Thuyết minh về nội cảnh đồ

Họng và hầu đều chung một cuống, mỗi cái có một chức năng riêng, hầu ở đằng trước chủ về hô hấp, họng ở đằng sau chủ về ăn uống, phàm khi ăn uống vào họng mà thức ăn không tràn sang hầu được là vì nhờ có cái lưỡi gà đậy lại, cho nên khi đang ăn mà sặc là vì lúc đang ăn mà nói chuyện thì khí đưa ra, lưỡi gà mở, thức ăn đi lẫn vào hầu cho nên phải sặc, bởi vì hầu đang trống không, chỗ cuống họng thông với khí quản, gọi là thanh quản, không thể dung nạp được chút gì khác, nếu có vật gì vướng mắc là bị sặc. Nội kinh nói: “Tiếng nói nặng là vì lưỡi gà đầy”.

Dưới hầu có phế, phế tàng phách, chủ khí, giữ vai trò tướng phó, làm trách nhiệm điều hòa tiết chế, lá phổi hình như cái ô sắc trắng, có 6 lá hai lỗ, che úp lên trên các tạng rủ ra 4 thùy, giáp gần vào xương sống thứ 3, bên trong có 24 lỗ trống rỗng như tổ ong, ở dưới không có lỗ, nó có công năng dẫn khí cho các tạng, khi hít vào thì đầy, khi thở ra thì xẹp, luôn luôn hít vào thở ra để gạn lọc chất thanh trọc như cái ổ khóa của toàn thân. Chữ Phế (肺) cấu hình bởi hai chữ nhục (月) là thịt và thị (巿) là chợ, phế là cái chợ, các mạch hội họp vào đó, kinh này nhiều khí và ít huyết, hợp với da, vinh nhuận ở lông, khai khiếu ở lỗ mũi, giờ dần giờ thìn thì khí huyết dồn về phế.

Dưới phế có tạng tâm, tâm tàng thần, giữ vai trò quân chủ, phát ra thần minh, nó ở sâu trong tâm phát ra mệnh lệnh, tướng hỏa thay nó mà thi hành nhiệm vụ (tức là tướng hỏa ở thận), tâm là quân chủ hóa sinh tự nhiên. Tâm quán thông với phế, phế tựa như chốn minh đường để các chư hầu triều yết (tâm ở dưới phế quản, trên chẻn dừng ngang với đốt xương sống thứ 5, ban đêm thì các mạch hội họp ở phế, kinh này ít khí nhiều huyết, hợp với huyết mạch, vinh nhuận ra hình sắc, khai khiếu ra đầu lưỡi, hình như nhụy hoa, ở giữa có lỗ nhỏ nhiều ít không giống nhau, để tạo dẫn khí thiên chân, dưới không có lỗ, trên thông với lưỡi. Phàm các tạng như can, thận, tỳ, vị, đởm bàng quang đều có một đường dây gắn vào cạnh tâm bào để thông với tâm, dưới tâm có chẻn dừng ngăn che các khí vẩn đục để cho nó khỏi bốc lên tâm phế, đến giờ ngọ thì khí huyết đều rót vào tâm).

Ở dưới tâm có tâm bào lạc gọi là đản trung, đóng vai trò thần sứ, mừng vui đến phát ra từ đó, hình như cái chậu để ngửa, tâm ở vào quãng giữa đó. (Bào lạc hộ vệ cho tâm tựa như vua ngự thì bên ngoài có thành quách bao bọc. Nếu có ngoại tà xâm phạm thì sẽ phạm vào bào lạc, mà không thể vào tâm được. Nếu phạm vào tâm thì chết. Bào lạc là tướng hỏa thay tâm làm mọi việc, giờ tuất thì khí huyết đều rót vào tâm bào).

Ở dưới tâm bào thì là tạng can. Can tàng hồn và huyết, hồn là phụ tá của thần, đóng vai trò như vị tướng quân, lại còn là tể tướng, tính nó hoạt động nhiều, ít khi yên tĩnh, nhưng cơ mưu đều phát sinh ra ở đó, nó ở dưới chẻn dừng ngang với dạ dày ở vào quãng giữa xương sống thứ 9, đường dây của nó cũng liên hệ với tâm bào, là nơi huyết hải, thông lên với mắt. (bên trái 3 lá, bên phải 4 lá, hoặc 2,3 lá, vị trí ở phía trước quả cật và mạn sườn bên trái, nên tác dụng của nó ở về bên trái, kinh này nhiều huyết ít khí, ứng hợp với gân, vinh nhuận ra ngoài ngón, khai khiếu ở mắt, giờ sửu thì khí huyết đều dồn về can). Chỗ lá gan ngắn có đởm (túi mật), đởm là các chức vụ trung chính, sự quyết đoán xuất phát từ đó, ở trong có chất nước, chỉ thu tàng chứa mà không tả ra, nặng ước 3 lạng, 3 thù, dài 3 tấc, chứa nước mật tinh vi. 3 vốc sắc nước gần như sắc vàng, không có lỗ ra vào. Khi xót thương thì nước mắt chảy ra là do thủy bị hỏa nung nấu, đó là âm phải theo dương, khai khiếu ở cuống họng, thấy nóng và đắng miệng là đởm khí trào lên (nó không giống với sự chuyển hóa ở các phủ kia mà là một phủ thanh hư. Kinh này nhiều huyết ít khí, nó cùng vị trí với quẻ Khảm, giờ tý thì khí huyết rót về đởm).

