Tạng phủ (Y nghiệp thần chương)

Phàm người làm thuốc trong phải rõ quan hệ biểu lý của tạng phủ, ngoài phải xét nơi khai khiếu của tạng phủ. Phải biết tiên thiên là gì,  hậu thiên là gì, biểu lý là thế nào?

Lại trông hình sắc, nghe âm thanh, xét ăn ở, hỏi nguyên nhân mắc bệnh. Để nhận định rõ biểu hay lý, hàn hay nhiệt, hư hay thực. Lại phối hợp với bốn mạch căn bản là phù, trầm, trì, sác để quyết đoán chính xác là biểu hay lý, hàn hay nhiệt, hư hay thực. Như thế thì sáu chữ: Biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thực là sách xét bệnh linh hoạt nhất của nhà y. Nay đem thực sự nói rõ ra đây.

Thân thể người ta, từ huyệt Đản trung trở lên thuộc về Thượng tiêu ứng với trời là dương, chủ về phần khí, mắc bệnh phần nhiều là do phong, hỏa gây nên. Từ Đản trung trở xuống, bụng dưới trở lên thuộc về Trung tiêu (tức là chỗ dưới rốn trở lên) là cửa ngõ giao nhau của âm dương là bán âm bán dương, mắc bệnh phần nhiều vì thấp gây nên. Từ bụng dưới trở xuống đến chân thuộc về Hạ tiêu ứng với đất, là âm, chủ về phần huyết, mắc bệnh phần nhiều vì hàn gây nên.

Năm tạng đều thuộc âm, duy thận có hai tạng: thủy và hỏa. Cho nên gọi là sáu tạng để phối hợp với sáu phủ. Sáu phủ đều thuộc dương. Gọi là tạng vì nó ở vào phía trong mà thuộc về phần huyết mạch. Gọi là phủ vì nó ở phía ngoài mà thuộc về phần bắp thịt. Gọi là Tam tiêu, cũng gọi là Tam nguyên, nhưng âm gốc ở dương, dương gốc ở âm, nên:

Phế với Đại tràng là quan hệ biểu lý với nhau (Phế ở cung sửu hành thổ, Đại tràng ở cung mão hành kim. Thổ là mẹ, kim là con, thế là con thừa kế mẹ, cho nên vị trí có cách nhau mà khí vẫn hợp với nhau). Phế ở cung Canh, Tân hành kim, thuộc tây, giữ việc thở ra hít vào (Đưa khí ra bì phu, dẫn khí về nguyên chỗ. Phế gọi là khí quản, lại gọi là Khí hải).

Tâm với Tiểu tràng là quan hệ biểu lý với nhau (Tâm ở cung ngọ hành hỏa, Tiểu tràng ở cung tuất hành thổ, đó là hỏa theo thủy mà hóa, nên vị trí có cách nhau mà khí vẫn hợp với nhau). Tâm ở cung Bính, Đinh hành hỏa, thuộc phương nam. Chủ việc nung nấu tân dịch thành màu đỏ mà làm ra huyết. Gọi là quân hỏa lại gọi là tạng chủ quản.

Đấy là nói bộ vị của phế và tâm đều ở thượng tiêu. Dưới có chẻn dừng ngăn cách, làm cho trọc khí ở dưới không đưa lên được.

Tỳ với Vị là quan hệ biểu lý với nhau (Tỳ ở cung Mùi hành thổ, Vị ở cung Dậu hành kim, thổ vượng thì kim thịnh cho nên vị trí cách xa nhau mà khí hợp với nhau). Tỳ và Vị ở trung ương thuộc hai cung Mậu và Kỷ, đều là hành thổ.

Vị gọi là dạ dày, chủ việc thu nạp đồ ăn. Tỳ gọi là hoàng đình, chủ việc nghiền đồ ăn. Tỳ, Vị và Tâm bào lạc cũng có dây bám vào phế, mà dây của Tỳ dính vào phía trên tạng Phế gọi là cửa họng (yết môn) tức là chỗ dưới vị quản.

Vị quản tức là ở chỗ miệng trên dạ dày (vùng thượng vị), cơm nước qua đấy mà vào dạ dày. Khi ngầu chín rồi qua u môn, truyền xuống miệng trên tiểu tràng, rồi tới miệng dưới tiểu tràng, khoảng giữa có màng ngăn cách để cho cặn bã đi vào phía bên phải đại tràng mà ra hậu môn. Còn những nước đục bẩn thì thấm vào bàng quang mà thành nước tiểu.

