Thuốc bình suyễn

Ma hoàng


( Xem phần thuốc Tân ôn giải biểu)



Cà độc dược ( Mạn xà la hoa)


Dùng hoa và lá cây cà độc dược

TÍNH VỊ
  • Vị cay, đắng, tính ấm.

QUY KINH
  • Vào phế, can và vị.

CÔNG NĂNG
  • Bình xuyễn, chỉ khái, giải co cứng, chỉ thống.

CHỦ TRỊ
  • Ho xuyễn khò khè (hen phế quản). Dùng lá, hoa khô thái nhỏ thành sợi (0,4g) cuốn lại như điếu thuốc lá và hút cắt được cơn hen (chỉ dùng cho người lớn).

  • Giảm đau: trị đau dạ dày, đau khớp; dùng liều 0,4g sắc uống hoặc dùng 12g sắc, xông và rửa chỗ khớp bị đau.

  • Chữa rắn cắn: dùng quả tươi giã nát đắp vào chỗ rắn cắn. Ngoài ra dùng đắp vào chỗ mụn nhọt hoặc chấn thương.

LIỀU DÙNG
  • 0,2g/lần( bột lá). 0,6g/24h.Dùng liều lượng này cho cao lỏng 1:1

  • Cồn lá khô 1/10, liều tối đa cho người lớn 2g/lần, 6g/24h; liều trung bình cho người lớn 0,5g/lần, 2g/24h.

KIÊNG KỴ
  • Không dùng vị thuốc này cho trẻ dưới 15 tuổi và phụ nữ có thai.

CHÚ Ý
  • Trong lá và hoa cà độc dược có chứa alcaloid atropin, scopolamin.

  • Theo Ngô Vân Thu, Phạm Xuân Sinh alcaloid toàn phần của cà độc dược có tác dụng làm giãn cơ trơn đường tiêu hoá và cơ trơn khí quản; do đó mà có thể làm giảm nhu động ruột làm hết cơn đau dạ dày, và cắt cơn hen.



Bạch quả

Dùng hạt già phơi hay sấy khô của cây Ngân hạnh hay cây Bạch quả- Ginkgo biloba

TÍNH VỊ
  • Vị ngọt, đắng, sáp; tính bình, có độc.

QUY KINH
  • Vào phế, vị.

CÔNG NĂNG
  • Bình xuyễn hoá đàm, thu sáp chỉ đới

CHỦ TRỊ
  • Chữa ho, hen suyễn; phối hợp với ma hoàng, hạnh nhân.

  • Chữa tiểu tiện nhiều, tiểu tiện đục, đái dầm; chữa khí hư bạch đới ở phụ nữ; có thể phối hợp với tỳ giải, xa tiền, chi tử.

LIỀU DÙNG
  • 6-12g/ ngày.

CHÚ Ý
  • Bạch quả sống có độc, cần phải qua chế biến.

  • Chế biến: thu hoạch vào mùa thu, hái quả chín, bỏ hết chất thịt và vỏ ngoài, rửa sạch, hấp hoặc luộc qua, phơi hoặc sấy khô.

  • Bào chế: Bỏ tạp chất và vỏ cứng của hạt, lấy nhân, khi dùng giã nát.

KIÊNG KỴ
  • Không dùng sống vì có độc.