Từ cổ họng đến vị (dạ dày) dài một thước 6 tấc (thường gọi là cuống họng) dưới cuống họng thì có chẻn dừng, dưới chẻn dừng có dạ dày làm chức vụ kho tàng, ngũ vị xuất phát từ đó, là nơi chứa thức ăn uống để sinh khí huyết. Phàm thức ăn uống vào vị, các chất tinh ba chuyển tới tỳ phế, khi chất thức ăn truyền vào tiểu trường nhờ khí hạ tiêu gạn lọc ra, chất nước trong sạch thì vào thận, chất nước đục thì thấm vào bàng quang, chất tinh ba nạp vào thận, chất cặn bã thì dồn ra đại trường, đại trường dồn vào ruột cùng (quảng trường) rồi tống xuất ra ngoài. Những chứng bệnh đi tả là trách cứ vì hỏa ở hạ tiêu bị hư, không làm cho nước ở tiểu trường thấm ra mà đi lẫn vào đại trường, rồi sinh ra đi tả, cho nên bệnh đi tả thì tiểu tiện ít, như thế đủ rõ. (Chữ vị (胃) đồng nghĩa với chữ vị ( ), nghĩa chữ vị ( ) là hội họp, tựa như nơi đô thị, ngũ vị đều tụ hội về đó, không một thứ gì mà không dung nạp, tức là ý nghĩa vạn vật đều trở về lòng đất. Kinh này nhiều khí ít huyết, vị ở trên và dưới có hai đường, đường trên đi ra ngang với phế hệ ra cuống họng dưới yết môn là vị quản, miệng trên của vị là bí môn, miệng dưới của vị tiếp với tiểu trường gọi là u môn, giờ thìn thì khí huyết đều rót về vị).

Bên trái của vị thì có tỳ, tỳ cũng chủ về chức năng kho tàng, chứa ý và trí, phàm khi thức ăn uống vào trong vị thì nó chuyển động ma sát, song song với vị có những đường lạc quanh quất chằng chéo và màng mỡ rải khắp, nghe tiếng thì động, khi động thì làm cho vị ma sát chủ việc vận hóa (Tỳ là chức giáng nghị, kinh này nhiều khí ít huyết nó hợp với thịt, vinh nhuận ra ngoài mũi, khai khiếu ở miệng, giờ tỵ thì khí huyết đều rót về tỳ).

Bên phải của vị là tiểu trường, tiểu trường có chức năng chứa đựng thức ăn được biến hóa đều do đó mà ra, phía sau gần vào xương sống, phía trước giáp với rốn, gấp cuộn lại thành 16 khúc, miệng trên của tiểu trường tức là miệng dưới của dạ dày gọi là u môn, miệng dưới của tiểu trường gọi là lan môn (tiểu trường chủ gạn lọc ra chất trong đục, chất nước thấm vào bàng quang, cặn bã đưa ra đại trường, kinh này nhiều huyết ít khí, giờ mùi thì khí huyết đều rót vào tiểu trường).

Bên phải của tiểu trường là đại trường, tức là hồi trường, làm chức năng đùn đẩy biến hóa, là con đường để làm cho thủy cốc được lưu thông, nó nằm ở bên trái rốn, quanh co gấp xếp xuôi xuống và cũng có 16 khúc. Quảng trường tức là chỗ hồi trường to, áp gần cuối xương sống để tiếp thu những chất do hồi trường dồn xuống. Nơi đó là nơi bài tiết chất cặn bã. (Trực tràng là đoạn cuối của quảng trường, giáp với hậu môn đó là cửa ngõ của hậu môn, nó đều là tên riêng của đại trường cả, kinh này nhiều huyết ít khí, đến giờ mão thì khí huyết đều dồn vào đại trường cả).

Bên trái của quảng trường là bàng quang, bàng quang giữ chức châu đô, là nơi tàng chứa tân dịch, ngang vào chỗ xương sống thứ 19, ở dưới quả thận, trước đại trường khi đầy khi vơi, vì nó thông ngang với đường thủy nên gọi là “bàng”, toàn thân nó trống rỗng, có thể chứa nước cho ngấm dần vào trong bọng, khi bọng đầy rồi thì sẽ đái ra. Chất của nó đỏ trắng sáng gọi là “quang”, ở trên nó không có lỗ vào chỉ có lỗ dưới, tiết ra và thấm vào của nó đều nhờ sức khí hóa của hạ tiêu, khí không hóa được nên đọng lại mà sinh bệnh. Nếu khí chuyển vào không hóa, thì nước về đại trường mà thành bệnh tả, khí chuyển ra không hóa được thì khiến dưới tắc mà thành ra chứng sưng thũng (kinh này nhiều huyết ít khí, giờ thân thì khí huyết đều rót về bàng quang).

