Ngũ hành

(Tức là: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ)

1. Tương sinh: Kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim

2. Tương khắc: Kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim.

3. Thuộc về 5 phương: Phương Đông thuộc mộc, phương Tây thuộc kim, phương Nam thuộc hỏa, phương Bắc thuộc thủy, trung ương thuộc thổ.

4. Thuộc về 4 mùa: Mùa xuân thuộc mộc, mùa hạ thuộc hỏa, mùa thu thuộc kim, mùa đông thuộc thủy, tháng cuối trong 4 mùa thuộc thổ.

5. Thuộc về ngũ sắc: Kim thuộc sắc trắng, mộc thuộc sắc xanh, thủy thuộc sắc đen, hỏa thuộc sắc đỏ, thổ thuộc sắc vàng.

6. Vượng, tướng, hưu, tù, tử: Ở đây nói hành nào tại chức là “vượng”, hành nào do hành tại chức sinh ra là “tướng”, hành nào sinh ra hành tại chức là “hưu”, hành nào khắc hành tại chức là “tù”, hành tại chức khắc cái hành nó thắng là “tử”. Cứ theo loại như thế mà sinh ra.

Mùa xuân mộc là vượng, hỏa là tướng, thủy là hưu, kim là tù, thổ là tử.

Mùa hạ hỏa là vượng, thổ là tướng, mộc là hưu, thủy là tù, kim là tử.

Mùa thu kim là vượng, thủy là tướng, thổ là hưu, hỏa là tù, mộc là tử.

Mùa đông thủy là vượng, mộc là tướng, kim là hưu, thổ là tù, hỏa là tử.

7. Thuộc về lục thân: Sinh ra nó là cha mẹ, nó sinh ra là con cháu, nó khắc là thê tài, khắc nó là quan quỷ, hòa ngang với nó là anh em.

8. Thuộc về ngũ tạng: Tâm, bào lạc thuộc hỏa, can thuộc mộc, phế thuộc kim, thận thuộc thủy, tỳ thuộc thổ.

9. Thuộc về lục phủ: Tiểu trường, tam tiêu thuộc hỏa, đởm thuộc mộc, đại trường thuộc kim, bàng quang thuộc thủy, vị thuộc thổ.

10. Thuộc về ngũ tính: Tính ấm (ôn) thuộc thổ, tính mát (lương) thuộc mộc, tính lạnh (hàn) thuộc thủy, tính ráo (táo) thuộc kim, tính nóng (nhiệt) thuộc hỏa.

11. Thuộc về ngũ vị: Vị chua thuộc mộc, vị đắng thuộc hỏa, vị mặn thuộc thủy, vị ngọt thuộc thổ, vị cay thuộc kim.

12. Thuộc về lục dâm: Phong thuộc mộc, hàn thuộc thủy, thấp thuộc thổ, táo thuộc kim, thử thuộc hỏa.

13. Cang hại thừa chế: Ví như can mộc lấn lên quá thì sẽ hại tỳ thổ, con của tỳ thổ là phế kim nhờ được khí của mẹ mà phục thù tức là chế ước lại can mộc. Đó là lẽ thắng phục của ngũ hành, bốn hành kia cũng theo loại như thế mà sinh ra. Nội kinh nói: Xin cho biết chữ “Bình khí” trong Ngũ vận vì sao mà đặt tên? Vì sao mà tiêu biểu cho “khí”? Kỳ Bá đáp:


Cái gọi là bình khí là: mộc gọi là “phu hòa”, nó phân bố ra khí ôn hòa làm cho vạn vật tươi tốt, hỏa gọi là “thăng minh”, sáng chói mà có cái khí thịnh trưởng, làm cho vạn vật dồi dào; thổ gọi là “bị hóa”, đầy đủ khí sinh hóa vạn vật, làm cho vạn vật được đầy đủ hình thể; kim gọi là “thẩm bình”, phát ra khí yên tĩnh hòa bình, làm cho vạn vật kết quả; thủy gọi là “tĩnh thuận”, có khí tĩnh mịch hòa thuận, làm cho vạn vật bế tàng.

