (Dấu hiệu trái nhau khi chẩn đoán có 7 loại như thế, nhưng 7 loại mạch đó là nói mạch đi riêng biệt không ăn nhịp với nhau thì bệnh. Đây là nói chín hầu mạch có cách xem 7 loại mạch ấy).


Bắp thịt teo róc hết, không đi đứng được thì chết. (Cốc khí suy ở ngoài thì bắp thịt teo róc hết, khí thiên chân kiệt ở trong cho nên không đi đứng được, thiên chân và cốc khí đều suy thì sẽ chết).

Chín hầu mạch đều trầm tế muốn tuyệt là mạch thuần âm, chủ mùa đông, cho nên đến nửa đêm thì chết, mạch nhanh gấp vội vàng là mạch thuần dương, chủ mùa hè, cho nên đến giữa trưa thì chết. (Vị trí hay đổi dời, sự vật tột cùng thì phản lại, đó là lẽ âm dương, dương cực thì âm bị hại, cho nên nói mạch âm dương cùng tột thì chết vào nửa đêm hoặc giữa trưa).

Hàn cực thì bệnh đến sáng sớm sẽ chết. (Cũng như sự vật cùng tột thì biến, sáng sớm thì can mộc vượng, mộc khí là phong cho nên khí mộc vượng thì phát sinh ra bệnh hàn nhiệt).

Nhiệt trúng và bệnh nhiệt đến giữa trưa thì sẽ chết (là vì dương cực). Gặp bệnh phong thì đến chiều sẽ chết (là vì giờ mão giờ thìn xung khắc nhau).

Bệnh thuộc thủy thì đến nửa đêm chết (là vì thủy vượng).

Mạch đi chợt thưa, chợt nhanh, chợt chậm, chợt gấp thì chết vào ngày tứ quý. (Thổ khí vượng vào thìn, tuất, sửu, mùi, tỳ khí tuyệt ở trong cho nên đến ngày tứ quý thì chết. Đó là nói rõ kỳ hạn của bệnh.

Trẻ con đang bú, bị sốt, mạch huyền là như thế nào? (Huyền ví như vật treo mà động). Chân tay ấm thì sống, lạnh thì chết. Trẻ con đang bú bị trúng phong nhiệt thở khò khè, mà so vai, mạch như thế nào? 


Thở khò khè so vai mà mạch thực đại, mạch hoãn thì sống, mạch cấp thì chết. (Đó là nói về trẻ con đang còn bú, mạch và bệnh trái nhau lại có thể xét các chứng khác; bệnh chứng đều nặng lại có thể căn cứ vào mạch thể để quyết đoán được sự sống chết. 

Trẻ em đang còn bú mà mắc bệnh nhiệt là dương chứng, mạch huyền tiểu là dương chứng thấy âm mạch, nhưng mà chân tay ôn hòa thì còn chính khí. Mạch tuy huyền tiểu nhưng chưa phải mạch đại, cho nên có thể sống được. Nếu không thì chân tay lạnh mà chết. Lại như trẻ em đang còn bú mà trúng phong phát sốt, thở khò khè, so vai là dương chứng, là mạch phải thực đại, nhưng trong thực đại có hoãn thì tà khí lui dần, có thể sống được. Nếu thực đại mà cấp thì tà khí tăng lên, bệnh sẽ chết).

Tại sao kiết lỵ đi ra máu mình nóng thì chết, lạnh thì sống? (Mình nóng là huyết bại cho nên chết, mình lạnh là vinh khí còn cho nên sống).

Tại sao kiết lỵ đi ra mũi mạch trầm thì sống, mạch phù thì chết? (m bệnh mà thấy dương mạch, mạch trái với chứng cho nên chết).

Tại sao kiết lỵ đi ngoài những máu lẫn mũi mà mạch huyền tuyệt thì chết, mạch hoạt đại thì sống, và tại sao kiết lỵ mạch không huyền tuyệt mà mạch hoạt đại thì sống, huyền sắc thì chết? (Can tuyệt gặp ngày canh tân thì chết, tâm tuyệt gặp ngày nhâm quý thì chết, phế tuyệt gặp ngày bính đinh thì chết, thận tuyệt gặp ngày mậu kỷ thì chết, tỳ tuyệt gặp ngày giáp ất thì chết, là lấy tạng mà có thể định được kỳ hạn, đó là nói về loại bệnh lỵ có khi đi ngoài ra máu, có khi đi ngoài ra mũi, có khi đi ra cả máu lấn mũi thì tùy chứng tùy mạch mà có thể quyết đoán được sự sống chết).

