Những bài thuốc chữa huyết với khí hợp làm một

BÁT TRÂN THANG

Tất cả những trường hợp sử dụng các bài Bát trân, Quy tỳ, Thập toàn, Dưỡng vinh đều phải gia Bào khương vì nó có tác dụng dẫn khí dược vào khí phận, dẫn huyết dược vào huyết phận. Nếu muốn cho phát hãn thời dùng Gừng sống, nếu muốn ôn trung thời dùng Gừng nướng
Nhânsâm
Bạch truật
Phục linh
Chích thảo
Đương quy
Thục địa
Bạch thược
Xuyên khung
    • Phân lạng phải tùy theo chứng hậu để phân định quân thần mới đúng. 
    • Bài này chữa Tâm Phế hư tổn, khí huyết đều hư (Phế chủ khí, Tâm chủ huyết) và Vỵ tổn không sinh ra da ra thịt, sợ lạnh, phát sốt, phiền táo và khát, đại tiện phân không rắn, uống ăn kém sút, đau bụng dưới dữ dội, chóng mặt, lẫn lộn.

    Ý nghĩa

    • Khí là Vệ thuộc dương, huyết là Vinh thuộc âm, đó là “lưỡng nghi” ở thân con người. Dùng toàn bài Tứ vật thời “độc âm” không thể sinh, dùng toàn bài Tứ quân thời “cô dương” không thể trưởng. Hai bài hợp một thời khí huyết sẽ điều hòa, không còn lo gì âm dương hơn kém nữa. Kinh nói: “khí huyết hòa bình, sẽ được sống lâu...” là nghĩa đó.

    Gia giảm

    • Khí hư nhiều, huyết hư ít, dùng bài Tứ quân gấp bội, còn bài Tứ vật thời giảm bớt Xuyên khung.
    • Vừa hư yếu lại kiêm cả hàn, gia Nhục quế, nặng thời gia Can khương, Phụ tử.
    • Vừa hư yếu lại kiêm cả trệ, gia Trần bì.
    • Vừa hư yếu khí không thu liễm được, bỏ Xuyên khung, gia Ngũ vị tử.
    • Huyết hư nhiều, khí hư ít, bài Tứ vật dùng nhiều gấp đôi, Sinh địa đổi làm Thục địa, bỏ Xuyên khung, bài Tứ quân dùng ít hơn, bỏ Bạch linh, Bạch truật tẩm sữa sao.
    • Khí huyết đều hư, lại có ngoại cảm, không nên nhằm vào mặt giải cảm mà nên gia Hoàng kỳ, Nhục quế để phù chính khu tà. Đó là yếu pháp chữa chứng hư. Nếu là người già bị “sốt rét” hoặc người “rét kinh niên” mà khí huyết đều hư, nên uống nhiều bài này để trừ căn.

    THẬP TOÀN ĐẠI BỔ THANG

    • Tức là bài Bát trân gia Hoàng kỳ 3 đồng cân để giúp khí dương bên ngoài biểu. Nhục quế 5 phân để dẫn hỏa trở về nguồn. Chữa chứng hư lao mỏi mệt, các chứng hư sinh ra rất nhiều, nóng sốt và khát, họng đau, lưỡi nứt, tâm thần hỗn loạn, chóng mặt, hoa mắt, thức nhiều, ngủ ít và ăn không tiêu.
    • Phàm chứng khí huyết đều hư, nặng lắm thời chân âm kiệt ở bên trong, hư dương dồn ra ở bên ngoài, các biến chứng sinh ra rất nhiều, muốn cho được “trợ dương cố vệ” cần lấy bài này làm yếu dược.

