Đại pháp điều trị

197.Chữa bệnh phải tìm từ Bản. 

“Tố Vấn - Âm Dương ứng tượng đại luận" 

Câu này nêu lên nguyên tắc cơ bản về biện chứng luận trị, là trọng tâm lý luận cho học thuyết điều trị của Đông y. Nói "chữa bệnh phải tìm từ gốc" có nghĩa là phải khéo tìm ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến tật bệnh, nhằm đúng vào nó mà tiến hành điều trị. Sự phát sinh phát triển của tật bệnh tất cả là thông qua sự biểu hiện của những chứng trạng nào đó, nhưng những chứng trạng đó chỉ là hiện tượng của tật bệnh chứ không thể nói là bản chất của tật bệnh. Chỉ có tập hợp đầy đủ, hiểu rõ các phương diện của tật bệnh bao gồm toàn bộ tình huống chứng trạng ở trong, tiến hành phân tích tổng hợp, thông qua hiện tượng và bản chất để tìm ra nguyên nhân căn bản của tật bệnh, từ đó mà xác định phương pháp điều trị thích hợp, chứ không phải "đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân" điều trị mù quáng.

"Bản" với "Tiêu" là nói tương đối, có thể dùng để thuyết minh quan hệ chủ thứ trong các loại mâu thuẫn trong quá trình bệnh biến. Ví dụ nói theo hai phía tà và chính, chính khí là bản, tà khí là tiêu. Nói theo nguyên nhân bệnh với chứng trạng, nguyên nhân bệnh là bản, chứng trạng là tiêu. Nói theo phát bệnh trước và sau thì nguyên phát bệnh, bệnh phát cũ là Bản; kế phát bệnh, bệnh mới phát là tiêu. Những vấn đề trên đều có ý nghĩa chỉ đạo trong lâm sàng.

Cũng nên chỉ rõ, phép trị tiêu bản ứng dụng trên lâm sàng, nói chung là "chữa bệnh phải tìm từ bản". Nhưng ở một số tình huống, Tiêu bệnh nguy cấp nếu không giải quyết kịp thời có thể nguy đến sinh mạng người bệnh và ảnh hưởng đến điều trị tật bệnh, thì nên áp dụng nguyên tắc "Cấp thì trị tiêu - Hoãn thì trị bản", trước chữa tiêu bệnh sau chữa bản bệnh. Nếu cả Tiêu và Bản đều nặng thì nên cùng chữa cả Tiêu Bản.

Quy nạp lại, trị bệnh phải tìm Bản. Cấp thì trị Tiêu. Tiêu Bản cùng trị, có như vậy mới là nội dung toàn diện của phép tắc Tiêu Bản.


198. Hoãn thì trị Bản. cấp thì trị Tiêu

Minh - Lý Diên 
"Y học nhập môn - Tiêu bản luận" 

Câu này là thể hiện linh hoạt vấn đề Tiêu Bản trong phép tắc chữa bệnh phải tìm từ Bản.

Tiêu là hiện tượng và chứng hậu biểu hiện tật bệnh lâm sàng - Bản là cơ chế bệnh phát sinh tật bệnh, tức là bản chất của tật bệnh.

Trong bệnh tình phát triển nhiều biến hoá phức tạp, thường xuất hiện vai trò chủ thứ Tiêu Bản khác nhau. Cho nên trong điều trị nên phân biệt trước sau hoãn cấp

Tình huống chung là nên "trị bệnh phải tìm từ bản". Nhưng khi tiêu bệnh quá gấp ảnh hưởng đến an nguy của người bệnh thì việc cần giải quyết trước tức như nói "cấp thì trị Tiêu". Ví dụ Tỳ hư dẫn đến cổ trướng thì Tỳ hư là Bản, Cổ trướng là Tiêu, nhưng đương lúc cổ trướng nghiêm trọng, bụng to như cái trống, nhị tiện không lợi, suyễn gấp khó thở thì nên công thuỷ lợi niệu, thuỷ rút bệnh êm mới dùng thuốc kiện Tỳ củng cố cái gốc. Đối với tình huống bệnh mạn tính hoặc bệnh mạn tính ở thời kỳ khôi phục bệnh tình tương đối hoà hoãn thì nên kiên trì giữ nguyên tắc chữa bệnh phải tìm từ Bản để đạt hiệu quả trị bản trừ tiêu. Ví dụ chứng Phế lao khái thấu, cái gốc phần nhiều do Phế Thận âm hư, nhưng trong điều trị nói chung không sử dụng phép trị tiêu chỉ khái mà phải tư dưỡng Phế Thận. Cái Bản là Âm hư được điều trị thì chứng Khái là Tiêu tự trừ đó tức là "Hoãn thì trị từ Bản".