Ở trường hợp bất cập thì mộc gọi là “ủy hòa”, không có khí ôn hòa, làm cho vạn vật rũ rượi không phấn chấn; hỏa gọi là “phục minh”, ít khí ấm áp, làm cho vạn vật ảm đạm không sáng; thổ gọi là “ty giám”, không có khí sinh hóa, làm cho vạn vật yếu ớt không có sức; kim gọi là “tòng cách”, không có khí cứng cỏi, làm cho vạn vật mềm dãn không có sức đàn hồi; thủy gọi là “hát lưu”, không có khí phong tàng (giấu kín), làm cho vạn vật khô queo.

Trường hợp thái quá thì: Mộc gọi là “phát sinh”, khuếch tán khí ôn hòa quá sớm, làm cho vạn vật sớm phát dục; hỏa gọi là “hách hy”, khuếch tán hỏa khí cường liệt làm cho vạn vật đốt cháy chẳng yên; thổ gọi là “đôn phu”, có khí nồng hậu rắn chắc, trở lại làm vạn vật không thể thành hình; kim gọi là “kiên thành”, có khí cứng cỏi làm cho vạn vật ngay thẳng; thủy gọi là “lưu diễn”, có khí đầy tràn làm cho vạn vật phiêu lưu không thể về chỗ, thái quá là làm mất sức bình thường (cậy sức khỏe lấn át các hành khác) thì kẻ thắng mình sẽ tới trả thù mình, lệnh vừa phải thì sẽ đồng hóa với cái sở thắng (nếu thời lệnh không làm khắc phạt thái quá thì cái thắng mình và cái mình thắng đều đồng hóa không hại nhau). Đó là cách làm thuốc cũng giống như cách cai trị.

Trong ngũ hành thì chỉ có hai hành thổ và kim là nhờ vào khí tương sinh cho nên muốn bổ vào thổ và kim thì phải bổ vào cho mẫu khí là cái khí sinh ra nó. Vì vậy, Lý Đông Viên có phép bổ cách lần tức là bổ vào mẫu khí, có phép bổ cách 3 lần, tức là bổ vào chỗ sinh ra mẫu khí (như bổ hỏa để sinh thổ là bổ cách 2 lần, bổ mộc để sinh hỏa rồi hỏa sinh thổ là bổ cách 3 lần, như thang Quy tỳ chẳng hạn). Duy có thủy và hỏa thì do (chân nguyên) nó tự sinh ra vì sinh cơ của thủy hỏa chỗ nào cũng có, ví như xát gỗ cũng lấy được lửa, choảng đá cũng lấy được lửa, hoặc ở trong kính lúp cũng lấy được lửa; so với việc lấy nước cũng vậy, đào đất lấy nước, hứng sương lấy nước. Nếu kim, mộc hoặc thổ bị chết không thể cứu được, cho nên trong ngũ hành đặc biệt chú trọng về thủy hỏa.

Người ta đều cho rằng thủy khắc hỏa, kim khắc mộc, thổ khắc thủy, mộc khắc thổ. Riêng họ Triệu cho rằng thủy nuôi hỏa, thủy sinh kim, bổ thổ ở trong thủy, nuôi mộc để bồi bổ cho thổ. Bởi vì quân hỏa và tướng hỏa đều lấy thận làm căn cứ. Thủy khắc hỏa là thủy hỏa hữu hình của hậu thiên, còn thủy nuôi hỏa là thủy hỏa vô hình của tiên thiên. Ví như khí của phế kim, ban đêm người ta ngủ thì trở về tàng ở trong thận thủy. Phế tạng là một tạng non nớt, nếu trong thận có hỏa thì phế kim sẽ sợ hỏa khắc mà không dám trở về.

