Các loại bệnh

173. Khái là không đàm mà có tiếng, đó là Phế khí tổn thương nên không thanh (sạch). Thấu là không có tiếng mà có đờm, đó là Tỳ thấp động mà thành đờm 

"Hoạt pháp cơ yếu - Khái thấu" 

174. Thấu mà có đàm chủ Tỳ thấp. Khái mà không đàm chủ Phế (bị) tổn thương.
Minh - Tần Cảnh Minh 
"Khái thấu tổng luận" 

Ý nghĩa hai danh ngôn trên giống nhau. Khái quát những chỗ khác nhau về chứng trạng và bệnh cơ Khái và Thấu.

Lâm sàng tuy gọi chung là khái thấu nhưng xét kỹ vẫn có chỗ khác nhau.

Khái là có tiếng mà không có đờm, thuộc Phế bị ngoại cảm hoặc nội thương, không tuyên giáng mất sự thanh túc gây nên

Có đờm không có tiếng là Thấu, do Tỳ hư thấp thịnh tụ lại thành đàm gây nên

Tóm lại bệnh vị chủ yếu của Khái Thấu là ở hai tạng Phế, Tỳ.


175. Suyễn là chứng hậu Ác. Háo là cố tật.

Thanh - Tưởng Thị Cát 
"Y tôn thuyết ước - Háo" 

Danh ngôn này nêu đặc điểm bệnh biến của chứng Háo chứng Suyễn, nói đơn giản mà ý đầy đủ. Chứng Háo là do túc đàm ẩn náu ở Phế, nếu gặp cảm nhiễm thì dụ phát, hay tái phát khó trừ căn bệnh cho nên gọi là "cố tật". Chứng Suyễn thì có đặc trưng hô hấp khó khăn, thậm chí há miệng so vai, cánh mũi phập phồng không nằm ngửa được, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến Suyễn thoát, khó chữa chạy, nên gọi là "ác hậu". Đối với hai chứng này, cổ nhân đã có nhận thức rất sớm. Trương Cảnh Nhạc đời Minh nói ngay: "Bệnh Khí suyễn là chứng hậu rất nguy, nếu chữa sai yếu lĩnh, rất dễ sai lầm hại người". Dụ Gia Ngôn cũng nói: "con người ta có trăm chứng bệnh khó chữa, Suyễn cũng là bệnh rất khó chữa".


176. Háo do tiếng kêu mà đặt tên. Suyễn do hơi thở mà gọi. Nghĩ như Suyễn gấp trong họng có tiếng khò khè gọi là Háo. Thở gấp mà không liên tục để thở gọi lả Suyễn.

Minh - Ngu Đoàn 
"Y học chính truyền - Háo Suyễn" 

Trước đời Kim - Nguyên, chưa tách riêng hai chứng Háo và Suyễn, đều xếp chung vào môn Suyễn Xúc. Đến Ngu Đoàn đời Minh mới tách riêng hai chứng. Danh ngôn này từ những chứng trạng chủ yếu để qui nạp và nêu yếu điểm phân biệt hai chứng này.

Háo với Suyễn tuy đều biểu hiện suyễn thở gấp gáp nhưng Háo là có tiếng kêu mà đặt tên, trong họng khò khè, đó là vì Phế có sẵn túc đàm lại thêm những nhân tố dụ phát như ngoại cảm, ăn uống, mệt nhọc v.v. bệnh hay tái phát. Còn Suyễn là nói theo hơi thở, hô hấp gấp gáp khó khăn, đó là một chứng trạng trong nhiều bệnh mạn tính. Suyễn chưa hẳn phải kiêm Háo, mà Háo thì tất phải kiêm Suyễn. Tóm lại, hai loại tuy có chỗ giống nhau, nhưng đều có đặc điểm riêng, lâm sàng phân biệt không khó khăn.


