Ngũ canh thần tả

Ngũ canh: một đêm có 5 trống canh. Canh thứ 5 là canh gần sáng

Thần: sớm mai.

Mỗi sớm mai vào lúc đầu canh 5 thì bắt phải dậy đi ỉa, mà ỉa chảy (tả). Có khi 1 lần, có khi vài ba lần rồi thôi, sớm mai lại tả như vậy. Cái bệnh tả này hàng tháng, hàng năm chưa hết. Trước sau khi tả không có đau bụng, gọi là đi tả, mà tả xong người vẫn như thường.

Bệnh tả này không phải bởi tỳ vị hư hàn (uống thuốc trị tỳ không khỏi) mà lại tại thận, cho nên có danh từ “ngũ canh thận tả”. Bởi lẽ:

Thận khai khiếu ra 2 âm bộ: tiền âm đi đái, hậu âm đi phân, cái việc bài tiết đó tuy bởi Bàng quang và Đại trường mà cái quyền đóng và mở 2 cửa âm bộ đó là bởi thận. Nay thận suy yếu thì cái hỏa mệnh môn cũng tắt.

Hỏa tắt thì thủy vượng, thủy vượng không có hỏa lưu lại thì thủy tả ra.

Tại sao cứ tả ra vào gần sáng (trống canh 5)?

Bởi thận thuộc Bắc phương hàn thủy, thủy vượng giờ Tý, giờ Tý là lúc quá nửa đêm. Từ giờ Tý đến lúc gà gáy sáng là từ Sửu sang Dần. Đêm thuộc âm phận, nhưng đã sắp sang giờ Dần là lúc gần sáng.

Trong cái lúc chưa tới giờ Dần ấy, tức là lúc đêm (âm gần hết mà dương chưa tới). Thủy vượng vào giờ Tý, thủy nhằm cái lúc sơ hở ấy mà tiết ra.

Biết rằng: bệnh tả này là thận tả (hỏa suy, thủy vượng) nhưng dù sao thì trong cái Thận tả đó cũng có mấy phần Tỳ tả, bởi thận thủy đã vượng thì Tỳ thổ cũng ẩm ướt.

Phép trị: dùng bài Nhị thần hoàn và Tứ thần hoàn.

Hoặc uống bài Bát vị hoàn bỏ Đan bì, thêm Phá cố chỉ (tẩm nước muối sao), Thỏ ty tử (tẩm rượu sao), ngũ vị tử (sao khô). Tất cả tán nhỏ. Đem Hoài sơn tán thành bột, nấu hồ làm hoàn, sấy khô, uống dần. Để bổ cả chân dương và chân âm cho thận thì thủy và hỏa đầy đủ mà cân bằng, nắm vững cái quyền cho đóng mở tràng vị.

Một khi cái hỏa Mệnh môn đã mạnh thì hỏa ấy sẽ sinh thổ mà làm cho Tỳ cũng mạnh vậy

(Đông y số điển - Định Ninh - LÊ ĐỨC THIẾP)