Tại sao bệnh điên mạch hư có thể chữa được mà mạch thực thì chết? (Nói về mạch của bệnh điên thì hễ thấy dương mạch, hư mạch thì sống, là vì bệnh điên thuộc dương chứng, cho nên mạch đại mạch hoạt là dương chứng thấy dương mạch, cho nên bệnh lâu ngày sẽ tự khỏi; nếu mạch tiểu mạch cứng mà cấp là âm mạch cho nên chết, không chữa được, nhưng mạch bệnh điên cần phải hư, mạch đi đại hoặc hoạt mà phải kèm có hư mới chữa được, nếu mạch kèm có thực là tà khí hữu dư, sẽ là dấu hiệu chết).

Bệnh Tiêu đản hư thực như thế nào? Mạch thực đại bệnh lâu ngày có thể chữa được, mạch huyền tiểu, cứng, đau lâu ngày thì không thể chữa được. (Bệnh lâu ngày khí huyết suy, mạch không nên thực đại cho nên nói không có thể chữa được).

Bệnh Hoàng đản, đột nhiên đau, bệnh điên cuồng, quyết nghịch là do khí nghịch lâu ngày mà sinh ra, vì ngũ tạng không bình hòa, lục phủ bế tắc mà gây nên đầu nhức ù tai, chín khiếu không lợi là do trường vị mà sinh ra. (Đó là nói bệnh do nguyên nhân trong).

Lấy gì để biết được có thai mà sắp sinh? Kỳ Bá nói: “Trong người có bệnh mà không có mạch ngoại tà”. (Nói về có thai mà sắp sinh, tuy kinh bế mà mạch không có bệnh, người có bệnh tức là kinh bế, không có mạch ngoại tà là mạch xích điều hòa. 


Phàm phụ nữ có thai được ba tháng thì tinh khí âm dương chưa biến hóa, ba tháng trở lên thì biến hóa, khí xông bốc lên vị, sinh ra chứng nôn nghén tạm hết mà mạch rất trơn và rất nhanh hoạt tật bởi vì đang lúc bào thai thành hình chất nam nữ mà mạch chưa định rõ. Năm sáu tháng trở lên thì hình chất trai gái được phân biệt rõ rệt. Tám chín tháng thì mạch bình hòa như không có thai, nếu không phải là thầy thuốc tinh thông mạch lý thì dù bệnh nhân có kể bệnh rõ ràng, cũng khó mà chẩn đoán biết được bệnh tình.

Sách Mạch quyết nói: “Mạch hoạt mạnh tật không tán là đã có thai 3 tháng, chỉ mạch tật mà tán là có thai 5 tháng. Đến 6 tháng trở đi thì không có mạch tật mạch cấp nữa, nhưng cũng có khi trước hay sau hồng sác không thay đổi, mạch khí của nó thịnh quá cho nên thế, không nên câu nệ phiến diện”).

Tam dương là kinh, nhị dương là duy, nhất dương là du bộ. Đó là biết sự chung thủy của ngũ tạng. Tam âm là biểu, nhị âm là lý, nhất âm đến tột bực thì đến ngày sóc (ngày đầu tháng) đều hợp lại để cho đúng lý của nó. (Đó là nói về lục kinh là biểu lý trong nhân thể, lấy kinh mạch Thái âm Thái dương làm trọng. 


Tam dương là: Kinh mạch Túc thái dương bàng quang. Khởi đầu từ đầu mắt, lên đầu chia làm 4 đường, xuống gáy cùng lạc mạch chính của nó lên xuống thành 6 đường, xuống đến lưng làm thành kinh mạch lớn trong người. 

Nhị dương là kinh mạch Túc Dương minh vị, khởi đầu từ mũi xuống họng, chia làm 4 đường, lên xuống, qua bụng, ràng buộc thân thể. 

Nhất dương là kinh mạch Túc Thiếu dương đởm, khởi đầu từ đuôi mắt, lên góc đầu chia làm bốn đường, xuống hõm vai và lạc mạch chính của nó rẽ làm 6 đường, lên xuống đi qua các bộ phận trong nhân thể, gọi là kinh, là duy, là du bộ, như thế là có thể biết được chung thủy của ngũ tạng, nhờ ba kinh ấy để làm biểu.  

Cho nên tam dương là biểu thì nhị âm là lý. Nhị âm là kinh Túc Thiếu âm thận;

Nhị dương là biểu thì tam âm là lý, Tam âm là kinh Túc Thái âm tỳ; 

Nhất dương là biểu thì nhất âm là lý, nhất âm là kinh Túc Quyết âm can. 