Đấy gọi là tỳ vị ở trung châu, vận chuyển và phân bố thanh khí của cơm nước vào 4 tạng tâm, can, phế, thận. Cho nên nói: Vị khí, nguyên khí, cốc khí đều là khí của vị. Bộ vị của tỳ vị đều ở trung tiêu.


Can với Đởm là quan hệ biểu lý với nhau, ở hai cung Giáp Ất thuộc hành mộc phương đông (Can ở cung hợi, thuộc phong mộc. Đởm ở cung dần thuộc tướng hỏa. Vậy tướng hỏa ở cung Giáp Ất thuộc hành mộc, phương đông mà mọi việc lo toan quyết đoán của Đởm gửi vào Can, nên vị trí cách xa nhau mà khí hợp với nhau). Chủ việc phát ra hơi như sương mù làm cho thanh khí bốc lên, gọi là lôi hỏa, lại gọi là huyết hải.


Thận với Bàng quang là quan hệ biểu lý với nhau (Thận ở cung Tý thuộc thủy, bàng quang ở cung thìn thuộc hàn thủy. Thủy theo chủ vị là thận, nên vị trí cách nhau mà khí hợp với nhau). Thận thuộc về Nhâm Quý thủy, phương Bắc (Thận bên trái là thủy gọi là chân âm, thận bên phải là hỏa cũng gọi là quân hỏa).

Đây đều nói bộ vị của thận đều ở hạ tiêu. Lại còn một tạng nữa là Mệnh môn. Nếu lấy Tâm bào lạc làm tạng thì vốn nó không phải là tạng chính (phía trong màng bọc là Tâm, phía ngoài màng bọc có gân nhỏ như tơ, liền với tâm và can cho nên gọi là bào lạc. Nó ở cung Tý cũng là vị trí của phong mộc, gửi vào Thận cho nên thận thuộc về Mệnh môn).

Lấy Tam tiêu làm phủ thì không phải phủ chính (Thượng tiêu chủ việc thu hút khí ở tâm phế. Trung tiêu chủ việc nghiền nát đồ ăn. Hạ tiêu chủ việc khơi thông tân dịch, đều đưa dẫn khí âm dương, gạn lọc ra chất trong chất đục để giữ gìn mọi khí, có tên mà không có hình. Bộ vị của nó gửi ở khí hải thượng tiêu. Ở trai gái cũng như nhau, là chỗ ngừng của phần vinh, phần vệ, là chỗ lưu thông của kinh lạc. Nhưng ở con trai chủ về dương thì huyết vận chuyển mà lưu hành, không tích lại mà không đầy lên. Ở con gái chủ về âm thì huyết ngừng đọng lại mà thường tích rồi tràn ra thành kinh nguyệt. Nó ở cung Thân cũng là bộ vị của tướng hỏa ký gửi vào thận, nên thận thuộc về mệnh môn).

Thận bên trái thụ huyết hóa ra tinh, vận chứa ở mệnh môn. Con trai nhờ đó mà chứa tinh, con gái nhờ đó mà chằng giữ tử cung. Nhưng con trai lấy khí làm chủ, vì khảm thủy vận dụng nên hóa khí làm ra tinh mà sắc trắng, nếu có chút hỏa tinh thì tinh có màu hồng. Con gái lấy huyết làm chủ, vì ly hỏa vận dụng nên huyết đầy thì thành kinh nguyệt có sắc đỏ, nếu kèm theo đờm thì kinh nguyệt cũng có thể trắng. Cho nên nói rằng bên trong phải rõ tạng phủ và biểu lý là như thế.


Phế là tạng kim, kim sinh thủy nên phế là mẹ, thận là con. Phế chủ ở khoảng hầu họng, phía trong thông với bàng quang, phía ngoài thông với lỗ mũi. Khi thở ra đưa thanh khí lên mà phân bổ khắp lông da, khi hít vào đưa thanh khí xuống mà về thận.

Thận là tạng con bị hư yếu thì phế là tạng mẹ thương khóc, nên dùng thuốc bổ thận làm chủ. Những loại bệnh trên này đều trách cứ ở phế.