177. Nguyên nhân bệnh Suyễn, ở Phế là Thực, ở Thận là Hư.

Thanh - Diệp Thiên Sĩ 
“Lâm chứng chỉ lam y án – Suyễn” 

Danh ngôn này tổng kết tinh vi về lý luận bệnh cơ phát bệnh Suyễn là ở hai tạng Phế, Thận. Tất cả nguyên nhân của chứng Suyễn là do khí cơ thăng giáng xuất nạp không bình thường gây nên. Phế là chủ của Khí, quản lý hô hấp, ngoài hợp với bì mao, dễ bị ngoại tà xâm phạm đến nỗi làm cho Phế khí trướng đầy, mất chức năng tuyên giáng mà thành Suyễn. Chứng thuộc Thực, phần nhiều tiếng cao thở thô, kiêm chứng khái thấu đờm khò khè, mạch Sác có lực; cho nên nói "ở Phế là Thực". Thận là rễ của Khí, nhiệm vụ nạp khí. Nếu Thận nguyên không bền mất khả năng nhiếp nạp dẫn đến khí không trở về nguồn, nghịch lên thành Suyễn, đó là Hư Suyễn, có chúng trạng tiếng thấp thở khẽ, hô hấp ngắn gấp khó khăn, bệnh thế từ từ, cho nên nói: "ở Thận là Hư". Quan điểm này rất có ý nghĩa chỉ đạo để điều trị Suyễn chứng rất chính xác.


178. Trước Suyễn sau Trướng chữa ở Phế. Trước Trướng sau Suyễn chữa ở Tỳ. 

Thanh - Diệp Thiên Sĩ 
"Lâm chứng chỉ nam y án - Suyễn" 

Căn cứ vào lý luận tiêu bản của Đông y, bệnh nguyên phát là Bản. Bệnh kế phát là Tiêu. Bệnh phát trước là Bản, bệnh phát sau là Tiêu. Nói theo ý nghĩa chữa bệnh phải tìm từ Bản như trên, nên lấy chữa bệnh nguyên phát là chủ yếu, trị bệnh phát trước là chủ yếu.

Trước Suyễn sau Trướng, Phế bị bệnh Suyễn trước tiếp theo mới dẫn đến bệnh Tỳ mà phát trướng bụng. Phế bị bệnh trước là Bản cho nên chủ yếu phải trị Phế. Trước trướng mà sau Suyễn, Tỳ bị bệnh trước nên trướng bụng tiếp theo ảnh hưởng tới Phế mới thành Suyễn, Tỳ bị bệnh trước là Bản, cho nên chủ yếu phải chữa Tỳ. Danh ngôn này thể hiện nguyên tắc chữa bệnh phải phân biệt trước sau tiêu, bản


179. Ba khí phong, hàn, thấp đến hợp lại là bệnh Tý. Phong khí thắng là Hành tý. Hàn khí thắng là Thống tý. Thấp khí thắng là Trước tý.

“ Tố vấn – Tý luận” 

Danh ngôn này nói nguyên nhân bệnh cơ của Tý chứng, đúng là lý luận kinh điển, đến nay vẫn là cơ sở lý luận biện chúng luận trị Tý chứng.

Ba loại tà khí phong, hàn,thấp trà trộn xâm nhập vào cơ thể làm cho kinh lạc khí huyết cơ thể bị bế tắc mà thi nh Tý chúng.

Phong tà thịnh biểu hiện là đau mỏi cơ thể di chuyển không cố định gọi là Hành tý cũng gọi là Phong tý. Hàn tà thịnh thì biểu hiện là khớp xương lạnh đau, nơi đau cố định, gặp lạnh đau tăng, thông thường gọi là Thống tý cũng gọi là Hàn tý. Thấp tà thịnh có chứng khớp xương nặng nề, da thịt tê dại, gọi chung là Trước tý cũng gọi là Thấp tý. Lâm sàng phong hàn thấp thường xuất hiện lẫn lộn gây bệnh, chẳng qua đều thiên trọng mà thôi.


180. Tả nông mà lỵ sâu. Tả nhẹ mà lỵ nặng. Tả do thuỷ cốc không phân chia, bệnh phát sinh từ Trung tiêu. Lỵ do chất mỡ và huyết tàn hại, bệnh phát sinh từ Hạ tiêu.

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư - Tạp chứng mô - Tiết tả" 

Danh ngôn này nói lên bệnh tình nặng nhẹ khác nhau của hai loại Tiết tả và Lỵ tật. Tổng kết chỗ khác nhau về nguyên nhân cơ chế bệnh và vị trí mắc bệnh của hai loại bệnh ấy thực là kinh nghiệm đáng bàn.

Tiết tả lấy đặc trưng là số lần đại tiện tăng nhiều, chất phân trong loãng, nguyên nhân cơ chế bệnh chủ yếu là Tỳ hư thấp thịnh, thuỷ cốc không biến hoá chất tinh vi lẫn lộn bài tiết ra thành chứng Tả. Bộ vị bệnh biến chủ yếu ở Trung tiêu "thấp do Tỳ Vị mà dồn đến Tiểu trường".