199. Phải khắc phục cái chủ yếu, trước hết phải tìm ra nguyên nhân.

“Tố Vấn - Chí chân yếu đại luận " 

Câu này nêu một nguyên tắc cơ bản về biện chứng luận trị, mang ý nghĩa chỉ đạo và phổ biến trong lâm sàng.

Phàm muốn trị bệnh, cần phải khống chế khắc phục cái -bệnh căn chủ yếu của nó, hơn nữa trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh của nó, rồi sau mới xét chứng luận trị, điều trị mới nhằm đúng đối tượng mà thu hiệu quả cao.

Trương cảnh Nhạc chú thích rằng: "Phải khắc phục cái chủ yếu tức là khống chế cái gốc bệnh. Trước hết phải tìm ra nguyên nhân là tìm cái nguồn gốc gây nên bệnh". Chúng ta nhận rằng "Phải khắc phục cái chủ yếu" cũng có thể lý giải được là phải khống chế được chủ chứng của tật bệnh. Bởi vì chủ chứng thường là chỗ rất đau khổ của người bệnh, gặp chúng Tiêu gấp gáp phải nên lưu tâm khống chế khắc phục. Lý giải này so với thuyết pháp nói trên không mẫu thuẫn nhau, thuyết pháp trên nói Bản của bệnh, câu nói sau là nói Tiêu của bệnh, chỉ khác nhau về góc độ mà thôi.


200. Chữa bệnh trước tiên phải hiểu bệnh. Hiểu bệnh rồi sau mới bàn đến dùng thuốc.

Thanh - Dụ Gia Ngôn 
"Ngụ ý thảo - Tiên nghị bệnh hậu nghị dược" 

Danh ngôn này thể hiện tinh thần biện chứng luận trị, là một câu luận đoán nổi tiếng của họ Dụ mà cốt lõi là bắt buộc bàn đến bệnh và điều khiển thuốc, tuỳ cơ ứng biến.

Họ Dụ nói "bệnh qua bàn luận rõ ràng, thì có bệnh ấy phải có ngay thuốc ấy, bệnh biến ra ngàn vẻ thuốc cũng ngàn vẻ". "Hiểu bệnh thì trong trăm ngàn vị thuốc, chỉ cần mó đến một vài vị đã hiệu nghiệm như thần". Cũng nên chỉ rõ là, luận điểm này của họ Dụ chủ yếu là nhằm vào những thầy thuốc xoàng đương thời chỉ biết bàn thuốc không biết bàn đến bệnh làm đảo lộn khuynh hướng nên mới đề xuất như vậy, đến nay vẫn còn có nghĩa hiện thực.


201. Thấy bệnh chữa bệnh, điều tối kỵ của thầy thuốc.

Minh - Chu Thận Trai 
“Thận Trai di thư- Biện chứng thi trị" 

Câu này trái lại với nguyên tắc bắt buộc "Chữa bệnh phải tìm từ Bản". Chu Thận Trai giải thích: "Bệnh có tiêu bản, phần nhiều có trường hợp không phát hiện Bản bệnh mà chỉ thấy Tiêu bệnh. Có trường hợp tiêu bản trái ngược nhau không phù hợp. Nếu thấy xuất hiện một chứng mà chữa ngay chứng ấy tất nhiên sai lầm. Chỉ thấy xuất hiện một chứng mà có thể biết tại sao mà có chứng ấy, đó là có thể biết cái Bản". Tiên hiền không thiếu lời bàn về phương diện này, như Diệp Thiên Sĩ đã từng nói tới "Thấy bệnh chữa bệnh, sẽ không bổ ích mấy" và "Thấy bệnh chữa bệnh là kiến thức nông nổi"... đều là bắt buộc thầy thuốc điều trị đông y phản đối kiến thức nông nổi đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân..


202. Thấy Đờm chớ chữa đờm. Thấy huyết chớ chữa huyết. Không mồ hôi không phát hãn. Có nhiệt đừng công nhiệt. Suyễn sinh đừng hao khí. Tinh chớ sáp tiết. Hiểu rõ những điều hay. Mới là thầy anh kiệt.

Minh - Lý Trung Tử 
“Y tôn tất độc – Thận vi tiên thiên bản. Tỳ vi hậu thiên bản luận" 

dẫn lời Vương Ứng Chấn

Những câu này từ phản diện nêu rõ nguyên tắc chữa bệnh phải tìm từ gốc. Chữa bệnh tìm từ gốc tuyệt đối không phải là phép chữa đối chứng đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân.

