Dựa vào mạch để dùng thuốc

Mạch 6 bộ trầm vi, hai bộ xích mạch không có căn, đó là nguyên dương nguyên âm sắp tắt. Chỉ có Sâm Phụ thang (Nhật/5) là may có cơ cứu vãn được.

Mạch 6 bộ tế sác, mạch hai bộ xích không có căn, là nguyên dương nguyên âm sắp hết. Chỉ có Thục địa, Quế, Phụ là có thể cứu vãn lại được.


Mạch 6 bộ hồng đại có lực, là chân âm suy, nên uống Lục vị thang (Huyền/2).

Mạch bộ thốn tay phải lại hồng đại hơn, nên uống Lục vị thang gia Mạch môn, Ngũ vị.

Mạch hồng đại mà sác, là chân âm không đầy đủ, bị dương tràn lấn, nên uống Lục vị thang gia Ngũ vị, Nhục quế.

Mạch huyền, tế, sác là chân âm chân dương bị hao tổn, nên uống Bát vị thang.

Mạch 6 bộ hồng đại không có lực, là khí của trung tiêu không đầy đủ, vinh âm bị thiếu, nên uống Dưỡng vinh thang (Khôn/52).

Mạch 6 bộ trầm tế không có lực, là nguyên dương của trung khí bị hư dữ, nên bồi bổ cho trung châu để bổ dưỡng khí huyết cho ấm, nên uống Quy tỳ thang (Khôn/45) bỏ Mộc hương, Thập toàn đại bổ thang (Khôn/43) bỏ Bạch thược gia Quế Phụ. Nếu mạch đã có vẻ hơi hồi phục, thì nên uống Dưỡng vinh Quy tỳ thang (Khôn/53).

Mạch 6 bộ trầm hoãn và rất nhỏ, là nguyên dương sắp thoát, nên đổ xô về việc cứu vãn nguyên khí. Nhẹ thì dùng Nhân sâm Lý trung thang (Nhật/10). Nặng hơn thì dùng Phụ tử lý trung thang (Nhật/41) không nên cho một chút âm dược nào lẫn vào.

Mạch 6 bộ tế sác, ấn lâu thấy không có thần. Đó là âm dương ở cả tiên thiên và hậu thiên đều suy. Nên uống Bát vị hoàn (Huyền/1) buổi sớm, đến buổi chiều uống Dưỡng vinh thang (Khôn/52) bỏ Trần bì. Hoặc Thập toàn đại bổ thang (Khôn/43) bỏ Xuyên khung, Sinh địa thay thế bằng Thục địa.

Nếu mạch hai bộ thốn hồng đại, hai bộ xích không có lực, đó là trên nhiệt dưới hàn, trên thịnh dưới hư, nên uống Bát vị hoàn (Huyền/1) gia Ngũ vị, Ngưu tất. Uống đến khi mạch ở thốn và xích đều bình thường rồi, thì theo đúng phương trên và pha thêm nước Sâm cho uống. Nếu hai bộ xích có lực, hai bộ thốn rất yếu, là nguyên khí hạ hãm, dưới thực trên hư. Nên uống Bổ trung ích khí thang (Khôn/1). Phàm các chứng bị khó nhọc thương tổn tâm tỳ, khí huyết suy kém không nên bổ thận, bổ thận thì ở dưới thực mà trên càng hư. Ví như khí ở dưới đất đã lên được thì khí ở trên trời sẽ xuống. Hai khí sẽ giao thông với nhau hóa thành ra mưa móc, khí đó được lưu hành thì sinh khí còn tồn tại mãi.

Mạch 6 bộ không có lực, là khí huyết đều suy, nên uống Thập toàn đại bổ thang (Khôn/43). Nếu không có Sâm gia bội Kỳ, Truật. Mạch tả xích hư nhược hoặc tế sác, đó là chân âm không đầy đủ, nên uống Lục vị thang (Huyền/2).