Lỵ tật thì có chủ chứng đau bụng, lý cấp hậu trọng, lỵ ra mủ máu trắng đỏ, nguyên nhân cơ chế bệnh chù yếu là thấp nhiệt, dịch độc úng tắc trong ruột mất chức năng truyền đạo, chất mỡ và đường lạc tổn hại loét nát biến thành mủ máu gây nên, vị trí phát bệnh ở Hạ tiêu, Đại trường.

Đem so sánh Tiết với Lỵ, loại trên chủ yếu tổn thương khí phận, loại sau không chỉ tổn thương khí phận mà chủ yếu làm tổn hại huyết phận ở Hạ tiêu. Vì thế mới nói: "Tả nông mà Lỵ sâu, Tả nhẹ mà Lỵ nặng."


181. Không tích không thành Lỵ.

Minh - Vạn Mật Trai 
"Ấn khoa phát huy - Lỵ tật" 

Câu này nói iên nguyên nhân cơ chế bệnh chủ yếu của Lỵ tật chính xác và rất gọn.

Chứng Lỵ xưa gọi là "Trệ hạ" tất cả là do tà khí thấp nhiệt dịch độc chứa chất ở trong ruột làm cho Đại trường tích trệ úng thực, khí cơ bị ngăn trở, phủ khí không thông mà thành các chứng đau bụng, lý cấp hậu trọng, hạ lỵ ra mủ máu, có thể thấy Đại trường tích trệ là mấu chốt cơ chế bệnh Lỵ.


182. Khát mà uống nhiều là Thượng tiêu (kinh nói là Cách tiêu). Dễ tiêu hay đói là Trung tiêu (kinh nói là Tiêu trung). Khát mà tiểu tiện nhiều lần như chất mỡ là Hạ tiêu (kinh nói là Thận tiêu).

Minh - Vương Khẳng Đường 
"Chứng trị chuẩn thằng - Tiêu đản" 

Câu này căn cứ vào chủ thứ nặng nhẹ của chứng trạng "tam đa" bệnh Tiêu khát đem bệnh này phân rõ tam tiêu Thượng, Trung, Hạ từ đó mà tiến hành tốt biện chứng luận trị trong lâm sàng.

Chứng Tiêu khát tất cả do táo nhiệt âm thương gây nên, bộ vị bệnh biến chủ yếu ở ba tạng Phế, Vị, Thận, vì tạng khí bị tổn thương có chủ thứ nên mới phân Tam tiêu. Phế ở Thượng tiêu, táo nhiệt hại tân dịch, thuỷ và tân dịch không phân bố thì khát nước uống nhiều, đó là Thượng tiêu. Vị thuộc Trung tiêu, Vị nhiệt quá thịnh, sức ngấu nhừ thuỷ cốc quá mạnh nên mới chóng tiêu hay đói, đó là Trung tiêu.

Thận ở Hạ tiêu, táo nhiệt thương âm mất chức năng khí hoá, không hạn chế được tiểu tiện cho nên tiểu tiện nhiều lẩn, Thận lưu mất khả năng cố nhiếp, chất tinh vi dồn xuống cho nên tiểu tiện ra như mỡ như cao, đó là Hạ tiêu.

Bệnh này tuy chia ra thượng, trung, hạ tam tiêu, Phế táo, Vị nhiệt, Thận hư khác nhau, trên thực tế chứng trạng tam đa thường đồng thời tồn tại, mà chỉ là mức độ nặng nhẹ khác nhau mà thôi. Vì thế, trong điều trị vừa phải tập trung điều trị chủ chứng cũng cần phải chiếu cố những chứng trạng thứ yếu, không nên tách rời hẳn.


183. Một chứng Tam tiêu, tuy có chia Thượng, Trung, Hạ, thực ra không vượt khỏi âm khuy dương cang, tân dịch cạn nhiệt quấy rối mà thôi.
Thanh - Diệp Thiên Sĩ 
"Lâm chứng chỉ nam y án - Tam tiêu" 

Danh ngôn này khái quát cơ bản bệnh cơ của bệnh Tiêu khát, xứng đáng là cây bút đại gia. Bệnh Tiêu khát tuy chia ra Thượng, Trung, Hạ, có Phế, Vị, Thận khác nhau, nhưng cơ chế bệnh tất cả là do âm hư nhiệt quấy rối, đây là một điểm chỉ rõ phương hướng điều trị bệnh này.