Đông y chữa bệnh theo phép nghiên cứu giảng dạy là biện chứng tìm nguyên nhân, xét nguyên nhân để luận trị. Ví dụ như Đàm chứng: Đàm có thể hình thành do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân do thấp thì làm ráo đi, nguyên nhân do lạnh thì nên làm cho ấm, nguyên nhân do nhiệt thì phải thanh, nguyên nhân do hư thì phải bổ, xét cái nguyên nhân sinh đàm để chặn đứng cái nguồn sinh ra nó mới là đạo lý chữa từ gốc bệnh. Nếu chỉ nhằm vào thấy đàm thì hoá đàm khó tránh khỏi bệnh theo cách chữa mà sinh ra, vĩnh viễn không ngày nào yên. Ngoài ra như huyết chứng, nhiệt chứng, vô hãn, suyễn chứng, di tinh, không chứng nào vượi ngoài biện pháp ấy. Tóm lại, chữa bệnh tìm từ gốc, không thể thấy xuất hiện một chứng thì chữa một chứng mà phải dành nhiều công phu để biện chứng.

Xét nguyên nhân để luận trị, thấy bệnh chữa từ cái nguồn sinh ra bệnh, đạo lý rõ ràng như vậy mới xứng đáng được gọi là tuấn kiệt trong Đông y, có thể tham khảo những danh ngôn nói ở trên.


203.Trước hết phải nắm rõ tuế khí, đừng khắc phạt thiên hoà.

“Tố Vấn - Ngũ thường chính đại luận " 

Chữa bệnh, trước hết phải chú ý đến đặc điểm khí hậu, dùng thuốc không trái với biến hoá của giới tự nhiên. Câu này bắt buộc Đông y chữa bệnh phải thuận theo sự thích ứng với biến hoá của khí hậu tự nhiẽn, cũng như thường nói "Nhân thời chế nghi" đó là một đặc sắc to lớn của đông y trị liệu, là biểu hiện quan niệm chỉnh thể của Đông y. Ví dụ như mùa Hạ nóng gắt dùng ít thuốc cay nóng, mùa Đông rét buốt nên dùng ít thuốc hàn lương. Lý Đông Viên có câu nói "mừa Đông không dùng thang Bạch hổ, mùa Hạ không dùng thang Thanh long" tức là thể hiện phương diện này.


204. Cẩn thận xét thấy "gián" "thậm", lấy ý mà điều hoà, "gián" thì dùng kiêm, "thậm" thì dùng một mình.

“Tố Vấn - Tiêu bản bệnh truyền luận" 

Câu này chỉ dẫn căn cứ vào bệnh tình nặng nhẹ thế nào để vận dụng lý luận tiêu bản. "Gián Thậm”. Gián là nói bệnh còn nông. Thậm là nói bệnh đã nặng", "gián" cũng có ý như "kiêm", chứng có kiêm chứng, như hàn nhiệt lẫn lộn, biểu lý lẫn lộn v.v. "Gián thì cùng đi; thậm thì đi một mình". Trương cảnh Nhạc chú giải: "Bệnh nông thì có thể kiêm trị, cho nên nói cùng đi. Bệnh thậm thì khó chứa đựng sự rối loạn cho nên nói đi một mình", "cùng đi" tức là cùng chữa tiêu bản "đi một mình" chỉ chữa riêng tiêu hoặc chữa riêng bản.

Ý tứ toàn câu là: cẩn thận xem xét nặng nhẹ hoãn cấp của tật bệnh, tập trung tinh lực mà điều trị. Bệnh nhẹ có thể cùng chữa cả tiêu và bản, bệnh nặng thì phải nắm vững mâu thuẫn chủ yếu, tập trung lực lượng mà điều trị, hoặc chữa tiêu, không được phức tạp lẫn lộn. Biện pháp này thực có ý nghĩa chỉ đạo trong lâm sàng.


205.Nguyên tắc chữa bệnh, nên biết tà và chính, nên cân nhắc nặng nhẹ.

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư- Truyền trung lục - Luận trị thiên” 

Nguyên tắc điều trị tật bệnh nên phân biệt rõ tà chính với tình huống so sánh. Tà thịnh thì nên khu tà ngay, chính hư thì nên phù chính, nếu hai biện pháp ấy chữa khác đi, sẽ phạm vào lỗi "hư hư thực thực". Cũng cần cân nhắc bệnh tình nặng nhẹ, bệnh nhẹ thì chữa nhẹ đừng để khắc phạt thái quá; bệnh nặng chữa nặng, xe lội vũng bùn cũng là hỏng việc. Câu này họ Trương nêu ra đối với lâm sàng điều trị yêu cầu trước tiên là phải nắm vững bệnh tình.


