Thủy hỏa-Thiên 2

Thủy hỏa là thực thể.

Thủy hỏa là dấu hiệu của âm dương, là thực thể của âm dương. Mặt trời mặt trăng là tinh ba của thủy hỏa, nóng rét là tác dụng của thủy hỏa; làm cho vật sống là hỏa, vinh nhuận vật là thủy, không có hỏa thì tiêu diệt, không có thủy thì cháy khô, cho nên trong ngũ hành thủy và hỏa là quan trọng hơn; Kim, Mộc, Thổ đều là “kí sinh” (sống gửi, sống nhờ) chết thì mất;

Thủy và hỏa là do “chân sinh” (do thực thể sinh ra) chết mà không chết hẳn, mất rồi lại sinh; vì tùy từng chỗ mà có cơ hội sinh ra như khoan gỗ có thể nảy ra lửa, đập đá có thể tóe lửa, đào đất lấy được nước, hứng sương lấy nước, còn như tác dụng kỳ diệu về sinh khắc thì biến hóa không cùng;

Ở trong người thì tâm là “quẻ ly” thận là “quẻ khảm”, đó là thủy hỏa hữu hình của hậu thiên; khác với chân thủy, chân hỏa vô hình của tiên thiên, làm cơ sở cho tính mạng, căn bản cho sự sống.

Sách nói: nhà y biết hết được tác dụng kỳ diệu vô hình của thủy hỏa đã nắm được quá nửa phần y lý rồi.

Chân hỏa là gốc của dương, chân thủy là gốc của âm.

Tinh có hai quả bám vào xương sống, khoảng giữa là chỗ huyệt mệnh môn.

Một lỗ (khiếu) đen ở bên tả chân thủy, một lỗ (khiếu) trắng ở bên hữu là chân hỏa làm căn bản cho âm dương, cha mẹ của khí huyết.


Tinh ba của thủy là “chí”, tinh ba của hỏa là “thần”

Thủy chủ trầm tĩnh, hỏa chủ quang minh, cho nên thuộc tạng thận mà chứa (tàng) “chí”, hỏa thuộc tạng tâm mà chứa “thần”.

Nghĩa là ý nghĩ còn giữ trong đáy lòng đó là “chí”, không trầm tĩnh sao được; biết trước được sự vật, bảo là “thần” không sáng suốt (quang minh) sao được!


Hỏa làm chủ cho thủy, thủy tức là nguồn cho hỏa; nguồn của thủy và hỏa không thể lìa nhau.

Thủy hỏa hữu hình của hậu thiên vốn cùng khắc nhau; thủy hỏa vô hình của tiên thiên thì cùng sinh cùng hợp nhau; thủy không có hỏa làm chủ thì nước lạnh không có sinh khí, làm sao mà nhuận được mọi vật; hỏa không có nguồn thủy, thì là lửa mạnh đốt khô mọi vật, làm sao mà phát sinh.

Cho nên nói rằng tìm hỏa trong thủy thì sáng mãi chẳng tắt, tìm thủy trong hỏa thì nguồn chẳng hết.

Trong thân thể người ta, trái tim sánh với quẻ Ly mà sinh ra huyết là trong dương có âm, tức là chân âm; quả thận sánh với quẻ Khảm mà sinh khí, là trong âm có dương, tức là chân dương.

Tức thiên chân trong trái tim có chứa dịch đỏ, đó là chân thủy ở trong thận; trong quả thận có màng trắng là chân hỏa ở trong tim, đó là nói âm gốc ở dương, dương gốc ở âm, cùng làm căn bản và tác dụng lẫn nhau mà chẳng cách ly nhau. Thủy chung của vạn vật, biến hóa của thần cơ không ngoài lẽ đó.


Hỏa vô hình mờ mờ mịt mịt thì sinh sống mãi mà chẳng tắt, là biến hóa của tiên thiên, thần linh của hậu thiên, mẹ đẻ ra sự sống chết, cửa ngõ của trời đất.

Rộng lớn nhất là “Thái cực”, ở giữa chia ra một điểm chân dương, tức là mệnh hỏa vô hình trong quả thận, là gốc của sinh mạng, nền tảng của hình thể; cho nên nói: trời không có hỏa này thì không sống được.

