Những bài thuốc bổ

Những bài thuốc bổ là những bài thuốc gồm các vị thuốc có tác dụng bồi dưỡng cường tráng cơ thể, tức là chữa những chứng hư gồm có âm hư, dương hư, khí hư, huyết hư. Do đó, những bài thuốc được chia thành các loại: Bổ khí, Bổ huyết, Bổ âm và Bổ dương

Bổ khí

Bài thuốc Bổ khí là những bài thuốc chữa hội chứng khí hư biểu hiện chủ yếu là Phế khí hư (ho, khó thở, cơ thể mệt mỏi, tiếng nói nhỏ, sắc mặt tái nhợt) hoặc Tỳ khí hư (chân tay mệt mỏi, ăn kém, rối loạn tiêu hóa hoặc sa các tạng phủ như sa tử cung, sa dạ dày, thoát vị bẹn)

Bổ huyết

Bài thuốc Bổ huyết là những bài thuốc dùng chữa chứng huyết hư, biểu hiện lâm sàng là sắc mặt vàng bủng, môi lưỡi nhợt, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp mất ngủ, kinh nguyệt ít, sắc nhợt. Bài thuốc gồm các vị thuốc bổ huyết như: Thục địa, Đương quy, Bạch thược, Hà thủ ô, Tang thầm, Kỷ tử …
Trên lâm sàng thường để tăng cường tác dụng bổ huyết có phối hợp thêm các vị thuốc bổ khí như : Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật cũng có khi dùng thêm thuốc hoạt huyết như Xuyên khung, Đơn sâm, Ngưu tất.

Bổ khí huyết

Bài thuốc Bổ khí huyết là những bài thuốc có tác dụng bổ khí và bổ huyết chữa các chứng khí huyết đều hư, thường gồm các vị thuốc bổ khí như: Nhân sâm, Đảng sâm, Bạch truật, Chích thảo, Hoàng kỳ và bổ huyết như: Hà thủ ô, Đương qui, Thục địa, Tang thầm, Kỷ tử

Bổ âm

Bài thuốc bổ âm là những bài thuốc gồm các vị thuốc ngọt mát để dưỡng âm như: Địa hoàng, Mạch môn, Sa sâm, Quy bản, Kỷ tử … để chữa các chứng âm hư (chủ yếu là Can thận âm hư) triệu chứng lâm sàng thường là sốt chiều, người gầy, da nóng, má hồng, lòng bàn tay bàn chân nóng, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, khát nước, họng khô, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác

Bổ dương

Bài thuốc Bổ dương dùng chữa chứng dương hư mà chủ yếu là trị thận dương hư, biểu hiện lâm sàng thường là lưng gối nhức mỏi, chân yếu lưng lạnh hoặc ho suyễn lâu ngày, ù tai, liệt dương, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần hoặc tiêu chảy kéo dài, rêu lưỡi trắng, mạch trầm, trì, nhược
Bài thuốc thường gồm các vị thuốc tính vị ngọt nóng như: Phụ tử, Quế nhục, Đỗ trọng, Lộc nhung, Nhục thung dung, Dâm dương hoắc, Sơn thù, Hoài sơn, Ba kích thiên, Ích trí nhân …