Hư-Thực

Hư là chính khí không đủ, bệnh từ trong ra, phần nhiều là chứng hư. Thực là tà khí có thừa, bệnh từ ngoài vào, phần nhiều là chứng thực.

Nội kinh nói: “Tà khí thịnh thì thực, tinh khí bị đoạt thì hư”. Phàm nói đến bệnh hư thực, nghĩa là tinh khí bị đoạt là hư, đoạt đồng nghĩa như bị thất thoát, ở trong không giữ vững được, chính khí bị uy hiếp. Thực nghĩa là tà khí thịnh thì thực. Đã gọi là bệnh, sao lại còn bảo là thực, đó là do tà khí ở ngoài vào làm ra thực. Tà khí là Lục dâm: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa.


Tinh khí tức là chính khí, là chất tinh vi do cơm nước hóa sinh ra. Thịnh thì thực nghĩa là: Tà khí đương ở thời kỳ găng thịnh thì gọi là chứng thực, mạch ba bậc phù, trung, trầm đều hữu lực, gọi là mạch thực, thực thì nên tả, nặng thì cho phát hãn, cho hạ, nhẹ thì cho thanh hỏa, giáng khí là đủ. Hao tinh mất huyết, dùng sức quá độ, tinh thần mệt quá làm cho hư yếu ở trong gọi là nội đoạt, do sử dụng thuốc hãn, thổ, hạ, thanh lương nhiều quá, làm hư hao ở ngoài gọi là ngoại đoạt. Khí kém tinh thần mỏi mệt gọi là chứng hư. Mạch ba bậc phù, trung, trầm đều không có lực gọi là mạch hư, hư thì nên bổ, nhẹ thì dùng ôn bổ, nặng thì dùng nhiệt bổ. (Ví như bệnh nhiệt không sợ gió lạnh, không muốn đắp mền mặc áo, tiếng nói mạnh, hơi thở to, thích uống nước lạnh, ưa chỗ sáng, ghét chỗ tối, tiểu tiện đỏ ít, đại tiện táo bón, hoặc có các chứng no hơi, ọe mửa, đau sườn, bí đái, đều là chứng thực nhiệt, còn hư thì theo đó mà suy ra).

Nếu bệnh hư thì sợ lạnh, muốn đắp mền mặc áo, biếng nói, ít hơi, uống nước nóng, ưa yên tĩnh, ghét tiếng động, tiểu tiện trong dễ đi, đại tiện lỏng, hoặc đầy hơi trướng và các chứng hư bế đều là hư nhiệt, còn thì theo đó mà suy ra.

Chứng thực quá tựa như hư, hư quá tựa như thực. Nếu chứng không đủ bằng cứ thì nên xem mạch, mạch còn chưa rõ lắm thì phải xem mạch trầm và xem lâu. Các chứng giả đều phát hiện ra ngoài biểu, cho nên xem mạch phù thì mạch cũng sẽ giả. Các chứng thật đều ẩn núp ở trong lý, phải xem mạch trầm thì mới phân biệt được. Vả lại mạch thực thì trước sau như một, mạch hư thì bỗng khi to khi nhỏ, gặp khi to thì sẽ cho là thực, gặp khi nhỏ sẽ cho là hư, như vậy rất dễ lầm, cho nên phải xem đi xem lại thật lâu, thì thực hư chân giả sẽ phân được rõ ràng. Song khi biện mạch đã rõ rồi, cũng chưa nên vội chắc, còn phải xét xem khí bẩm mạnh hay yếu, vóc người hư hay thực, chứng bệnh lâu hay mới, có bị uống lầm thuốc hay không? Nhận xét về mọi mặt như vậy thì sẽ thấy được đầy đủ.

Mình lạnh, mạch tế, đại tiểu tiện bình thường và những khi bệnh mới khỏi và chứng ra mồ hôi biếng ăn là hư, nếu mình nóng, mạch đại, tiểu tiện không thông lợi, ăn được, tinh thần mờ mịt, buồn bực, vật vã khát nước nhiều là chứng thực. Đại tiện ra sắc xanh, vị và đại trường hư lạnh, gặp mùa đông thì cảm lạnh, mùa hè thì cảm nóng, khí bẩm yếu đuối, đó là âm dương đều hư, nói được là hư, không nói được là thực. Tiểu tiện bí không thông là hư, gắt đau là thực. Các chứng đau ở trong bụng ngoài da, ấn vào thấy dễ chịu là hư, ấn vào lại càng đau dữ dội là thực. Tam dương thực, tam âm hư thì mồ hôi ra không ngớt. Ra là hư, vào là thực, hoãn là hư, cấp là thực.