Thuốc bổ âm

Thuốc bổ âm là các thuốc chữa chứng bệnh gây ra do phần âm của cơ thể giảm sút (âm hư), do tân dịch hao tổn, hư hoả bốc lên gây miệng khô họng đau, đi xuống dưới làm nước tiểu đỏ, táo bón)

Phần âm gồm: Phế, vị, thận và tân dịch. Khi hư nhược có triệu chứng sau:

  • Phế âm hư: Ho lâu ngày, ho ra máu, gò má đỏ, triều nhiệt, mồ hôi trộm. . .

  • Vị âm hư: Miệng khát, môi khô, loét miệng lưỡi, chảy máu chân răng, vật vã trằn trọc, táo bón, sốt nhẹ...

  • Thận âm hư: Đau nhức trong xương, đau lưng, ù tai, di tinh, di niệu, lòng bàn tay bàn chân nóng. . .

  • Tân địch hao tổn: Da khô, lưỡi đỏ, rêu ít. . .mạch tế sác.


Âm hư thường có triệu chứng hư nhiệt, biểu hiện:

Người gầy, da khô nóng, lòng bàn tay bàn chân nóng, có cảm giác nóng trong người (bốc hoả), sốt về chiều hoặc đêm, đạo hãn, mất ngủ, di tinh di niệu, môi khô, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Đặc điểm thuốc bổ âm

  • Đa số có vị ngọt, tính hàn, sinh tân dịch.

Tác dụng thuốc bổ âm

  • Chữa rối loạn thần kinh thể ức chế giảm: Cao huyết áp, mất ngủ, di tinh, đau lưng ù tai...

  • Chữa rối loạn thần kinh thực vật do lao: Ho lâu ngày, ho ra máu, gò má đỏ, triều nhiệt, đạo hãn (lao phổi)

  • Chữa rối loạn chất tạo keo: Thấp khớp mãn, viêm khớp dạng thấp, nhức trong xương, hâm hấp sốt, khát nước. . . (thận âm hư)

  • Trẻ đái dầm, ra mồ hôi trộm, có cơ địa dị ứng nhiễm khuẩn do hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh: viêm phế quản mãn, viêm bàng quang mãn, hen. . .

  • Chữa sốt kéo dài không rõ nguyên nhân. Y học cổ truyền cho rằng do thiếu tân dịch gây ra


Cách dùng

Dựa vào sự quy kinh mà chọn thuốc thích hợp với triệu chứng lâm sàng của người bệnh

Phối ngũ:

  • Phối hợp với thuốc hành khí, kiện tỳ (trần bì, bạch truật) tránh nê trệ

  • Phối hợp với bổ khí, bổ huyết để tăng tác dụng


Kiêng kỵ

  • Dương hư, tỳ hư



Sa sâm


Bộ phận dùng

  • Rễ của nhiều cây có họ thực vật khác nhau


Tính vị quy kinh

  • Đắng ngọt, hơi hàn - Phế


Công năng chủ trị

  • Dưỡng âm, thanh phế, tả hoả, chỉ khát

  • Chữa ho khan, ho lâu ngày do phế âm hư

  • Chữa ho có sốt đờm vàng (ho do phế nhiệt)

  • Chữa sốt cao, sốt kéo dài, miệng khô khát, tiện bí


Liều dùng - cách dùng

  • 6 - 12g/24h sắc, bột, rượu


Kiêng kỵ

  • Ho thuộc hàn không dùng



Mạch môn (Mạch môn đông, lan tiên, tóc tiên)


Bộ phận dùng

  • Củ, bỏ lõi


Tính vị quy kinh

  • Ngọt đắng, hơi hàn - Phế, vị


Công năng chủ trị

Thanh tâm, nhuận phế, dưỡng vị, sinh tân

  • Chữa ho lao, ho ra máu do phế âm hư

  • Chữa sốt cao khát nước, sốt cao gây chảy máu, táo bón do âm hư

  • Lợi tiểu, lợi sữa: trị phù thũng, đái buốt, đái rắt, tắc sữa thiếu sữa


Liều dùng - cách dùng

  • 6 - 12g/24h sắc, rượu


Kiêng kỵ

  • Kỵ Khổ sâm



Thiên môn (Dây tóc tiên)



Bộ phận dùng

  • Dùng củ, bỏ lõi


Tính vị quy kinh

  • Ngọt đắng, đại hàn - Phế, thận


Công năng chủ trị

Thanh tâm nhiệt, giáng phế hoả, sinh tân dịch

  • Chữa phế ung hư lao (áp se phổi), ho ra máu, nôn ra máu

  • Chữa sốt cao mất tân dịch gây khát nước, đau họng, bí đại tiểu tiện, khát do bệnh đái đường


Liều dùng - cách dùng

  • 6 - 12g/24h sắc, nấu cao, ngâm rượu


Kiêng kỵ

  • Kỵ hùng hoàng, kiêng cá chép



Kỷ tử (Câu kỷ tử, khởi tử)