Mạch hữu xích trì nhuyễn hoặc trầm tế như muốn tắt, là chân hỏa ở mệnh môn suy, nên uống Bát vị địa hoàng thang (Huyền/1). Nếu 3 bộ mạch bên trái đều hồng mà không cứ thứ tự, là thận âm hư dương không có nơi nương tựa, nên uống Bát vị địa hoàng thang (Huyền/1).

Mạch tuy sác mà bộ xích không có lực, tuy hồng nhưng ấn vào không thấy động, mặt đỏ là âm hư, mặt không đỏ là dương hư. Hai mạch xích đều nhược là âm dương đều hư, nên uống Thập bổ hoàn (Huyền/25).

Mạch 6 bộ hồng đại không có thứ tự là thận âm rất hư, dương không có nơi nương tựa, tan nổi ra ngoài, không phải là thực hỏa. Nên uống gia giảm Bát vị hoàn (Huyền/1) bỏ Phụ tử, tăng thêm Nhục quế một lạng cho uống nguội; đợi đến khi hiện rõ ra chứng lý hàn mạch thoát rõ ràng rồi, lại phải bổ mạnh cho chân dương, gia thêm Phụ tử sắc uống.

Mạch 6 bộ hồng đại không có thứ tự, ấn vào thấy hiện mạch vi nhược. Vì quá ham tửu sắc làm kiệt chân âm, hỏa không nơi nương tựa, cho nên phát nóng lên trên, nên cho uống Thập toàn đại bổ thang (Khôn/43) và uống thêm Bát vị hoàn (Huyền/1).

Như chứng bệnh đáng dùng Thập toàn mạch phế thấy hồng đại, thì bỏ Khung, Kỳ gia Mạch, Vị để thu liễm phế khí.

Mạch 6 bộ đều không có lực, dùng Thập toàn bỏ Địa hoàng và Bạch thược, không có Sâm thì gia bội Kỳ Truật.

Mạch 6 bộ phù sác là chứng vong dương, thì phải tạm thời kiêng Địa hoàng thang, tuy rằng trong đó có Quế, Phụ nhưng nó chỉ làm tá sứ cho âm dược mà thôi.

Mạch 6 bộ phù đại không có lực, là trung khí không đủ để doanh dưỡng, âm khí có thừa mà làm mất tác dụng giữ gìn nguyên khí; cho nên trong chất thuốc bổ khí huyết cần gia thêm những vị thu liễm, nên uống Dưỡng vinh thang (Khôn/52) để Ngũ vị bỏ Trần bì.

Mạch 6 bộ phù hồng, phù sác, tế sác có lực, nên tư bổ cho chân âm. Nếu không có lực là cái điểm chân âm đã bị mất, dương mất chỗ tựa, tinh thần mờ mịt, són đái cũng không biết. Nên uống Bảo âm phương (Hiệu phỏng/29) gia thêm 3 phân Phụ tử.

Mạch 6 bộ trầm vi, trì hoãn không có lực, chân tay thường giá lạnh luôn, trán đổ mồ hôi, không muốn ăn uống, đại tiện đi lỏng, là dương khí đã mất, âm không có chỗ nương tựa, mà tinh thần còn tỉnh táo, là thủy còn nuôi được kim, cho nên tinh thần tỉnh táo. Nên uống Sâm phụ thang, Truật phụ thang (Nhật/19). Uống tới khi dương khí đã hơi vượng, 6 bộ mạch đã có lực, thì đổi sang dùng Bát vị thang (Huyền/1) bội Quế, Phụ.

Mạch thấy tế sác là rất hàn, mới sờ tay vào mạch không ứng động, ấn trung bình cũng không thấy ứng động, ấn nặng tay không thấy chạy nhanh lắm là trong trầm có mạch. Nên uống Phụ tử lý trung thang (Nhật/41), Bát vị thang (Huyền/1) bội Quế, Phụ.