206.Phép phân (chia) để trị ở chỗ xét nặng nhẹ. Phép hợp để trị, cần phân biệt chủ và khách

Thanh - La Hạo 
"Y kinh dư luận - Trị bệnh hoãn cấp phân hợp luận" 

Họ La cho rằng chữa bệnh có hai điều khó: Một là phân biệt hoãn cấp. Hai là biết phân (chia) hợp. Nói biết phân hợp là chỗ khi phải chữa bệnh chứng có vài bệnh cùng xuất hiện, nên cân nhắc lựa chọn biện pháp phân trị hay hợp trị. Câu này nêu khi áp dụng phân trị hay hợp trị nên tuân theo nguyên tắc. Khi phân chia điều trị, phải phân biệt rõ chứng nào nhẹ, chứng nào nặng, trước hết phải chữa chứng nặng. Khi hợp lại để điều trị chung, cần phải phân rõ bệnh chứng chủ yếu, bệnh chứng thứ yếu và phải lấy điều trị bệnh chứng chủ yếu làm chính, bệnh chứng thứ yếu làm phụ. Họ La nêu thí dụ: "như có biểu chứng mà kiêm cả lý chứng, biểu chứng nặng thì nên giải biểu, lý chứng nặng thì nên thanh lý, đó là phép phân trị. Như chứng này thuộc Hư, ngoại tà lại nặng. Bổ chính thì giúp cho tà, trừ tà thì hại chính, biện pháp ổn đáng là hợp trị cả hai. Hư chứng nặng thì lấy chữa Hư là chủ yếu kèm theo thuốc khu tà. Tà còn mạnh thì lấy khu tà là chủ yếu kèm theo thuốc phù chính.


207.Nghĩ như bệnh thuộc cố tật lại thêm bệnh đột ngột, nên chữa bệnh đột ngột trước sau hãy chữa cố tật.

Đông Hán - Trương Trọng Cảnh 
"Kim Quĩ yếu lược 

Tạng Phủ kinh lạc tiên hậu bệnh mạch chứng trị"

Câu này nêu người bị bệnh lâu ngày (cố tật) lại cảm nhiễm bệnh mới (bệnh đột ngột) phải nắm nguyên tắc điều trị trước sau hoãn cấp như thế nào, đó tức là nguyên tắc trước hãy chữa bệnh đột ngột rồi sau mới chữa cố tật. Bởi vì bệnh mới thì ngắn ngày vị trí nông, xu thế gấp, phát triển nhanh, không được để chậm trễ mà nên chữa trước. Bệnh lâu ngày thời gian dài vị trí sâu, xu thế từ từ, phát triển chậm có thể xử lý thong thả, cho nên điều trị sau. Đương nhiên phải xem bệnh tình cụ thể, cũng có khi bệnh cũ bệnh mới cùng chữa một lúc, không nên câu nệ.


208.Bị bệnh từ trước rồi sau mới sinh trung mãn, nên chữa Tiêu.


209.Đại tiểu tiện không lợi, nên chữa Tiêu.

“Tố Vấn - Tiêu bản bệnh truyền luận” 

Lý luận Đông y cho rằng phát bệnh trước là Bản, phát bệnh sau là Tiêu "Chữa bệnh phải tìm từ Bản", nói chung mọi tình huống đều nên điều trị phát bệnh trước, bệnh nguyên phát.

"Tiêu bản bệnh truyền luận" nêu thí dụ thuyết minh nhiều loại bệnh chứng đều là điều trị bệnh phát sinh trước, bệnh nguyên phát ấy là "Bản" sau mới chữa bệnh kế phát là "Tiêu" Chỉ riêng có hai trường hợp "Trung mãn" và "đại tiểu không lợi" (tức nhị tiện không thông lợi) là hai bệnh kế phát cần phải chữa trước, đó là thể hiện nguyên tắc "cấp thì trị tiêu", về lý do, Trương cảnh Nhạc giải thích khá cụ thể, dẫn giải như sau :