Nếu trong thận không có hỏa, thì thủy lạnh làm kim rét mà cũng không dám trở về, hoặc sinh ra chứng tức thở, hoặc làm ra ho, ọe, hoặc không ngủ không ăn, khi đó muốn bổ mẹ (thổ) để bổ ích cho con thì tức thở càng tăng, muốn thanh tả đi thì phế kim ngày càng bị hao mòn lại càng chóng chết, chỉ có cách thu liễm thì còn hơi hợp lý. Bởi vì phế chủ đưa khí ra, thận chủ nạp khí vào, phế là sở chủ của khí, thận là nguồn gốc của khí, phàm người ho quá nặng thì động đến khắp cả người, tự cảm thấy khí từ dưới rốn đưa xốc lên, đó là vì thận hư không thu được khí về nguyên chỗ cho nên như vậy. Khi đó chớ nên khư khư về việc chữa phế mà phải nên bổ thủy làm chính, hoặc bổ ích cho chân hỏa, hỏa sẽ từ trong thủy mà sinh ra.

Nếu nói về thổ nó sinh ra do ở hỏa, muốn bổ cho nó phải nên bổ hỏa, nhưng mà bổ hỏa có một lý rất tài tình, vì Dương minh vị thổ sinh ra ở Thiếu âm tâm hỏa, muốn bổ vị thổ thì nên bổ tâm hỏa, mà dùng thang Quy tỳ tức là để bổ từ chỗ sinh ra thổ. Thái âm tỳ thổ nhờ Thiếu dương tướng hỏa mà sinh ra, muốn bổ tỳ thổ thì phải bổ cho tướng hỏa, mà bài Bát vị hoàn thì làm cho thủy hỏa giúp đỡ nương tựa lẫn nhau để làm nhừ nát cơm nước.

Còn như mộc thì người ta cho là mộc khắc thổ, muốn công phạt nó, nhưng không hiểu rằng mộc nhờ có thổ mới sinh trưởng có lẽ nào khắc lại được, chỉ có khi nào mộc bị uất ở dưới thì khí của nó mới quay trở xuống khắc thổ mà thôi. Bởi vì mộc là sinh trưởng vô tận, bắt đầu từ phương đông, mà lúc mới nảy ra lẽ đâu lại công phạt hay sao.

Vì thế bài Bổ trung ích khí trong Tỳ vị luận của Lý Đông Viên trọng dụng Thăng Sài để khai uất của mộc. Mỗi hành trong ngũ hành đều có đủ 5 tính chất.


Lấy hành hỏa mà nói thì:

Dương hỏa là mặt trời, sinh ra ở giờ dần tắt ở giờ dậu.

Âm hỏa là hỏa của đèn đuốc, sinh ra ở giờ dậu, tắt ở giờ dần, đó là nói về sự tương đối.

Còn như hỏa ở trong thủy là hỏa của sấm sét, có tiếng nhưng không có hình gặp nhiều mưa lại càng bốc.

Hỏa ở trong lò là hỏa trong tro than, không cháy lên ngọn, gặp được củi gỗ (mộc) thì bốc khói, gặp ẩm ướt thì tắt đi, cần phải vun than giữ hơi nóng, tựa như hỏa của tỳ thổ trong nhân thể, phải dùng những thuốc cam ôn để trừ nhiệt là nghĩa đó (cam ôn năng trừ đại nhiệt).

Hỏa ở trong không trung thì nương tựa vào mộc, nhờ sự tư dưỡng của Khảm thủy, cho nên hỏa nó không xì ra ngoài.

Duy có hỏa ở trong củi khô thì bốc cháy lan tràn, không thể nào ngăn cản được, cháy hết thì thôi.

Can hỏa bốc cháy trong cơ thể làm cho buồn bực, phải dùng các vị tân lương cho phát đạt ra. Nội kinh nói: “Mộc bị uất thì cần phải điều đạt, hỏa bị uất thì phải cho phát ra, làm cho thuận với tính điều đạt và bốc lên của nó”. Nếu đem thuốc hàn lương để cho hạ thì mộc lại càng uất, đem thuốc nhiệt cho uống thì hỏa lại càng bốc.

