Thiên hoa phấn

Giải chứng khát do thực nhiệt, bỏ vỏ phơi khô dùng

KHÍ VỊ
thiên hoa phấn
Vị đắng tính hàn không độc, là âm dược chìm xuống, vào 2 kinh tâm và phế.

Ghét Can khương, Ngưu tất, phản Ô đầu, cùng Câu kỷ làm tá.


CHỦ DỤNG

Làm nhuận chứng khôn khát phiền nóng trong tâm, giáng được đờm đặc, đờm nóng dưới cách mô.

Chữa tất thảy chứng thũng độc, bài nùng tăng thêm thịt, tiêu huyết ứ, thông kinh nguyệt, trừ tất cả các chứng thời khí nóng phát điên,

Đuổi chứng vàng da do nghiện rượu (tửu đả) và chứng Hoàng đản, rất nên dùng cho chứng khát vì thực nhiệt nhiều quá, hạt nó có thể nhuận phế hóa đờm.


KỴ DỤNG

Phàm chứng thấp đờm do vị hư yếu và chứng vong dương khát nước sau khi phát hãn hoặc tả hỏa,
chứng âm hư hỏa động, tân dịch không thể tỏa lên trên mà sinh khát,
hoặc do bệnh chứng ở phần biểu mà sinh khát, chứng giả nhiệt và tỳ vị hư hàn đều cấm tuyệt không được dùng.


NHẬN XÉT

Thiên hoa phấn bẩm thụ khí mát lạnh. Sách Bản thảo nói: Bổ hư an trung khí nghĩa là nhiệt hết âm hồi phục thì trung khí tự nhiên hòa, cũng giống như ý nghĩa "lạnh mà bổ" của vị Thiên môn đông, chứ không phải là thật bổ.

Lại nói: vị chua sinh tân dịch mùi ngọt chẳng hại dạ dày, hơi đắng hơi hàn, giáng được hỏa, là thuốc chủ yếu để nhuận táo, long đờm, giải khát, nhưng chỉ thích hợp với những dương chứng có thừa, còn chứng chân hàn giả nhiệt thì phải kiêng.

Ngày trước một ông già ở Đình Lâm vì bị chứng đờm hỏa đã lâu dùng nó uống 2 thang thấy ăn không được, thốt nhiên đi tả không cứu chữa được. Như thế thấy rõ cái hại của thuốc hàn lương tổn thương dạ dày là vậy đó.