Tâm chủ về thần minh, thận chủ đóng kín, dạ dày chủ chứa đựng, tỳ chủ vận hóa, phế chủ điều tiết, tiểu trường lo việc gạn lọc, tam tiêu phân bố và biến hóa, đại trường lo việc truyền tống ra ngoài, sự vận hóa của bàng quang, thăng giáng của tam tiêu đều tuân theo mệnh lệnh của hỏa này; có nó thì sống, không có nó thì chết, đến như sự chứa tinh của đàn ông, sự giằng giữ bào thai của đàn bà, cũng từ cửa ngõ này mà ra cả.


6) Hỏa quá thừa là vì thủy không đầy đủ, thủy không đầy đủ biết rằng hỏa đã quá thừa.

Nội kinh nói: âm khí bình hòa, dương khí kín đáo, tinh thần bình thường thì làm gì còn sinh bệnh; đó là đạo âm dương cốt thăng bằng, không nên chênh lệch về một bên, thủy hỏa trong con người cũng như cán cân, bên này nặng thì bên kia nhẹ, bên này nhẹ thì bên kia nặng.

Phương pháp chữa bệnh, bên kia nặng thì bổ cho bên này, bên này nặng thì bổ cho bên kia, quyết không thể sai một ly thì mới thăng bằng.


Hỏa được yên vị thì mọi vẻ tốt tươi

Đây là nói hỏa vô hình tức là mệnh hỏa, là chân dương, là thiếu hỏa sinh ra khí, vị trí của nó yên ổn thì thân thể hài cốt đều nhờ đó để sinh hóa, không gì là chẳng tốt tươi.

Cũng như một ngọn đèn kéo quân, nào bay, nào chạy, nào lạy, nào múa chỉ là nhờ một ngọn lửa mà thôi, lửa to thì chạy nhanh, lửa nhỏ thì chạy chậm, lửa tắt thì mọi hoạt động đều ngừng.


Hỏa hữu hình thì bị thủy khắc; hỏa vô hình thì thủy sinh ra

Hỏa hữu hình tức là tâm hỏa của hậu thiên, bị thận thủy khắc, đó là thực hỏa. Phàm khi phát bệnh nên theo cách chính trị nghĩa là dùng thuốc hàn để chữa nhiệt.

Hỏa vô hình tức là chân hỏa của tiên thiên, do thận thủy sinh ra đó là hư hỏa. Phàm khi có hư hỏa phát lên, chỉ nên tòng trị, nghĩa là dùng thuốc ôn để trừ hư nhiệt.



Hỏa tức là khí, không được thăng bằng mà sinh ra bệnh.

Khí tức là hỏa, hỏa tức là khí, một giống mà khác tên, vận động xương cốt ôn dưỡng bắp thịt là tác dụng của khí, hỏa theo nó mà đi ngầm, ngày đêm vòng quanh chẳng nghỉ.

Hễ nguyên khí bị uất, thì hỏa bốc lên mà sinh ra nóng dữ; cũng như bệnh thương hàn, ngoài bị hàn tà bao bó lại chính khí uất ở trong mà phát sốt.


Hỏa động thì nhiệt, hỏa uất thì hàn

Hàn cực độ thì nhiệt, nhiệt cực độ thì hàn

Tính hỏa bốc lên, cần thu liễm lại mà ôn dưỡng thì thành ra khí sinh hóa, nếu bị kích thích làm cho nó sôi bốc lên thì tất sảy ra sự cháy; nếu bị vật gì ức chế nó, thì khí uất mà sinh lạnh.

Đại phàm hễ hỏa bị uất thì bốc khói, khói tụ lại thì sinh ra nước, đó cũng là lý do vì sao uất thì sinh ra lạnh.

Có khi thủy cực độ kèm hỏa hóa, đây là hàn cực độ sinh ra nhiệt, hỏa cực độ lại kèm thủy hóa, đây là nhiệt cực độ sinh ra hàn.

Nhưng chủ yếu vốn không phải là hàn có thể sinh ra nhiệt, nhiệt có thể sinh ra hàn mà đó là ý nghĩa khắc lại, thừa chế của ngũ hành, vì mẹ báo thù mà hình thành như vậy.

Khi chữa bệnh phải tìm đến tận nguyên nhân, không thể bằng cứ vào hàn hay nhiệt là những hiện tượng trước mắt được.


Tâm (quân) hỏa suy thì thận (tướng) hỏa cũng bại, đó là hỏa hữu hình kém thì cập lụy đến hỏa vô hình.

