Nhục quế

Nhục quế là chỗ gần gốc, rất dày, để chữa chứng bệnh ở hạ tiêu, Quan tức là phần giữa, dày vừa, để chữa bệnh ở trung tiêu, Chi tức là chỗ đầu cành nhỏ để chữa bệnh thượng tiêu, đó là căn cứ vào lẽ: Trời thì dẫn tới trên, đất thì vào phần dưới.

KHÍ VỊ
  • Nhục quế có khí thơm, vị cay ngọt, tính nóng, có hơi độc, hoàn toàn là dương dược, vào 2 kinh Can Thận, kỵ lửa, kỵ hành sống và Xích thạch chi.

CHỦ DỤNG
  • Cứu được khí nguyên dương đã lạnh lâu ngày, giúp ấm cho chứng tỳ vị hư hàn, ức chế can tà, thông lợi phế khí, bổ chứng ngũ lao, trị chứng thất thương, cứng gân xương, mạnh sinh dục, dưỡng tâm thần, thông huyết mạch, trị đau bụng, chữa chứng bôn đồn, sán khí, chấm dứt chứng hư phiền, thu liễm chứng hư hãn, nuôi tinh tủy, ấm lưng gối, chữa chứng tê thấp, ho đờm, nhọt trong mũi, sáng mắt, điều hòa nhan sắc, tuyên thông khắp các kinh mạch (đạo đạt khăp nơi không ứng kỵ gì, gọi là thông sử). 
  • Khí của nó rất nồng hậu, có thể bổ sự bất túc của mệnh môn chân hỏa trong thận, thúc độc ung nhọt, đậu mùa, lại có khả năng dẫn huyết làm mủ, dùng làm thuốc thôi sinh chỉ trong chốc lát là kiến hiệu y như dùng bàn tay đẩy thai xuống.


HỢP DỤNG

cây quế
Cây quế
Theo sách bản thảo tuy nói có hơi độc, nhưng cũng tùy loại mà phân hóa
  • Nếu dùng với Cầm, Liên làm sứ thì độc nhỏ ấy không làm gì được; 
  • Dùng với Ô đầu, Phụ tử, Ba đậu, Can tất làm sứ thì độc nhỏ ấy hóa làm độc to. 
  • Gặp Nhân sâm, Mạch môn, Cam thảo thì có khả năng điều hòa tỳ vị, thêm khí mà có thể uống lâu; 
  • Gặp được Sài hồ, Can địa hoàng thì có khả năng điều hòa phần vinh mà găn được chứng mửa ói. 
  • (Chữa kinh phong ỉa chảy nên dùng Ngũ linh tán để tả hỏa bên trong và rút chất thấp trong tỳ là trong bài ấy có Nhục quế để ức chế can phong đồng thời trợ giúp tỳ thổ). 
  • Sách Y dư lục nói: Có người đau mắt đau đến ăn không được, mạch can thịnh, mạch tỳ yếu, dùng thuốc mát chữa can thì Tỳ càng yếu thêm, dùng thuốc ấm chữa Tỳ thì Can càng cang thịnh, chỉ nên dùng thuốc bình hòa bội gia Nhục quế để ức chế Can khí, bổ ích tỳ khí, chữa một bệnh mà được cả hai bên. Sách truyện có nói: "Can mộc gặp quế thì khô đi" ý là như thế


Xem thêm:


KỴ DỤNG
  • Người dương thịnh âm hư thì kiêng dùng, sách nói: "mùa xuân mùa hè cấm dùng" là nói trong lúc bình thường, nhưng lúc cần thiết đều phải bỏ thời tiết để chiếu chứng trạng mà xử lý.

