Thuốc tiêu đạo


1. Đại cương
    1. 1. Tác dụng chung:
    - Tiêu thực hoá tích: Loại thuốc này được dùng khi tiêu hoá không tốt, thức ăn bị tích trệ trong dạ dày, ruột; gây bụng đầy trướng, ợ chua, buồn nôn, nấc, lợm giọng, đau bụng, ỉa chảy.
    - Khai vị nhập thực: Làm cho ăn ngon miệng.
    1. 2. Chú ý khi sử dụng :

    - Khi tiêu hoá không tốt mà có kèm theo khí trệ thì phải phối hợp thuốc tiêu hoá với các thuốc lý khí như chỉ thực, trần bì, hậu phác.
    - Khi có tích trệ đầy trướng thì phải phối hợp thuốc tiêu hoá với các thuốc tả hạ như đại hoàng, mang tiêu.
    - Khi tiêu hoá không tốt do tỳ vị hư nhược thì phải phối hợp thuốc tiêu hoá với các thuốc bổ khí kiện tỳ như bạch truật, đẳng sâm, hoài sơn.
    2. Vị thuốc
Sơn tra (quả chua chát)
Fructus Mali
      Dùng quả chín đã thái phiến phơi hay sấy khô của cây chua chát  - Malus doumeri (Bois. A. Chev. ), họ Hoa hồng - Rosaceae.
       Tính vị : vị chua, ngọt ; tính hơi ấm.
       Quy kinh: vào kinh tỳ, vị, can.
       Công năng: tiêu thực tích, hành ứ, hoá đàm.
       Chủ trị:
      - Tiêu thực hoá tích: dùng khi thức ăn là thịt, dầu mỡ, sữa bị tích trệ, bụng đầy trướng, không tiêu.
      - Khứ ứ thông kinh: dùng đối với ứ trệ, kinh bế lâu ngày, sau khi đẻ ứ huyết, đau bụng (dùng 40g sơn tra sắc uống).
      - Bình can hạ áp: dùng trong bệnh huyết áp cao, co thắt mạch vành.
       Liều dùng: 8 - 20g/ngày.
       Kiêng kị: những người tỳ vị hư nhược, không có tích trệ không nên dùng.
       Chú ý: Ngoài vị sơn tra nói trên, còn có vị sơn tra bắc - Crataegus pinnatifida Bge. var . major NE
Kê nội kim
Endothelium Corneum Gigeriae Galli
       Dùng màng trong đã phơi hay sấy khô của mề con gà - Gallus gallus domesticus Brisson. họ Chim trĩ - Phasianidae.
       Tính vị : vị ngọt ; tính bình.
       Quy kinh: vào kinh tỳ, vị, tiểu trường, bàng quang.
       Công năng: Kiện vị, tiêu thực, sáp tinh.
       Chủ trị:
      - Tiêu thực hoá tích, kiện vị: Dùng khi ăn uống bị tích trệ, tiêu hoá không tốt, bụng đầy trướng, buồn bực, bí tích, buồn nôn.
      - Cầm ỉa chảy, do tỳ hư đi lỏng lâu ngày.
      - Cố thận ích tinh: chữa di tinh, đái dầm.
      - Chữa sỏi bàng quang, sỏi mật.
       Liều dùng: 8 - 12g/ngày. Sao vàng tán bột mịn.
       Kiêng kị: không có tích trệ không nên dùng.
       Chú ý: Theo kinh nghiệm màng mề gà sau khi sao vàng tán bột min uống, tốt hơn là dạng thuốc sắc.
              Ngoài ra, còn dùng ngoài sát vào mụn cơm, mụn cóc.
Mạch nha
Fructus Hordei germinatus
       Dùng quả chín nảy mầm của cây lúa Đại mạch - Hordeum vulgare L. họ Lúa - Poaceae.
       Tính vị : vị mặn ; tính bình.
       Quy kinh: vào kinh tỳ, vị.
       Công năng: tiêu thực hoá tích, làm mất sữa.
       Chủ trị
      - Tiêu hoá thức ăn: do ăn nhiều miến, sữa, hoa quả gây đầy bụng. Dùng mạch nha sao.
