Bàn về Long Lôi tướng hỏa

Ất với Quý cùng một nguồn, cho nên gọi là Long lôi, căn cứ của nó ở mệnh môn, cũng gọi là thiếu hỏa, thiếu nghĩa là nhỏ, là hỏa ở trong thủy, là âm hỏa, là phục hỏa, gặp thủy lại càng bốc dữ, thận thuộc quẻ Khảm, tượng là rồng, can thuộc quẻ Chấn, tượng là sấm, rồng bay sấm theo thì tác dụng ở quẻ Chấn, sấm náu ở trong hồ thì chủ ở quẻ Khảm, cho nên một điểm chân dương ở trong thận gọi là hỏa Long lôi (rồng sấm) mà náu ở thận tác dụng ở can.

Hỏa có nhân hỏa tướng hỏa, nhân hỏa là hỏa cháy ở ngoài đồng, gặp cỏ thì nóng lên, gặp cây thì đốt cháy, có thể dùng chất nước mà dập lên, có thể đem nước mà tưới tắt, có thể dập trực tiếp, như loại Hoàng liên có thể ức chế nó được. Tướng hỏa là Long hỏa, gặp ướt thì bốc ngọn lên, gặp nước lại càng bùng cháy, thường đang lúc mây đặc mưa rào thì ngọn lửa lại càng bùng lên mạnh (có thể thấy lửa sấm đốt cháy cỏ cây, lấy nước tưới vào thì càng bùng cháy, chỉ có lấy lửa ném vào thì tắt ngay, xét đó thì biết), gỗ đá có thể nát mà không thể chống lại nổi, nếu trái tính nó mà đem Tri Bá để chữa, không biết tướng hỏa ấy ký tế ở khoảng can thận là hỏa trong thủy, là hỏa Long lôi, nếu dùng vị khổ hàn (đắng lạnh) chỉ là tổ làm cho ngọn lửa cháy rực trời, đến lúc sức cùng mới tắt, biết được tính nó đem lửa mà đuổi thì sức nóng cháy tự tiêu, ngọn lửa sẽ dập tắt được. Nội kinh nói: “Khi ánh mặt trời chiếu đến thì lửa tự tiêu diệt”, đó là một kinh nghiệm lửa gặp nước thì cháy mà gặp lửa thì tắt, phép tả hỏa của người xưa là ý như thế. Hỏa Long lôi sao lại đến tháng 5 tháng 6 thì hay bốc to lên, đến tháng 9 tháng 10 thì chứa kín lại. Vì mùa đông dương khí ở thủy thổ (nước đất), Long lôi theo hỏa khí mà ở dưới, mùa hè âm khí ở dưới, Long lôi không thể yên thân, sợ lạnh mà bốc lên trên, rõ được ý nghĩa ấy cho nên chỉ có bài Bát vị hoàn, Quế Phụ với hỏa cùng một khí, đi thẳng vào trong thân giữ lấy căn cứ của nó mà chiêu dụ nó trở về, đồng khí tương cầu sao lại không dẫn nó về nguyên chỗ được ư? Con người không có thứ hỏa ấy thì không thể sống được. Người đời đều nói giáng hỏa mà chỉ một họ Triệu là lấy Địa hoàng để dưỡng thêm cho hỏa ở trong thủy, người đời đều nói là phạt hỏa (trị hỏa) mà chỉ họ Triệu dùng Quế Phụ để ôn bổ hỏa thiên chân.