Lại sắc kim chủ trắng, bệnh nào thấy có sắc trắng phần nhiều là hàn, là có đờm, là chính khí hư. Lại phế nhiệt thì nằm mộng thấy con gái kề bên mình, thấy đánh nhau bằng gươm giáo. Lại phế nhiệt thì nằm mộng thấy lội ruộng lội sông. Bệnh tích do phế gọi là “Tức bôn” nổi dưới sườn bên trái to như cái chén úp.


Tâm là tạng hỏa, hỏa sinh ra thổ cho nên tâm là tạng mẹ mà tỳ vị là tạng con. Trong thì chủ về huyết, ngoài thì ứng ở lưỡi, vinh nhuận ra tóc, tươi ra mặt.

Hỏa bốc lên thì hay vui cười, lở miệng, mắt vàng, cuống họng mọc mụt, quá lắm thì họng nóng bỏng, miệng khô mà khát. Tân dịch khô khan không có mồ hôi, nên làm cho ra mồ hôi thì vị được yên mà da được nhuận.

Lại khi bệnh quá lắm thì huyết đi ngược lên mà đổ máu mũi. Lại ứng vào chỗ Thiên đình trên bộ mặt. Những chỗ kể trên đây mà thấy bệnh đều nên trách cứ ở tâm. Lại sắc của hỏa chủ về màu đỏ, phàm bệnh thấy hiện sắc đỏ phần nhiều do hỏa do nhiệt, do hỏa là thực.

Tâm thực thì nằm mơ thấy những việc lo lắng sợ hãi quái lạ. Tâm hư thì nằm mơ thấy mình bay bổng. Khí đi ngược lên tâm thì nằm mơ thấy núi non núi lửa, và lú lẫn hay quên. Đó đều là tâm huyết kém, lại còn bệnh tích do tâm gọi là “Phục lương” hình như cái cánh tay ở nơi cạnh rốn mà không động đậy, như cái rường nhà vậy.

Vả lại dây của tâm cùng với dây của năm tạng liền nhau vận chuyển khí huyết tưới nhuần vào xương tủy, cho nên khí năm tạng có bệnh thì vào tâm trước. Dây của tâm phía trên thuộc vào phế còn phần nhiều thông với xương sống, liền với thận rồi từ thận mà có đường liên lạc với bàng quang, thông xuống chỗ đi đái. Cho nên khi mắc bệnh đau tim thật là thủy tới khắc hỏa, mạch tâm tất trầm là chứng chết không thể chữa được.


Tâm lại cùng tạng với tiểu tràng. Tiểu tràng là cơ quan chứa đựng, khiếu của nó ở chỗ nhân trung. Khi chất cơm nước ở vị đã ngấu nát rồi, thì chảy xuống tiểu tràng để gạn lọc và chia ra chất trong chất đục. Chất nước thấm vào miệng trên bàng quang, cặn bã dồn vào miệng trên đại tràng.

Cho nên khi tâm mắc bệnh, tâm khí truyền vào tiểu tràng thành ra chứng đồi sán đau nhức hòn dái. Khi bệnh phong ở tâm truyền vào tiểu tràng thì ruột sôi lên có tiếng, tiểu tiện thành năm chứng lâm, có khi bị sẻn không đái được.

Khi bệnh nhiệt ở tâm vào tiểu tràng thì buồn bực, khát nước hoặc hư hỏng đưa ngược lên dạ dày mà làm nôn ọe, tiểu tiện không thông hoặc trướng đau gấp rút mà không khát nước. Lúc này chưa nên vội dùng thuốc nhạt thấm, nên uống Tư thận hoàn rất hay.


Can tàng chứa hồn, là tạng mộc, mộc sinh hỏa nên can là tạng mẹ tâm là tạng con. Khiếu của nó ở trong thì hiện ở gân, ngoài thì hiện ra móng chân tay, hai bên ứng vào hai sườn và hai tai. Phía trên ứng vào hai mắt và đỉnh đầu, phía dưới ứng với âm hộ và ngọc hành.

Ban ngày thì huyết vận ra chân tay, ban đêm chứa huyết vào can. Cho nên khi mắc bệnh thương phong thì gân mạch co rút, ung thư mọc ra ở chỗ gân mạch.