Tướng hỏa bốc lên thì quân hỏa cũng bốc theo, đó là hỏa vô hình bị bệnh cập lụy đến hỏa hữu hình.

Quân hỏa cốt sáng suốt, tướng hỏa cốt yên vị; quân hỏa là hữu hình làm then máy hóa dục của hậu thiên, tướng hỏa là vô hình làm thủy tổ phát sinh của tiên thiên.

Nếu quân hỏa mất sáng suốt thì tướng hỏa mất vị trí, đó là hỏa hữu hình cập lụy đến hỏa vô hình.

Nếu tướng hỏa mất vị trí thì “thiếu hỏa biến thành tráng hỏa”, là hỏa vô hình bốc thành hỏa hữu hình.


Dương hỏa dễ cứu chữa, âm thủy khó tìm được, nghĩa là một đốm lửa có thể đốt cả ngàn núi, một gáo nước không thể cứu được một xe củi đang cháy.

Đây là nói công dụng bổ dương rất chóng mà cứu âm thì rất chậm.

Cụ thể như bệnh thoát dương tay chân lạnh mà uống được Sâm, Phụ vào thì vãn hồi được nguyên khí lại ngay, chỉ một giây lát là thấy ấm; còn như chứng âm hư hao nhọc quá độ, hâm hấp nóng trong xương, dùng đại tễ Thục địa, Sơn thù để cứu chân âm đương bị cháy khô, rất khó thấy được dịu mát.

Cho nên nói: Dương khí vô hình thì dễ sinh mà âm huyết hữu hình thì khó lớn.


Hỏa hữu hình không nên dung túng, hỏa vô hình không nên tàn phá.

Phàm hỏa ở tâm, ở can, tam tiêu, ngũ tạng, hỏa của lục phủ đều là hỏa hữu hình của hậu thiên, nó thịnh thì phải tả, không thể dung túng thành thể cháy cả đồng nội.

Còn như “Mệnh hỏa” của tiên thiên, tức là “thiếu hỏa” là chân dương, là chân hỏa, là long hỏa đều là hỏa vô hình, làm căn bản cho tính mạng, tác dụng cho thần minh không đúng vị trí của nó thì nên bổ mà thu liễm lại, để vững chắc “đan điền” nó là vật rất quý báu cho sinh mạng, đâu lại có tàn phá được.


Dương hỏa thuận lợi về cách chính trị, âm hỏa thuận lợi về cách tòng trị.

Dương hỏa là thực hỏa hữu hình của hậu thiên, âm hỏa là hư hỏa vô hình của tiên thiên.

Chính trị là dùng thuốc hàn để trị nhiệt, như Hoàng cầm, Hoàng liên, Tri mẫu, Hoàng bá.

Tòng trị là dùng thuốc nhiệt để trị nhiệt, như Sâm, Hoàng kỳ lấy cam ôn để trừ đại nhiệt, dùng Quế, Phụ để dẫn hỏa về nguyên chỗ, chính là như vậy.


Thủy của trời đất lấy biển làm căn bản.

Thủy của con người lấy quả thận làm nguồn gốc

Trong trời đất hàng vạn sông ngòi đều chảy dồn xuống biển, trong toàn thân con người, hàng trăm đường mạch, 5 thứ nước dịch đều quy thuộc vào thận thủy.

Sách nói: Đất đi về tây, bắt đầu ở “dần”, cuối cùng ở “sửu”, nước chảy về đông, gốc ở “tân”, nạp về ở “ất”.

Lại nói: “bính” tiềm tàng trong “nhâm” rồi từ trên cao thuận đến huyệt “ất” lại đi lên, vợ theo với chồng bao giờ nghỉ; ngàn vạn sông ngòi không tạm ngừng, do đó có thể biết huyết của thân thể cũng như nước ở trời đất.


Thủy có một, hỏa thì hai, dương có thừa, âm chẳng đủ.

Từ trẻ đến già tật bệnh sinh ra, không bệnh nào là chẳng do chân âm suy kém.

Mặt trời thì tròn, mặt trăng thì có khi đầy khi vơi.

Trong con người, thận thì có một thủy, hỏa lại có hai; quân hỏa và tướng hỏa.

Sách Chu Dịch nói: Dương có một mà thực, âm có hai mà hư, đó là nói dương đạo thực mà âm đạo hư.

Huống gì con người thị dục thì nhiều mà tiết dục lại ít, cho nên đời người từ trẻ đến già, vấn đề bổ âm là không thể thiếu một ngày nào.

