Thuốc phá huyết


Thuốc phá huyết có tác dụng hành huyết ở mức độ mạnh hơn; được dùng với các bệnh huyết ứ đọng, gây đau đớn mãnh liệt.
Vị thuốc:
Khương hoàng (nghệ vàng)
Rhizoma Curcumae longae
     Dùng thân rễ đã phơi khô hay đồ chín rồi phơi khô của cây nghệ  - Curcuma longa L. họ Gừng - Zingiberaceae.

      Tính vị : vị cay, đắng; tính ấm.
      Quy kinh: vào kinh tâm, can, tỳ.
      Công năng: hành khí, chỉ thống, phá huyết, thông kinh, tiêu mủ, lên da non.
      Chủ trị:
      - Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh. Dùng cho phụ nữ sau sinh để hoạt huyết, làm sạch huyết ứ, chữa chứng huyết vậng.
      - Chữa các cơn đau do khí trệ: chữa đau dạ dày, ngực bụng đầy trướng đau tức, đau thần kinh liên sườn.
      - Chữa mụn nhọt sang lở.
      - Chữa các chứng xung huyết do sang chấn (bị đòn, ngã tổn thương ứ huyết. . . ) .
      - Trị phong thấp, tay chân đau nhức.
       Liều dùng: 4 - 12g/ ngày. Dạng thuốc sắc. Dùng ngoài nghệ tươi giã nhỏ vắt lấy nước để bôi ung nhọt, các vết tấy lở loét ngoài da.
       Kiêng kỵ: không có ứ trệ không nên dùng.
       Chú ý: Rễ củ cây nghệ gọi là uất kim; có vị cay, đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, phế can. Có công năng hành huyết phá ứ, hành khí giải uất. Chỉ định: chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, cầm máu do xung huyết gây thoát quản, chữa các cơn đau dạ dày do khí trệ, an thần do sốt cao gây mê sảng, vật vã. Liều dùng 6 - 12g/ ngày, dùng sống.
Nga truật (tam nại, nghệ đen, ngải tím)
Rhizoma Curcumae zedoariae
     Dùng thân rễ đã chế biến, phơi sấy khô của cây Nga truật - Curcuma zedoaria (Berg. ) Roscoe. họ Gừng - Zingiberaceae.
      Tính vị : vị đắng, cay; tính ấm.
      Quy kinh: vào kinh can, tỳ.
      Công năng: hành khí, phá huyết, chỉ thống, tiêu tích.
      Chủ trị:
      - Phá huyết hành khí: chữa bế kinh, thống kinh.
      - Tiêu thực hoá tích trệ: dùng khi ăn uống không tiêu gây đau bụng, đầy bụng, chướng hơi, ợ chua.
      - Chữa các cơn đau do khí trệ: đau dạ dày, thống kinh.
       Liều dùng: 4 - 12g/ ngày. Dạng thuốc sắc hay hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
       Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng. Cơ thể yếu không có tích trệ thì không nên dùng.
Tô mộc (gỗ vang)
Lignum Sappan
     Dùng gỗ lõi chẻ nhỏ rồi phơi sấy khô của cây Tô mộc (cây Vang) - Caesalpinia sappan L. họ Vang Caesalpiniaceae.
      Tính vị : vị ngọt, mặn; tính bình.
      Quy kinh: vào kinh can, tỳ.
      Công năng: phá huyết thông kinh.
      Chủ trị:
      - Chữa bế kinh, thống kinh
      - Chữa xung huyết do sang chấn.
      - Chữa lỵ, ỉa chảy.
       Liều dùng: 3 - 9g/ ngày. Dạng thuốc sắc hay hoàn tán hay cao lỏng.
       Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng, huyết hư không ứ trệ không dùng.
Tam lăng
Dùng thân rễ cây Tam lăng- Scirpus yagara họ Cói - Cyperaceae.
Tính vị: Vị đắng, tính bình
Quy kinh: vào kinh can, tỳ.
Công năng: Phá huyết, hành khí, tiêu tích.
Chủ trị: Chữa bế kinh, chữa các cơn đau nội tạng do khí trệ như đau dạ dày, chữa đầy bụng đau bụng do ăn nhiều thịt, trứng, sữa.
Liều dùng:  6-12g/ ngày.