Can nhiệt thì mắt đỏ, sợ hãi, phát cuồng, đau sườn. Can hư thì mắt đỏ hay nẩy đom đóm. Can bị thấp nhiệt uất kết thì bụng dưới đau ran tới ngọc hành bìu dái gọi là bệnh đồi sán. Can huyết không đủ thì hay sợ, huyết có dư thì hay giận. Can khí thượng nghịch thì đầu choáng váng.

Những loại kể trên này mà thấy bệnh đều trách ở can. Lại sắc của can mộc chủ màu xanh, bệnh nào thấy hiện màu xanh đều thuộc về phong. Xanh quá mà đen là kiêm có hàn, bệnh tích do can gọi là “Phì khí”, ở dưới sườn bên trái nổi lên như cục thịt béo.

Vả lại can có 7 lá, bên trái 3 bên phải 4. Nhưng gỗ vào nước thì nổi, can vào nước thì chìm. Kim vào nước thì chìm, phế vào nước thì nổi. Vì can không phải là thuần mộc, Ất với Canh hợp thành, tính của nó thiên về kim nên can chìm.

Phế không phải là thuần kim, Tân với Bính hợp thành, ý của nó thích về hỏa nên phế nổi. Nhưng Tân phải trở về với Canh cho nên phế luộc chín thì lại chìm. Ất phải trở về với Giáp cho nên can luộc chín thì lại nổi.

Can huyết ban ngày thì lưu hành mà ban đêm thì chứa lại ở can, nên khi người ta ngủ dậy thì mắt đỏ, vì đêm đến thì huyết trở về can. Huyết không về can thì đêm nằm không ngủ.

Khi can bị hư, bị tạng khác đưa nhiệt tới thì huyết đi lung tung lên mồm lên mũi hoặc đại tiện ra huyết.

Can lại chủ về gân. Phàm bệnh mà gân cái của ngọc hành (tôn cân) rã rời, liệt gân, chuyển gân và mụn lở ngoài gân mạch đều do can sinh ra. Các khớp xương không thông lợi đều là do can hư.Chưa ăn đã ngửi thấy mùi tanh là do can khô.

Can với đởm cùng một tạng nên khi đởm sinh phong thì bốc lên đầu, mày, tai, mắt phần nhiều làm cho nghiêng ngả, điên giản, sùi bọt mép, đắng miệng.

Đởm có nhiệt thì ăn vào tiêu tan đi mà không sinh da thịt. Đởm hư thì xẩm mặt, lắm nước mắt, hay sợ như có người sắp đến bắt mình, hoặc nằm mộng thấy sợi cỏ.

Vì nước mắt là thứ cũng giống như thế. Đởm bẩm thụ thủy khí cùng vị trí với khảm. Mắt cũng là thủy, thủy được có hỏa nung nấu nên chỉ trong tâm bi thương thì nước mắt chảy ra, đó là âm theo dương. Người già chất mật đặc lại, nên khóc không có nước mắt mà cười lại có nước mắt là hỏa thịnh thủy kém rồi.


Thận là tạng thủy, thủy sinh mộc nên thận là mẹ, can là con. Dây thận liền dưới sườn, thận dính vào thăn thịt ở xương sống, với rốn cùng thông với dây tâm (tâm hệ) một chỗ.

Khảm ở phương Bắc, Ly ở phương Nam, thủy hỏa cảm ứng lẫn nhau là thế. Thận bên trái nạp khí, thu khí lại để thành tinh.

Thận chủ việc kiên cố cho nên tạng thận chỉ có thể bổ và thấm thôi. Thận hỏa mạnh quá thì có thể tạm dùng Tri mẫu, Hoàng bá để làm cho mát.

Khi trai gái giao cấu với nhau gây nên hình hài, từ chỗ không mà tạo thành ra có. Con trai nhờ đó mà làm việc khỏe mạnh, con gái nhờ đó mà làm việc có kỹ xảo. Vì thế gọi thận là cơ quan tác cường.

Khiếu của nó ở trong thì ứng với xương tủy, ngoài thì ứng với hai lòng bàn chân, hai bên thì ứng với các phía trong, ngoài, trước, sau của tai (đường lạc của Đởm cũng là ở chỗ này, nên tai điếc cũng là chứng Thiếu âm).

