Sơn chi tử

Dẫn hỏa đi xuống; bé chắc, có 7 khía là tốt.

KHÍ VỊ

Vị đắng, tính hàn, không độc, là thuốc âm trong dương dược, vào các kinh Thủ thái âm, thiếu âm và Túc dương minh.

cây dành dành


CHỦ DỤNG


Thanh phế hỏa, giải uất kết, trừ vị nhiệt, ụa ói phát vàng, làm mửa hết độc địa ở thượng tiêu, trừ chứng buồn bực trong tâm, chứng mất huyết, mất tân dịch, trung tiêu khô, nhiệt ở trong, mũi đỏ, chảy máu cam, phong đàm, đầu choáng, mắt đỏ, mặt đen.

Trị ngoài phần biểu nóng (chữa chứng nóng ngoài phần biểu thì để vỏ), nóng trong ngực (chữa nóng trong ngực thì bỏ vỏ).

Trừ phiền, trị thấp, làm khỏi bệnh lỵ, thông bệnh lâm, đuổi huyết trệ dưới rốn, lợi tiểu tiện, dẫn hỏa đi quanh co xuống dưới.

Tóm lại, tả phế hỏa, điều hòa phế khí, tư nhuận nguần hóa nguyên là chất rất hay. Lại nói: làm mát tâm thận, vị này là thuốc tốt chữa thượng trung và hạ tiêu.


HỢP DỤNG

Dùng chung với Phá cố chỉ thì tư nhuận thận, giáng hỏa, mát phần trên, củng cố phần dưới (tuy hàn mà có ghé bổ). Đơn Khê sao với nước gừng dùng chữa chứng đau dạ dày thuộc hỏa rất hay.


CÁCH CHẾ

Bệnh thường thì để sống dùng, hư hỏa thì sao 7 lần với nước tiểu trẻ em, sao đen trị chảy máu cam, trị phổi nóng thì tẩm rượu sao đen, thực nhiệt thì để sống mà dùng.


NHẬN XÉT

Chi tử nhẹ xốp, tượng như hình chất của phổi, cho nên đặc biệt nó vào phế kinh để tiết hỏa quá thừa, công dụng muôn màu, muôn vẻ nhưng đều từ phế mà ảnh hưởng đến cả.

Nhưng tính vị nó rất đắng, rất hàn, dễ tổn thương vị khí cho nên người hư yếu phải kiêng dùng, người ta hay dùng chữa huyết mà không biết huyết gặp lạnh thì đông lại, trở thành bại chứng.

Chữa chứng thổ huyết do thực hỏa thì trước phải làm cho thuận khí, khí thuận hành thời huyết trở về kinh; chữa chứng thổ huyết do hư hỏa thời trước phải nuôi dưỡng chính khí, chính khí mạnh thời tự nó sẽ giữ được huyết, đó là phương pháp lớn của điều trị, không thể làm trái tý nào cả, nếu nhầm dùng Chi tử để chữa huyết chứng thì nhất định bị tổn hại vậy