    Ý nghĩa

    • Đan Khê nói: thực hỏa cần phải tả, dùng những loại thuốc như Cầm, Liên. Hư hỏa cần phải bổ, dùng những loại thuốc như Sâm, Kỳ. Con người một khi căn bản đã bị thương, hư hỏa tản ra bên ngoài cả, nếu dùng lầm thuốc để công nhiệt, sẽ biến chứng nguy hiểm, phần nhiều là thiệt mạng, bài này dùng Tứ vật để bổ huyết, dùng Tứ quân để bổ khí, lấy Hoàng kỳ làm tá cho bổ sung ra tấu lý. Lấy Nhục quế để dẫn hỏa về nguồn.
    • Tiết Lập Trai nói: các chứng nhiệt phát sinh bởi uống ăn mỏi mệt, năm tạng khuy tổn, đều do cái hỏa “vô căn” gây nên, cần cho uống bài này để giữ lấy rễ cho bền vững, các chứng khác sẽ tự lui hết.
    • Ngọc Hàm nói: Phàm chứng hư dùng mười phần bổ, không nên cho xen vào một phần tả... Tức là cái tác dụng của bài này. Nội dung của nó có Quế, Truật, Cam thảo. Tức là bài Hoàng kỳ kiến trung thang, có Sâm, Truật, Linh, Thảo là bài Tứ quân, có Khung, Quy, Thục, Thược là bài Tứ vật... Do khí huyết đều suy, âm dương đều kém, bắt trước cái số thành của trời đất cho nên gọi là Thập toàn.

    Biến pháp của bài Thập toàn

    ĐẠI BỔ HOÀNG KỲ THANG

    • Chữa chứng khí huyết đều hư, tự đổ mồ hôi không dứt, và chứng dương hư sinh ra giá lạnh, Hoàng kỳ sợ Phòng phong, hai vị hợp dụng lại cầm được mồ hôi rất chóng.
    • Tức là bài Thập toàn bỏ Thược dược, gia Sơn thù, Ngũ vị, Thung dung và Khương Táo cùng sắc uống.

    ĐẠI PHÒNG PHONG THANG

    • Chuyên chữa Hạc tất phong (gối hạc).
    • Tức là bài Thập toàn gia Phòng phong làm quân, và Khương hoạt, Phụ tử, Đỗ trọng, Ngưu tất.

    ÔN KINH ÍCH NGUYÊN TÁN

    • Chữa chứng sau khi phát hãn sinh ra hoa mắt, trong lòng hồi hộp, rùng mình giật gân, hoặc đổ mồ hôi ra mãi không dứt, hoặc sau khi uống thuốc hạ rồi cứ đi tháo mãi không cầm được, mình mẩy đau nhức. Thái dương chứng hãn nhiều thời vong dương, cho nên có các chứng hoa mắt, giật gân v.v... Dương minh chứng nên hạ, nhưng hạ nhiều thời vong âm, cho nên có các chứng hạ lỵ và mình đau v.v...
    • Tức là bài Thập toàn bỏ Xuyên khung gia Trần bì.

    TAM TÝ THANG

    • Chữa chứng khí huyết ngưng trệ, tay chân co quắp... Phong, hàn, thấp gọi là Tam tý (Tam tê).
    • Tức là bài Thập toàn dùng Quế tâm, bỏ Truật, gia Đỗ trọng, Ngưu tất, Tục đoạn, Tế tân, Tần giao, Độc hoạt, Phòng phong (các vị bằng nhau), thêm Khương, Táo cùng sắc uống.

    ĐỘC HOẠT KÝ SINH THANG

    • Chữa Can Thận hư nhiệt, phong thấp phạm vào eo lưng và đầu gối, đều đau lạnh và tê, không có sức, co duỗi khó khăn.
    • Tức là bài Thập toàn dùng Quế tâm, bỏ Kỳ, Truật gia Tang ký sinh (không có thời dùng Tục đoạn), Tần giao, Phòng phong và Ngưu tất, các vị bằng nhau cùng sắc uống.

    ĐẠI TẦN GIAO THANG

    • Chữa chứng trúng phong, tay chân không cử động được, líu lưỡi không nói được, phong tà tán loạn, không nhất định ở kinh nào. Tôi có bài “biện về sự dùng nhầm các bài Tứ quân, Tứ vật và Bát trân” chép trong tập Đạo lưu dư vận, nên tham khảo.
    • Tức là bài Thập toàn bỏ Nhân sâm, Hoàng kỳ, Nhục quế, gia Thạch cao, Hoàng cầm, Phòng phong, Khương hoạt, Độc hoạt, Tế tân. Mỗi lần cho uống một lạng.
    • Mưa nhiều hoặc thời tiết ẩm thấp, gia Sinh khương; hai mùa Xuân, Hạ gia Tri mẫu; Tâm bĩ gia Chỉ xác.

