Tam chủng hoắc loạn

Bệnh đau bụng hoắc loạn có 3 loại:

Thử hoắc loạn (trong có kiêm thấp): Bệnh đau bụng hoắc loạn bởi cảm thử (nắng). Bệnh này hay phát về cuối hạ sang thu. Nếu sang mùa đông mà còn phát là bởi "phục thử". Nghĩa là bởi khí nóng tiềm ẩn trong người từ trước.

Thấp hoắc loạn: Bệnh đau bụng hoắc loạn bởi cảm thấp. Bệnh này khi thổ hay khi tả cùng "hữu thanh, hữu vật". Nghĩa là khi thổ, nghe có tiếng òng ọc và có cả nhớt dãi và thức ăn ọc ra, và khi tả cũng nghe có tiếng phun phè phè mà có cả phân lỏng chảy ra.

Can hoắc loạn: Bệnh đau bụng hoắc loạn khô khan, (tức là nhiệt). Bệnh này khi thổ hay tả thì "hữu thanh mà vô vật". Nghĩa là khi thổ chỉ nghe có tiếng ộ ọe mà không có cơm nước thức ăn thổ ra chỉ có tý nhớt dãi, người ta thường nói: "thổ khan". Khi tả cũng giống như vậy.

Ý nghĩa bệnh danh


Hoắc = huy hoắc, mau chóng, gấp rút.
Loạn = rối loạn, rối rít, cuống quýt.
Nghĩa là đau bụng cuống quýt lên, đau mạnh bạo rối rí. Bệnh đau bụng hoắc loạn cũng gọi là "giảo trường sa" (đau vặn ruột lại).

Nguyên do


Bệnh này bởi cái mầm độc hoắc loạn nó xâm nhập trong ruột mà phát. Bệnh trạng làm ra đau bụng cuống quýt, trên thổ, dưới tả, mạch nhỏ, tiếng nói khàn, rút gân, co thịt lại đau nhức, 10 đầu ngón tay khuyết trũng xuống, quá lắm toàn thân phát lạnh, không khéo điều trị chỉ mấy tiếng đồng hồ là không cứu được.

Mầm hoắc loạn sinh ra bởi đồ ăn uống sống lạnh, cảm nhiễm thử thấp, khí âm dương thác loạn không điều hòa, thanh khí muốn thăng không thăng được, trọc khí muống giáng không giáng được.

Nhớ rằng: "khi phát bệnh chớ có ăn uống một chút cơm cháo nào cả, phải để thổ tả ra hết mới trị được, nếu đang khi bệnh mà ăn một chút cơm cháo vào sẽ nguy, phải chờ khi bệnh đã yên hẳn rồi mới có thể dùng một vài chút nước cháo lỏng mà thôi"


"Đông y số điển - Định Ninh LÊ ĐỨC THIẾP"