CÁCH CHẾ
  • Kỵ sấy lửa, vì mọi vị thơm hễ thấy lửa thì không còn công hiệu, khi dùng gọt bỏ vỏ thái nhỏ không thì khí vị mất hết, nếu dùng vào thuốc bổ thì nhờ nó mà cổ vũ tính thuốc, nên cho vào nấu chung với thuốc; nếu dùng vào thuốc chén để có công hành huyết chạy khắp thì chờ thuốc sắc xong mới cho vào lại sắc sôi vài dạo mà uống

NHẬN XÉT
Các bậc hiền triết ngày xưa khi lập phương dụng dược đối với hai vị Quế, Phụ, có khi dùng cả, có khi dùng một vị, chẳng may nhầm lẫn, người đời nay không biết được chỗ huyền diệu ấy, cứ tùy ý mà dùng:

Nhục quế
Nhục quế
  • Có biết đâu Nhục quế vị tuy ngọt mà khí cay thơm xông bốc, thăng được, giáng được, đi ngang được, ra ngoài được, vào trong được, bổ được, tả được, thông xướng các kinh, cổ vũ khí huyết, cho nên công hiệu tuy nhanh nhưng thoái cũng nhanh. 
  • Còn như Phụ tử khí vị rất cay, hơi có cả ngọt cả đắng, khí hậu vị bạc, giáng xuống nhiều đưa lên ít, từ trên đi thẳng xuống, chạy mà không giữ lại, có công năng cứu vãn phần lý, hồi phục dương khí, có sức dẫn hỏa về nguyên chỗ, có khả năng làm ấm kinh lạc, đó là chỗ sở trường của nó; khác với tính năng của Nhục quế, cay, ngọt, nhẹ, bốc lại có thể đi ngang ra, thấu suốt ra ngoài phần biểu, chạy khắp các kinh mạch. Phụ tử thì về mùi vị có cả cay lẫn đắng, ...cho nên công năng của nó chuyên chú suốt xuống dưới, chạy vào trong để cứu vãn phần dương trong phần âm, là vị thuốc của chân âm chân dương tiên thiên 
  • Nhục quế thì mùi vị ngọt mà cay, cho nên đã bổ được mệnh môn thì lại càng hay chạy lên suốt tới ngoài phần biểu, cứu vãn phần dương trong dương, lại là vị thuốc của phần vinh vệ khí huyết hậu thiên
  • Cho nên nếu muốn hoàn toàn ôn nhiều bổ mạnh cho trung khí của chân âm chân dương, hoặc có khi dùng 2 vị đó, hoặc dùng Sâm Truật làm quân, Phụ tử làm tá. Như loại Bát vị hoàn quế và phụ đều cần; Sâm phụ thang; Truật phụ thang, Lý trung thang thì không dùng Nhục quế là như vậy. Nếu muốn làm ấm trung tiêu, điều hòa khí huyết, chạy khắp ra ngoài, giữ vững phần biểu thì dùng thuốc bồi bổ khí huyết làm quân, mà chỉ dùng một vị Nhục quế làm tá sứ như loại Sâm kỳ ẩm, Thập toàn đại bổ thang, Nhân sâm dưỡng vinh thang thì không có Phụ tử là như vậy. Vậy thì ý nghĩa biểu lý âm dương đã rõ rệt, đâu có thể chắp vá lẫn lộn được!

Nhục quế - dược tính ca quát tứ bách vị
Bài thơ vị Nhục quế trong "Dược tính ca quát tứ bách vị"


Phụ

Quan Quế: (Có thuyết cho rằng quế tốt, cung cấp cho quan trên dùng nên gọi là quan quế)

Khí vị:
  • Vị cay, tính ấm, không độc, hoàn toàn là dương dược, vào 2 kinh tâm tỳ
Chủ dụng
  • Chữa bệnh trung hàn, giết 3 loại trùng, thông khí huyết, lợi khớp xương, chữa đau bụng đau dạ, trừ chứng đau do gió lạnh, chủ trị chứng lao thương, bổ thêm cho trung khí, chữa đau họng, ho nghịch khó thở, vả lại Quan quế chuyên chữa trung tiểu là thuốc đối chứng làm cho ấm gân, thông mạch, lợi khiếu và đau bụng.

