Sự quy kinh của thuốc

Định nghĩa

Sự quy nạp khí vị, tinh hoa (hoạt chất) của vị thuốc vào tạng, phủ, kinh mạch nhất định, nói cách khác là sự quy nạp tác dụng của thuốc vào tạng phủ, kinh mạch, được gọi là sự quy kinh.

Mỗi vị thuốc có thể quy vào một hay nhiều kinh khác nhau.

Ví dụ:

Tang bạch bì vào 1 kinh phế; Đại hoàng quy tới 10 kinh; Cam thảo quy 12 kinh. . . Dĩ nhiên khi sắp xếp thứ tự thì ưu tiên những kinh mà nó có tác dụng nhất.

Cơ sở của sự quy kinh thuốc y học cổ truyền

Dựa vào lý luận y học cổ truyền

Trên thực tế dựa vào thuyết ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc. Dựa vào màu sắc, mùi vị của thuốc như thuốc có màu xanh, vị chua quy vào hành mộc (tạng can, phủ đởm). Thuốc có màu đỏ, vị đắng vào hành hoả (tâm, tiểu trường). Thuốc có màu vàng, vị ngọt quy vào hành thổ (tỳ, vị). Thuốc có màu trắng vị cay quy vào hành kim (phế, đại tràng). Thuốc có màu đen, vị mặn quy vào hành thuỷ (thận, bàng quang). Tuy nhiên sự quy kinh mang tính chất tương đối.

Trên cơ sở quan hệ kinh lạc và các tạng phủ để thể hiện sự quy kinh

Căn cứ vào học thuyết kinh lạc về sự liên quan chặt chẽ giữa các đường kinh để thể hiện sự quy kinh.

Dựa vào thực tiễn lâm sàng

Người ta tổng kết sự tác dụng của thuốc với tạng phủ và kinh lạc nhất định. Từ đó biết được sự quy kinh của thuốc.

Chế biến làm tăng sự quy kinh của thuốc

Chế biến có thể làm tăng sự quy kinh của thuốc.

Đối với sự quy kinh của vị thuốc, để phát huy thêm khả năng quy nạp của chúng vào những kinh cụ thể, có thể tiến hành chế biến chúng với các phụ liệu nhất định.

Ví dụ như: đỗ trọng, hương phụ, trạch tả, trích với muối ăn để cho chúng tăng nhập vào kinh thận; diên hồ sách tẩm dấm để tăng nhập vào kinh can; xương bồ tẩm chu sa để tăng nhập vào kinh tâm; bạch truật, hoàng kỳ tẩm hoàng thổ hoặc mật ong để tăng nhập vào kinh tỳ, vị . . . Cũng có thể đem sao (ở các mức độ khác nhau)để vị thuốc có màu đen, để chúng tăng quy nạp vào thận, ví dụ hà diệp, trắc bách diệp, hoa hoè sao cháy.

Trên thực tế lâm sàng thấy rằng, khi dùng thuốc đúng kinh mà chúng quy nạp thì phát huy được tác dụng.

Ví dụ:

Đau đầu, đau vùng trán và xương lông mày là đau theo kinh Dương minh vị và đại tràng, dùng Bạch chỉ;

Đau hai bên thái dương hoặc đau nửa đầu (migren) là đau theo kinh Thiếu dương đởm, dùng Mạn kinh tử;

Đau vùng chẩm, vùng gáy là đau theo đường kinh Bàng quang dùng Cát căn;

Đau chính đỉnh đầu là đau theo đường kinh Can thì dùng Cảo bản thì phát huy được tác dụng điều trị.

Mặt khác mỗi vị thuốc có quy vào một kinh nhất định, cho nên khi sử dụng cần quan tâm tới sự quy kinh của nó; điều đó còn có ý nghĩa khi ta tiến hành phối hợp các vị thuốc với nhau trong một đơn thuốc.

Ví dụ, những vị thuốc đóng vai trò “quân” trong đơn, thường được quy vào kinh “chủ”, còn các vị thuốc đóng vai trò “thần” hoặc quy kinh “chủ” hoặc quy kinh “khách”.

Đồng thời cần quan tâm đến mối liên hệ giữa sự quy kinhcủa vị thuốc tính của vị thuốc với tính của bệnh tật.

Ví dụ, khi nói đến các vị thuốc chữa ho ta có thể dùng một số vị thuốc quy vào kinh phế như ma hoàng, hạnh nhân, mạch môn, hoàng cầm. . . Nhưng nếu ho tính nhiệt thì ta dùng tiền hồ, tang bạch bì có tính hàn; còn nếu ho do tính hàn thì ta dùng bách bộ, hạnh nhân vì hai vị này có tính ấm. Nếu ho do tính thực (phế thực) thì dùng tang bạch bì, đình lịch tử vì chúng đều quy kinh phế song lại có tính lợi tiểu (tả thận thuỷ) để bớt chứng thực ở phế . Nếu ho do phế hư (ho lao, ho lâu ngày) dùng nhân sâm, đẳng sâm vì chúng đều quy kinh phế, song lại mang tính chất bổ tỳ, kiện vị, ích khí.

Ngoài ra, cần chú ý rằng các vị thuốc có tính vị giống nhau, nhưng quy kinh khác nhau thì tác dụng cũng khác nhau. Như Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm, Chi tử đều vị đắng, tính hàn, chúng đều có tác dụng thanh nhiệt, nhưng hoàng liên quy kinh tâm có tác dụng thanh tâm; hoàng bá quy kinh thận có tác dụng chữa thận hoả; hoàngcầm quy kinh phế có tác dụng tả phế hoả, phế ung, phế có mủ; chi tử quy kinh tam tiêu dùng trị tam tiêu hoả.