184. Các bệnh Lâm, đều do Thận hư mà Bàng quang nhiệt gây nên.

Tuỳ - Sào Nguyên Phương 
"Chư bệnh nguyên hậu luận - Lâm bệnh chư hậu" 

Danh ngôn này nối đặc điểm cơ chế bệnh của Lâm chứng vô cùng sáng suốt. Lâm chứng tuy cố nhiều loại Lâm như Nhiệt, Khí, Huyết, Thạch, Cao và Lao nhưng suy ra cơ chế bệnh không vượt khỏi Hạ tiêu thấp nhiệt nung nấu kết tụ dẫn đến Bàng quang khí hoá không lợi, gây nên tiểu tiện nhiều lần, ít và rít, giỏ giọt đau buốt. Phát sinh triệu chứng có thể là Thận đã hư từ trước hoặc là bị bệnh rồi mới hại đến Thận, tóm lại phần nhiều kiêm cả Thận hư là điều không thể không biết, như vậy phù hợp với lý luận "Tà sở dĩ xâm phạm được là do Khí phải hư"


185. Tích là ý nói tích luỹ, dần dà mà hình thành. Tụ là ý nói lúc tụ lúc tan, lúc phát lúc ngừng bất thường.

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư - Tạp chứng mô - Tích tụ" 

Danh ngôn này giải thích ngắn gọn cơ chế bệnh lý chứng Tích, chứng Tụ rõ là lời nói lịch duyệt. Tích với Tụ là chỉ chứng trạng trong bụng tích khối hoặc đau hoặc trướng. Nguyên nhân hai bệnh này khác nhau, cơ chế bệnh và chứng hậu cũng khác nhau. Chứng tích do khí huyết đàm thấp úng tắc, lạc mạch bị ngăn trở tích luỹ nhiều tháng ngày, tích lại mà thành hình cho nên nói "dần dà mà hình thành". Chứng Tụ thì bệnh ở khí phận, lúc tụ lúc tan bất thường, đau không cố định cho nên nói "lúc phát lúc ngừng bất thường".


186. Trưng là chưng. Hà là giả. Chưng là hình thành kiên định không di chuyển. Giả là vô hình có thể tụ có thể tan.

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư - Phụ nhân qui – Chứng Hà loại" 

Chứng hà với tích tụ khác tên mà đồng loại. Trưng, có hình có thể bày ra, cứng rắn không di chuyển, nơi đau cố định, bệnh thuộc huyết phận. Hà thì lúc tụ lúc tan bất thường, đẩy có thể di chuyển, đau không cố định, bệnh thuộc khí phận, danh ngôn này nói lên đặc điểm khác nhau của chứng hậu Trưng và Hà.


187. Tích thì đẩy không chuyển, hình thành từ năm tạng, phần nhiều thuộc Huyết bệnh. Tụ thì đẩy di chuyển, hình thành từ sáu phủ, phần nhiều thuộc Khí bệnh.

Thanh - Trình Chung Linh 
"Y học tâm ngộ - Tích tụ" 

Danh ngôn này qui nạp nguyên nhân cơ chế bệnh của chứng Tích chứng Tụ, có đặc điểm khác nhau về phương diện thuộc tính bệnh lý biểu hiện trên lâm sàng, có thể tham khảo với hai danh ngôn đã nói ở trên. Thông thường hay nói chung là tích tụ, nhưng phân biệt kỹ thì hai chứng này cũng khác nhau rất rõ.

Chứng Tích lấy ứ huyết ngưng trệ làm chủ yếu, bệnh thuộc hữu hình, cố định không di chuyển, đau có nơi nhất định, bệnh vào phần Huyết, ở Tạng thuộc âm. Chứng Tụ lấy khí cơ bị ngăn trệ làm chủ yếu, bệnh thuộc vô hình, lúc tụ lúc tan bất thường, nơi đau không cố định, bệnh ở Khí phận, ở Phủ, thuộc dương.

Đương nhiên Tích Tụ cũng liên hệ nhất định. Khí trệ lâu ngày có thể dẫn đến huyết ứ mà hình thành chứng Tích hữu hình, ứ huyết hữu hình, tất cũng trở ngại khí cơ dẫn đến chứng Tụ. Hai loại này chuyển hoá lẫn nhau không thể không biết.


188. Không ngủ do đàm hỏa vượng mà huyết thiếu. Ngủ nhiều là Tỳ Vị mệt mà tinh thần lơ mơ.

Thanh - Lưu Nhất Nhân 
"Y học truyền tâm lục - Bệnh nhân phú" 

Danh ngồn này giới thiệu nguyên nhân cơ chế bệnh chủ yếu của hai chứng không ngủ được và ngủ nhiều được coi là thiết yếu.