Thái âm là chính âm rồi đến Thiếu âm, lại đến Quyết âm. Thái dương là chính dương rồi đến Thiếu dương, lại đến Dương minh, bởi vì khi ứng dụng có nhiều ít khác nhau, cho nên đều chia làm ba. 

Nhưng nghĩa của Thiếu Thái thì dễ biết mà nghĩa của chữ Dương minh, Quyết âm thì khó giải thích. 12 kinh mạch chân (túc) hợp với 12 tháng, cho nên cung Dần sinh ở tháng giêng là dương, chủ về kinh mạch Thiếu dương ở chân trái.

Tháng sáu Kiến Mùi thì thuộc kinh mạch Thiếu dương ở chân phải. Ngón chân thứ tư của hai chân đều là nơi mạch khí đi qua. 

Tháng hai Kiến Mão, chủ kinh mạch Thái dương ở chân trái, 

Tháng năm Kiến Ngọ chủ kinh mạch Thái dương ở chân phải, từ mé ngoài ngón chân út trở lên đều là nơi mạch khí đi qua. 

Tháng 3 Kiến Thìn, chủ kinh mạch Dương minh ở chân trái, 

Tháng 4 Kiến Tỵ, chủ kinh mạch Dương minh ở chân phải, từ ngón út hai chân trở lên đều là nơi mạch khí đi qua. 

Những tháng Giêng, tháng 2, tháng 5, tháng 6 là Thiếu dương, Thái dương mà tháng 3, tháng 4 là tháng Thìn, Tỵ ở giữa thì hai chữ dương hợp với chữ minh đằng trước, cho nên gọi là Dương minh

Tháng 7 Kiến Thân, chủ âm sinh, chủ kinh mạch Thiếu âm ở chân phải, mà tháng 12 Kiến Sửu chủ kinh mạch Thiếu âm ở chân trái, từ hai lòng bàn chân trở lên đều là nơi mạch khí đi qua. 

Tháng 8 Kiến Dậu, chủ kinh mạch Thái âm ở chân phải, mà tháng 11 Kiến Tý, chủ kinh mạch Thái âm ở chân trái, từ mé trong hai ngón chân cái trở lên đều là nơi mạch khí đi qua; 

Tháng 9 Kiến Tuất, chủ kinh mạch Quyết âm ở chân phải, mà tháng 10 Kiến Hợi, chủ kinh mạch Quyết âm ở chân trái, từ mé ngoài hai ngón chân cái trở lên đều là nơi mạch khí đi qua. 

Những tháng 7, tháng 8, tháng 11, tháng 12 là tháng Thiếu âm, Thái âm, mà tháng 9, tháng 10 là tháng Tuất, tháng Hợi, thì chân khí ở hai chân đã hết cho nên gọi là Quyết âm

Quyết có nghĩa là hết, mà ứng với nó là Tuất, Hợi, thì nhất âm hầu như muốn tuyệt. Đã biết nhất âm gần đứt mà có lẽ nào lại phục hồi được, đó là cái lẽ huyền diệu của hối sóc tương sinh có đủ ở bên trong, vì âm hết là hối, âm sinh là sóc. Khí hết là hối, khí sinh là sóc, khí đã hiện ở hối lại hiện ở sóc, quyết âm tuyệt mà lại hợp là lấy cái lẽ huyền diệu của hối sóc tương sinh để chứng minh cho cái lẽ quyết âm)

Tam dương là phụ, nhị dương là vệ, nhất dương là kỷ. Tam âm là mẫu, nhị âm là thư, nhất âm là độc sứ. (Tam dương là Thái dương, tôn quý như cha là kinh biểu che chở cho mọi loài. 


Nhị dương là dương minh, là mối ràng buộc của biểu, bảo vệ mọi bộ phận, cho nên gọi là vệ. 

Nhất dương là Thiếu dương, là du bộ của biểu, rải rác khắp mọi kinh cho nên gọi là giường mối. 

Tam âm là Thái âm, tôn quý như mẹ là kinh thuộc lý, nuôi dưỡng mọi kinh. 

Nhị âm là Thiếu âm, là mối ràng buộc của lý, sự sống bắt đầu từ đó, cho nên là giống cái. 

Nhất âm là Quyết âm, là du bộ của lý, là chức tướng quân, chuyên lo trù tính mưu lự, cho nên gọi là độc sứ).