    QUY TỲ THANG

    Bài này của ông Nghiêm Dụng Hòa chế ra. Phàm dùng Bài Quy tỳ uống xen với Bátvị hoàn thì nên uống về buổi chiều để cho huyết trở về âm phận. Nếu là tùy chứng uống riêng thời không phải theo nguyên tắc đó.
    Nhân sâm 2 đồng cân
    Bạch truật 2 đồng cân
    Phục thần 2 đồng cân
    Táo nhân 2 đồng cân
    Long nhãn 2 đồng cân
    Viễnchí (bỏ lõi) 1 đồng cân
    Quy thân 1 đồng cân
    Hoàng kỳ (nướng) 1 đồng cân rưỡi
    Chích thảo 7 phân
    Mộc hương (dùng sống) 5 phân
    Tỳ hư lắm thời hấp cơm, thêm Khương, Táo cùng sắc uống.
    • Bài này chữa chứng lao động trí óc quá độ làm tổn hao tâm, tỳ gây nên các chứng đánh trống ngực, kinh sợ hồi hộp, lú lẫn hay quên. Khí ở trên không đầy đủ, khí ở dưới có thừa. Trường vỵ thực mà tâm khí hư, cho nên chóng quên. 
    • Tâm tàng chứa thần mà sinh huyết, tỳ chứa chí mà thống huyết, cho nên nghĩ ngợi quá thời nội tạng bị thương mà huyết không về kinh. Vì tâm bất lực nên mới có các chứng quên, ra mồ hôi trộm (mồ hôi là chất “dịch” của tâm), thức mà khó ngủ (tỳ chủ về nghĩ và chứa huyết, tỳ bị thương thời huyết không về kinh mà khó ngủ), phát sốt (bởi tỳ chủ cơ nhục nên có chứng phát sốt), tay chân sưng đau hoặc tâm tỳ sưng đau (vì làm gì nặng thời đau, nặng lắm thời khí uất mà tâm tỳ đều đau), thân thể mỏi mệt (vì tỳ chủ tứ chi), ưa nằm, ăn ít (do tỳ huyết không đầy đủ, tỳ khí không chuyển vận), đại tiện không đều, hoặc đại thổ, nục (huyết ra đằng mũi). Trường phong (đại tiện ra huyết), băng huyết, lậu huyết (huyết ra nhỏ giọt – do tỳ hư không giữ được huyết nên huyết mới ra càn không theo đúng đường lối), và đàn bà kinh nguyệt không đều.