Quế Chi: (Tức là cành nhỏ, lại gọi là quế mỏng (bạc quế))

Khí vị
  • Vị cay, tính nóng và nhẹ, có độc nhẹ, khí nổi lên mà đưa lên, là dương dược, vào 2 kinh tỳ và Bàng quang
Chủ dụng
  • Vị nhạt, thể nhẹ, đi lên đầu mặt, chữa chứng đau trong bụng, giải được chứng lạnh ngoài bì phu, điều hòa vinh vệ cơ biểu, trị tê tay chân, giải tán phong hàn, không có mồ hôi thì làm cho ra mồ hôi, đã có mồ hôi thì làm cho cầm mồ hôi, đi ngang làm thuốc dẫn kinh cho tay chân, đi thẳng làm thuốc dẫn đạo cho chứng bôn đồn
Kỵ dụng
  • Bệnh âm thịnh dương hư thì kiêng dùng, với bệnh thương hàn không có mồ hôi thì không được dùng lầm
Nhận xét
  • Khí và vị đều nhẹ, cho nên có khả năng giải biểu tán tà, các chứng thương phong, thương hàn có mồ hôi thì dùng để giải biểu tà, tà hết thì mồ hôi tự hết chứ chẳng cần giữ vững phần biểu để cầm mồ hôi.
Trong bản thảo nói Quế phát hãn mà Trọng Cảnh chữa bệnh thương hàn lại dùng quế vào lúc đang có mồ hôi, lại bảo rằng không có mồ hôi thì không được uống quế chi, mồ hôi nhiều thì dùng Quế chi cam thảo thang, đó là dùng quế để hãm mồ hôi, một vị thuốc mà hai cách dùng là thế nào? 
  • Nghĩa là Bản thảo nói quế chi cay ngọt có khả năng thông các mạch làm ra mồ hôi, đấy là điều được huyết thì mồ hôi tự ra, còn Trọng Cảnh nói bệnh Thái dương nóng không có mồ hôi là phần vinh yếu, phần vệ khỏe, âm đã hư thì dương lấn vào, cho nên phải dùng Quế chi để cho ra mồ hôi, hòa được phần vinh thì phần vệ tự lợi, tà không còn chỗ dung thân thời mồ hôi tự ra mà giải được, chứ không phải Quế chi có khả năng làm mở lỗ chân lông thớ thịt để phát hãn; mồ hôi ra nhiều mà lại dùng Quế chi là dùng nó để điều hòa vinh vệ, thời tà theo mồ hôi mà bài xuất, thế là mồ hôi mới hết được, chứ không phải Quế chi cấm chỉ được mồ hôi. Người không thông hiểu y lý, không biết được ý tứ của cổ nhân, gặp bệnh thương hàn không có mồ hôi cũng cứ dùng bừa Quế chi là rất sai.

Quế tâm (Gọt bỏ hết bì thô, dày, lấy phần bên trong có màu tía, rất ngọt là đúng)

Khí vị
  • Vị ngọt tính ấm, là thuốc âm trong dương dược, công dụng bổ vào tâm huyết, gọi quế tâm là mỹ từ khen ngợi
Chủ dụng
  • Giết được 3 loại trùng, hạ được nhau sót, chữa chứng chuyên xung lên, đau bụng hậu sản, ngăn được chứng thổ ra máu, mửa ra màu, thông kinh hành huyết, đạo trệ, có công năng bổ âm bổ dương (dùng Quế tâm vào thuốc bổ âm thì có khả năng lưu hành sự ngưng trệ của huyết dược để bổ thận, do vị cay thuộc phế kim, có thể sinh thủy để hành huyết là như thế). Chữa chững chân mềm nhũn cấu không biết đau và chứng trúng phong bán thân bất toại, nghiến răng, đờ lưỡi, tắt tiếng, có khả năng ôn bổ thận khí, lại chuyên chữa được chứng đau vùng thượng vị và dái sưng đau (thiên trụy). 

(Dược phẩm vậng yếu - Bộ hỏa - Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh)