Tiểu dẫn (Huyền Tẫn phát vi)

Có người hỏi: tôi chữa bệnh thường dùng các vị thuốc khí huyết sơ sài một vài thang, có bệnh khỏi ngay, có bệnh bớt chậm, rồi liền cho uống các bài Lục vịBát vị mà bênh nặng lập tức lành ngay, thế thì người ta bị bệnh đều do thủy hỏa hư cả ư?

Tôi trả lời: 

Trong Nội kinh nói: “Trăm bệnh cảm vào, vốn do hư mà dẫn đến”. 
Lại nói: “Trăm bệnh hư tổn, cuối cùng đến thận”. 
Lại nói: “Bệnh mới thì nên phân ra nội thương hay ngoại cảm, bệnh lâu thì đều quy về hư cả”. 
Lại nói: “Phép chữa trăm bệnh rút cục căn bản cũng như chữa một bệnh”, 
còn nói: “Biết được cốt yếu, một lời là đủ rõ hết”. 

Tôi kinh nghiệm chữa bệnh đã lâu, biết rằng sự thần diệu của cổ phương không bài nào bằng các bài Lục, Bát vị, thật là thuốc thánh để bảo vệ sinh mạng, nếu mà hiểu sâu được ý nghĩa, gặp từng loại mà suy rộng ra thì càng dùng càng thấy hay lạ, đem chữa bệnh nào mà chẳng được.

Dùng để trục tà thì nó bổ chân thủy mà ra được mồ hôi

Dùng để tiêu đờm thì nó tan được chất hủ bại mà vận hóa mạnh lên

Dùng để khu phong thì nó sinh ra huyết mà phong tự hết

Dùng để tán hàn thì nó bổ chân hỏa mà tiêu âm tà

Dùng để thanh thử thì nó thu nạp được khí về nguồn gốc

Dùng để trừ thấp thì nó dẹp được hết thủy tà

Chữa trẻ con thuần dương thì nó sinh thêm thiên quý để cứu bệnh không có âm

Chữa bệnh kinh huyết thì nó bổ cho chân thủy để tưới nhuần vào chỗ huyết khô huyết bế

Uống lúc có mang thì nó giữ vững bào thai

Uống sau khi đẻ thì nó bồi dưỡng thêm tinh huyết; các chứng phong, lao, cổ, cách uống bài này cũng cứu vãn lại được, huống hồ các loại rôm sẩy nhỏ nhặt thì nó chữa có khó gì

Điều chủ yếu là cách dùng nó như thế nào đó là một vấn đề. Tôi chữa bệnh hoặc dùng cả nguyên phương mà phân lạng giảm bớt đi, hoặc chỉ dùng một vài vị hoặc 3 – 4 vị, hoặc kèm cả thuốc công, thuốc bổ 13 – 14 vị, bởi vì tùy bệnh mà đặt phương thuốc, điều cốt yếu nhất là khí vị phải hợp nhau mới có thể xếp thành một tễ.

Tôi thường hiểu ý rằng có Thục địa thì có thể mạnh được chân thủy, có các vị Quế, Phụ thì có thể bổ được chân hỏa, thế là diệu pháp để bổ âm dương đầy đủ rồi. Còn các vị tá sứ nên nhiều hay nên ít chỉ là dùng kèm theo mà thôi. 

Lời biện bạch như vậy tuy đã bàn chép ở trong sách nhưng khó tỏ cho cùng ý, khó nói cho cạn lời, nên mới biên tập những lời bàn về phương thang của các bậc hiền triết, phàm bài nào có quan hệ đến công dụng chữa bệnh về thủy hỏa tập thành một quyển nhan đề là “Huyền tẫn phát vi”, nghĩa là nói rõ cái bí ẩn của âm dương thủy hỏa. Mong rằng những người có chí về Y đạo lưu tâm suy nghĩ, xem rộng đến nguồn gốc, thì phép chữa tự mình đề ra, phương thuốc tự mình đặt ra. Cho nên nói: sách thánh hiền nên đọc, phương của thánh hiền nên bắt trước, thì còn lo gì ý khó suy cùng, lời khó nói hết nữa đâu.