    Ý nghĩa

    • Bài này dùng những vị cam ôn như Sâm, Truật, Thảo để bổ Tỳ. Những vị cam ôn toan khổ như Phục thần, Viễn chí, Long nhãn, Táo nhân để bổ tâm (Viễn chí vị khổ, có tác dụng bài tiết được nhiệt ở Tâm, Táo nhân vị toan, có tác dụng thu liễm được tâm khí, tâm là mẹ của tỳ. Quy giúp phần âm để dưỡng huyết, Mộc hương hành khí để dẫn về tỳ...nó đã dẫn hành được khí ở trong huyết, lại giúp Sâm, Kỳ để bổ khí (Mộc hương hợp với bổ dược thời bổ, hợp với trệ dược mà làm quân thời bài tiết) khí mạnh thời giữ được huyết, huyết tự về kinh mà các bệnh sẽ khỏi.
    • Một thuyết nói: trị chứng huyết do hỏa thực thời trước phải thuận khí, khí hành thời huyết tự về kinh, trị chứng huyết do hư hỏa thời trước phải dưỡng chính khí, khí mạnh sẽ giữ được huyết.
    • Sách Y quán nói: Tâm chủ huyết, tỳ thống huyết, can tàng huyết. Muốn chữa chứng huyết phải nên nhận đúng 3 kinh đó để dùng thuốc. Táo nhân, Viễn chí bổ can để sinh tâm hỏa. Phục thần, Long nhãn, Đương quy bổ tâm hỏa để sinh tỳ thổ. Sâm, Kỳ, Thảo bổ tỳ thổ để bền phế khí, Truật thời dẫn vào tỳ trước, mục đích là làm cho tất cả huyết phải trở về tỳ.
    • Một thuyết nói: dùng các vị Sâm, Linh, Kỳ, Truật, Thảo...khí vị cam ôn để bổ tỳ, dùng các vị Long nhãn, Táo nhân, Đương quy, Viễn chí... tính chất nhu nhuận để bổ tâm, dùng Mộc hương làm tá là vì bệnh phát sinh bởi nghĩ ngợi, khiến khí ở tam tiêu bị nghẽn tắc nhờ cái tác dụng “cởi mở” của nó khí sẽ được hòa, do đó mà huyết cũng hòa theo. Hơn nữa, bình Can có thể làm cho “thực Tỳ” huyết bị phân tán ra bên ngoài, lúc đó đều trở về trung châu, để thuộc quyền thống nhiếp của Thái âm, cho nên mới có tên là Quy tỳ.
    • Tôi xét bài này chuyên chữa về hậu thiên âm huyết suy tổn, tâm không thống huyết, can không tàng huyết, do đó mà sinh ra nhiều biến chứng. Lại chữa cả chứng miệng dù đói mà không ăn được; bài này có tác dụng bổ Thiếu dương tướng hỏa để sinh thổ, lại có tác dụng bổ Can mộc để sinh hỏa rồi hỏa lại sinh thổ... đó là bổ bên ngoài của thổ, cho nên thường hợp dùng với bài Bát vị. Nếu muốn bổ tiếp phần âm của Hậu thiên, nên giảm bỏ Mộc hương, hoặc chỉ dùng tạm một vài thang, không nên uống nhiều, bởi hỏa tức là khí, hỏa hư khí cũng hư, cho nên với những vị tân hương không có lợi gì cho khí, dầu có khí trệ cũng không nên quá dùng. Nên biết rằng: khí không về nguồn không gì hay bằng Quế, Phụ để dẫn hỏa, thổ không tàng dương, không gì hay bằng dùng Sâm, Truật để bổ thổ...thực không phải Mộc hương có thể làm được những việc đó. Tôi có bài “bàn về Quy tỳ thang nên bỏ Mộc hương” chép trong thiên Cách ngôn, nên tham khảo.

    Gia giảm

    • Bài này ông Nghiêm Dụng Hòa chế ra để chữa các chứng bệnh ở hai kinh dương mà phát sinh tại tâm tỳ. Nguyên chỉ có Sâm, Kỳ, Phục thần, Cam thảo, Bạch truật, Long nhãn, Táo nhân, Sinh khương và Đại táo v.v... Tiết Thị gia Đương quy, Viễn chí để chữa chứng huyết hư, lại gia Đan bì, Chi tử để chữa huyết nhiệt...Do đó cái lý dương sinh âm trưởng mới đầy đủ, tùy cơ biến hóa, chữa đủ mọi chứng đều được hiệu nghiệm.
    • Sở dĩ đặt tên là Quy tỳ bởi do can bổ tâm, do tâm bổ tỳ đều dựa theo vào “kinh” và “tạng” để trở về chỗ “thống suất nó, đó là lối chữa gián tiếp 2 lần”. Bởi nó chỉ là huyết dược, không phải là khí dược. Người sau thấy Họ Tiết đắc lực về bài đó, cũng đều a dua dùng theo mà không hiểu ý nghĩa, gia giảm liều lĩnh làm mất hết nghĩa hay. Thỉnh thoảng có đôi người hơi biết cũng chỉ cho là “chữa huyết phải do Tỳ” rồi mơ hồ bắt bóng dùng lẫn cả những vị “ôn trung kiếp ẩm” do đó cái ý nghĩa dụng dược của hai họ Nghiêm, Tiết ngày càng mờ tối.
    • Cao Cổ Phong ở Tứ Minh thâm hiểu lời bàn của Họ Triệu, lại còn đi sâu thêm một bực. Cổ Phong nói: dùng Mộc hương tức là để dồn cho huyết về kinh, nhưng vì nó khí vị hương táo, lại làm động đến Can hỏa và khô tân dịch, cho nên mỗi khi dùng đều bỏ Mộc hương mà gia thêm Bạch thược để thu hồi cái khí chân âm đã bị tan. Vả chăng, phế bị hỏa làm hại, mà Bạch truật thời táo, e sẽ giúp thêm cho chứng khái thấu, nhờ có Bạch thược làm tá, Thái âm sẽ được phát triển công dụng “Dưỡng vinh”, lại phối hợp với bài Hoàng kỳ Kiến trung, nên tính hỏa được thuần. Riêng có chứng tỳ hư sinh ra tỉnh táo lại, nếu có kèm cả hàn mới gia Quế, Phụ để thông dương khí ở trong chân âm. Ngoài ra đều chuyên chú vào ba kinh tâm, can, tỳ dùng toàn các vị cam, bình, ôn, nhuận. Về phương pháp tế sinh không còn nghĩa gì nữa, dù người xưa có sống lại cũng không sao thay đổi được thuyết đó.