Và những chỗ con ngươi trong mắt, huyệt Thừa tương dưới miệng, hai bên sườn phía sau mình, bụng dưới, hàm răng, âm hộ, ngọc hành, phía trước mình (Ất với Quý cùng một nguồn gốc với nhau, can thận cùng một cách trị như nhau).

Cho nên khi thận có phong thì mắt mờ mịt không thấy gì. Khi thận có nhiệt thì môi ráo, lưỡi khô và cuống họng đau. Đó là vì dây của tâm (tâm hệ) đi suốt xuống thận, mà liên lạc với phế. Thận khí kém thì xương còm, răng lung lay, mộng mị, di tinh. Cũng có khi kèm có hỏa tà mà nằm mộng xuất tinh, dùng thuốc thì liệu chừng mà dùng Tri mẫu, Hoàng bá sao đen.

Thận khí suy thì bìu dái lạnh. Phong ở tâm vào thận thì lòng bàn chân nóng và đại tiểu tiện ra huyết. Thấp nhiệt uất kết vào tỳ vị thì phát ra bệnh hoàng đản.

Thận khí bị lạnh thì ngọc hành co lên, đau ở phía sau mé đùi. Thận khí động thì đói không muốn ăn, thở gấp khò khè.

Lại khi bệnh tích do thận gọi là “bôn đồn” nổi lên ở phía dưới tâm và phía trên bụng dưới như con heo chạy. Nhưng bệnh bôn đồn này kiêng dùng thuốc hành khí. Những chỗ kể trên đây mà thấy bệnh đều nên trách cứ ở thận.

Sắc của thận thủy chủ về màu đen, những bệnh thấy da nổi màu đen phần nhiều là hàn. Cũng có khi uất nhiệt rồi màu tía hóa ra đen như chứng đậu cần phải biết mới được.


Thận với bàng quang cùng chung tạng phủ, cùng chung tân dịch, có khiếu dưới mà không có khiếu trên. Được khí ở khí hải (tức là phế) đưa đến để hóa đi thì nước đái mới tuôn ra.

Nếu khí ở khí hải không đủ thì bí tắc không thông. Khi tà động ở bàng quang truyền sang tiểu tràng thì ghét ngửi mùi tanh hôi của đồ ăn, thế gọi là chứng bợn dạ.

Thận là tạng phủ mà lại có tướng hỏa thì là hỏa phục ở trong thủy cho nên gọi tướng hỏa là “long hỏa”.

Khi thủy suy thì tướng hỏa bốc lên gặp “chấn”, là “mộc” của can mà phát thành tiếng sấm (lôi) nên gọi là “long lôi hỏa”. Phàm những bệnh hiện ra mặt đỏ, thốt nhiên sợ hãi phát cuồng, chảy máu mũi máu mồm, nên trách cứ tướng hỏa với can hỏa mà không nên đổ tại quân hỏa.


Tỳ là tạng thổ, thổ sinh kim thì tỳ là tạng mẹ, phế là tạng con. Khiếu của nó ứng vào da thịt chân tay, phía trên ứng với hai vai, thông ra miệng, môi và da mặt mịn màng. Phía dưới ứng với hai mông đít cho tới quầng mu mắt, giữa chóp mũi, trong chân răng.

Cho nên khi tỳ bị thương phong thì tỳ khí tích đọng không lưu hành, âm đạo không thông lợi, gân xương bắp thịt không có khí để nảy nở, nhẹ thì chân tay rời rã, nặng thì chân tay bại liệt (tức là khó vận động).

Khi bắp thịt máy động gọi là nhục nuy, ăn đồ béo thì thớ thịt kín lại khiến cho người ta nóng trong, ăn đồ ngọt thì làm cho người ta đầy bụng. Trong nóng thì khí bốc lên thành bệnh tiêu khát vì tỳ nhiệt thì nước dịch thấm hết khô mà hóa ra khát, ăn được mà không ra da ra thịt thành bệnh gày còm đó là do đại trường đưa nhiệt lên vị, bệnh ấy gọi là tích thực.

Khớp xương lỏng là mạch lạc của tỳ có bệnh, chứng thực thì thân thể đau dữ, chứng hư thì mọi khớp xương rời rã.

