Bàn về Tâm Thận thông nhau

Hồn, phách, ý chí trong các tạng đều là thần minh, tâm chỉ thận cũng như ông chủ nhà, thủy hỏa bắt rễ lẫn nhau, tâm thuộc quẻ Ly, quẻ Ly thuộc âm, một hào âm giữa hai hào dương, trong tâm chứa chất nước đỏ đó là chân âm. Thận thuộc quẻ Khảm, quẻ Khảm thuộc dương, một hào dương giữa hai hào âm, trong thận chứa cái màng trắng đó là chân dương. Thận thủy dâng lên, tâm hỏa đạt xuống là “ký tế”, cho nên vận dụng lên trên là thận, truyền đạt xuống dưới là tâm, như thế gọi là “lao tâm”. 

Các phủ đều trơ đi không biết gì, chỉ tỳ vị cũng như đầy tớ trong một nhà, nước tiểu, cặn bã, lúc phải truyền tống, lúc thì mở đóng như thế gọi là lao lực, không phải nhọc mệt hết sức, chỉ nhọc mệt hình hài mà không nhọc thần khí, chất trọng trọc tượng với đất, có chất trọc âm nuôi dưỡng cho nên phần nhiều vô bệnh, có bệnh cũng dễ chữa, nếu lao tâm thì sự hao tổn đều là chất tinh ba của chất khinh thanh tượng với trời, phần nhiều động mà ít tĩnh, thất tình làm hại càng nhiều, âm tinh đưa lên thực ít cho nên dễ mắc nhiều bệnh, mắc bệnh là khó chữa. Vì sao? Vì tác dụng của thần minh, không phương hướng không hình thể thật là khó nói, nhưng làm then máy của vạn vật, lo nghĩ trăm đường há không phải do tác dụng của tâm đó ư? Thì hàng ngày lo nghĩ nhọc mệt lại nguy hại hơn sắc dục vì là lao tâm quá đỗi hại tới cả thận, thận là nơi chứa chí, cho nên có câu: Không có con là trách cứ bởi tâm, tóc bạc là trách cứ bởi thận, nghĩa là âm tinh ở trên bị hao (âm huyết của tâm bị hao ở trên) Ly (tâm) âm đã hao ở trên thì Khảm (thận) thủy ở dưới còn đầy sao được (Một thuyết nói: “Thần đối với khí mà nói thì thần là vô hình”. Nội kinh lại nói: “Huyết sinh tinh, tinh sinh khí, khí sinh thần” cho nên Đạo gia cho tinh khí thần là ba vật báu. Lại như đem thần khí đối với tinh huyết mà nói thì thần khí là dương, tinh huyết là âm, như đem huyết đối với tinh mà nói thì nói âm huyết nói dương tinh; ở đây nói âm tinh là nói tinh là tâm huyết sinh ra, vốn là vật chất thuộc âm, cho nên nói âm tinh bị hao ở trên, huyết ở tâm đã hao ở trên lấy gì để mà thu về thận ở hạ tiêu. Người làm thuốc nên lưu ý hơn nữa để đề phòng cho hai tạng tâm và thận trước thì khỏi sinh bệnh, dẫu có mắc bệnh cũng dễ chữa. Chữa người sinh hoạt vật chất sung sướng thì chữa tạng, chữa người sinh hoạt vật chất kham khổ thì chữa phủ, mà về tâm thận càng phải chú trọng hơn thì không bệnh nào là không khỏi. Vì chữ tạng nghĩa là cất giấu (tàng) là âm, cần được cất giấu mà không nên để lộ ra. Nội kinh nói: m là chân tạng, lộ ra thì hư hỏng, hư hỏng thì chết. Lại nói: “Năm tạng chứa tinh khí mà không cho tiết ra, sáu phủ truyền hóa các thứ mà không cho chứa lại” cho nên tạng không cho phép tả, mà lời bàn quí trọng tạng coi thường phủ cũng xuất phát từ đó. Lại như thận là chỗ gốc, là chỗ chứa tinh khí, lại càng phải thu chứa đóng kín, có hư không thực càng không có lý nào tả nó được. Nhưng tổn tinh thương thận không phải chỉ một nguyên nhân, thận chủ việc bế tàng, can chủ việc sơ tiết, hai tạng đều có tướng hỏa mà hệ của nó đều thuộc lên tâm, tâm là quân hỏa, giận tổn thương can thì tướng hỏa chuyển động mà thúc đẩy việc thông tiết, mà việc bế tàng không làm nổi chức năng, tuy không giao hợp mà tinh đã hao ngầm, do đó cần phải nén giận. Trong năm tạng đều có tướng hỏa, chỉ có loại tướng hỏa ký ở can, hễ lúc hiền lành thì nó đưa ra để nuôi sống, nhưng lúc giận dữ thì nó có tác hại dữ hơn các loại hỏa ở tạng khác, âm khí là nơi tông cân tụ hội mới có tác dụng khỏe khi giao hợp, vì tướng hỏa đầy đủ sức lực (nếu trong khi giao hợp gặp được âm khí hợp lại thì hỏa ở trên, dưới, trong, ngoài tam tiêu đều ùn ùn đưa xuống, huyền phủ [3] trong toàn thân đều mở ra các tinh để nuôi sống, đều hội kết lại ở âm khí mà phục ra, có phải chỉ một mình thận tàng chứa tinh mà thôi đâu. Có người tuổi già mà vẫn khỏe mạnh, cũng như đá chứa ngọc mà núi sáng, nước chứa hạt trai mà sông đẹp, đủ chứng minh là tinh đầy đủ thì người không bệnh.