Chứng Can nhiệt, nuốt chua, đau điếng

Về Can nhiệt nuốt chua đau điếng. Mỗi chứng đều có ý nghĩa sâu sa của nó

Người xưa lập ra lời nói ý nghĩa rất sâu sắc, nhưng người học hiểu lơ mơ không chịu đào sâu, tìm kỹ nghĩa lý. Như Phương Thư nói: Oan nhiệt cũng như phiền nhiệt nhưng mức độ nặng hơn, nghĩa là khi phát sốt thì buồn rầu, ủ dột, uất ức không thoải mái như tình trạng một kẻ bị hàm oan không thanh minh ra được.

Bài phú Thương hàn trong sách Y học nói: “Di nhiệt truyền vào Thủ kinh như thể oan gia với nhau”. Câu đó không lấy gì làm bằng cứ. Phương Thư nói về bệnh Nuốt chua thì bàn về bệnh chứng và cách chữa rất rõ, nhưng mà bệnh trạng lại không tra xét vào đâu được.
Chỉ có Cảnh Nhạc nói: “Chứng mửa chua là trong thấp sinh ra nhiệt, còn nuốt chua là do hư hỏa ở trong uất lại đưa lên”. Tôi mới hiểu rõ.

Bởi vì, nuốt chua là do hư hỏa xông ngược lên, khí theo hỏa bốc lên mà sinh ợ, nước vị toan cũng theo khí tràn lên cuống họng, không thể nôn ra được, đành phải nuốt đi và thấy vị chua của nó. Người không hiểu, hễ thấy người bệnh nuốt cũng thấy chua thì cho là “Thôn toan”, không biết Nội kinh có nói: “Gọi là năm loại bệnh: Tâm nhiệt thì miệng đắng, can nhiệt thì miệng chua, tỳ nhiệt thì miệng ngọt, phế nhiệt thì miệng cay, thận nhiệt thì miệng mặn”. Nếu cho đó là “Thôn toan” thì sao không có đủ các tên bệnh như: Nuốt đắng, Nuốt cay, Nuốt ngọt, Nuốt mặn.

Phương thư nói đến tiếng đau điếng, đau xót lấy ý nghĩa của chữ “Toan” thật là sâu sắc. Các mục nói về cơ chế bệnh trong sách thuốc hoặc có khi viết thành chữ “toan” là chua xót, đó là không nghiên cứu ý nghĩa chữ toan là chua, mà lại gán ghép với chữ toan là một loại bệnh.

Lúc ban đầu, tôi cũng chưa hiểu rõ ý nghĩa ấy ra làm sao, ngẫu nhiên vì chạy nhanh vấp phải khúc gỗ chắn ngang mà ngã nhào, đau cắn đến xương tủy, đau dở khóc dở cười, rất là đau đớn khó chịu như người ăn của chua, vừa khoái vừa ghê răng, sởn cả lông tóc, lúc bấy giờ mới ngầm hiểu được nghĩa lý của chữ đau điếng là thế đấy.

Hoặc có người nói: cái ấy hình như không quan hệ đến ý nghĩa trong kinh điển lắm, chỉ hiểu qua loa cũng xong chuyện, hà tất phải tìm tòi sâu sắc. Tôi nghĩ không phải như vậy. Phàm người trí thức khi đọc sách cần tóm được những ý ở ngoài lý, không thể không lưu tâm nghiên cứu từ ngọn nguồn đến đầu sông, gặp việc suy rộng ra, biết một lẽ suy ra muôn lẽ. Nếu chỉ hiểu lơ mơ mà cho là xong chuyện rồi thì như: có chứng nóng âm ỉ trong xương; có chứng nóng hâm hấp ngoài da; có chứng tâm hư khi hóng khi mát, có chứng bức dương trên nóng dưới lạnh, liệu có thể cùng nhập vào với chứng nóng oan nhiệt vì hỏa uất sinh ra được không?

Còn như chứng ợ chua, nuốt chua (thôn toan) vốn là do hư hỏa uất ở trong bốc lên, liệu có thể cùng liệu ví với chứng vì can nhiệt động nuốt tí gì cũng chua được không?

Đau điếng, đau xót (Toan thống) là bệnh ở tinh tủy, không thể cho như “phong làm tổn cân, hàn làm tổn huyết, nhiệt làm tổn khí, thấp làm tổn nhục” (thịt) được. Bởi vì các thầy thuốc chữa bệnh, học hành chưa đến nơi đến chốn, kiến thức hẹp hòi, biết thuốc mà không biết bệnh tình, chữa bệnh không biết biến hóa. Biết chứng bệnh mà không biết hình thái, nên không biết hết mọi chứng trạng. Như thế liệu có thể lấy sự hiểu biết lơ mơ mà làm được việc hay sao?