Mọi bệnh đều chữa "bản" trước mà chỉ có chứng trung mãn là trị "tiêu" trước, bởi vì trung mãn phát bệnh, tà khí ở Vị, Vị là cái "bản" của Tạng Phủ. Vị mãn (đầy) thì cái khí của đồ ăn thuốc uống không lưu hành mà tạng phủ đều mất sự chăm sóc, cho nên trị nó trước cũng là để chữa "bản" vậy. Lại nói: "Trước đã có bệnh khác, mà sau lại tiểu tiện không lợi, cũng là trị tiêu trước". Mọi bệnh đều chữa Bản, riêng chứng này lại chữa Tiêu. Bởi vì đại tiểu tiện không thông là dấu hiệu nguy cấp, tuy là tiêu bệnh cũng phải chữa trước, đó là ý nói "cấp thì chữa tiêu". Trên lâm sàng, ngoài hai chứng "trung mãn" và "đại tiểu tiện không lợi" nên điều trị trước, đến như chứng "Ẩu thổ" cũng thuộc tiêu và cấp nên giải trừ trước là phải, vì lý do cũng tương tự với "trung mãn".


210. Hãn, mà đừng làm thương

        Hạ, mà đừng làm tổn.

        Ôn, mà đừng làm táo

        Hàn, mà đừng làm ngưng

        Tiêu, mà đừng phạt

         Bổ, mà đừng trệ

         Hoà, mà đừng tràn lan

         Thổ, mà đừng chậm chễ.

Đương đại - Bổ Phụ Chu
"Bồ Phụ Chu y liệu kinh nghiệm - Bát pháp vận dụng" 

Những câu này, qui nạp những điều cần chú ý trong ứng dụng Bát pháp, là kinh nghiệm tổng kết quý báu của đại Trung y đương đại Bổ Phụ Chu. Cốt lõi vấn đề là khi ứng dụng bát pháp cần phải nắm vững chi ly, ngăn ngừa lạm dụng, dùng quá phạm vi, làm tổn hại chính khí; cụ thể như sau.

Hãn mà đừng làm thương: Hãn pháp dùng trong tình huống tà ở bì mao, nhưng dùng thuốc cần phải thích hợp, không nên hãn mà hãn là "ngộ biểu" (sai lầm chữa ở biểu) ra quá nhiều mồ hôi sẽ thương dương, ra mồ hôi quá tay sẽ thương âm, đều thuộc loại "ra mồ hôi quá nhiều" đều làm hại chính khí, không thể không biết.

Hạ mà đừng làm tổn: Hạ pháp thích hợp với chứng lý thực tà thịnh, tính thuốc mãnh liệt, sử dụng không thích đáng sẽ tổn thương chính khí. Không nên hạ mà hạ là Hạ sai lầm. Bệnh nhẹ mà thuốc mạnh là hạ thái quá... đều làm thương tổn chính khí, cũng nên cẩn thận.

Ôn mà đừng làm táo: Ôn pháp thích hợp với Hàn chứng cũng cẩn phải có chừng mực. Dùng quá độ thuốc táo nhiệt có thể dẫn đến táo kiệt thương âm.

Thanh mà đừng làm ngưng: Phép Thanh thích hợp với Thực chứng, nhưng cần chú ý tránh dùng nhiều hàn lương: một là làm hại Tỳ Vị, hai là thuốc vượt qua vị trí bệnh đến nỗi nhiệt bệnh chưa rứt hết hàn chứng đã nổi lên đó là "mắc bệnh tại thuốc".

Tiêu mà đừng phạt: Phép Tiêu dùng trong những chứng thực tích, đàm hạch, tích tụ, trưng hà, các thuốc điều trị đều có tính khắc phạt, sử dụng không thích đáng trái lại tổn thương chính khí. Vì vậy cần hiểu rõ bộ vị của bệnh phân biệt nặng nhẹ để tránh trừng phạt không quá tay. Đồng thời phải chú ý thể chất khoẻ yếu của người bệnh mà tiêu bổ cùng dùng, vận dụng cho linh hoạt.

Bổ mà đừng trệ: Phép Bổ ứng dụng trong Hư chứng nhưng phải chú ý trong bổ có thông, phối hợp thích đáng thuốc lý khí và hoà huyết, đó cũng là "trong tĩnh có động" khiến cho khí huyết điều hoà thuận chiều mới có thể thành công. Dùng bổ vớ vẩn, bổ vô tội vạ chỉ chuốc lấy trở ngại khí huyết, khó mà thu được công hiệu.

Hoà mà đừng tràn lan: Phép Hoà thích hợp với các chứng tà ở bán biểu bán lý và Tạng Phủ khí huyết không điều hoà, phạm vi ứng dụng khá rộng, nhưng phải hoà cho thích đáng không được lạm dụng.

Thổ mà đừng chậm trễ: Phép Thổ thích hợp với loại tà khí ở Thượng tiêu, phần nhiều thuộc Thực tà, điều trị nên khẩn trương. Nói "thổ mà đừng chậm trễ" là nói phải chớp lấy thời cơ, tấn công nhanh chóng đừng chậm trễ.