Không ngủ được chia làm hai loại. Thực chứng phần nhiều do Can hỏa hoặc đờm nhiệt thịnh ở trong, quấy rối Tâm thần gây nên. Hư chứng có thể do huyết hư Tâm không được nuôi dưỡng gây nên. Đây là tóm lược, chứng này cũng có thể do Tâm Đởm khí hư, âm hư hỏa vượng gây nên.

Chứng hay ngủ phần nhiều do Tỳ Vị bạc nhược vận hoá kém, tinh khí không đạt lên trên, não không được nuôi dưỡng đến nỗi thần chí tư duy mòn mỏi, uể oải ngủ nhiều, thường dùng Lục quân tử thang để điều trị.


189. Điên Cuồng có thể chia nhiệt cực ở Tâm Can. Chứng Giản thì tìm ở nặng nhẹ của đàm hỏa. 

Thanh - Lưu Nhất Nhân 
"Y học truyền tâm lục - Bệnh nhân phú" 

Câu này nêu nguyên nhân cơ chế bệnh chủ yếu của hai chứng Điên cuồng và Giản có thể tham khảo. Điên cuồng phần nhiều do Can hỏa đột ngột phát triển dẫn đến Tâm hỏa quá thịnh quấy rối thần minh gây nên. Giản chứng phần nhiều do đàm hỏa quấy nhiễu ở trong làm vít lấp Tâm khiếu gây nên. Danh ngôn trên chủ yếu chỉ Thực chứng, sự thực điên cuồng và giản là hai chứng cũng do Hư gây nên, cần nắm vững toàn diện.


190. Mửa ra đắng biết là tà ở Đởm. Mửa chất chua biết là hỏa vào Can.

Thanh - Lý Dụng Tử 
“Chứng trị vậng bổ - Hung cách môn - Ẩu thổ” 

Câu này căn cứ vào đặc điểm khẩu vị nôn mửa để phân biệt tà nhiệt ở bộ vị Tạng Phủ, phù hợp với nhận thức lâm sàng. Đởm chấp vị đắng, vì đởm nhiệt đến nỗi đởm khí nghịch lên khiến trong miệng có vị đắng cho nên đây mới nói "biết là tà ở Đởm". Vị của Can thì chua, Can nhiệt mà khí nghịch lên thì miệng thấy ứa nước chua, do đó mà "biết là hỏa vào Can".


191. Mới bị di là do tướng hỏa không yên. Bị di lâu ngày, bệnh tại khí hư không bền. 

Thanh - Dư Thính Hồng 
"Dư Thính Hồng y án - Di tinh" 

Câu này lấy phát bệnh mới hay lâu để chẩn đoán phân biệt chứng hậu di tinh thuộc hư hay thuộc thực có thể nói là không thừa. Di tinh mới phát, phần nhiều do quân tướng hỏa động, khuấy động làm mất vị trí của tinh khí mà di tinh. Cho đến khi lâu ngày là do Thận khí suy hư, cửa tinh không bền mà tiết ra. Hai hiện tượng ấy, một thuộc hư, một thuộc thực. Đương nhiên, để phân biệt hư thực, còn phải lấy biểu hiện lâm sàng làm chủ yếu, bệnh mới hay lâu chỉ góp một phần kiến thức để tham khảo.


192. Phụ nữ mạch ở Thủ thiếu âm động mạnh là có thai

“ Tố vấn – Bình nhân khí tượng luận” 


193. Âm bác dương biệt , như thế là có con.

“ Tố vấn – Âm Dương biện luận” 

Hai y văn này nêu lên mạch tượng ở người có thai, nêu lên yếu điểm về nhận thức mạch có thai. Thủ Thiếu âm mạch chỉ mạch ở tả thốn chủ Tâm huyết. Phụ nữ nguyệt kinh mới ngừng, mạch ở tả thốn hoạt động mạnh hơn bộ vị khác, đó là biểu hiện huyết muốn tụ lại để nuôi thai, cho nên nói "là có thai".

