Bàn về Long Hỏa

LONG VÀ VẬT THUỘC DƯƠNG, VỐN HAY SỢ HÀN MÀ BỐC LÊN, SAO CÒN SỢ NHIỆT MÀ CHẠY NỮA

Phương Thư nói: “Long tức là Hỏa, hỏa có tính nhiệt, đến tiết Hạ chí nhất âm sinh, dưới đáy nước lạnh mà trên trời nóng. Long là vật thuộc dương, cho nên theo khí dương bốc lên mà có sấm sét vang động”.

Đến tiết Đông chí thì nhất dương sinh, trong giếng, suối nước đều ấm mà trên trời lạnh, cho nên Long cũng lại theo dương mà nép xuống, đồng thời sấm sét cũng im lặng.

Thân thể người ta, trong Thận có tướng hỏa cũng giống như thế (chỉ vì hai chữ tướng hỏa đã làm cho nhiều người nghi hoặc). Ngày thường không biết tiết chế tình dục đến nỗi mệnh môn hỏa suy mà trong Thận âm thịnh, Long không có chỗ ẩn thân mà bay vọt lên trên, không về nguyên chỗ được, vì thế các chứng phiền nhiệt hiện ra ở thượng tiêu. Người chữa bệnh giỏi lấy bài Bát vị là thuốc ấm thận, theo cái tính nhiệt của nó mà dẫn dụ cho nó về nguyên chỗ, tức là thi hành được cái thời lệnh dương khí ẩn núp của Thu Đông mà Long về biển cả. Như thế thật là chí lý, không còn dị nghị gì nữa.

Lại thấy Phương thư nói: “Chứng âm hư hỏa vượng là vì ở trong Thận chân âm suy kém, chân thủy khô khan, hỏa không có thủy ức chế, tướng hỏa bốc lên, người chữa bệnh giỏi thì bổ thủy để phối hợp với hỏa, dùng bài Lục vị chủ yếu làm cho thủy mạnh lên, để trấn áp dương xuống, hỏa tự phải tắt. Đem so với câu trên, rất đáng nghi ngờ. Đã gọi là âm hư hỏa vượng, tức là không có thủy, lúc đó trong Thận toàn nhiệt thôi. Trước đây cho tướng hỏa là Long, thì Long gặp nhiệt tức là cùng loại theo nhau, tất lưu luyến sự thịnh vượng mà nằm yên trong sào huyệt, sao lại sợ nhiệt mà bốc lên? Há có phải cùng một Long ấy, khi thì sợ nhiệt bốc lên, khi lại sợ hàn mà chạy hay sao? – Không phải thế đâu, làm cho mọi người ngờ vực chỉ tại câu: “trong Thận có tướng hỏa cũng giống như thế”. Đây chỉ là một câu bàn về âm hư hỏa vượng, khiến cho người ta hiểu lầm tướng hỏa là Long.

Mấy năm đầu tôi đọc về Thủy Hỏa luận, tôi thường lấy làm thắc mắc trong lòng như xem bóng hoa, bọt nước. Đến khi ngó tới Nội cảnh đồ thấy có một điểm Thái cực tức là Mệnh môn ở giữa, bên trái một chấm đen là huyệt Chân thủy; bên phải một chấm trắng là huyệt của Tướng hỏa, mới hiểu rõ được ý nghĩa. Tự nghĩ Mệnh môn mới thật là một thái cực vô hình của nhân thân. Giữa hai quả thận là sào huyệt của nó, ví như vua chúa không trực tiếp hành động mà vẫn trị an. Khiếu bên phải là tướng hỏa, cũng là loại hỏa vô hình, tức là Thiếu hỏa, cũng như Tể tướng thay vua làm việc, vận hành khí hóa ở Tam tiêu, đó là thần sứ, theo mệnh lệnh mà làm chu lưu không ngừng, trong khoảng năm phủ sáu tạng.

Còn khiếu bên trái là chân âm, chân thủy, cũng là loại thủy vô hình. Nó đi lên giáp xương sống vào trong tủy để làm thành bể tủy (tủy hải), tiết ra tân dịch, rót vào trong mạch để vinh dưỡng tứ chi, rót vào ngũ tạng lục phủ để thích ứng với số của thời khắc. Lại theo tướng hỏa đi ngầm khắp cơ thể không lúc nào ngừng. Như thế là hiểu được trong thân thể có Tướng hỏa và Chân thủy là Âm Dương bắt nguồn với nhau. Hỏa làm chủ Thủy, Thủy làm nguồn của Hỏa, chỉ có thể cùng hợp mà không thể chia lìa; cần được thăng bằng không nên chênh lệch. Cũng như cán cân, bên nặng bên nhẹ là mất thăng bằng. Cho nên nói: Thủy không đủ thì Hỏa có thừa; Hỏa có thừa là do Thủy không đủ. Phương Thư nói: “Chân dương gọi là nguyên dương, tức là tên riêng của Mệnh hỏa”. Trước nói: trong Thận mà âm thịnh thì Long sợ hàn mà bốc là chỉ vào Mệnh hỏa mà nói, chứ không phải là nói về Tướng hỏa ở khiếu bên phải. Vì nếu không cho Mệnh hỏa là Long hỏa thì sao Phương thư lại nói: Vị thuốc bổ Mệnh hỏa là Nhục quế chứ không phải là Hoàng kỳ, Bạch truật.

Sau nói: Thủy suy thì Hỏa bốc lên là sự thăng bằng không cân đối, có chênh lệch. Đó là nói về Chân thủy và Tướng hỏa, chứ không phải là nói về Mệnh hỏa. Có lẽ nào cùng một loại hỏa mà dùng Bát vị ấm thận nó cũng về nguồn hay sao? Bởi vì nghĩa lý huyền vi khó hiểu, lại dùng lời văn rườm rà không giải thích rõ được, khiến cho người học tìm hiểu nhiều ngả mà lẫn lộn.

Đại khái đọc sách hiểu nghĩa thì không khó, mà phân biệt được lý lẽ mới khó. Nhưng phân biệt lý lẽ cũng chưa khó mà thu được những ý kiến bóng bẩy ở ngoài lý lẽ mới càng khó hơn.