Bồ Phụ Chu tổng kết kinh nghiệm vận dụng bát pháp, phương pháp biện chứng đầy đủ đáng để chúng ta học tập.


211.Chữa bệnh chia ba phép sơ trung mạt: Con đường sơ trị (giai đoạn đầu) theo phép nên mạnh dạn. Con đường trung trị (giai đoạn giữa) theo phép vừa mạnh vừa từ từ hỗ trợ nhau..Con đường mạt trị (giai đoạn cuối) theo phép nên thong thả từ từ. 

Nguyên - Vương Hiếu Cổ 
“Thử sự nan tri -Tam pháp ngũ trị luận" 

Tật bệnh không ngừng biến hoá, ba thời kỳ sơ, trung, mạt đều có đặc điểm, dùng thuốc cũng phải theo đó mà biến hoá. Họ Vương nói câu này là chỉ vào điểm đó, rất có ý nghĩa phổ biến trong lâm sàng. Nguyên văn là: "Chữa bệnh lúc bắt đầu, theo phép nên mạnh dạn", là ý nói dùng thuốc phải nhạy bén hùng mạnh. Bởi vì mắc bệnh lúc mới thường mạnh, cảm nhiễm dù nặng hay nhẹ, đều nên dùng thuốc mạnh đuổi bỏ tà ngay. Chữa bệnh ở giai đoạn giữa, theo phép nên vừa mạnh vừa từ từ tương kiêm, vì nhiễm bệnh, không là tà mới thì là tà đã lâu, phải trong sự làm dịu sự gấp gáp có cả ý phù chính khu tà, điều trị chiếu cố cả đôi bên. Dưỡng chính khu tà, ví dụ như thấy tà khí nhiều mà chính khí ít thì nên dùng nhiều thuốc khu tà, thuốc dưỡng chính ít (phép gia giảm thuốc, đều theo nguyên tắc đó). Những loại thuốc gia giảm như thế, khi lâm sàng càng phải nghe ngóng đối chứng để tăng giảm dùng thuốc và phải căn cứ vào thời tiết, có phải kiêng tránh gì không. Dùng thêm phép châm cứu, hiệu quả càng nhanh. Biện pháp chữa sau cùng lại nên thong thả, nói thong thả là dùng loại thuốc êm dịu uống lâu không độc, phần nhiều có tác dụng nuôi khí huyết yên bên trong. Bởi vì bệnh chứng đã lâu, tà khí ẩn nấp khá sâu, chính khí mong manh, điều trị phải khéo chọn thuốc uống được lâu dài, "chính khí được nuôi nhiều thì tà khí sẽ rút." Lý lẽ đã rõ ràng sáng suốt, chẳng cần bàn thêm.


212.Phàm chữa bệnh, tất cả nên làm cho tà có con đường rút lui.

Thanh - Chu Học Hải 
"Độc y tùy bút - Dụng dược tu sử tà hữu xuất lộ" 

Câu này nêu một nguyên tắc trọng yếu trong điều trị, đủ cho đời sau suy ngẫm.

Chữa bệnh tấn công tà khí, nên khiến cho tà khí có lối thoát ra ngoài, đóng cửa giữ giặc là điều tối kỵ của y gia. Ngô Hựu Khả có bàn: "Hoàng liên tính lạnh mà không tiết, chỉ có thể chế nhiệt chứ không tiết thực. Nếu bên trong có thực tà thì phải dựa vào Đại hoàng mới tiết được. Nếu chỉ dùng Hoàng liên để thanh thì trái lại nhiệt tà bám trụ, ẩn náu bên trong càng sâu, điều trị tấn công càng khó". (Thu Học Hải cũng nêu thí dụ là "có người bị bệnh Đàm ẩm uống Phụ tử lâu ngày biến thành thũng mu bàn chân, đó là vì không dùng các thứ khổ giáng đạm thấm như Phục linh, Trư linh để khỏi thông tà khí, mà chỉ chuyên ích phần Dương, Dương khí quá vượng càng xô đẩy đàm thuỷ tứ phía, tức là cái lỗi "bổ mà không tiết vậy". Qua những thí dụ trên có thể hiểu rõ vấn đề, tóm lại là "nên hạ cho nó ra, mà không tiết thì không hạ được. Nên tống cho nó ra ngoài, mà không tán thì không đẩy được ra ngoài". Chữa bệnh nên xét xu thế của bệnh, nhân xu thế mà khơi thông, biểu chứng thì dùng phép thấu đạt, bệnh thủy khí thì dùng phép thấm lợi, âm dương lý thực thì nên công hạ, đều là những phương pháp làm cho tà khí có đường rút lui.