Vương Tiết Trai nói: Thủy hư thành bệnh 80 – 90%, hỏa hư thành bệnh 10 – 20 %, hiểu được ý nghĩa rất sâu sắc.

Chu Đan Khê lại nói: “một thủy không thể thắng năm hỏa”, làm cho người ta căn cứ vào đó mà sử dụng thuốc hàn lương bừa bãi, gây hại sinh mạng không phải ít. Vì chữ “âm” đây là chỉ vào âm tinh mà nói, không phải nói chung với âm huyết, mà dùng thang Tứ vật gia Tri bá để bổ âm là nhầm.

Vì theo tôi thì chứng âm hư có hai mặt: thủy trong âm hư thì bệnh ở tinh huyết, hỏa trong âm hư thì bệnh ở thần khí; thủy hư vốn nhiều mà hỏa hư cũng không phải ít, huống gì âm dương nương tựa lẫn nhau, thủy hỏa có tác dụng lẫn nhau, bổ âm phải giữ vững lấy dương làm chủ vì không có dương thì âm không sinh được, vả lại dạ dày không ưa âm dược, bổ huyết thường dùng thuốc tỳ vị mà thành công, đó mới là đúng lý với câu dương sinh âm trưởng.


Năm tạng đều có “tướng hỏa”, mà đều thuộc vào tâm.

Hỏa của năm tạng là hỏa hữu hình; hỏa thông thường thì gọi là “dân hỏa”, đều nhận khí của tam tiêu, tỳ, vị, can, đởm, hai quả thận đều có một hệ thống gắn liền với bên tâm bào để thông với tâm.

Hỏa suy thì sinh bệnh, hỏa thịnh cũng sinh ra bệnh.


Nơi tàng nạp của hỏa, không ngoài thủy và thổ.

Cho nên phát nhiệt là do hỏa ở trong mình chúng ta, vì chính khí hư không tiếp nạp được hỏa, tà khí nhân chỗ hư mà kích thích cho hỏa xuất hiện, đó là bản khí của âm dương trái thường mà sinh bệnh, kỳ thực không phải hỏa ở ngoài đến.

Hỏa tiên thiên ở Túc thiếu âm thận thủy gọi là mệnh hỏa, là thiếu hỏa, là tướng hỏa.

Hỏa hậu thiên ở Túc thái âm tỳ thổ, là nguyên dương, là vị khí.

Như vậy thủy và thổ thực là nơi căn cứ của hỏa, nếu có tà ở trong hay ở ngoài, nhân chính khí đã hư mà kích thích nó phát ra nhiệt, là không phải tà có thể làm ra nhiệt, nếu muốn thâu nạp nó lại không bổ thổ để giữ dương thì phải tư âm để giáng hỏa, hỏa yên chỗ thì mọi thể hiện được tốt; thực không phải hỏa ở ngoài vào mà phát nhiệt.

Hỏa rất quý báu cho sinh mạng con người, há có thể công trục bừa bãi được ư?


Khí sinh hỏa, mà hỏa là ông tổ của khí.

Thử nghĩ xem người và vật nếu không nhiệt thì không có khí; người ta ghét hỏa làm ra nhiệt mà thanh hỏa, phạt hỏa, hỏa mất thì khí cũng sẽ tiêu.

Thiếu hỏa sinh ra khí, cho nên nói hỏa tức là khí.

Phàm những công năng giữ gìn cho cơ thể ấm áp điều hòa thì gọi là khí, biến động khác thường thì gọi là hỏa; vốn không phải là hai vật, chỉ vì hỏa không được thăng bằng mà sinh bệnh đó thôi.

Cho nên phương pháp trị hỏa chỉ có thu liễm và tàng nạp nó lại, làm cho hỏa được yên vị trí; vì rằng hỏa là nền tảng của sinh mạng, là vật rất quý báu cho con người, không thể bỏ mất một chút nào, cá một phút không có nước thì chết, người một phút không có hỏa cũng chết ngay, có thể tiêu diệt khí đi được không? Huống chi khí tức là hỏa lại cần gìn giữ.


Người trẻ tuổi chỉ sợ có hỏa, người tuổi già chỉ sợ không hỏa.

Người trẻ tuổi dương khí thịnh ở trên, ưa chạy, ưa nhảy, người tuổi già dương khí suy ở dưới, thích ngồi, thích nằm.