Nếu như hai bộ thốn thấy mạch phù, hai bộ quan huyền sác, hai bộ xích trầm vi không có lực, nên uống Toàn chân nhất khí thang (Tâm đắc/1) hoặc uống thang Bát tiên gia Ngưu tất. Nếu hai bộ thốn phù, sác, gia Liên nhục, Đăng tâm.

Nếu hai mạch xích phù sác, hai mạch thốn trầm vi, nên uống Bổ trung ích khí thang (Khôn/1) để làm cho thăng đề. Phương thuốc này chữa dương hư hạ hãm. Hoặc mạch phù sác, nên uống Lục vị thang (Huyền/2) để thanh nhiệt, đem giáng để làm thăng.

Nếu hai mạch thốn phù hồng, hai mạch quan phù sác, hai mạch xích trầm vi không lực, nên uống Bát vị thang (Huyền/1) gia Mạch môn, Ngưu tất.

Nếu mạch ở tả quan là can mộc thấy trầm là mẹ lấn đến bộ vị của con, nên uống Ngũ linh tán (Nhật/29) gia Ngô thù, hoặc Bát vị thang gia Ngô thù. Hoặc 6 mạch thấy huyền sác là nhiệt, nên uống thang Lục vị gia Quy Thược. Nếu mạch xích thấy trầm huyền là hàn, nên uống Bát vị hoàn (Huyền/2) cho bội Quế Phụ.

Mạch bộ tỳ ở hữu quan trầm huyền là hàn. Nên uống Phụ tử lý trung thang (Nhật/41) hoặc Lục quân tử thang (Khôn/12) gia Can khương. Nếu đau bụng gia Ngô thù.

Phàm muốn bổ khí huyết cũng phải nhờ vào sự vận hóa của tỳ vỵ mới được, bởi vì tỳ vỵ là nguồn sinh hóa của khí huyết, tất cả muôn vật đều nhờ được sự tư bổ đó, cho nên đời xưa các phương thuốc bổ tỳ đều dùng Khương Táo là có ý nghĩa như vậy, huống hồ khi sức vận hành của trung tiêu đã bị hư kém, cho nên phải dùng chất tân ôn, để khích động cho sức thuốc tự vận hành được, mà không làm bận cho tỳ vị, phải dùng nhiều sức chuyển vận; Ví như dùng Mộc hương vào trong Quy tỳ, Nhục quế vào trong bài Thập toàn là thế.

Dương của tiên thiên bị hư thì bổ mệnh môn; dương của hậu thiên bị hư thì bổ vị khí, âm của tiên thiên hư thì bổ thận thủy, âm của hậu thiên hư thì bổ tâm can. Bởi tâm là chủ huyết, can là tàng huyết; Song phải trọng vào thái âm, vì tỳ là căn bản của vinh vệ, là nền tảng của nguồn sinh hóa; là thống soái của huyết. Vả lại trong một phương thuốc cũng có vị hợp với mạch và có vị không hợp với mạch; Vị nào hợp thì gia thêm vào, vị nào không hợp thì nên bỏ đi. Như chứng bệnh đáng dùng Thập toàn đại bổ thang, mà mạch ở phế bộ hồng đại, thì phải nên bỏ Xuyên khung và Hoàng kỳ, và nên gia Mạch môn, Ngũ vị. Bởi vị của Xuyên khung cay và có tính thăng lên, Hoàng kỳ tuy vị nó ngọt, khí đượm hơn vị, cho nên nó chuyên công bổ cho tỳ phế mà bốc ra ngoài biểu.

6 bộ mạch không có lực thì uống Thập toàn là rất đúng. Nếu không có Sâm thì cho gấp bội Hoàng kỳ và Bạch truật, chỉ nên dùng Đương quy mà nên bỏ Sinh địa, Bạch thược. Bởi vì chứng này trọng về bổ khí, thì vị Đương quy là dương ở trong âm, còn Sinh địa, Thược dược là âm ở trong âm.