    Từ đây trở xuống, trong cách gia giảm bài Quy tỳ, phần nhiều thuật theo ý cổ và phụ thêm tâm đắc của tôi (Hải Thượng Lãn Ông)


    • Hỏa vượng gia Sơn chi, Đan bì.
    • Khí hư sinh thũng trướng, bỏ Mộc hương vì mùi thơm rất dễ làm hao khí, và vị đắng hạ khí rất nhanh, tuy là chứng thực cũng chỉ nên tạm dùng, không nên uống lâu. Nếu uống lâu càng thêm trướng mãn...đó là do thăng quá thời phải giáng.
    • Huyết suy, Vỵ quản khô ráo, thỉnh thoảng lại ọe khan, đó là dấu hiệu sắp đến của chứng “quan cách”, gia Thục địa.
    • Muốn toàn bổ tâm tỳ âm huyết bỏ Mộc hương gia Quế tâm, để chữa chứng than hoán, nên uống xen với bài Bát vị.
    • Mưu tính việc gì không xong, vì khí uất mà sinh bệnh, bỏ Mộc hương, gia thêm nhiều Sơn chi, Bối mẫu, nếu khí hư sa dãn, gia Thăng ma (tẩm rượu sao), chứng này kiêng uống bài Bổ trung ích khí thang.
    • Âm hư không ngủ được gia Sơn chi, Trúc diệp.
    • Huyết hư kinh bế, đau bụng gia Ngũ linh chi, Hồng hoa và Đào nhân.
    • Khí hư bốc lên, kỵ Mộc hương, gia Bạch thược, nên uống xen bài Bát vị.
    • Huyết hư đau bụng, gia Bạch thược.
    • Huyết hư sốt âm, bỏ Mộc hương gia Quế tâm.
    • Hỏa hư gia Nhục quế, nên uống xen bài Bát vị hoàn để bồi dưỡng cho cái gốc của tiên thiên.
    • Muốn bổ riêng tâm huyết, bỏ Mộc hương gia Liên tử.

    Biến pháp của bài Quy tỳ

    TOAN TÁO NHÂN THANG

    • Bài này chữa chứng rạo rực không ngủ được. Tức là Quy tỳ bỏ Mộc hương, Bạch Truật, Long nhãn, gia Phục linh, Trần bì, Liên nhục và thêm Khương, Táo cùng sắc uống.