Cho nên tuổi trẻ có bệnh thường ức chế bớt hỏa quá thừa; người già có bệnh phải bồi bổ hỏa cho khỏi thiếu.


Thủy là “chí âm” cho nên gốc nó ở thận.

Thủy được biến hóa là nhờ ở khí, cho nên ngọn nó ở phế.

Thận chủ về ngũ dịch; thủy ở trong con người lấy tạng thận làm nguồn, thủy không có khí thì không hóa được.

Phế chủ về điều tiết, thông lợi đường thủy, chuyển xuống bàng quang, cho nên gốc ở thận mà ngọn thì ở phế.


Quý báu thay! Chân thủy, chân hỏa là căn bản của sinh mệnh con người, lúc đã sắp tuyệt mà nó còn thì có thể sống được.

Chân thủy chân hỏa ở trong thận, là thủy hỏa vô hình của tiên thiên, là tác dụng của thần minh, là gốc rễ của tính mạng.

Mạch kinh nói: Bệnh đến lúc nguy kịch, lục mạch đều không thấy có, mà mạch Xung dương và mạch Thái khê hãy còn, là có cơ sống, đó là lẽ khi sắp chết, còn có hỏa thì sống.

Nhưng mạch Xung dương không bằng mạch Thái khê vì mạch Xung dương là vị mạch, mạch Thái khê là thận mạch.


Hư hỏa là vì không có thủy, chỉ nên bổ thủy để phối hỏa, thì âm dương được thăng bằng mà bệnh tự khỏi

Nếu muốn trừ hỏa để bình phục lại thủy, thì thủy đã bị thiếu kia chưa chắc đã bình phục lại được, mà sẽ cùng tan mất theo hỏa.

Như vậy chẳng phải đã làm cho cả hai mặt âm dương đều bại hoại sao?

Âm giữ gìn dương, thủy ức chế hỏa; đạo âm dương nên thăng bằng không thể chênh lệch

Phàm hỏa hư thì phát nhiệt giống như hỏa có thừa; nhưng hỏa có thừa là vì thủy không đầy đủ; chữa bệnh phải bổ âm để phối dương, làm mạnh thủy để chế bớt hỏa, quyết không thể trừ hỏa; Thủy đã thiếu mà lại phạt hỏa, thì thủy hỏa bại hoại cả hai.

Nghĩa là: Phương pháp chữa chứng hư, phải bồi bổ chỗ thiếu, không được công phạt chỗ thừa.


Dùng thuốc hàn mà không thấy mát, thì trách cứ vì không có thủy.

Dùng thuốc nhiệt mà không thấy ấm thì trách cứ vì không có hỏa.

Đó là lời nói khuôn mẫu của Chu Đan Khê, cũng như Nội kinh đã nói: Dùng mọi thuốc hàn mà cứ nhiệt, thì chủ yếu chữa vào phần âm, dùng mọi thuốc nhiệt mà cứ hàn, thì chủ yếu chữa vào phần dương, cũng cùng một ý nghĩa.

Phàm dùng thuốc hàn trị bệnh nhiệt mà không thấy mát là thủy đã suy; dùng thuốc nhiệt trị bệnh hàn mà không thấy nóng là hỏa đã hư; thì chỉ nên làm mạnh chân thủy để chế ước sự chói sáng, bổ thêm hỏa để tiêu tan mây mù, đều là tìm loại thuốc của nó, dùng phương pháp tòng trị để chữa thì mới thành công.


Thủy hỏa là dấu hiệu của âm dương, âm dương là cội gốc của thủy hỏa.

Âm dương là hư danh, thủy hỏa là thực thể, chất nhẹ và trong (khinh, thanh) là nguồn sinh hóa của khí huyết, chất nặng và đục (trọng, trọc) là nguồn nương tựa của khí huyết, đều có tác dụng đối với khí huyết.

Thủy không có nguồn thì dòng nước không đầy, hỏa không có gốc thì cháy sáng không được lâu. Nguồn gốc của âm thủy (thận âm) vốn ở trên (tâm), nguồn gốc của dương hỏa (tâm) vốn ở dưới (thận), cho nên nói: Tìm hỏa ở trong thủy, thì sáng mãi không tắt được; tìm thủy ở trong hỏa thì nguồn đầy mãi không cạn được.

Dương bảo vệ cho âm, không có dương thì âm không sinh, ví như khêu ngọn đèn đã tàn thì không có lửa, đó là triệu chứng thoát dương.