Lời bàn


Nội kinh nói: “Mạch có sức dồi dào mà thân hình khí lực suy kém cũng sống được”. Có chỗ nói: “bắp thịt teo róc hết, thì tuy rằng chín hậu mạch vẫn còn điều hòa, cũng chết”. Như thế là chỗ trọng về mạch, chỗ trọng về hình trái ngược nhau chăng? Không phải như vậy đâu, vì rằng mạch khí hữu dư, phần lý không có bệnh nặng, hình khí có suy kém, nhưng bắp thịt chưa đến nỗi teo róc hết thì chết sao được? Nếu đến lúc bắp thịt teo róc hết thì tất nhiên có bệnh nặng đã lâu, khí huyết suy kém, cho nên chín hậu mạch nhỏ bé như sợi tơ, nên tựa như có vẻ hòa hoãn. Song bắp thịt đã teo róc hết là tỳ đã tuyệt, thì còn sống sao được?




Người ta có mạch xích không khác gì như cây có cội rễ, vì rằng thủy là sự phát sinh đầu tiên của thiên nhất, là cội rễ sinh mệnh của tiên thiên, Vương Thúc Hòa nói: “Mạch bộ thốn, bộ quan tuy không thấy nhưng mạch bộ xích vẫn còn chưa hết, như thế thì không chết được”. Nội kinh nói: “Các mạch phù [80] không có căn đều chết”, là chỉ có biểu mà không có lý, như vậy gọi là một mình dương thì không sinh được. Vì hai bộ xích là bộ vị của thận; cả 6 bộ mạch trầm cũng đều thuộc thận. Mạch 2 bộ Xích vô căn và 6 bộ ấn trầm đều vô căn, là thuộc về thận thủy bị tuyệt. Cho nên nói rằng: Mạch cốt yếu phải có thần, tức là ấn nặng chìm xuống thấy có căn gọi là mạch có thần, ví như cái cây khi cội rễ đã bị thối nát rồi, dù có vun xới cũng vô ích. Cho nên biết rằng mạch chân tạng là mạch không thể chữa được. Bởi vì người ta lấy vị khí là căn bản mạch. Vì đập vào tay cảm thấy đều đặn hòa nhã, có ý êm ái du dương không thể hình dung được. Thái quá hay bất cập đều có bệnh. Nhưng hễ thấy mạch chân tạng, không có vị khí thì chết.



Mạch Xung dương là mạch của Vị, ở chỗ động mạch trên mu bàn chân, cách huyệt Hãm cốc 3 thốn. Bởi vì thổ là gốc sinh ra vạn vật, mạch Xung dương không suy kém thì vị khí vẫn còn, tuy bệnh có nguy mà có thể cứu sống.



Mạch Thái khê là mạch của thận ở trên xương gót chân, phía sau mắt cá trong có động mạch đập vì thủy là nguồn của thiên nhất, mạch Thái khê chưa suy thì thận chưa tuyệt, tuy rằng bệnh nguy vẫn còn có cơ sống. Người ta ai cũng biết rằng, dương thực thì mạch hồng đại, nhưng thực tới cực độ mạch lại ẩn phục. Đó là hiện trạng hào Thượng cửu quẻ Càn găng thịnh quá thì không tốt. Người ta ai cũng biết rằng âm hư thì mạch vi tế nhưng hư cực độ thì mạch lại nhanh hơn, đó là hiện tượng hào Thượng lục của quẻ Khôn găng thịnh quá thì không tốt. Đây là lẽ âm dương lấn át lẫn nhau, người nhận định sáng suốt sẽ thấy rõ. Những bệnh mạch thuộc âm, có mạch trầm, mạch khẩn, mạch sác, mà Trọng Cảnh chỉ nói chung là mạch Vi Tế, bởi vì mạch trầm thì phải ấn nặng tay mới tìm thấy, thì Khẩn Sác cũng chỉ nằm trong cái Trầm Tế; nó không giống cái Khẩn Sác trong mạch phù đại của dương chứng.



Tiết Lập Trai nói: “Người ta chỉ biết sác là nhiệt, không biết rằng trong Trầm Tế mà thấy sác là rất hàn”. Chứng chân âm chân hàn mạch thường đập 7, 8 lần trong một hơi thở nhưng ấn vào vô lực mà sác, những chỗ này phải suy xét kỹ. Cho nên nói mạch Sác là nhiệt; Phù Sác là biểu nhiệt; Trầm Sác là lý nhiệt. Sác mà hữu lực là thực nhiệt, huống hồ mạch tế sác thì còn nhiệt sao được? Mạch Thượng ngư là mạch lên ngang tới trấy tay; nhiều người hay có thứ mạch ấy. Mạch giống nhau, bệnh khác nhau, thì không thể luận trị như nhau được. Có khi mạch ở hai tay đều lên đến trấy tay, có khi chỉ một tay lên tới trấy tay. Nếu người bình thường, thần khí sung túc mà có loại mạch như vậy là bẩm chất dồi dào, nguyên thần đầy đủ, mạnh dần đến trấy tay, là người đó sẽ thọ. Nếu người vẫn không có mạch ấy, mà bỗng dưng thấy mạch động lên trấy tay là mạch bệnh. Nạn kinh nói: “Trước bộ quan là chỗ dương động, mạch chỗ ấy phải phù tới 9 phần, kém như vậy là bất cập, quá như vậy là thái quá”. Lên đến trấy tay là mạch dật [81] là nội quan ngoại cách, là mạch âm lấn dương.