213.Chữa khi chưa có bệnh có nghĩa là thấy Can mắc bệnh, biết là Can bệnh sẽ truyền sang Tỳ, cho nên phải làm cho Tỳ khí vững chắc trước tiên.
Nạn kinh - Nạn thứ 77 


214.Thấy Can mắc bệnh, biết là bệnh Can sẽ truyền sang Tỳ, trước phải làm vững chắc Tỳ.

Đông Hán - Trương Trọng Cảnh 
"Kim quĩ yếu lược 
Tạng Phủ Kinh lạc tiên hậu bệnh mạch chứng" 

Ý nghĩa hai danh ngôn trên giống nhau, đều là vận dụng cụ thể lý luận của Nội Kinh "chữa từ khi chưa mắc bệnh". Đông y cho rằng trong năm Tạng có mối liên hệ tồn tại lẫn nhau, chế ước lẫn nhau. Mối liên hệ này thông thường dùng sinh khắc chế hoá của năm Tạng để Ihuyết minh. Một Tạng có bệnh có thể ảnh hưởng tới các Tạng khác, khi điều trị nên đồng thời điều trị dự phòng, đó tức là nội dung tư tưởng trọng yếu của Đông y "chữa từ khi chưa mắc bệnh". Danh ngôn này lấy Can bệnh làm ví dụ: Can mộc có thể khắc phạt Tỳ thổ, khi gặp Can bệnh Thực chứng, dễ truyền sang Tỳ, đó là nói "Mộc vượng khắc thổ", khi điều trị nên xuất phát từ dự phòng, chú ý làm cho Tỳ vững mạnh để phòng ngừa Can bệnh truyển sang Tỳ. Như bài thuốc nổi tiếng Tiêu giao tán để chữa Can uất, dùng các vị Truật, Linh là mang ý nghĩa làm cho "Tỳ vững mạnh". Mối quan hệ Can Tỳ nhu thế, "các tạng khác cũng theo ngụ ý đó". Lý luận "chữa từ khi chưa mắc bệnh" này có thể nói là đặc sắc rất lớn trong điều trị học của Đông y, có ý nghĩa chỉ đạo trong lâm sàng.


215.Chữa bệnh cấp tính phải có gan (đởm) và kiến thức. Chữa bệnh mạn tính phải có phương và giữ gìn.
Đương đại - Nhạc Mĩ Trung 
"Nhạc Mĩ Trung luận y tập" 

Danh ngôn này của cố danh y đương đại Nhạc Mĩ Trung tổng kết nguyên tắc xử lý tật bệnh cấp tính mạn tính khác nhau.

Bệnh cấp tính phần nhiều thuộc lục dâm thời dịch gây nên, truyền biến nhanh, chứng trạng phần nhiều hiểm ác, điều trị nên bám sát cơ chế bệnh, nhân cơ chế bệnh mà phán đoán, đón đầu tấn công, dùng thuốc phải chuẩn xác và liều cao, tức là ý nói phải "có gan" mạnh dạn, Ngô Cúc Thông từng nói "chữa ngoại cảm như tướng võ", dùng binh quý ở thần tốc, đuổi tà cần phải sạch là theo ý đó. Một chút do dự e dè nào đều có thể dẫn đến sai lầm cơ chế bệnh, nung nấu thành hậu họa. Họ Nhạc nói: "có gan, có nhận thức, phải học Trọng Cảnh, thang thuốc liều cao, đơn đao tiến thẳng, đánh nhanh giải quyết nhanh". Đương nhiên, nếu chỉ "có gan" cũng chưa đủ, mà cần phải "có nhận thức", tức như đối với bệnh cấp tính phải biết cho đích xác nhạy bén, như vậy phải dựa vào công phu cơ bản sâu sắc và kinh nghiêm lâm sàng phong phú. "Có gan" mà không có nhận thức thì chỉ là hành vi lỗ mãng vô ích.