    NHÂN SÂM DƯỠNG VINH THANG


    Bạch thược 1 đồng 5 phân
    Nhân sâm 7 phân rưỡi
    Trần bì 7 phân rưỡi
    Hoàng kỳ 7 phân rưỡi
    Quế tâm 7 phân rưỡi
    Đương quy 7 phân rưỡi
    Bạch truật 7 phân rưỡi
    Chích thảo 7 phân rưỡi
    Thục địa 7 phân rưỡi
    Phục linh 7 phân rưỡi
    Ngũ vị (sao giã) 5 phân rưỡi
    Viễn chí 5 phân rưỡi
    Gừng 3 nhát
    Táo 2 quả
    Bấy nhiêu vị hợp làm một thang sắc uống.
    • Bài này chữa tỳ phế khí hư, vinh huyết không đầy đủ, ăn ít, bỗng dưng đi tả. 
    • Kinh nói: Tỳ phân chia tinh khí dẫn lên Phế, đó là địa khí thăng lên. Phế chủ về việc trị tiết làm cho thủy đạo thông lợi, dồn xuống bàng quang, đó là thiên khí giáng xuống. Khí của trời đất giao thông với nhau, nên ở trong “quái tượng” là “thái”. 
    • Tỳ, Phế hư thời trên dưới không thông mà thành “bĩ”. Vinh huyết không còn nương tựa vào đâu mà sinh ra được. Phế hư thời hơi ngắn, Tỳ hư thời ăn ít, kinh sợ hồi hộp, chóng quên, nằm ngủ thời ra mồ hôi, nóng sốt và sợ lạnh. 
    • Tâm chủ mạch, mạch thuộc vinh, vinh hư huyết ít thời tâm mất chỗ nuôi dưỡng nên mới sinh ra các chứng đó. Thần mỏi mệt, da vàng, mình gày, sắc khô, tóc rụng. Bởi Phế chủ bì mao, Tỳ chủ cơ nhục, hư hỏa thịnh nên mới sinh ra các chứng đó. 
    • Phàm gặp khí dương xuân thời muôn vật tốt tươi, gặp mùa “khắc nghiệt” thời muôn vật khô héo. Tỳ là “khuôn khổ”, Phế thuộc “càn kim”, khí hư thời trên dưới không giao nhau, âm dương thành bĩ cách...cho nên mặt vàng, thịt gày, cũng như loài vật bị khô héo; tiểu tiện đỏ và ít... Bài này cũng chữa được chứng phát hãn quá nhiều, mình run, mạch động, thịt run, gân giật (Vì mồ hôi là chất “dịch” của tâm, nên chỉ mồ hôi cũng là một dạng huyết. Phát hãn quá nhiều thời huyết dịch khô cạn nên mới có những chứng trên).

    Ý nghĩa

    • Các vị Thục, Quy, Thược là loại dưỡng huyết, Sâm, Kỳ, Linh, Truật, Thảo, Trần là những loại bổ khí. Huyết không đủ thời bổ khí, đó là theo cái nghĩa dương sinh âm trưởng. Vả lại Sâm, Kỳ, Ngũ vị chủ về bổ phế (phế chủ khí, khí sinh huyết), Thảo, Trần, Linh, Truật chủ về bổ tỳ (tỳ thống huyết), Quy, Thược chủ về nuôi can (can tàng huyết), Thục để thấm nhuần cho thận (thận chứa tinh, tinh với huyết cùng sinh); Viễn chí có tác dụng thông thận khí cho đạt lên tâm; Quế có tác dụng dẫn mọi loại thuốc vào dinh để sinh huyết. Năm tạng cùng nuôi, cùng giúp lẫn nhau, cho nên có thể chữa được cả mọi tạp bệnh, mà cái chủ yếu thời là dưỡng vinh (nuôi huyết).
    • Có thuyết nói: Nhân sâm, Ngũ vị để ôn phế; Kỳ, Linh, Cam, Truật để ôn tỳ; Trần, Thược để ôn can; Thục, Quế để ôn thận; Quy, Chí để ôn tâm... “Ôn” tức là cái khí xuân dương; một khi khí xuân dương đã lưu hành, thời thân thể con người lẽ nào không mạnh khỏe nữa. Do đó mới đặt tên là Dưỡng vinh.
    • Tiết Lập Trai nói: Khí huyết hư thời biến ra đủ mọi chứng bệnh, không kể cho xiết. Không cần phải hỏi đến bệnh trạng thế nào và mạch hậu ra sao, chỉ cho uống bài này các chứng sẽ lui hết.
    • Dụ Gia Ngôn nói: Các vị thuốc trong bài này đều thuộc về tâm tỳ... mà ở trên nói “Phế hư là nhầm. Bài Dưỡng vinh vốn không chữa gì đến phế cả”.
    • Tôi xét: Phế chủ khí, nên những loại thuốc bổ khí đều là bổ phế, khí vượng sẽ sinh ra huyết... Như vậy, tuy là dưỡng vinh, mà cũng tức là bổ tâm, bổ tỳ, về phần pháp lý cũng chỉ là một. Các bài thuốc cổ như Bổ huyết thang, Hoàng kỳ nhiều gấp năm Đương quy mà đặt tên là “bổ huyết”, đó là một chứng cớ rõ rệt. Phương chi, năm tạng thấm nhuần lẫn với nhau, “truyền kinh, bố hóa” đều nhờ tác dụng của “tướng, phó”. Vậy có lẽ nào “dưỡng vinh”, mà lại không liên quan tới phế được. Lại xem như Sinh mạch tán là một bài chủ và bảo phế, mà đặt tên là “Sinh mạch”, vì mạch tức là huyết, cùng chung một ý nghĩa.