Còn như thang Địa hoàng, dựa vào mạch nhẹ hay nặng mà cải biến sử dụng đều thu được công hiệu rất tốt. Nhưng khi thấy 6 mạch trầm, vi là triệu chứng vong dương, thì phải tạm kiêng không nên dùng. Tuy trong đó có Quế Phụ là nhiệt, nhưng nó chỉ là những vị tá sứ mà Địa hoàng và Sơn thù là một đoàn âm dược, làm quân và thần cho nên có thể tiêu được hỏa. Thục địa có thể dùng đến 2, 3 lạng, nhưng Sơn thù chỉ có thể tăng đến 3, 4 đồng cân. Bởi Sơn thù vị rất chua có thể che lấp mất tính năng sở trường của các vị khác. Huống hồ gượng uống vị thuốc quá chua thì tránh sao khỏi sự làm tổn thương đến vị khí.

Phùng Triệu Trương nói: “Người ta chỉ biết rằng 6 bộ mạch hồng sác có lực là thực nhiệt, chứ không hiểu rằng nếu mạch hồng sác chỉ xuất hiện ở bộ thốn, tức là trên nhiệt, giữa hư và dưới hàn. Mạch đại mà sác là dương khí vượt ra ngoài. Mạch tế mà sác là âm ở trong hao kiệt, đều không phải là thực nhiệt, hết thảy những chứng ấy phải nhận là chứng hư”. (Tôi nắm được những bí quyết đó, và trải qua kinh nghiệm nhiều năm nên thu được công hiệu rất mau, thực là một ý nghĩa rất sâu sắc về phép chữa bệnh hư không có chi hơn).

Phục Am nói: “Uống thuốc lương mà mạch lại thêm sác là hỏa uất, phải nên thăng đề và bổ dưỡng, nhất thiết kiêng dùng hàn lương, nếu dùng sẽ chết”. (Mạch hồng đại mà sác, người ta cho là âm hư dương thịnh mà dùng Tri bá Địa hoàng thang (Huyền/4) là nhầm.

Nếu quả nhiên là chân dương thịnh và thực thì dùng bài đó để giúp cho công dụng soi sáng mà nuôi dưỡng giúp đỡ làm cho mạch trở lại có lực có thần và nhịp nhàng có thứ tự như thường. Duy có chứng chân âm suy kém, giả dương tràn lấn, ví như mặt trời không được sáng tỏ, để cho hỏa Long lôi bốc cháy bừa bãi, sinh bệnh tật rối ren. Nên uống Lục vị (Huyền/2) gia Ngũ vị, Nhục quế để giúp cho khí dương tỏa sáng mà đuổi Long lôi hỏa trở về nguyên chỗ.

Nếu thấy mạch huyền sác, tế sác là chân âm chân dương đều tổn hại, càng phải trọng dụng Lục vị và gia thêm chút ít Quế, Phụ, để đem hỏa giúp cho hỏa; Khi hỏa đã trở về với đồng loại rồi, thì cái thừa thắng kia cũng sẽ chế được. Hỏa đã chế được rồi thì âm dương cũng sinh trưởng được dễ dàng. Vả chăng mạch vi, hoãn vừa phải là hiện tượng có vị khí.

Nay mạch không vi mà hiện hồng đại, không hoãn mà lại hiện huyền sác, như vậy là hầu như không có vị khí. Đem dùng bài này đã bổ cho chân dương để dẹo cái giả dương lại, mượn chân hỏa để bảo vệ cho tỳ thổ, đó là phương pháp rất hay để bổ chân âm chân dương của thận, có khi vì lao tâm lao lực thái quá, ăn uống không điều độ, làm cho khí huyết của tâm tỳ bị hao tổn. Nếu luận về căn bản rồi chỉ có bổ thận, thì nguyên khí vẫn bị hãm xuống dưới, nguồn hóa sinh bị cạn ở trên, thận khí ở dưới lấy đâu mà được đầy đủ, nếu ở dưới thực thì trên lại càng hư).