Mạch Tỳ xuất hiện ở ba bộ

Ba bộ đều hoãn là tỳ có nhiệt, miệng hôi thối, phiên vị, nôn mửa. (Hoãn là âm mạch, các âm chứng đều là hàn.

Nay thấy mạch hoãn ở ba bộ mà Vương Thúc Hòa cho là tỳ nhiệt là tại sao? Vì mạch hoãn thuộc thổ, thổ chế được thủy; Thủy bị suy thì riêng hỏa được tự do đốt cháy, cho nên tỳ có nhiệt.

Tỳ khí thông lên miệng; tỳ nhiệt thì miệng hôi thối. Tỳ với vị liên hệ với nhau, mà khi gặp có nhiệt ủng tắc lên trên nên vị khí nghịch lên thường hay có chứng mửa. Nếu thấy vị nhiệt, thối mồm, ọe mửa, mạch sác nên dùng Tứ quân tử thang gia Thục địa, Hoàng cầm. Mạch ba bộ đều hoãn, nên uống Sâm phụ thang, Truật phụ thang hoặc Phụ tử Lý trung thang không nên quá câu nệ vào câu này).

Sưng chân răng, chảy máu; hỏa khí lưu lại, nóng lạnh từng hồi, sức nhọc mệt. (Nướu và chân răng bị chảy máu là vị nhiệt, vì rằng kinh mạch của vị đi lên tới răng, nên chân răng sưng hư biết là vị nhiệt. Nhiệt ở da thịt hỏa khí vương vấn, hỏa đến khắc thổ cho nên thường hay phát cả nóng lẫn rét mà sức thì mệt mỏi cũng nên dùng theo phương thức trên).




Mạch tỳ


Mạch tỳ thực mà phù, là tỳ vị hư có chứng tiêu trung miệng khô ráo, thích uống nhiều nước, ăn nhiều mà bắp thịt vẫn gầy. (Mạch tỳ thực mà phù, là trong thổ có hỏa, hỏa hóa được vật cho nên thành chứng tiêu trung mà tỳ vị hư. Tỳ khí thông ra miệng, khi thổ bị hỏa tà, thì chất ẩm ướt hóa thành khô ráo, tuy uống nước nhiều mà miệng vẫn khô, ăn nhiều mà bắp thịt vẫn gày và vẫn hư yếu. Vì rằng thức ăn uống đó không tưới nhuần được cho thân thể cho nên như vậy. Nên uống Tứ vật thang nóng quá gia Hoàng cầm hoặc Bổ trung ích khí thang gia Hoàng cầm, Cát căn).

Mạch chỉ thấy hoạt là tỳ nhiệt, hơi thở phần nhiều to. (Vị nhiệt thì hơi thở to. Nay ở đây lại nói là tỳ, là vì lấy nghĩa tỳ vị thông với nhau, nên uống Thanh tỳ ẩm).

Mạch sắc là có bệnh, ăn nhiều mà không nên da nên thịt. (Sắc là mạch phế, thấy hiện ở tỳ, là con tới khắc mẹ; vì thực tà làm ra bệnh cho nên ăn nhiều, hoặc ăn nhiều mà da thịt vẫn gày, nên uống Bồi thổ cố trung thang gia Mạch môn).

Mạch hơi phù là khách nhiệt làm tổn thương, khi nóng khi lạnh mà thưa dần. (Mạch tỳ hiện hơi phù, là nhiệt ở kinh khác lấn tới, chứ không phải là bệnh chính của bản thân kinh ấy. Tuy rằng nóng đó cũng không ở lại lâu, hoặc khi lui khi tới rồi sau thưa dần, tỳ vị được an toàn thì khách nhiệt tự rút lui. Nên uống Tứ quân tử thang gia Sài hồ).

Mạch tỳ khẩn là có đau ở Tỳ kinh và kiêm có chứng gân co quắp, muốn thổ không thổ ra được, hơi xông lên trong lòng nôn nao. (Mạch khẩn là mạch can, mà thấy hiện ở bộ tỳ là mộc khắc thổ thành ra đau đớn. Thổ bị khắc thì suy, thổ suy thì mộc mất sự hàm dưỡng, cho nên bị co quắp, muốn mửa không mửa được là buồn nôn xốc lên; buồn nôn thì khí bị rồi loạn trong lồng ngực, mà làm cho trong lòng xót khó chịu, đau thì nên uống Bồi thổ cố trung thang gia Đương quy, Bạch thược, kiêm có chứng co gân, gia Câu đằng, Mộc qua; muốn thổ không thổ được gia Ngưu tất, Trần bì, Ngũ vị).

Nếu mạch huyền là can khí thịnh, làm trở ngại cho sự ăn uống là do can làm hại. (Bộ quan thấy mạch huyền là khí can mộc có thừa, đến khắc tỳ thổ, thổ suy thì không nhồi bóp được cơm nước, thở ngại cho việc ăn uống. Nên uống Tứ quân tử thang gia Bạch thược, Thanh bì).

Mạch đại mạch thực là đau trong tâm, làm như có ma tà gây ra bệnh. (Mạch tỳ đại thực là đau, trong thổ thấy hỏa; tính của hỏa hay bốc lên, vị trí của tâm ở trên tỳ cho nên trong tâm đau. Ít người biết rằng mạch tỳ thực đại là đau ở tâm. Nếu như có tà khí làm sinh bệnh, phải nên tả tỳ hỏa thì tâm đau sẽ khỏi. Nên uống Thanh tỳ ẩm cho bội Liên nhục).




Mạch tỳ tràn qua bộ quan (dật quan) là trong miệng chảy nước dãi, vì tạng tỳ trúng phong gọi là “cơ cô”. (Mạch tỳ tràn quan bộ quan lên tới thốn, chủ về bệnh chất dịch của bản tạng từ trong miệng chảy ra, vì tỳ bị trúng phong mà gây nên, cơ là buộc, tỳ là cô tạng, bị phong làm tổn hại cho nên gọi là cơ cô. Nên uống Tiêu dao tán bội Bạc hà, 3 nhát gừng).