     - Làm mất sữa: dùng mạch nha sao sắc uống (dùng cho phụ nữ muốn cai sữa)
       Liều dùng: 8 - 16g/ngày. Làm mất sữa 60g/ ngày.
       Kiêng kị: Thuốc có tính chất làm mất sữa, cho nên phụ nữ có thai và trong thời kỳ cho con bú không nên dùng.
       Chú ý: (theo Dược điển VN III)
      - Sinh mạch nha: có tác dụng kiện tỳ, hoà vị, thư can, thông sữa. Chữa tỳ hư, kém ăn, sữa uất tích.
      - Mạch nha sao: có tác dụng hành khí, tiêu thực, làm mất sữa. Chữa thực tích không tiêu, bầu vú đau trướng.
      - Tiêu mạch nha: có tác dụng tiêu thực hoá trệ. Chữa thực tích không tiêu, thượng vị trướng đau.
 (Mạch nha sao: mạch nha rang nhỏ lửa, sao đến vàng nâu lấy ra để nguội, sẩy sạch bụi, tro vụn là được. Tiêu mạch nha: mạch nha cho vào nồi, đun to lửa, sao cho vàng sém, lấy ra để nguội sẩy hết tro bụi là được. )
Cốc nha
      Dùng mầm hạt thóc tẻ đã phơi khô của cây lúa - Oryza sativa L. họ Lúa  - Poaceae.
       Tính vị : vị ngọt ; tính ấm.
       Quy kinh: vào kinh tỳ, vị.
       Công năng: tiêu thực hoá tích, khai vị.
       Chủ trị
      - Dùng khi ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, căng đau.
      - Khai vị, làm cho ăn ngon miệng; dùng đối với tỳ vị hư nhược, ăn uống không tiêu .
       Liều dùng: 8 - 16g/ngày. Dùng sống hay sao vàng.       
       Chú ý: Mạch nha, cốc nha đều có tác dụng kiện vị, tiêu thực, về hiệu quả đó thì tương đương nhau. Nhưng mạch nha có tác dụng làm cho tiêu hoá tốt hơn; cốc nha thì công năng dưỡng vị tốt hơn.
Thần khúc (lục thần khúc)
Massa medicata fermentata
    Là chế phẩm được chế biến từ một số vị thuốc đông y phối hợp với bột mỳ hoặc bột gạo, trộn đều, ủ kín cho lên mốc vàng rồi phơi khô thành bánh thuốc.
    Công thức Lục thần khúc thường có: bột mỳ, bột hạnh nhân, bột xích tiểu đậu, nước ép cây thanh hao, cây thương nhĩ, cây dã liệu (nghể) tươi. Trộn đều, ủ kín cho lên mốc vàng, đem phơi khô. Thần khúc thường đóng thành bánh hoặc nắm thành thỏi; thời gian chế biến, sản xuất thần khúc tốt nhất vào mùa hè. Số lượng vị thuốc lúc đầu chỉ có 6 vị, sau tăng dần lên tới 30 - 50vị thuốc.
       Tính vị : vị cay, ngọt ; tính ấm.
       Quy kinh: vào kinh tỳ, vị.
       Công năng: tiêu thực, hoà vị, hành khí, kiện tỳ, phát biểu, hoà lý.
       Chủ trị
      - Tiêu hoá thức ăn bị tích trệ, bụng đầy trướng, nôn, ỉa chảy (thần khúc uống với nước sôi để nguội)
      - Chữa bệnh không muốn ăn, miệng nhạt vô vị, bụng đầy trướng.
      - Cầm ỉa chảy do tỳ hư.
      - Chữa cảm lạnh, cảm nắng.
      - Lợi sữa.
       Liều dùng: 10 - 20g/ngày. Dạng thuốc sắc hay thuốc bột, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.       
       Chú ý: Do thuốc chế từ nhiều vị thuốc có nguồn gốc khác nhau nên trong thần khúc có chứa nhiều men thuỷ phân tinh bột, tinh dầu và các men khác nhau. Do đó có tác dụng kích thích tiêu hoá tốt, giúp cho ăn uống tốt.