Hỏa trong kim là ở trong những mỏ vàng mỏ bạc trong núi hoặc trong những nơi chôn giấu kim loại, ban đêm có ánh sáng đó là kim uất trong thổ không phát ra được cho nên ban đêm có ánh sáng lóe ra ngoài, các lỗ chân lông trên da thịt cảm thấy như kim châm muỗi đốt và trên đầu nóng như lửa bốc, đó là khí ở phế kim bị hư, hỏa thừa lúc hư mà phát hiện ra, vì phế chủ bì mao cho nên như vậy. Nội kinh nói: “Mộc ở phương đông thực thì kim ở phương tây bị hư. Bổ thủy phương bắc là để tả hỏa phương nam”.


Nói về thủy thì:

Dương thủy là Khảm thủy, tức là khí, là một hào dương nằm giữa hai hào âm, thủy khí đi ngầm trong đất, làm căn bản sinh trưởng cho vạn vật, vì chất nước thấm nhuần là chất (nước) thủy dịch của khí, cho nên có thể gọi là thủy ở trong hỏa, hay gọi là thủy ở trong thổ cũng được.

Âm thủy là Đoài thủy, là loại thủy hữu hình, một hào âm nằm ngang trên hai hào dương, lấy chất nước hữu hình đó phun tưới cho vạn vật sinh sống tốt tươi, nước ở trên tức là nước mưa móc, nước ở dưới là nước suối khe.

Con người khi ăn uống vào trong dạ dày, hỏa ở mệnh môn chưng nấu thức ăn nhừ nát, khí của thức ăn bốc lên phế nhờ có phế thông với các mạch trong người, đem chất nước tinh vi đó phân bố khắp nơi suốt ngũ tạng, ra tới ngoài da, đi lên thành mồ hôi, nước mũi, nước miếng, nước bọt, thấm xuống bàng quang làm thành ra nước tiểu.

Còn như huyết cũng là thủy, vì nó đi theo tướng hỏa nên riêng nó có sắc đỏ, tuần hoàn khắp trong cơ thể chảy khắp rồi trở về, mãi mãi không ngừng. Nó ở trên là nước cọc rào (thiên hà thủy), ở dưới là nước dòng sông (trường lưu thủy) phát xuất ra thiên môn phía Tây bắc và sau cùng tới địa hộ phía Tây nam, đúng như câu Đường thi nói: “Nước sông Hoàng hà từ trên trời xuống, chảy ra khơi rồi chảy quay về”. Bởi thế sông Hoàng hà và nước biển cùng một màu (Tương tiến tửu – của Lý Bạch).

Thủy ở trong kim tức là chất thủy ngân trong mỏ, trong nhân thể thì chất tủy ở trong xương, là một bảo vật ở trong người, rất tinh rất quý.

Thủy ở trong mộc là tốn mật ở vào phần khảm thủy, chất nước đó đưa lên tức như chất nhựa sống của cây cối, người ta ở dưới chân có huyệt Dũng tuyền, trên vai có huyệt Kiên tỉnh, đó là đường thủy đi ngầm, phàm những tân dịch thấm nhuần khắp trong da đều là như nước giếng nước suối cả.

Thủy có nhiều thứ khác nhau như vậy nhưng tóm lại đều chảy về biển cả, thủy trong vũ trụ thì đều chảy về biển, thủy ở trong người thì đều lấy thận làm nguồn, mà sở dĩ nó được chu lưu ngày đêm không ngừng là nhờ có khí của nguyên dương để thành một thái cực vô tận. Ngũ hành ở trong thủy hư là như vậy còn thổ mộc kim cũng có thể suy đó ra mà biết được. Nội kinh nói: “Biết được thủy hỏa thì biết được cái khác”.