"Âm" và "Dương" ở "Âm bác dương biệt" là chỉ phân biệt Xích mạch và Thốn mạch. Xích mạch thuộc âm là nơi chốn của Thận. Bào thai buộc vào Thận, đến nỗi mạch ở hai bộ Xích Hoạt Sác mạnh ở dưới ngón tay, có khi còn mạnh hơn thốn bộ Dương mạch, đó là hiện tượng có thai. Sào Nguyên Phương viết trong "Chư bệnh nguyên hậu luận” : "Chẩn Xích mạch ở người phụ nữ có thai, chuyển nhanh như vuốt lên chuỗt hạt châu đó là sắp sinh" có thể tham khảo.


194. Thể trạng vốn hư mà không nghe được, điều trị ở Thận. Tà xâm phạm làm vít khiếu, điều trị ở Đởm

Thanh - Diệp Thiên Sĩ 

"Lâm chứng chỉ nam y án - Nhĩ môn" 

"Không nghe được" và "làm vít khiếu" là chỉ tai điếc. Câu này nói lên nguyên nhân bệnh, bộ vị mắc bệnh của chứng tai điếc thuộc hai thể Hư và Thực, và hướng dẫn người ta đại pháp điều trị.

Thận khai khiếu lên tai. Đường lạc của Đởm cũng bám vào tai. Cho nên tai điếc có liên can tới hai tạng khí này. Trường hợp do chính khí hư mà tai điếc, phần nhiều do Thận âm suy kém đã lâu, nội phong Can dương che lấp khiếu ở trên, điều trị nên tư âm trọng trấn, tư thuỷ hàm mộc. Trường hợp ngoại tà vít lấp khiếu đến nỗi tai điếc, phần nhiều do Thiếu dương phong hỏa quấy rối ở trên gây nên, điều trị nên thanh tả Đởm kinh. Trên đây là nét đại cươnng. Tai điếc cũng còn liên can tới các tạng khác, kinh khác, tuỳ trường hợp mà biện chứng.


195. Đởm nhiệt chuyển lên não thành Tỵ uyên. Can nhiệt chuyển lên Phế sinh Tỵ trĩ.

Thanh - Vương Húc Cao 
"Hoài Khê thảo đường y án - Chư khiếu môn" 

Câu này quy nạp nguyên nhân và cơ chế bệnh hai loại bệnh chứng Tỵ uyên và Tỵ tri. Tỵ uyên là mũi chảy ra nước đặc tanh hôi, thậm chí không ngửi được mùi thơm thối, phần nhiều do Đởm nhiệt rời lên não gây nên. Tố Vấn - khí quyết luận nói "Đởm rời nhiệt lên não thì cay ngứa Tỵ uyên" chính là ý này. Tỵ trĩ là trong mũi mọc thịt thừa, do Can Kinh uất nhiệt phạm lên Phế gây nên. Đương nhiên, hai loại bệnh chứng này vị trí phát bệnh đều ở Phế kinh, trong điều trị thanh Can lợi Đởm đồng thời nên chiếu cố cả thanh Phế nữa.


196. Chứng bên trong có khi không liên can đến bên ngoài. Chứng bên ngoài thì cái gốc tất phải liên quan đến bên trong. 

Hiện đại - Minh Kiên 
dẫn lời trong "Y lâm xuyết anh” 

Câu này nêu lên cơ chế bệnh nội tại của bệnh chứng ngoại khoa, là căn cứ lý luận cung cấp cho biện chứng tật bệnh ngoại khoa. Ngoại bệnh cầu nội tại chi căn nguyên

Cơ thể con người là một chỉnh thể hữa cơ, nội tạng với thể biểu có sự liên hệ với nhau. Nội khoa cần phân biệt chứng hậu ở bên ngoài, ngoại khoa nên tìm căn nguyên nội tại. Cho dù bệnh biến nội tạng không nhất định phản ánh ra thể biểu, nhưng bệnh biến ngoại khoa tất nhiên có cả cơ chế bệnh nội tại. Làm thầy thuốc ngoại khoa cần phải giỏi từ ngoài mà đo lường bên trong, từ biểu mà đo lường ở lý, tìm bằng được một nhận thức xác đáng, thích hợp về cơ chế bệnh.


Đởm nhiệt chuyển lên não thành Tỵ uyên. Can nhiệt chuyển nên não thành Tỵ trĩ

Thanh – Vương Húc Cao 
“Hậu khê thảo đường y án – Chư khiếu môn” 

Câu này quy nạp nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh hai chứng bệnh Tỵ uyên và Tỵ trĩ.

Tỵ uyên là mũi chảy ra nước đặc mùi tanh hôi, thậm chí không ngửi được mùi thơm thối. Phần nhiều do đởm nhiệt rời lên não gây lên.