Bổ thần

Trong Đạo kinh: “Giáp, Mậu, Canh là ba thứ kỳ diệu (tam kỳ) của trời. Tinh, Khí, Thần là ba vật báu (tam bảo) của người. Lấy tinh huyết đối với nhau mà nói thì tinh là dương mà huyết là âm. Lấy Thần khí, Tinh huyết đối với nhau mà nói thì Thần khí là dương, Tinh huyết là âm. Lấy sự khinh trọng của Thần Khí đối với nhau mà nói, thì Thần giữ việc biến hóa, Khí chủ việc ra vào. Không có biến hóa thì hết cả ra vào”.

Nội kinh nói: “Chân thần thất thủ mà không trong sáng thì mệnh trời ngắn ngủi, Thần lại còn trọng hơn Khí. Còn như cái nguồn hóa sinh thì huyết sinh ra tinh, tinh sinh ra khí, khí sinh ra thần. Vì thế, tinh là tinh ba của âm huyết hóa sinh ra; thần là chân tướng của nguyên dương, nguyên khí kết tụ lại. Nhưng huyết không có tinh khí không hóa được, tinh không có khí thì không hành được, khí không có thần thì không có tác dụng. Cho nên mới lấy thần làm chủ tể”.

Nội kinh lại nói: “Quân chủ không sáng suốt thì 12 khí quan nguy” cũng là ý đó thôi. Thử xem một người bỗng nhiên chết đột ngột, tuy trước đó vẫn ăn như thường, hình dung béo khỏe, nhưng mà tình chí mơ hồ trước rồi. Đó là chân thần đã lìa tan trước, mà âm tinh cũng đã kiệt hết, đến nỗi một khi cảm bệnh đột ngột dữ dội thì sẽ như đàn đứt dây. Phàm thấy chứng buồn phiền vật vã chính là cơ chế của tinh thần hao kiệt, dần dần sẽ sinh ra chân tay quờ quạng, nói năng lẫn lộn, tinh thần mê loạn thời không thể chữa được nữa.



Phong Giám gia nói: “Con ngươi đờ ra như mắt con cá thời kỳ chết đến nơi”. Lại nói: “Cất bước thì đầu lao đi trước, bước chân loạng choạng bước dài, bước ngắn không đều, thần không dựa thể, kỳ hạn chết gần kề”. Như thế có thể nhận thấy sự thọ yểu của con người ta đều cốt ở thần mà ra cả. Huống chi người thầy thuốc là giữ gìn tính mệnh cho người ta. Liệu có thể không lấy việc bảo hộ chân thần làm quý trọng, và là việc đầu tiên của phép dưỡng sinh hay sao?

Xét thấy người xưa lập ra bài thuốc chỉ có bổ tâm an thần, dưỡng tâm an thần mà thôi. Bởi vì Tâm chứa Thần, nên bổ Tâm cũng là bổ Thần. Vả lại Tâm cai quản huyết, nên bổ Tâm thì huyết vượng, mà có thể sinh ra Tinh, sinh ra Khí, sinh ra Thần. Còn cách dùng thuốc thì không ngoài mấy vị như Phục thần, Viễn chí, Táo nhân, Bá tử, Liên nhục, Thần sa, Chu sa mà thôi. Nếu bệnh chưa nặng lắm thì mấy loại thuốc đó có thể dùng để an thần, tàng thần và ôn thần được. Nhưng nếu cơ chế bệnh đã đến lúc âm vong dương thoát, thần mất hồn lìa, tính mệnh sắp nguy, mà đem dùng mấy loại thuốc tầm thường như thế để muốn cứu được mệnh thì chưa từng có được.

Khi lâm sàng tôi thường thấy các chứng nguy đến tính mệnh người ta một cách mau chóng thì không một chứng nào không do chân thần đã mất trước từ những ngày thường. Phương thư nói: “Thần không có hình thể cho ta trông thấy được, nhưng mắt là chỗ để xem thần, nếu trừ mắt ra thì không còn chỗ nào để thần được nữa”. Nói như thế không đúng, vì thân thể người ta không một chỗ nào là không có thần: như lông tóc có thần thì óng mượt, mềm mại mà không khô cứng ngắn đỏ; da dẻ có thần thì sáng tươi mà nhu nhuận không sùi vẩy, vàng vọt; răng có thần thì sáng bóng tươi trong; tiếng nói có thần thì âm vận du dương; móng chân móng tay có thần thì tươi sáng hồng hoạt.

Sách Mạch phổ nói: “Bệnh dù nguy nặng mà mạch có thần thì có thể chữa được”. Đó là thân thể con người, ngoài hình hài, trong đến kinh lạc không chỗ nào là không trọng vào thần cả.

Vậy then chốt của nhà làm thuốc há có thể chỉ lấy tinh huyết làm trọng, mà coi thường chân thần là cửa ải của sự sinh tử được ư? 


Tôi ngày đêm suy nghĩ tìm tòi, ngoài tinh huyết ra, vẫn trịnh trọng chú ý tới thần, nhưng muốn bổ thần mà chưa tìm được thuốc. Ngẫu nhiên đọc ở Phương thư thấy nói: “Thủy Hỏa là gốc của thân thể, là tác dụng của thần minh”. Lại thấy thiên Lý lao luận sách Cảnh Nhạc nói: “Thủy Hỏa không giao nhau thì thần sắc bại hoại”. Lúc ấy mới tỉnh ngộ mà nghĩ rằng: Tâm tuy tàng thần nhưng nếu không có âm tinh phụng dưỡng thì Thủy Hỏa không giao nhau, thần minh sẽ bị mờ tối, rối loạn; những bài thuốc Trấn tâm, Dưỡng tâm, Bổ tâm chỉ làm một kế an thần, chẳng qua chỉ ức chế được cái quá căng và giúp đỡ được cái chênh lệch mà thôi. 


Nếu đến lúc chân thần suy bại, gần tới chỗ nguy hiểm mà không tìm ngay đến phép: Âm bắt nguồn từ Dương, Dương bắt đầu từ Âm và dùng các bài bổ Hỏa trong Thủy, bổ Thủy trong Hỏa thì lấy gì để khiến cho chân thận đầy đủ, có thể chứa giữ vào tâm để làm căn bản cho sự lập mệnh được. 


Người lưu tâm đến tính mệnh của con người, cần phải thăm dò đến tận gốc nguồn, nhận kỹ bệnh cơ cho chính xác, đào sâu nghĩa lý tinh vi để bảo dưỡng chân thần, suy thời bổ, thoát thời níu lại, mất thì giữ lại, để làm cương lĩnh cần thiết cho việc tế sinh.