Còn như bệnh mạn tính, nói chung đều là bệnh lâu hư yếu, tình trạng đến từ từ, rút lui cũng chậm chạp, điều trị phải có thời gian, từ lượng biến đến chất biến, dứt khoát không thể sớm tối đã lập công. Ngô Cúc Thông cũng nói: "Chữa nội thương như tướng văn", bình tĩnh ung dung xoay chuyển thần cơ để đưa người lên cõi thọ là ý như thế. Đối với bệnh mạn tính mà sử dụng đối chứng dùng thuốc lúc đầu có thể thấy như vô hiệu. Nếu người bệnh tha thiết mong hiệu quả, thầy thuốc lại không có định kiến, thế tất dẫn đến lúc dùng thụốc hàn, lúc dùng thuốc nhiệt, sáng dùng phép công tối dùng phép bổ, luôn tay đổi phương, kết quả là càng đuổi càng xa, chính như nói "dục tốc bất đạt". Vì vậy, điều trị bệnh mạn tính phải có định kiến sáng suốt, điều trị theo hướng bảo toàn khôn khéo, đấy là cốt yếu không nên xem thường. Họ Nhạc nói: "Có phương pháp, có sự giữ gìn phải học Đông Viên, thang thuốc liều nhẹ cho uống nhẩn nha, như ngày nhàn rỗi, từ lượng tích luỹ dẫn đến biến hoá về chất".


216.Cấp bệnh mà dùng thuốc hoãn, là nuôi kẻ sát nhân. Hoãn bệnh mà dùng thuốc cấp, là thúc ép sát nhân.
Tống - Đậu Tài 
"Biển Thước tâm thư- Yếu chi hoãn cấp" 

Câu này nêu lên hậu quả do điều trị bệnh Cấp, Mạn (hoãn) tính dùng thuốc sai lầm gây nên, là hình ảnh sinh động, mẫu mực cho mọi người. Bệnh có năng nhẹ, điều trị có hoãn cấp. Đối với bệnh cấp tính cần phải dùng thuốc mãnh liệt (thuốc cấp) đánh nhanh giải quyết nhanh để tránh lưu hậu họa, nếu lại dùng các loại hoãn dược nhẹ nhưng bình hoà để điều trị, tình thế hoãn không giải quyết được cấp, chiến lược sai lầm, thậm chí nuôi ung nhọt để lại hậu quả, dẫn đến nguy nan người bệnh, nên mới nói "nuôi kẻ sát nhân".

Đối với bệnh mạn tính thì nên ung dung xử lý, dùng các loại thuốc nhẹ nhàng êm dịu, tích luỹ nhiều ngày để lập công. Gặp lúc chính khí đã hư, nếu lại dùng thuốc mãnh liệt gấp gáp, khó mà tránh khỏi tổn thương chính khí người bệnh cũng dẫn đến nguy hiểm cho nên nói "thúc ép sát nhân". Câu này với câu trên tuy khác lời nhưng cùng một ý, chỉ khác nhau mặt thẳng mặt trái mà thôi.


217.Bệnh có mới, lâu. Mới thì xu thế cấp, điều trị nên trọng tễ. Lâu thì xu thế hoãn, điều trị nên dùng thang thuốc nhẹ nhàng.

Minh - Chu Thận Trai 
“Thận Trai di thư - Nhị thập lục tự nguyên cơ – Hoãn" 

Câu này nêu nguyên tắc dùng thuốc chữa bệnh mới bệnh lâu khác nhau. Bệnh mới tà khí đương mạnh, chính khí chưa hư, nên dùng thang thuốc liều cao mãnh liệt, đuổi bỏ tà ngay để tránh hậu họan. Bệnh lâu tà khí đã từ từ mà chính khí tổn thương khá lớn, điều trị nên dùng thang thuốc bình hoà nhẹ nhàng, chăm sóc chu đáo, không nên lạm dụng thang thuốc liều cao để tránh tổn thương chính khí.


218.Con đường khéo sử về sâu, càng phải học kỹ.

Thanh - Từ Linh Thai 
"Y học nguyên lưu luận - Danh y bất khả vi luận" 


219.Điều lý sau khi mắc bệnh không dễ như khi chữa bệnh.

Thanh - Ngô Cúc Thông 
"Ôn bệnh điều biện - Hạ tiêu thiên" 






Hai câu y văn đều nêu tính trọng yếu chăm sóc sau khi mắc bệnh, khiến cho phải suy nghĩ sâu sắc. Sau khi khỏi ốm nặng hoặc chính khí hư yếu mà dư tà chưa sạch hoặc tà khí tuy rút nhưng chính khí đã suy, theo phép nên châm chước cặn kẽ, điều lý thích hợp không nên coi thường, kể cả ăn uống, nằm ngồi kiêng kị cũng nên chú ý, tránh khỏi cái lỗi do chăm sóc không khéo dẫn đến bao công lao trước đi đến uổng công, tật bệnh dằng dai hoặc tái phát. Họ Ngô bàn: "Chăm sóc sau khi mắc bệnh không dễ như khi chữa.