Tam tiêu

Tam tiêu (1)


Chữ tiêu này nghĩa là cháy khét. Nhưng ở đây chữ Tiêu lại có nghĩa là đứng đầu, là to lớn như nghĩa chữ Nguyên. Cho nên nói Tam tiêu cũng như Tam nguyên.

Tam tiêu phân ra thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu, mỗi tiêu có 1 đường khí đạo cũng như Tam nguyên là Thiên, Nhân và Địa, mỗi ngôi có 1 nguyên khí.

tam tiêu

Tam tiêu thuộc kinh Thủ thiếu dương trong 12 kinh.

Tam tiêu là 1 phủ trong 6 phủ: Vị, đảm, đại trường, tiểu trường, tam tiêu và bàng quang.

Tam tiêu chủ về khí đạo, ví như 1 vị quan trong coi điều khiển việc khơi xẻ đường thủy đạo cho lưu thông (Quyết độc chi quan) vì không có khí thì thủy không hóa.

Tam tiêu chỉ có tên gọi mà không có hình trạng riêng biệt như các tạng phủ khác, nhưng rất cần thiết trong việc điều hành khí đạo (Hữu danh nhi vô hình, vô hình nhi hữu dụng)

Tam tiêu phân ra 3 vị trí: Thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu:

Thượng tiêu: kể từ đầu xuống dạ dày, qua cuống họng trở lên, chỉ nhận các thức ăn uống đưa vào mà không đưa ra (nếu đưa ra là bệnh), vận chuyển những tinh khí của các thức ăn uống ấy vào Phế để Phế truyền bá đi bách mạch.

Trung tiêu: ở giữa bọng dạ dày, không đưa lên mà cũng không đưa xuống, chủ về việc nấu chín cơm nước rồi gạn lọc những tinh hoa đưa lên phế để hóa ra máu mà nuôi thân thể.

Hạ tiêu: kể từ cuống dưới của dạ dày, xoay quanh hồi trường rồi phân chia thanh trọc (nước và phân) chuyển xuống đại trường và bàng quang mà bài tiết ra.

Tam tiêu tuy phân ra 3 vị trí (thượng, trung, hạ) mỗi tiêu 1 vị trí, nhưng cùng luân chuyển trong châu thân. Từ thượng tiêu mà vào, đi qua trung tiêu rồi từ hạ tiêu mà ra.


Nói riêng:
  • Thượng tiêu chủ về "khí", ví như mây mù bao phủ ở trên.

  • Trung tiêu chủ về "ẩm thực" ví như vũng nước nấu chín ở giữa.

  • Hạ tiêu chủ về "đại tiểu tiện" ví như ngòi rạch chảy ra.


Nhưng hợp lại mà nói chung: Tam tiêu tức là cái khí của tam nguyên, chủ về việc dẫn khí đi lên, đi xuống, đi ra, đi vào, tổng lãnh tất cả các đường khí trên dưới, trước sau của các kinh lạc và vinh vệ trong ngũ tạng lục phủ.

Tam tiêu có thông, trong ngoài trên dưới mới thông mà tưới khăp châu thân. Nếu cái khí của tam tiêu mà không thông thì mọi khiếu huyệt điều hành trong thân thể đều bế tắc. Cho nên nói tam tiêu tuy không có hình trạng riêng mà rất quan trọng.




Tam tiêu (2)


Chữ tiêu này nghĩa là siêu đốt, đốt cháy (khác nghĩa chữ tiêu ở trên). Tam tiêu đây là 3 loại bệnh tiêu khát.

Tiêu khát bởi cái hỏa nó siêu đốt làm cho cạn máu, khô tân dịch mà phát khát, khi khát có người đòi uống nước nóng, có người đòi nước lạnh, mỗi khi khát uống hàng vài lít nước, uống vào tiêu ngay bắt đi đái, đái xong vào lại uống, uống xong lại đái, cứ thế hoài hoài. Gọi là bệnh "Tiêu khát".


Sách Nội kinh nói: 2 kinh dương là kinh Thủ dương minh đại trường chủ về tân dịch, kinh Túc dương minh vị chủ về máu. Nay 2 kinh ấy kết nhiệt thì tân dịch khô, máu cạn làm ra tiêu khát.

Bệnh tiêu khát phân ra 3 loại: Thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu.

Thượng tiêu: Bởi nước tân dịch ở đầu cuống dạ dày khô cạn làm cho không còn nước thấm nhuần lên cuống lưỡi mà phát khát, gọi là thượng tiêu khát.

Trung tiêu: Bởi các thức ăn vào bị lửa đốt cháy mà tiêu hóa mau làm cho đói luôn, khát luôn, bắt đái luôn luôn, gọi là Trung tiêu khát.

Hạ tiêu: Bởi nóng ráo suốt cả trường và vị làm cho miệng khát đòi uống, mà đái ra lại còn có mủ có nhựa, gọi là Hạ tiêu khát.

Bệnh khát ở thượng tiêu, trung tiêu dễ trị, hạ tiêu khó trị.



Tam tiêu du huyệt (3)

  • Huyệt Tam tiêu du là một trong 67 huyệt của kinh Túc dương minh Bàng quang.

  • Huyệt Tam tiêu du ở ngay bên hông, tính từ đốt xương sống thứ 13 chạy ra.

  • Huyệt này châm sâu 3 phân, cứu 3 mồi. Chủ trị bệnh đau đầu, hoa mắt, co rút vai lưng, đau xương sống, đau bụng, đầy bụng, ói mửa, ỉa chảy, ăn không tiêu hóa, sôi ruột, có khi trong bụng có tích kết rắn như đá.


Đông y số điển - Định Ninh - LÊ ĐỨC THIẾP