Ở trên bàng quang có thận, thận là giữ chức năng tác cường, tàng tinh và chứa chí, sự khôn khéo xuất phát từ đó (nam giới gọi là tác cường, nữ giới gọi là kỹ xảo, nó tiếp thụ tinh của lục phủ ngũ tạng mà dành chứa lại, cho nên ngũ tạng đầy thì thận sẽ tả được. Thận chủ xương, dẫn khí thông vào cốt tủy, nó là cái bể của khí huyết, là nơi nương tựa của tinh thần và là căn bản của sinh mệnh, hai quả cật song song với nhau áp sát ở hai bên xương sống, quả bên trái là âm thủy, cửa giữa là mệnh môn, tức là tiên thiên thái cực ở trong nhân thể. Bên cạnh mệnh môn có hai huyệt, huyệt bên trái là chân âm, chân thủy, huyệt bên phải là chân dương chân hỏa (kinh này ít huyết nhiều khí, hợp với xương, vinh nhuận ra tóc, khai khiếu ở tiền âm và hậu âm, giờ dậu thì khí huyết đều rót về thận).

Giữa thận có mệnh môn, bên phải bên trái của mệnh môn là hai quả thận đều tách ra 1 tấc 5 phân. Mệnh môn ở vào chính giữa. Nó có thể sánh ngang với tâm đều là chân quân chủ, là một thái cực trong nhân thể, không có hình thể để nhìn thấy, ở quãng giữa hai quả thận, nó gọi là Hoàng đình, là nơi tàng chứa tinh của nam giới và là chỗ liên hệ bào cung của nữ giới. Tinh của nam giới hay huyết của nữ giới đều tụ ở đó. Các nhà đạo dẫn thì gìn giữ để tu luyện, người thường thì thuận theo sự phát dục để sinh ra người. Mệnh môn tức là chỗ thành lập ra sinh mệnh, là cội gốc cho sự sinh sản, là nơi phát nguyên của tạng phủ. Cho nên thận có khả năng làm được kỹ xảo và tác cường, bàng quang có khả năng vận hóa được nước, tỳ vị có khả năng chưng nấu được thức ăn, can đởm biết mưu toan quyết đoán, đại trường, tiểu trường thì làm việc biến hóa đùn đẩy. Phế làm được việc điều hòa tiết chế, tâm thì sáng suốt, đều là nhờ một điểm đọng khí ở giữa hai quả thận. Nếu không có điểm đó thì sẽ thành cái thây ma (Các tiên hiền cho rằng sự tiếp ứng với sự vật đều do ở tâm nên lấy tâm làm chủ tể, còn như bồi tiếp cho chân nguyên, nuôi luyện hơi thở để làm căn bản cho sự sinh hóa thì tàng chứa ở giữa hai quả thận nên lại càng coi trọng thận, thực ra nó không phải là thận, cũng không phải là tâm. Lý Thời Trân nói: “Sự cùng, thông, thọ, yểu của con người đều căn bản ở chỗ đó”).

Tam tiêu tức là khí của tam nguyên là nhiệm vụ khơi thông, đường thủy phát xuất từ đó, chủ về việc đưa lên đưa xuống và đưa ra đưa vào thâu tóm cả lục phủ, ngũ tạng vinh vệ, kinh lạc phải trái, trên dưới trong ngoài. Từ cuống họng tới miệng trên dạ dày là thượng tiêu, từ cửa trên dạ dày xuống miệng dưới dạ dày là trung tiêu, từ miệng dưới dạ dày đến hậu môn là hạ tiêu, khí tam tiêu thông thì trái phải trong ngoài đều thông, nó còn tưới nhuần khắp thân thể, điều hòa trong ngoài, vinh dưỡng bên trái bên phải dẫn đạt trên dưới, gọi là phủ trung thanh, không có gì bao quát rộng hơn nó. Có hai màng ngăn, sắc rất đỏ hộ vệ các dương khí, không phải là nó không có hình trạng mà chỉ có tên mà thôi. Đại khái thượng tiêu như sương mù, trung tiêu như bọt nước, hạ tiêu như ngòi lạch, chủ giữ khí ở 3 nơi theo với tượng của tam tài, hun sấy các chất thủy cốc, phân biệt các chất thanh trọc cho nên nói tam tiêu là đường thông của thủy cốc, là chỗ khởi thủy sinh ra khí (kinh này nhiều huyết ít khí, giờ hợi thì khí huyết đều rót về tam tiêu).