Bệnh trường tịch (bệnh lỵ) là do tinh khí ở trong bị hao mòn, hạ tiêu mất chủ chốt để giữ vững mới đưa nhiệt lên tỳ, tỳ hư kém không chế được thủy mới sinh ra bệnh này. Chữa bệnh trường tịch phải làm tiêu trừ, hễ khí đi xuống được thì sống, bị chặn đứng lại thì chết.

Bệnh thổ tả vọp bẻ là do phong làm thương tổn mà mộc lấn thổ. Trong thuốc chữa nên thêm vị Mộc qua. Khí ở tỳ vị ngừng trệ thì bụng đau, bành trướng, thủy thũng, bí tắc không thông.

Bệnh tích do tỳ gọi là chứng “bĩ khí”. Tích ở vị quản hoặc bụng bên phải to như cái chén úp là tích khí ở trong, không phải thực có hình.

Phàm những bệnh do tỳ hư thì nằm mộng thấy ăn uống, thấy nhận của người ta cho mình hay đem vật gì cho người khác. Do tỳ thực thì nằm mộng thấy xây tường lợp nhà.

Tỳ cùng tạng với vị. Kinh mạch vị bắt đầu ở mũi, đi phía ngoài vào kẽ răng, ra sát mép quanh môi xuống giao ở huyệt Thừa tương, men theo phía dưới cằm xuống huyệt Nhân nghinh, qua cổ họng, vào hõm vai xuống vú, chẻn dừng, vào bụng đến huyệt Khí nhai thì họp với các chi khác.

Cho nên khi vị bị cảm phong thì miệng mắt méo lệch, sưng họng, cổ ra mồ hôi, chẻn dừng lạnh, bụng to.

Người béo mắc phải phong mà không tiết ra ngoài được thì ở trong lạnh mà nước mắt chảy ra, suyễn đưa lên, tà xâm vào tạng phủ gặp thủy mà hóa suyễn.

Bụng đầy trướng buồn tức là do bụng thuộc tỳ, có đường liên lạc với vị nên khi vị có bệnh thì buồn tức bụng đầy. Đi đại tiện và trung tiện thì khoan khoái rồi bớt (vì âm khí suy thì dương khí mới ra được).

Bệnh nôn là kinh Dương minh có bệnh, do khí sinh ra thì hay nôn, nôn rồi thì bớt. Nôn ra nước tanh là có ghé lạnh, nôn ra nước ngọt là có ghé phong, nôn ra nước chua là có ghé thấp. Ọe khan là vị sẵn có khí lạnh, gặp khi cốc khí vào vị, dồn lên phế, hàn khí và cốc khí xô đẩy nhau mà thành ra ọe khan.


Tâm thống là do khí uất ở vị, chỗ ngực ngang với vùng tim bị đau. Vú sưng đau là bầu vú thuộc về kinh Dương minh.

Vị nhiệt thì sợ hơi lửa, sợ tiếng người và miệng khát, chảy nước dãi, leo trèo cao, phát cuồng vì Dương minh thịnh thì lên cao.

Vị hư sợ tiếng gỗ khua, ưa tiếng chuông vì mộc khắc thổ mà thổ thì sinh kim.

Ợ là do dương khí đi lên vào kinh Dương minh vị, vị có đường liên lạc với tâm nên khí đi lên tâm mà làm ra ợ.

Bụng sôi là trong bụng có tiếng róc róc, là vị khí lạnh.

Ống chân lạnh khô mà hay sưng là do vị dương suy kém, khí âm bốc lên cùng cầm cự với khí dương.

Mặt mắt đều nề là vị hư hàn. Rét run hàm răng khua lập cập là vị dương kém mà khí lạnh.

Bệnh phiên vị mửa ra nước trong không ngừng là chứng bại hoại do vị lạnh.

Bệnh tràng phong hạ huyết là vì phong ở phía dưới, mặt nề ra là vì phong ở phía trên.

Báng kết vì rượu, vì thức ăn, chứng cổ độc đều do vị khí không lưu hành được, huyết ứ và đờm kết lại mà thành ra. Tất cả những chỗ trên đây mà thấy bệnh đều nên trách cứ vào tỳ vị.

Vả lại màu thổ thì màu vàng. Phàm bệnh thấy sắc vàng phần nhiều là chứng tỳ vị hư kém và thấp nhiệt.

Cho nên bảo rằng ngoài phải xét cửu khiếu của ngũ tạng là thế.