Bộ phận dùng

  • Quả chín đỏ là tốt

  • Vỏ rễ gọi là địa cốt bì có tác dụng lương huyết, tả hoả, thanh phế, dưỡng âm. Trị ho sốt, viêm phổi, viêm phế quản, ho ra máu, đái máu

  • Lá nấu canh thịt ăn trị ho sốt, nấu với bồ dục lợn chữa liệt dương di tinh


Tính vị quy kinh

  • Ngọt, bình - Phế, can, thận


Công năng chủ trị

Bổ can thận, nhuận phế

  • Di tinh, đau lưng mỏi gối, nhức xương, miệng khát do thận âm hư

  • Chữa ho lao, viêm phổi, mệt nhọc, gầy yếu do phế âm hư hoặc phế ung

  • Chữa quáng gà, giảm thị lực do can huyết hư


Liều dùng - cách dùng

  • 6 - 12g/24h sắc, ngâm rượu



Thạch hộc (Hoàng thảo, phong lan)


Bộ phận dùng

Thân của nhiều loài phong lan.

  • Loại có đốt phía dưới phình rộng ra, phía trên nhỏ dài gọi là thạch hộc.

  • Loại có thân và đốt kích thước trên dưới đều nhau gọi là hoàng thảo.

  • Loại có vỏ vàng ánh, dài nhỏ như cái tăm gọi là kim thoa thạch hộc là tốt nhất


Tính vị quy kinh

Ngọt nhạt, hơi hàn (Bình) - Phế, vị, thận

Công năng chủ trị

Dưỡng âm, ích vị, sinh tân

  • Chữa sốt làm mất tân dịch gây miệng khô, họng đau, khát nước, bệnh khỏi rồi mà người vẫn còn hư nhiệt (giai đoạn hồi phục của bệnh nhiễm khuẩn)

  • Do tân dịch không đủ mà không muốn ăn, nôn, mắt nhìn kém, khớp xương sưng đau, mệt mỏi không có lực, giảm sinh lý

  • Chữa táo bón do sốt cao, sốt kéo dài tân dịch giảm


Liều dùng - cách dùng

  • 6 - 12g/24h sắc uống


Kiêng kỵ

  • Bệnh ôn nhiệt chưa hoá khô táo không dùng (hư chứng mà không nóngkhông dùng)


  • Kị ba đậu



Ngọc trúc (Uy di)



Bộ phận dùng

  • Thân rễ


Tính vị quy kinh

  • Ngọt, hơi hàn - Phế vị


Công năng chủ trị

Dưỡng âm, sinh tân, bổ khí huyết

  • Chữa âm hư phát sốt, phiền khát, mồ hôi trộm, vị hoả ăn nhiều mau đói

  • Chữa ho sốt do viêm phổi, phế quản

  • Thuốc bổ dùng khi suy nhược cơ thể, mồ hôi ra nhiều, di tinh, di niệu


Liều dùng - cách dùng

  • 6 - 12g/24h sắc uống



Bách hợp (Tỏi rừng)



Bộ phận dùng

  • Củ bóc ra từng phiến gọi là tép dò

  • Tránh nhầm với cây hoa loa kèn đỏ (tỏi voi), uống củ sẽ gây nôn


Tính vị quy kinh

  • Đắng, hơi hàn - Tâm, phế


Công năng chủ trị

Nhuận phế, an thần, lợi tiểu

  • Chữa ho lao, ho có đờm, viêm khí quản do phế nhiệt, phế hư

  • Chữa hồi hộp, mất ngủ do sốt cao hay can hoả vượng

  • Chữa phù thũng, bí đái, táo bón do thiếu tân dịch


Liều dùng - cách dùng

  • 6 - 12g/24h sắc, bột


Kiêng kỵ

Trúng hàn (cảm lạnh)



Bạch thược (thược dược)



Bộ phận dùng


  • Củ (rễ), màu trắng gọi bạch thược


Tính vị quy kinh

  • Đắng chua, hơi hàn - Can, tỳ, phế


Công năng chủ trị

Bổ huyết, liễm âm, nhuận can, chỉ thống, lợi tiểu

  • Chữa kinh nguyệt không đều, thống kinh, bế kinh, xích bạch đới lâu năm không khỏi

  • Giảm đau: chữa tả lị đau bụng, đau lưng ngực, chân tay nhức mỏi. . .

  • Tư âm giải biểu chữa người hư chứng bị cảm mạo, mồ hôi trộm

  • Chữa tiểu tiện khó khăn, trị băng huyết (sao cháy)


Liều dùng - cách dùng

  • 6 - 12g/24h sắc, bột, rượu


  • Dùng sống để giảm đau, hư chứng mà cảm mạo

  • Tẩm dấm, rượu sao để bổ huyết, điều kinh

  • Sao cháy cạnh chữa băng huyết


Kiêng kỵ

  • Trúng hàn, đau bụng đi tả

  • Bạch thược phản lê lô