    Gia giảm

    • Bài thuốc này có tác dụng làm cho khí đất thăng lên, khí trời giáng xuống... Phàm các chứng Tỳ hư, thổ không sinh được kim mà Phế bị yếu, tiểu tiện hoặc bí hoặc đi vặt đều chữa được. Nếu tiểu tiện đi vặt gia Ích trí.
    • Người huyết hư, mắc chứng cảm mạo, rét nóng như sốt rét, gia Sài hồ, Mẫu đơn bỏ Ngũ vị.

    Biến pháp của sách Cẩm nang

    DƯỠNG VINH QUY TỲ THANG

    • Chữa hết thảy chứng lao thương phát sốt, ho, thổ huyết, như sốt rét mà không phải là sốt rét, biếng ăn, mỏi mệt, mạch Thốn Hồng, Xích Nhược.
    Thục địa 3 đồng cân
    Táo nhân 2 đồng cân
    Bạch truật 3 đồng cân
    Bạch thược 1 đồng cân 2 phân
    Ngưu tất 1 đồng cân
    Phục linh 1 đồng cân 5 phân
    Mạch môn 2 đồng cân
    Ngũ vị 6 phân
    Nhục quế 8 phân
    Thêm Đăng tâm, Liên tử cùng sắc uống

    THẬP TOÀN BỔ CHÍNH THANG

    • Chữa tâm tỳ dương khí không đầy đủ, năm tạng khí huyết đều bị thương, tự đổ mồ hôi, sợ lạnh mình nóng, eo lưng đau và cảm mạo thời khí, như chứng sốt rét mà không phải sốt rét, lao thương phát sốt...
    Nhân sâm 1 đồng 5 phân
    Chích thảo 5 phân
    Táo nhân 1 đồng
    Đương quy 1 đồng 2 phân
    Bạch truật 2 đồng
    Bạch thược 1 đồng 5 phân
    Phục linh 1 đồng 5 phân
    Đỗ trọng (sống) 3 đồng
    Tục đoạn 1 đồng 2 phân
    Ngưu tất 2 đồng
    Nhục quế 8 phân
    Hoàng kỳ 2 đồng
    Đại táo 2 quả
    Bấy nhiêu vị hốt làm một thang sắc uống hơi nóng.
    • Nếu trong tâm có nóng bốc gia Đăng tâm; âm hư quá gia Thục địa; có ngoại cảm bỏ Sâm gia Sài và Sinh khương; khí trệ gia một ít Mộc hương; mạch tại Phế bộ Hồng, Đại bỏ Hoàng kỳ gia Mạch môn; Xích bộ bên hữu có lực bỏ Quế; ho bỏ Sâm, Kỳ gia Mạch môn.
    • Nhận xét: Bài này đặt tên là Thập toàn bổ chính, điều hòa đủ năm tạng, bổ ích cả khí lẫn huyết; nếu có ngoại tà thừa hư lọt vào, chính khí đã được sự bồi bổ hỗ trợ của bài này, sẽ có đủ lực lượng dồn đuổi, tà không còn nơi nào dung thân nữa, bệnh sẽ khỏi. Sách nói: “Bổ chính thời tà sẽ hết” chính là nghĩa đó.